Bác sĩ: BS Nguyễn Thu Trang
Chuyên khoa:
Năm kinh nghiệm:
Tổ đỉa là một dạng bệnh chàm đặc trưng với các mụn nước nhỏ, thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và các bên ngón tay, ngón chân. Đây là tình trạng viêm da cấp hoặc mạn tính, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh do ngứa ngáy và khó chịu kéo dài.
Tổ đỉa gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người mắc
Phân loại bệnh
Phân loại theo biểu hiện lâm sàng
- Tổ đỉa cấp tính: xuất hiện đột ngột các mụn nước nhỏ, đường kính 1-3 mm, nằm sâu dưới da và không tự vỡ. Mụn nước thường tập trung thành cụm, gây ngứa dữ dội. Khi mụn vỡ, dịch chảy ra có thể dẫn đến tình trạng viêm đỏ và nhiễm trùng thứ phát. Bệnh khiến da có thể trở nên đau rát, nứt nẻ, hoặc phù nề do kích ứng và viêm.
- Tổ đỉa mãn tính: da dày lên rõ rệt, sần sùi, bong tróc từng mảng.Thường xuất hiện ở những người mắc bệnh kéo dài hoặc tái phát nhiều lần. Da có thể thâm sạm do tăng sắc tố sau viêm.
Phân loại theo mức độ nghiêm trọng
- Mức độ nhẹ: biểu hiện ít mụn nước, ngứa nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày. Điều trị đơn giản với thuốc bôi corticosteroid hoặc kem dưỡng ẩm chuyên dụng.
- Mức độ trung bình: mụn nước xuất hiện dày đặc hơn, ngứa nhiều, có thể kèm theo cảm giác đau rát. Da dễ bị nhiễm khuẩn hoặc tổn thương do gãi.
- Mức độ nặng: tổn thương da lan rộng, mụn nước lớn, dễ vỡ, kèm theo sưng nề và viêm nhiễm nặng. Cần điều trị bằng thuốc toàn thân, như corticosteroid dạng uống, thuốc ức chế miễn dịch hoặc liệu pháp ánh sáng.
. Nguyên nhân nội sinh
- Cơ địa dị ứng: người có cơ địa dị ứng thường dễ mắc bệnh tổ đỉa. Đây là những bệnh nhân thường có tiền sử cá nhân hoặc gia đình liên quan đến các bệnh như: viêm da cơ địa như hen suyễn, viêm mũi dị ứng. Ở những người này, hệ thống miễn dịch thường phản ứng quá mức với các yếu tố môi trường, dẫn đến sự phát triển của bệnh tổ đỉa.
- Rối loạn thần kinh và tâm lý: stress, lo âu và rối loạn giấc ngủ là các yếu tố kích thích bùng phát tổ đỉa. Những người thường xuyên chịu áp lực tinh thần có nguy cơ cao mắc tổ đỉa hơn do hệ thần kinh tự động ảnh hưởng đến quá trình bài tiết mồ hôi và gây viêm da.
- Rối loạn miễn dịch: một số bệnh nhân tổ đỉa có sự bất thường trong hệ thống miễn dịch, đặc biệt là sự tăng hoạt động của tế bào T và mất cân bằng giữa cytokine gây viêm và chống viêm.
- Tăng tiết mồ hôi: tăng tiết mồ hôi vùng lòng bàn tay và bàn chân là một yếu tố nguy cơ phổ biến. Mồ hôi tích tụ làm da dễ bị tổn thương, kích thích viêm và hình thành mụn nước.
Nguyên nhân ngoại sinh
- Dị ứng tiếp xúc: một số chất kích ứng hoặc gây dị ứng có thể khởi phát tổ đỉa, bao gồm:
- Kim loại: niken và cobalt là hai tác nhân thường gặp, thường có trong trang sức, dụng cụ kim loại hoặc sản phẩm nhuộm màu.
- Chất hóa học: xà phòng, chất tẩy rửa, dầu mỡ công nghiệp hoặc dung môi.
- Môi trường: nước bẩn, nước nhiễm hóa chất hoặc các sản phẩm chăm sóc da chứa hương liệu.
- Nhiễm nấm: tình trạng nấm da (như nấm Candida hoặc nấm Dermatophytes) ở lòng bàn chân hoặc kẽ ngón tay có thể gây phản ứng viêm kiểu tổ đỉa.
- Nhiễm khuẩn: vi khuẩn Staphylococcus aureus hoặc Streptococcus khi xâm nhập qua da tổn thương cũng có thể là yếu tố khởi phát hoặc làm bệnh trầm trọng hơn.
- Kích thích vật lý: Ma sát và tổn thương cơ học: do đi giày dép chật hoặc làm việc nhiều với tay chân.
- Thời tiết: độ ẩm cao hoặc tiếp xúc với môi trường quá nóng, quá lạnh có thể làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh.
Yếu tố di truyền
- Bệnh tổ đỉa có thể có yếu tố di truyền, nếu cha mẹ mắc bệnh, con cái có nguy cơ mắc cao hơn.
- Các gen liên quan đến cơ địa dị ứng và hệ thống miễn dịch cũng có vai trò quan trọng.
3.4. Các yếu tố làm phát triển bệnh tổ đỉa
- Thay đổi nội tiết:Bệnh thường nặng hơn trong các giai đoạn thay đổi nội tiết, chẳng hạn như phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai. Rối loạn hormone ở tuổi dậy thì hoặc mãn kinh.
- Chế độ ăn uống: Một số thực phẩm chứa niken (trong socola, các loại hạt, đậu) hoặc cobalt (trong hải sản) có thể làm bệnh nặng hơn.
- Thuốc: như kháng sinh hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), có thể gây phản ứng phụ hoặc làm trầm trọng bệnh tổ đỉa.
Hóa chất tẩy rửa cũng là một trong số những nguyên nhân gây bệnh
Triệu chứng tại chỗ
- Mụn nước: mụn nhỏ đường kính từ 1-3 mm, nằm sâu dưới da, có màu trong suốt hoặc hơi vàng. Mụn thường xuất hiện thành từng cụm, tạo cảm giác sần sùi khi chạm vào. Thường tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, kẽ ngón tay và ngón chân. Mụn nước không tự vỡ mà sẽ khô lại sau vài ngày, để lại vảy và bong tróc da. Trong một số trường hợp, mụn nước có thể vỡ, gây rỉ dịch và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Ngứa ngáy dữ dội: ngứa là triệu chứng nổi bật và xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu của bệnh. Cảm giác ngứa thường tăng lên khi mụn nước hình thành hoặc khi tiếp xúc với chất kích ứng như xà phòng, hóa chất. Gãi nhiều gây tổn thương da, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn thứ phát và làm nặng thêm tình trạng bệnh.
- Da đỏ, viêm và phù nề: da xung quanh vùng mụn nước có thể đỏ, sưng nhẹ, hoặc cảm giác nóng rát. Nếu nhiễm khuẩn xảy ra, da sẽ trở nên đau, phù nề và có mủ. Khi mụn nước vỡ, vùng da viêm có thể bị kích thích nặng hơn, gây cảm giác đau nhức.
- Bong tróc da: sau khi mụn nước khô lại, da ở vùng tổn thương sẽ bong tróc thành từng mảng nhỏ. Bệnh mãn tính khiến da có thể dày lên, sần sùi, thâm sạm do tình trạng viêm kéo dài hoặc gãi nhiều.
- Nứt nẻ và đau: ở giai đoạn nặng hoặc mãn tính, da trở nên khô, dày, nứt nẻ, gây đau đớn khi cầm nắm hoặc đi lại. Các vết nứt có thể chảy máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng.
Triệu chứng toàn thân
- Căng thẳng và mất ngủ: ngứa kéo dài và cảm giác khó chịu có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây mệt mỏi và căng thẳng tinh thần.
- Nhiễm khuẩn thứ phát: khi có nhiễm khuẩn, bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ, sưng hạch bạch huyết ở gần vùng tổn thương.
- Bệnh làm da sần sùi bong tróc gây mất thẩm mỹ, ngoài ra còn dẫn tới nguy cơ bội nhiễm do người bệnh thường xuyên gãi và chà xát da tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Bệnh gây bong tróc da và dẫn tới nguy cơ bội nhiễm nếu không điều trị kịp thời
Tránh các yếu tố kích thích và dị ứng
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất và chất kích ứng: như xà phòng mạnh, chất tẩy rửa, nước rửa chén, nước hoa, và mỹ phẩm chứa hóa chất kích ứng. Sử dụng sản phẩm không mùi, không chứa cồn, và dịu nhẹ dành cho da nhạy cảm. Đeo găng tay cao su lót cotton khi tiếp xúc với hóa chất hoặc làm việc nhà. Tránh găng tay cao su tự nhiên nếu dị ứng với latex, thay bằng găng nitrile.
- Hạn chế sử dụng trang sức không rõ nguồn gốc hoặc có chứa niken. Bọc đồ dùng kim loại bằng nhựa hoặc sử dụng sản phẩm thay thế không chứa niken.
Chăm sóc da đúng cách
- Dưỡng ẩm da thường xuyên: giúp phục hồi và duy trì hàng rào bảo vệ da, giảm nguy cơ khô da và kích ứng. Sử dụng kem dưỡng ẩm chứa ceramide, glycerin hoặc acid hyaluronic. Thoa ngay sau khi tắm hoặc rửa tay để khóa ẩm cho da.
- Tránh làm tổn thương da: không gãi vùng da bị ngứa để tránh làm tổn thương da và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Cắt móng tay ngắn và giữ vệ sinh sạch sẽ.
- Biện pháp giữ da khô thoáng: tránh đi giày kín hoặc tất ẩm lâu dài. Chọn giày dép thoáng khí và tất cotton thấm hút tốt. Thay tất thường xuyên nếu chân đổ mồ hôi nhiều.
- Dùng sản phẩm chống tiết mồ hôi: sử dụng các sản phẩm chống mồ hôi chuyên dụng (antiperspirant) cho tay và chân. Trong trường hợp tăng tiết mồ hôi nghiêm trọng, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về phương pháp điều trị bằng iontophoresis hoặc tiêm botox.
Chế độ ăn uống và sinh hoạt
- Chế độ ăn uống: hạn chế thực phẩm chứa niken và cobalt, tăng cường thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như vitamin C, E, kẽm giúp tăng cường sức khỏe da. Uống đủ nước để duy trì độ ẩm tự nhiên cho da.
Giảm căng thẳng
- Tập yoga, thiền định hoặc thực hiện các bài tập thư giãn để giảm stress. Giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc.
Hạn chế tiếp xúc với môi trường có nguy cơ cao gây tổ đỉa
- Môi trường ẩm ướt: tránh để tay hoặc chân ướt quá lâu, đặc biệt khi làm việc trong môi trường ẩm thấp. Thay giày ẩm bằng giày khô ngay khi có thể.
- Tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc môi trường khô hanh: nhiệt độ quá cao hoặc khô hanh dễ làm da mất nước và gây bệnh. Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà vào mùa đông hoặc khi sử dụng điều hòa.
Phòng ngừa tái phát và kiểm soát cơ địa dị ứng
- Điều trị các bệnh lý dị ứng liên quan: bệnh nhân có cơ địa dị ứng (viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen suyễn) cần điều trị tích cực để giảm nguy cơ bùng phát tổ đỉa.
- Tái khám định kỳ: khám bác sĩ da liễu định kỳ để đánh giá và điều chỉnh phác đồ phù hợp.
- Khi xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên như ngứa hoặc mụn nước, cần ngưng tiếp xúc với các yếu tố kích thích nghi ngờ. Sử dụng thuốc bôi theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát triệu chứng sớm.
Khai thác tiền sử bệnh nhân:
- Hỏi về các triệu chứng hiện tại như: cảm giác ngứa ngáy, đau rát hoặc căng tức da, tần suất tái phát và thời gian mắc bệnh. Tiền sử dị ứng hoặc các bệnh lý đi kèm như viêm da cơ địa, hen suyễn, viêm mũi dị ứng. Tăng tiết mồ hôi ở lòng bàn tay, bàn chân.
- Yếu tố môi trường và nghề nghiệp: Tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, kim loại (nicken, cobalt), xà phòng hoặc chất tẩy rửa. Làm việc trong môi trường ẩm ướt, nóng bức hoặc ô nhiễm.
- Chế độ ăn uống: Sử dụng thực phẩm có chứa niken hoặc cobalt (đậu nành, hải sản, sô cô la, các loại hạt).
Thăm khám lâm sàng
- Đặc điểm tổn thương da: đường kính từ 1-3 mm, trong suốt, nằm sâu dưới da, thường tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc các ngón tay, ngón chân. Xuất hiện thành cụm hoặc rải rác, không lan rộng ra các khu vực khác của cơ thể.
- Da đỏ và viêm: khu vực xung quanh mụn nước có thể đỏ hoặc sưng nhẹ. Trong trường hợp nặng, có biểu hiện phù nề hoặc tiết dịch khi mụn nước vỡ.
- Bong tróc da: sau khi mụn nước khô, da sẽ bong tróc thành từng mảng, kèm hiện tượng nứt nẻ, dày sừng.
- Ngứa và đau: ngứa thường dữ dội, đặc biệt ở giai đoạn đầu. Khi da nứt nẻ hoặc nhiễm khuẩn, bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhức.
Cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán
- Soi tươi và nuôi cấy vi sinh: được chỉ định nếu nghi ngờ nhiễm nấm hoặc nhiễm khuẩn thứ phát. Soi tươi để phát hiện nấm, vi khuẩn.
- Test áp da: dùng để kiểm tra dị ứng với niken, cobalt hoặc các chất hóa học khác.
- Xét nghiệm máu: xác định các dấu hiệu viêm hệ thống hoặc dị ứng (tăng IgE trong trường hợp cơ địa dị ứng).
Nguyên tắc điều trị
- Kiểm soát viêm và giảm triệu chứng ngứa ngáy.
- Duy trì độ ẩm cho da.
- Loại bỏ hoặc giảm thiểu các yếu tố kích thích và dị ứng.
- Ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng thứ phát.
Điều trị tại chỗ
- Thuốc bôi chứa corticosteroid: giúp giảm viêm, đỏ, và ngứa da. Sử dụng corticosteroid bôi tại chỗ trong giai đoạn bùng phát bệnh. Bôi 1-2 lần/ngày, không nên lạm dụng để tránh tác dụng phụ (mỏng da, rạn da).
- Thuốc ức chế calcineurin: điều trị tổ đỉa mãn tính hoặc bệnh nhân không dung nạp corticosteroid. Hiệu quả trong việc kiểm soát viêm và ngăn ngừa tái phát.
- Dưỡng ẩm da: Phục hồi hàng rào bảo vệ da, giảm khô và bong tróc da. Sử dụng kem dưỡng ẩm ngay sau khi rửa tay hoặc tắm.
- Ngâm hoặc đắp ẩm: Dùng dung dịch nước muối sinh lý, thuốc tím pha loãng hoặc dung dịch Burow’s (acetate nhôm) nhằm làm dịu tổn thương, giảm viêm và khô da.
Điều trị toàn thân
- Thuốc kháng histamine: giúp giảm ngứa, đặc biệt vào ban đêm.
- Corticosteroid: dùng trong trường hợp bệnh nặng, tổn thương lan rộng hoặc không đáp ứng với thuốc bôi. Lưu ý dùng trong thời gian ngắn.
- Thuốc ức chế miễn dịch: dùng trong trường hợp tổ đỉa mãn tính, tái phát thường xuyên hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường.
Điều trị hỗ trợ
- Quang trị liệu: sử dụng tia UVA hoặc UVB để giảm viêm và tăng cường miễn dịch da. Dùng trong trường hợp tổ đỉa mãn tính hoặc không đáp ứng với thuốc.
Kháng sinh hoặc thuốc chống nấm
- Dùng kháng sinh dạng bôi hoặc uống. Dùng trong nhiễm khuẩn thứ phát (mụn mủ, đỏ sưng, tiết dịch). Nhiễm nấm ở vùng chân hoặc kẽ ngón tay, chân.
Tổ đỉa là bệnh da liễu không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày. Việc điều trị sớm, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và thay đổi lối sống có vai trò quan trọng trong kiểm soát bệnh và ngăn ngừa tái phát. Nếu bạn gặp các triệu chứng tương tự, hãy đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch khám tại Chuyên khoa Da liễu của Hệ thống Y tế MEDLATEC vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56.
Tài liệu tham khảo:
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!