Từ điển bệnh lý

Bệnh tích protein phế nang : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 28-02-2025

Tổng quan Bệnh tích protein phế nang

Bệnh tích protein phế nang (PAP) là một bệnh phổi hiếm gặp liên quan đến sự tích tụ surfactant là một hoạt động bề mặt trong phế nang do giảm độ thanh thải, thay vì tăng sản xuất. 

Năm 1958 bởi Samuel H. Rosen và cộng sự lần đầu tiên mô tả bệnh tích tụ protein phế nang (PAP). 

Có 3 nguyên nhân khác nhau có thể làm tích tụ chất hoạt động bề mặt trong phế nang là tự miễn, bẩm sinh hoặc là thứ phát. 

90% là PAP do nguyên nhân tự miễn, cơ chế chủ yếu liên quan đến anti-GM-CSF. 

PAP thứ phát xảy ra do bệnh lý nền trước đó hoặc các yếu tố bên ngoài làm thay đổi chức năng của đại thực bào phế nang, dẫn đến tích tụ bất thường protein và surfactant trong phế nang, ví dụ như đa u tủy xương, hội chứng rối loạn sinh tủy - MDS, bệnh bạch cầu mạn dòng tủy, suy giảm miễn dịch đa dạng phổ biến CVID, hội chứng DiGeorge, nhiễm trùng phổi do lao hoặc nấm, HIV/AIDS, tiếp xúc hóa chất hoặc bụi độc hại,...

PAP bẩm sinh chiếm tỷ lệ nhỏ nhất trong các nguyên nhân gây ra bệnh tích protein phế nang, chủ yếu là do đột biến gen liên quan đến GM-CSF hoặc Surfactant.

Nội soi phế quản và rửa phế nang rất quan trọng để chẩn đoán bệnh tích protein phế nang

Nội soi phế quản và rửa phế nang rất quan trọng để chẩn đoán bệnh tích protein phế nang

Dịch tễ học

PAP là một bệnh phổi hiếm gặp. Tùy thuộc vào các quốc gia khác nhau mà thống kê cứ một triệu người thì có khoảng 3,7 đến 40 trường hợp mắc PAP. 

Khoảng 90% các trường hợp là PAP tự miễn, PAP thứ phát là 4%, PAP bẩm sinh 1% và 5% còn lại là bệnh giống PAP chưa xác định. 

Có khoảng 53% đến 85% bệnh nhân PAP được báo cáo là có hút thuốc.

Trong bệnh PAP tự miễn, tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ giới là 2:1. Độ tuổi dao động từ trẻ sơ sinh đến 72 tuổi tuy nhiên hay gặp hơn ở nhóm đối tượng từ 39 tuổi đến 51 tuổi. 

Thời điểm chẩn đoán PAP thứ phát thường từ 37 đến 45 tuổi. Tỷ lệ nam cao hơn nữ (1,2:1)

PAP bẩm sinh phổ biến nhất ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng có thể bắt đầu xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào.

Hút thuốc và tiếp xúc với một số loại bụi hoặc hóa chất làm tăng nguy cơ mắc PAP.



Nguyên nhân Bệnh tích protein phế nang

Các phế nang có thành mỏng cho phép oxy đi từ phổi vào máu. Các thành tự nhiên có một lớp protein và chất béo (gọi là chất hoạt động bề mặt) giúp chúng luôn mở để oxy có thể đi qua. Đại thực bào phế nang định kỳ sẽ làm sạch chất hoạt động bề mặt khỏi các túi khí để chúng không bị tắc nghẽn.

Ở các bệnh nhân bị bệnh tích protein phế nang, các đại thực bào không nhận được tín hiệu cần thiết để làm sạch thành phế nang. Vì vậy, chất hoạt động bề mặt tích tụ và sẽ làm chặn phế nang sẽ làm ảnh hưởng đến trao đổi oxy của phổi.

PAP tự miễn là hậu quả trực tiếp của kháng thể chống lại GM-CSF. Nhiều nghiên cứu ghi nhận trên các bệnh nhân PAP có tình trạng hút thuốc và nhiễm trùng phổ biến nên có giả thuyết cho rằng cho rằng khói thuốc lá hoặc các bệnh truyền nhiễm kích thích sự phát triển của các tự kháng thể này, tuy nhiên giả thuyết này vẫn chưa chứng minh được mối liên quan nhân quả.

PAP thứ phát là do bất kỳ bệnh nào làm giảm quần thể đại thực bào phế nang có hiệu quả về mặt chức năng. Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy cũng có mối liên quan rõ ràng với PAP. Ít gặp hơn là mối liên quan giữa PAP và bệnh bạch cầu cấp dòng lympho, u lympho và u tủy. Ít gặp hơn có thể thấy PAP có liên quan với các bệnh như ung thư phổi, u trung biểu mô (Mesothelioma) và u nguyên bào thần kinh đệm. Hoặc hiếm hơn là liên kết PAP với các tình trạng suy giảm miễn dịch như suy giảm miễn dịch kết hợp nghiêm trọng (SCID), thiếu hụt adenosine deaminase, suy giảm miễn dịch biến đổi phổ biến (CVID), hội chứng DiGeorge, viêm da cơ, viêm khớp dạng thấp, bệnh Behcet, AIDS, thiếu hụt GATA2 và ghép tạng, nhiễm trùng phổi mạn tính (lao, nấm). PAP thứ phát cũng có liên quan đến việc hít phải một số chất như silica, talc, xi măng, kaolin, nhôm, titan, indi và xenluloza. 

PAP bẩm sinh: PAP bẩm sinh có thể xuất hiện từ khi sinh ra hoặc xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau. Trẻ có nguy cơ mắc PAP bẩm sinh nếu bố mẹ ruột mắc bệnh.



Triệu chứng Bệnh tích protein phế nang

Triệu chứng của bệnh protein phế nang phổi là gì?

  • Khó thở là triệu chứng phổ biến nhất của PAP. Đa số bệnh nhân xuất hiện khó thở khi gắng sức, tuy nhiên một số bệnh nhân xuất hiện khó thở kể cả khi nghỉ. 
  • Đau ngực.
  • Ho khan hoặc ho đờm bọt trắng hoặc thậm chí hiếm hơn bệnh nhân có thể ho ra máu.
  • Tím đầu chi.
  • Ngón tay dùi trống.
  • Sốt.
  • Mệt mỏi.
  • Nhiễm trùng phổi.
  • Sụt cân.
  • Nghe phổi có thể phát hiện rale nổ.

Bệnh tích protein phế nang có thể làm người bệnh sụt cân

Bệnh tích protein phế nang có thể làm người bệnh sụt cân



Các biến chứng Bệnh tích protein phế nang

Nhiễm trùng phổi, hay gặp do các tác nhân dưới đây:

  • Nocardia.
  • Mycobacterium tuberculosis.
  • Nấm Aspergillus.
  • Nấm Candida.
  • Nấm Cryptococcus neoformans

  • Cytomegalovirus (CMV).
  • Histoplasma capsulatum.

  • Các loài Pneumocystis.

  • Vi khuẩn Streptococcus pneumoniae.

Khoảng 30% bệnh nhân PAP có thể xuất hiện biến chứng xơ phổi.



Các biện pháp chẩn đoán Bệnh tích protein phế nang

Triệu chứng lâm sàng của PAP không đặc hiệu so với các bệnh lý hô hấp khác nên việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào cận lâm sàng bao gồm: xét nghiệm máu, chụp X-quang hoặc cắt lớp vi tính lồng ngực và nội soi phế quản, sinh thiết phổi.

Chụp X-quang

Chụp X-quang ngực phát hiện quanh rốn phổi và đáy hai bên có các đám mờ phế nang đối xứng, góc sườn hoành tương đối bình thường, không có khí phế quản. Đám mờ hiếm khi không đối xứng hoặc chiếm ưu thế ở đỉnh, giống với phù phổi cấp nhưng không có tim to và tràn dịch màng phổi. Mức độ đám mờ và triệu chứng thường không thống nhất với nhau. Ở các dạng ít nghiêm trọng hơn, đám mờ có thể xuất hiện dưới dạng đám mờ, kính mờ.

Chụp X-quang ngực của một bệnh nhân mắc bệnh protein phế nang tự miễn cho thấy các đám mờ phế nang lan tỏa phân bố quanh rốn phổi và đáy phổi.  Chụp CT ngực

Chụp X-quang ngực của một bệnh nhân mắc bệnh protein phế nang tự miễn cho thấy các đám mờ phế nang lan tỏa phân bố quanh rốn phổi và đáy phổi.

Chụp CT ngực

Chụp CT ngực rất có ý nghĩa trong chẩn đoán PAP. Các bất thường chính là các tổn thương kính mờ, các mạng lưới vách ngăn và tổn thương đông đặc. Mô kẽ dày lên trên nền kính mờ tạo ra hình ảnh lát đá đặc trưng của bệnh nhân PAP, còn gọi là hình ảnh crazy paving.

Định lượng anti-GM-CSF

Xét nghiệm kháng thể IgG anti-GM-CSF là dấu ấn sinh học duy nhất có liên quan đến lâm sàng cho đến nay. Việc phát hiện các kháng thể này được thực hiện thông qua xét nghiệm miễn dịch liên kết với enzyme (ELISA) là tiêu chuẩn vàng và đã được xác nhận. Mức độ kháng thể huyết thanh cũng có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm ngưng kết latex với độ nhạy 100% và độ đặc hiệu 98%. Mức độ kháng thể anti-GM-CSF là 2,8 microgam/ml trở lên là bất thường và phù hợp với PAP.

Nội soi phế quản và phân tích dịch rửa phế quản phế nang

Khi nghi ngờ mắc PAP, bác sĩ sẽ thực hiện nội soi phế quản kết hợp rửa phế nang phế quản và làm xét nghiệm dịch rửa để chẩn đoán. Trong khoảng 75% các trường hợp nghi ngờ, xét nghiệm BALF sẽ xác nhận chẩn đoán. Dịch rửa thường có màu trắng sữa và đục, giàu protein và nhuộm PAS dương tính.

Sinh thiết phổi

Hiếm khi cần thực hiện sinh thiết phổi để chẩn đoán PAP, trong trường hợp sinh thiết có thể thấy tình trạng lắng đọng protein dạng hạt trong phế nang, nhuộm PAS dương tính.

Dịch rửa phế nang có màu trắng đục của bệnh nhân mắc bệnh tích protein phế nang

Dịch rửa phế nang có màu trắng đục của bệnh nhân mắc bệnh tích protein phế nang

Chẩn đoán phân biệt

  • Phù phổi: tràn dịch màng phổi và tim to thường không có trong bệnh protein phế nang phổi.
  • Viêm phổi tổ chức hóa.
  • Viêm phổi do pneumocystis jirovecii.
  • Bệnh phổi mô kẽ (ILD).
  • Xơ phổi
  • Sarcoidosis.



Các biện pháp điều trị Bệnh tích protein phế nang

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
  • Liệu pháp rửa phế nang toàn bộ: là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh nhân PAP tự miễn. Rửa từng bên phổi với dung dịch nước muối sinh lý để loại bỏ protein tích tụ ra ngoài. Phương pháp này có thể cải thiện triệu chứng của người bệnh tuy nhiên cần thực hiện lặp lại nhiều lần.
  • Liệu pháp thay thế yếu tố kích thích khuẩn lạc bạch cầu hạt-đại thực bào (GM-CSF): áp dụng cho bệnh nhân PAP tự miễn, người bệnh được điều trị bằng cách khí dung hoặc tiêm dưới da GM-CSF tái tổ hợp để kích thích đại thực bào phế nang.
  • Lọc huyết tương và trao đổi huyết tương: là phương pháp điều trị thay thế huyết tương của người bệnh bằng huyết tương của người hiến tặng khỏe mạnh. Liệu pháp này có thể ngăn hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong phế nang.
  • Trong trường hợp PAP bẩm sinh bệnh nhân có thể lựa chọn ghép tế bào gốc hoặc tủy xương.
  • Ngừng tiếp xúc với chất độc hại nếu bệnh nhân bị PAP thứ phát do hít phải các chất độc hại như chì, thủy ngân, titan,...
  • Kiểm soát nhiễm trùng bằng kháng sinh nếu đó là nguyên nhân gây ra PAP.
  • Liệu pháp oxy: bệnh nhân có thể thở oxy mask hoặc gọng kính, sẽ giúp người bệnh dễ chịu hơn.
  • Thuốc giãn phế quản: làm giãn cơ trơn giúp đường thở thông thoáng hơn, giúp người bệnh giảm triệu chứng khó thở.
  • Ghép phổi: Những người bị PAP nặng hoặc không đáp ứng với các liệu pháp điều trị khác và cuối cùng dẫn đến phổi mất chức năng có thể cần phẫu thuật ghép phổi. Người bệnh có thể thay thế một hoặc cả hai lá phổi tổn thương mất chức năng bằng lá phổi khỏe mạnh từ người hiến tặng.

Liệu pháp oxy cho người bệnh mắc bệnh tích protein phế nang

Liệu pháp oxy cho người bệnh mắc bệnh tích protein phế nang

Một số câu hỏi

- Bệnh protein phế nang phổi có thể gây tử vong không?

PAP có thể gây suy hô hấp đe dọa tính mạng trong những trường hợp nghiêm trọng. Tuy nhiên, diễn biến của bệnh có thể dao động từ thuyên giảm tự nhiên đến ổn định hoặc tử vong do suy hô hấp hoặc nhiễm trùng thứ phát.

- Tôi có thể ngăn ngừa bệnh protein phế nang phổi không?

Có nhiều loại bệnh protein phế nang phổi khác nhau. Không thể ngăn ngừa PAP liên quan đến tự miễn dịch hoặc bẩm sinh. Nhưng tránh tiếp xúc với các chất độc hại như các kim loại nặng (asen, chì, thủy ngân, cobab,...) có thể giảm nguy cơ PAP thứ phát.

- Điều trị bệnh protein phế nang phổi bằng cách nào?

Tùy vào nguyên nhân gây ra PAP mà thầy thuốc sẽ lựa chọn liệu pháp điều trị khác nhau cho từng người bệnh như rửa phổi toàn bộ, Liệu pháp thay thế yếu tố kích thích khuẩn lạc bạch cầu hạt-đại thực bào (GM-CSF), ghép tế bào gốc, thậm chí có thể cần ghép phổi.

Bệnh tích protein phế nang là một căn bệnh hiếm gặp, khó chẩn đoán và điều trị. Bệnh có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và một loạt các triệu chứng khác. 

Nếu bạn đang nghi ngờ mình mắc bệnh tích protein phế nang hãy đến ngay Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các chuyên gia hô hấp tư vấn chẩn đoán kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Qúy khách hàng có thể đặt lịch khám với MEDLATEC ngay từ hôm nay qua tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời.


Tài liệu tham khảo:

  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482308/
  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17398-pulmonary-alveolar-proteinosis
  • https://publications.ersnet.org/content/errev/20/120/98
  • https://radiopaedia.org/articles/pulmonary-alveolar-proteinosis


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ