Từ điển bệnh lý

Bệnh tim do tăng huyết áp : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 04-04-2025

Tổng quan Bệnh tim do tăng huyết áp

Khi số đo huyết áp tâm thu của người bệnh được xác nhận từ 140mmHg trở lên và/hoặc số đo huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên được định nghĩa là tăng huyết áp. 

Quá trình tăng huyết áp kéo dài sẽ dẫn đến rất nhiều biến chứng trên các cơ quan trong đó có tim mạch, được gọi là bệnh tim do tăng huyết áp.

Huyết áp cao kéo dài gây áp lực lên tim làm cơ tim khó bơm máu hơn, lâu ngày cơ tim sẽ bị dày lên và yếu đi, và có thể dẫn đến suy tim. 

Áp lực lên các thành mạch máu tăng cao cũng làm tổn thương các động mạch làm thành mạch máu dày lên và hẹp lại. Khi có cholesterol tích tụ tạo ra các mảng bám bên trong thành mạch sẽ làm giảm lưu lượng máu qua các thành mạch, gọi là xơ vữa động mạch, máu đi nuôi các cơ quan sẽ bị kém đi, trong đó có động mạch vành và sẽ làm giảm tưới máu cơ tim. Người bệnh biểu hiện đau ngực do thiếu máu cơ tim cục bộ mạn tính và nếu xơ vữa nặng gây tắc nhiều hơn thậm chí là hẹp hoàn toàn có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim gây tử vong cao cho người bệnh. 

Ngoài ra rối loạn nhịp tim cũng có thể là một hậu quả của tăng huyết áp hoặc nó làm nặng thêm các rối loạn nhịp sẵn có của người bệnh.

Duy trì một lối sống lành mạnh kết hợp tuân thủ thuốc điều trị sẽ giúp kiểm soát tối ưu số đo huyết áp từ đó có thể hạn chế tối đa các biến chứng lên tim mạch có thể xảy ra cho người bệnh.

Tăng huyết áp gây nhiều hệ lụy cho tim mạch

Tăng huyết áp gây nhiều hệ lụy cho tim mạch

1. Tăng huyết áp là gì?

Khi cả huyết áp tâm thu (HATT) dưới 130mmHg và huyết áp tâm trương (HATTr) dưới 85mmHg được định nghĩa là huyết áp ở mức bình thường.

Huyết áp tâm thu (HATT) lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) tương ứng lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg thì người bệnh có tăng huyết áp.

Tiền tăng huyết áp hay còn gọi là huyết áp bình thường-cao khi HATT lớn hơn hoặc bằng 130mmHg nhưng dưới 140mmHg và/hoặc HATTr lớn hơn hoặc bằng 85mmHg nhưng dưới 90mmHg.

Cơn tăng huyết áp xảy ra khi HATT lớn hơn hoặc bằng 180 và/hoặc HATTr lớn hơn hoặc bằng 120 mmHg.



Phân loại

HATT (mmHg)

HATTr (mmHg)

HA bình thường

< 130

<85

Tiền tăng huyết áp

130 - 139

và/hoặc

85-89

Giai đoạn 1

140 - 159

và/hoặc

90-99

Giai đoạn 2

≥ 160

và/hoặc

≥100

Cơn tăng huyết áp

≥180

và/hoặc

≥120

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc

≥140

<90

Ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp tại phòng khám



Nguyên nhân Bệnh tim do tăng huyết áp

Huyết áp cao thường không có triệu chứng nên nếu người bệnh không đo huyết áp thường xuyên sẽ bỏ qua giai đoạn sớm của bệnh, mọi người có thể mắc bệnh mà không biết. Nhiều năm sau khi đã có các biến chứng lên các cơ quan trong cơ thể khi đó người bệnh mới phát hiện, khi đó tim đã bị tổn thương.

Khi bệnh nhân bị tăng huyết áp, đồng nghĩa với việc áp suất bên trong động mạch tăng cao. Thời gian đầu tim phải làm việc nhiều hơn để có thể bơm máu chống lại áp suất này, hậu quả là theo thời gian có thể khiến cơ tim dày lên, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới cơ tim làm việc không hiệu quả, và hậu quả cuối cùng là suy tim.

Khi cơ tim trở nên quá dày đến mức không nhận đủ oxy, người bệnh có thể có biểu hiện đau thắt ngực.

Dòng máu khi chảy qua động mạch sẽ tăng áp lực lên tỷ lệ thuận với số đo huyết áp, các tế bào của lớp lót bên trong động mạch khi đó sẽ bị tổn thương. Nếu người bệnh có chế độ ăn giàu các chất béo xấu sẽ làm lắng đọng các mảng bám ở các vị trí tổn thương này và lòng mạch bị hẹp lại, lâu dần trở nên kém đàn hồi hơn. Điều này hạn chế lưu lượng máu trong toàn bộ cơ thể, trong đó có động mạch vành cấp máu cho cơ tim bị ảnh hưởng dẫn tới giảm tưới máu cho tim, trên lâm sàng người bệnh biểu hiện một triệu chứng đau ngực điển hình kiểu mạch vành, kéo dài người bệnh sẽ mắc hội chứng động mạch vành mạn, y văn trước đây còn gọi bằng nhiều cái tên như thiếu máu cơ tim cục bộ hay bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính, bên cạnh đó lưu lượng máu cũng có thể bị chặn nếu mảng bám vỡ hoặc vỡ ra và hình thành các cục máu đông trong lòng mạch. Tình trạng này nặng dần lên kết hợp với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác (đặc biệt là hội chứng chuyển hóa như đái tháo đường và rối loạn lipid máu) có thể xuất hiện hội chứng vành cấp như các cơn đau thắt ngực không ổn định hay thậm chí là nhồi máu cơ tim.

 Yếu tố nguy cơ tim mạch

- Yếu tố nguy cơ tim mạch không thể thay đổi được:

  • Tuổi: nguy cơ bị tăng huyết áp và các bệnh tim mạch tăng dần theo tuổi tác, trên 50 tuổi bắt đầu tăng dần các nguy cơ mắc bệnh tim mạch đặc biệt phổ biến hơn ở sau 65 tuổi.
  • Giới: các đối tượng nam giới trẻ tuổi có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nữ, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ở nữ sẽ tăng dần theo tuổi đặc biệt là sau giai đoạn mãn kinh.
  • Tiền sử gia đình: cần tầm soát cho các thành viên trong gia đình nếu người thân của họ (đặc biệt bố, mẹ, anh, chị, em ruột) mắc tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch trước 60 tuổi.
  • Chủng tộc: người da đen so với người da trắng thì nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn.

- Yếu tố nguy cơ tim mạch có thể thay đổi được:

  • Hút thuốc lá hoặc thuốc lá điện tử: hút thuốc lá kéo dài không chỉ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về đường hô hấp mà nó còn làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch. Khi bạn hút thuốc, cơ thể sẽ hít vào một lượng carbon monoxide và nicotine nhất định, carbon monoxide qua phổi vào máu sẽ làm giảm lượng oxy được vận chuyển trong các tế bào hồng cầu và đồng thời làm tăng lượng cholesterol lắng đọng vào lớp lót bên trong của động mạch, theo thời gian, có thể khiến động mạch bị xơ cứng. Nicotine là một chất hóa học nguy hiểm và gây nghiện cao. Ảnh hưởng đến động mạch, có thể gây nguy cơ bệnh lý tim mạch trong đó có bệnh mạch vành và tăng huyết áp. 
  • Sử dụng cà phê, trà thường xuyên.
  • Lạm dụng bia rượu, đồ uống có cồn: việc sử dụng bia rượu có liên quan đến tình trạng tăng huyết áp, đặc biệt là ở nam giới.
  • Quá nhiều muối: chế độ ăn quá mặn có thể khiến cơ thể giữ nước, làm người bệnh tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Kali máu thấp.
  • Lối sống tĩnh tại, ít vận động.
  • Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường (tăng đề kháng insulin).
  • Thường xuyên xảy ra căng thẳng, thiếu ngủ.
  • Đái tháo đường: tăng nguy cơ xơ vữa các mạch máu đặc biệt các mạch máu lớn như mạch vành.
  • Tăng huyết áp: đây là yếu tố nguy cơ tim mạch hàng đầu đã được chứng minh.
  • Rối loạn lipid máu: tăng nguy cơ lắng đọng các mảng bám cholesterol trong thành mạch làm hẹp lòng động mạch, làm giảm tưới máu cơ quan trong đó có cơ tim. 
  • Mang thai: đôi khi mang thai có thể gây ra tình trạng huyết áp cao như trong bệnh lý tiền sản giật, sản giật.

Tăng huyết áp tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim

Tăng huyết áp tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim



Triệu chứng Bệnh tim do tăng huyết áp

Các triệu chứng của bệnh tim mạch do tăng huyết áp thường xuất hiện sau khi tim bạn đã bị tổn thương.

Bệnh tim mạch do tăng huyết áp có thể có một hoặc nhiều triệu chứng sau đây

  • Phù chân hoặc mắt cá chân.
  • Đau ngực: đau ngực trong các bệnh lý tim mạch thường có tính chất liên quan đến các gắng sức và thay đổi cảm xúc (tăng lên khi gắng sức và giảm đi khi nghỉ ngơi)
  • Hụt hơi.
  • Hồi hộp trống ngực.
  • Chóng mặt.
  • Ngất xỉu.
  • Đột quỵ.
  • Đột tử.

Bệnh nhân tăng huyết áp có triệu chứng đau ngực

Bệnh nhân tăng huyết áp có triệu chứng đau ngực



Các biến chứng Bệnh tim do tăng huyết áp

Huyết áp cao nhiều năm nếu không được chẩn đoán để điều trị hoặc điều trị không phù hợp dẫn tới không được kiểm soát được sẽ gây ra bệnh tim do tăng huyết áp, trong đó nổi bật là:

    • Suy tim: khi người bệnh bị huyết áp cao, tím sẽ dày lên do gắng sức để bơm máu. Tăng huyết áp càng lâu thì cơ tim càng dày dẫn đến phì đại thất trái. Sau cùng sẽ dẫn đến suy tim trái và suy tim toàn bộ.
    • Bệnh động mạch vành: tăng huyết áp kéo dài gây tổn thương các thành động mạch kết hợp tình trạng tích tụ mảng bám làm hẹp lòng động mạch, bệnh nhân có các triệu chứng đau ngực, nguy hiểm có thể nhồi máu cơ tim.
  • Rối loạn nhịp tim: tăng huyết áp kéo dài làm bệnh nhân xuất hiện các rối loạn nhịp tim hoặc làm nặng thêm các rối loạn nhịp tim sẵn có của người bệnh
  • Đột tử do ngừng tim.


Suy tim là bệnh tim do tăng huyết áp rất nguy hiểm



Phòng ngừa Bệnh tim do tăng huyết áp

+ Theo dõi huyết áp thường xuyên. Bạn có thể đo huyết áp tại nhà hoặc ở những nơi công cộng có máy đo huyết áp, nhưng chỉ có bác sĩ mới có thể chẩn đoán cũng như điều trị bệnh tăng huyết áp.

+ Điều trị theo đơn của bác sĩ, nếu trong quá trình sử dụng thuốc theo đơn có triệu chứng gì bất thường cần gặp bác sĩ tư vấn ngay tránh trường hợp tự ý thêm hoặc bỏ thuốc hay chỉnh liều.

+ Tìm hiểu yếu tố nguy cơ tim mạch để có biện pháp dự phòng phù hợp theo từng nguy cơ, ví dụ như:

  • Không hút thuốc lá hoặc nếu đang sử dụng, hãy bỏ hút thuốc lá.
  • Giảm cân tích cực nếu thừa cân, béo phì.
  • Uống đủ nước.
  • Hạn chế đồ ngọt, tinh bột.
  • Không lạm dụng bia rượu trong thời gian dài.
  • Ăn nhạt tương đối, tránh ăn quá nhiều natri gây thừa muối.
  • Hạn chế ăn nhiều chất béo bão hòa.
  • Vận động tích cực, tránh lối sống tĩnh tại.

DASH là chế độ ăn tốt cho người tăng huyết áp

DASH là chế độ ăn tốt cho người tăng huyết áp



Các biện pháp chẩn đoán Bệnh tim do tăng huyết áp

Để chẩn đoán bệnh tim do tăng huyết áp, thầy thuốc cần hỏi kỹ tiền sử bệnh lý của người bệnh và gia đình, các triệu chứng cơ năng cũng như thực thể, kết hợp với các xét nghiệm và các thăm dò chẩn đoán hình ảnh cần thiết.

- Điện tâm đồ: là cận lâm sàng đầu tay đối với bệnh nhân tăng huyết áp, sẽ giúp theo dõi và ghi lại hoạt động điện tim, phản ánh một số tình trạng bệnh lý như phì đại thất trái, các rối loạn nhịp tim có thể gặp.

- Siêu âm doppler tim: ý nghĩa cao trong trường hợp suy tim hoặc bệnh lý động mạch vành như đánh giá chức năng tâm thu thất trái, cơ tim, huyết khối buồng tim, hệ thống van tim và tình trạng rối loạn vận động vùng.

- X quang tim phổi: đánh giá một số bất thường như tim to trong suy tim hoặc phình tách động mạch chủ ngực.

- Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành: đánh giá giải phẫu động mạch vành, tình trạng xơ vữa, mức độ hẹp lòng mạch, từ đó có lựa chọn điều trị phù hợp.

- Chụp mạch số hóa xóa nền (DSA): một số trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lý mạch vành cần chụp DSA để chẩn đoán hoặc điều trị như đặt stent động mạch vành.



Các biện pháp điều trị Bệnh tim do tăng huyết áp

Các thuốc điều trị bệnh tim do tăng huyết áp trên lâm sàng thường gặp bao gồm:

- Ức chế men chuyển (ACEi):

  • Thuốc đầu tay điều trị tăng huyết áp, điều trị suy tim, bệnh thận mạn tính.
  • Các thuốc thường được sử dụng trên lâm sàng: Perindopril, Lisinopril, Enalapril, Captopril, Ramipril,...

- Ức chế thụ thể Angiotensin II (ARB): nếu bệnh nhân không thể sử dụng ức chế men chuyển thầy thuốc có thể cân nhắc đổi sang nhóm này để theo dõi.

  • Các thuốc thường được sử dụng trên lâm sàng: Losartan, Valsartan, Irbesartan, Candesartan, Telmisartan,...

- Lợi tiểu:

  • Thường phối hợp với nhóm ức chế men chuyển để điều trị trong tăng huyết áp, suy tim.
  • Các thuốc thường được sử dụng trên lâm sàng: nhóm thiazid (Hydrochlorothiazide), lợi tiểu giữ kali (Spironolacton), lợi tiểu quai (Furosemide).
  • Viên phối hợp với ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể: ví dụ như Irbesartan/Hydrochlorothiazide 150/12,5mg,...

- Chẹn kênh calci (CCB):

  • Điều trị tăng huyết áp, hội chứng mạch vành mạn, hiện nay thường phối hợp liều thấp với ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể.
  • Thuốc chẹn kênh calci ví dụ: Nifedipin, Amlodipin,...
  • Viên phối hợp với ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể: Amlodipin/Perindopril, Lisinopril/Amlodipine, Telmisartan/Amlodipine, Valsartan/Amlodipine,...
  • Nicardipin: thường được sử dụng trong điều trị cơn tăng huyết áp cấp cứu (đường tĩnh mạch).

- Chẹn beta giao cảm (Beta Blocker):

  • Điều trị suy tim, tăng huyết áp.
  • Các thuốc thường được sử dụng trên lâm sàng, ví dụ như: Bisoprolol, Metoprolol, …
  • Chống chỉ định: hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhịp tim chậm,...

Một số nhóm thuốc điều trị trong hội chứng mạch vành mạn, hội chứng vành cấp, sau can thiệp động mạch vành.

- Thuốc chống huyết khối:

+ Thuốc chống kết tập tiểu cầu: 

    • Aspirin cho đến hiện nay vẫn là thuốc ưu tiên sử dụng cho các bệnh nhân có hẹp mạch vành do xơ vữa cần dự phòng tắc mạch. Liều khuyến cáo của Aspirin trên lâm sàng hiện nay là 75-100mg/ngày.
  • Clopidogrel 75mg.

+ Thuốc chống đông đường uống thế hệ mới (DOAC): apixaban, rivaroxaban, edoxaban,...

- Thuốc ĐT chống đau thắt ngực: Nhóm nitrat, Beta blocker, CCB, Ivabradine, Trimetazidine, Nicorandil, Ranolazine.

- Thuốc ổn định mảng xơ vữa: hiện nay statin vẫn là nhóm thuốc khuyến cáo dùng để ổn định vữa xơ trong bệnh lý mạch vành, có thể dùng statin cường độ cao lên đến liều cao nhất có thể dung nạp để đạt mục tiêu LDL-C cho tất cả bệnh nhân. Tùy vào mục tiêu điều trị của từng cá thể nếu chưa đạt thầy thuốc có thể phối hợp thêm với ezetimibe hoặc thuốc ức chế thụ thể PCSK9 hoặc Acid Benpedoic.

- Phẫu thuật: 

  • Điều trị hội chứng mạch vành mạn hoặc hội chứng vành cấp: đặt stent động mạch vành, mổ bắc cầu nối động mạch vành (CABG).
  • Bệnh nhân suy tim điều trị nội khoa tối ưu không đáp ứng có thể cân nhắc phẫu thuật ghép tim xem như là lựa chọn cuối cùng.

Bệnh tim mạch do tăng huyết áp đang ngày một gia tăng. Bất kỳ ai cũng cần có những hiểu biết nhất định về căn bệnh tăng huyết áp này để có biện pháp phù hợp nhất nhằm giảm thiểu các biến chứng lên tim mạch. Bài viết trên của Medlatec sẽ giúp bạn hiểu được thể nào là bệnh tim mạch do tăng huyết áp, từ đó có nhận thức nhất định để có thể dự phòng căn bệnh này cũng như phát hiện kịp thời bệnh ngay từ giai đoạn sớm. Duy trì một lối sống lành mạnh, tránh xa các yếu tố nguy cơ tim mạch đồng thời chủ động khám sức khỏe định kỳ chính là cách phòng bệnh hữu hiệu nhất. Hệ thống Y tế MEDLATEC với đội ngũ đông đảo các bác sĩ giàu kinh nghiệm, cùng sự hỗ trợ của hệ thống máy móc, xét nghiệm tiên tiến hàng đầu hiện nay chính là một địa chỉ tin cậy để các bạn lựa chọn khi có nhu cầu khám sức khỏe định kỳ cho mình cũng như người thân. 


Tài liệu tham khảo:

  • https://kcb.vn/upload/2005611/20210723//huong_dan_chan_doan_dieu_tri_tha.pdf
  • https://hntmmttn.vn/upload/attach/202291214352.pdf
  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21840-hypertensive-heart-disease
  • https://www.portailvasculaire.fr/sites/default/files/docs/ehae178.pdf
  • https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/hypertensive-heart-disease
  • https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/in-depth/high-blood-pressure/art-20045868
  • https://www.healthline.com/health/hypertensive-heart-disease#faq
  • https://www.heart.org/en/healthy-living/healthy-lifestyle/quit-smoking-tobacco/how-smoking-and-nicotine-damage-your-body#:~:text=Nicotine%20is%20a%20dangerous%20and,lead%20to%20a%20heart%20attack.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ