Từ điển bệnh lý

Biến chứng của gây tê ngoài màng cứng trong quá trình chuyển dạ : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07-07-2023

Tổng quan Biến chứng của gây tê ngoài màng cứng trong quá trình chuyển dạ

Trong quá trình mẹ bầu chuyển dạ có thể gặp các cơn đau và chúng sẽ gây nên một số phản ứng cho cơ thể, điều này làm ảnh hưởng tới cả mẹ lẫn thai nhi trong bụng. Phương pháp này khá hiệu quả trong việc hỗ trợ các sản phụ nhạy cảm, cơn đau chuyển dạ vượt quá sức chịu đựng của mẹ. 

Khi thực hiện gây tê, bác sĩ sẽ đưa thuốc tê vào khu vực khoang ngoài tủy (tức ngoài màng cứng). Tác dụng của thuốc là làm tê đốt sống từ L4 - 5 trở xuống, giúp mẹ giảm bớt các cơn đau đớn khi chuyển dạ. Có một điểm cần lưu ý đó là biện pháp gây tê ngoài màng cứng chỉ giúp giảm thiểu cơn đau chứ không khiến khả năng vận động của sản phụ bị cản trở và sản phụ vẫn cảm nhận được các cơn co tử cung như bình thường.

Tác dụng của thuốc là làm tê đốt sống từ L4 - 5 trở xuống, giúp mẹ giảm bớt các cơn đau đớn khi chuyển dạ

Tác dụng của thuốc là làm tê đốt sống từ L4 - 5 trở xuống, giúp mẹ giảm bớt các cơn đau đớn khi chuyển dạ

So với gây tê tủy sống, phương pháp gây tê màng cứng có ưu điểm là hạn chế nguy cơ hạ huyết áp khi sản phụ chuyển dạ. Bên cạnh đó biện pháp gây tê ngoài màng cứng còn hỗ trợ tối ưu hóa phương thức gây mê trong các trường hợp sinh mổ.

Tại Hoa Kỳ, phương pháp gây tê ngoài màng cứng trong quá trình chuyển dạ là kỹ thuật được các sản phụ chọn lựa nhiều nhất và trên thị trường quốc gia này có rất nhiều loại thuốc gây tê đã được cấp phép lưu hành với những đặc điểm khác nhau. Phương pháp gây tê này phải được thực hiện bởi những nhân viên y tế đã được đào tạo chuyên nghiệp nhằm đảm bảo an toàn cho sản phụ, tránh các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra. 

Bất kể sinh thường hay sinh mổ thì đều có thể áp dụng được biện pháp gây tê ngoài màng cứng. Mặc dù đây là kỹ thuật rất phổ biến được số đông các sản phụ chọn lựa trong quá trình chuyển dạ nhưng nó vẫn có thể gây nên những rủi ro nhất định khiến cho sức khỏe của sản phụ bị ảnh hưởng ít nhiều. 


Các biến chứng Biến chứng của gây tê ngoài màng cứng trong quá trình chuyển dạ

Đau đầu

Đây là biến chứng mà sản phụ dễ gặp nhất khi thực hiện thủ thuật gây tê ngoài màng cứng trong quá trình chuyển dạ, thường xảy ra đối với những ca chọc màng cứng bằng kim tiêm kích cỡ 17G hay 28G. Biến chứng do chọc kim chiếm khoảng 1% trong số các ca chuyển dạ dùng biện pháp gây tê màng cứng. 

Nguyên nhân khiến sản phụ đau đầu là do dịch não tuỷ bị rò rỉ khiến áp lực hộp sọ giảm và mạch máu não tăng giãn để bù trừ cho sự giảm áp lực của hộp sọ. Chứng đau đầu có thể biến mất trong một số trường hợp, nhưng cũng có người phải dùng đồ uống chứa cafein để làm giảm cơn đau do biến chứng này.

Để ngăn chặn hiện tượng rò rỉ của dịch não tủy, 50% sản phụ phải được áp dụng bằng biện pháp nút máu đông tự thân ngoài màng cứng. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ dùng khoảng từ 15 - 25ml máu vô trùng của chính bệnh nhân để tiêm vào vị trí chọc màng cứng nhằm tạo nên một cục máu đông giúp chấm dứt tình trạng rò rỉ dịch não tuỷ. Khoảng 65 - 90% người bệnh giảm được cơn đau đáng kể sau khi điều trị bằng phương pháp này.

Hạ huyết áp

Biến chứng tụt huyết áp sau khi gây tê ngoài màng cứng cũng là một hiện tượng có tỷ lệ xảy ra khá cao, chiếm đến 80% sản phụ gặp tình trạng này. Giải thích cho biến chứng này là do tác dụng giãn mạch ngoại vi bắt đầu khởi phát và sự giảm kích thích từ cơn đau, khiến cho sản phụ bị hạ huyết áp. 

Tuy rằng việc huyết  áp của sản bị bị tụt giảm có thể tạm thời không ảnh hưởng quá lớn tới thể trạng của sản phụ, nhưng nếu huyết áp bị giảm sâu sẽ kéo theo sự sụt giảm lượng máu tới tử cung và nhau thai, lúc đó sẽ vô cùng nguy hiểm cho tính mạng thai nhi. Chính vì vậy khi biến chứng này xuất hiện cần phải nhanh chóng xử lý bằng cách truyền dung dịch tinh thể hoặc/và tiêm các chất co mạch với liều lượng nhỏ qua đường tĩnh mạch. Các thuốc có thể là ephedrin 5 - 10 mg hoặc phenylephrin 50-100 microgam. Để phòng ngừa và giảm mức độ của hiện tượng hạ huyết áp khi thực hiện kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng, trước khi gây tê có thể dùng một loại dung dịch đẳng trương có chứa các chất điện giải (chẳng hạn như dung dịch Ringer lactat).

Sản phụ cảm thấy bí tiểu

Biện pháp gây tê ngoài màng cứng cũng nằm trong danh sách các yếu tố nguy cơ dẫn tới tình trạng ứ nước tiểu sau khi sinh xong. Để hạn chế khả năng xảy ra hiện tượng bí tiểu ở sản phụ do gây tê ngoài màng cứng, có thể dùng cách tránh ức chế quá mức dẫn truyền thần kinh cảm giác và vận động.

Biến chứng tăng trương lực cơ tử cung

Nguyên nhân khiến cho thủ thuật gây tê ngoài màng cứng dẫn tới biến chứng tăng trương lực cơ tử cung có thể là do nồng độ adrenalin trong huyết tương tăng nhanh dẫn tới sự suy giảm hoạt tính kích thích beta. Điều này cũng có thể là do thuốc gây tê có tác dụng giảm đau quá nhanh và cách khắc phục là dùng nitroglycerin liều 20 -150 microgam, terbutalin 250 microgram (đường tĩnh mạch) hoặc sử dụng nitroglycerin 400 microgam xịt dưới lưỡi.

Sản phụ có nguy cơ bị ngộ độc thuốc tê

Việc tiêm thuốc gây tê liều cao vào khoang màng cứng hoặc vô tình luồn catheter vào mạch máu có thể gây nhiễm độc nặng và sản phụ sẽ xuất hiện các triệu chứng tổn thương đường hô hấp, nghiêm trọng hơn sản phụ có thể bị co giật và thậm chí là ngừng tim. Trường hợp tiêm nhầm thuốc gây tê tại chỗ vào vị trí dưới màng nhện còn khiến tủy sống bị tê liệt toàn bộ.

Sản phụ có nguy cơ bị ngộ độc thuốc tê

Sản phụ có nguy cơ bị ngộ độc thuốc tê

Do đó trước khi tiêm thuốc tê cần hết sức lưu ý hút catheter, bên cạnh đó nếu sản phụ gặp các hiện tượng khác như run rẩy, đau đầu, co giật trong lúc tiêm thì cần phải tạm dừng ngay việc gây tê lại, sau đó xử trí bằng các biện pháp như thông khí, dùng thuốc an thần có tác dụng chống co giật, khắc phục dựa trên phác đồ xử lý ngộ độc thuốc tê trong trường hợp đã xác định sản phụ bị ngộ độc do thuốc tê. Nếu cần có thể thực hiện hồi sinh tim.

Tổn thương thần kinh

Một số biến chứng ít gặp nhưng một khi đã xuất hiện thì lại có tính chất vô cùng nghiêm trọng bao gồm: nhiễm trùng sâu ngoài màng cứng, tụ máu ngoài màng cứng, tổn thương thần kinh. Xác suất để tai biến áp xe và tụ máu ngoài màng cứng xảy ra lần lượt là 1/145.000 và 1/168.000. Ngoài ra, có khoảng 1/240.000 sản phụ gặp tổn thương thần kinh kéo dài, còn 1/6.700 trường hợp là bị tổn thương thần kinh thoáng qua hoặc tạm thời.

Tụ máu ngoài màng cứng

Như ở trên đã để cập, đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng độ nguy hiểm lại cao. Biểu hiện của biến chứng này đó là sau khi tiêm thuốc tê vào mạch máu nằm ở khoang ngoài màng cứng sẽ có hiện tượng xuất huyết, các khối máu tụ từ đó phát triển nhanh chèn ép lên tủy sống. Nếu không khắc phục kịp thời sẽ khiến sản phụ gặp di chứng liệt hai chi dưới. Do vậy khi thực hiện phương pháp gây tê ngoài màng cứng trong quá trình chuyển dạ, sản phụ cần phải được theo dõi hết sức chặt chẽ để đề phòng xảy ra những biến chứng nghiêm trọng.

Phải cần tới sự trợ giúp của Forcep trong quá trình sinh nở

Khi sản phụ phải tiêm gây tê ngoài màng cứng thì khả năng rất cao là phải cần tới sự hỗ trợ của kẹp Forcep hoặc hút khi sinh theo đường tự nhiên (đẻ thường). Gây tê cũng khiến cho thời gian của giai đoạn 2 trong quá trình chuyển dạ tăng lên từ 15- 20 phút, đồng thời nhu cầu sử dụng oxytocin cũng tăng theo. 

Ức chế lên cao

Có những trường hợp sản phụ do được tiêm một liều lớn thuốc gây tê ở ngoài màng cứng nên gây ra tình trạng mất cảm giác ở phần ngực, ảnh hưởng tới hệ thống dây thần kinh điều khiển hoạt động cánh tay và khiến dây thần kinh tại cơ quan sườn bị ức chế hoạt động. Nếu biến chứng này diễn tiến ngày càng xấu, cần tiến hành đặt ống nội khí quản để điều hòa huyết áp và thông khí cho sản phụ. 

Nhiễm khuẩn

Khi thủ thuật gây tê không được tuân thủ theo đúng quy  trình vô trùng sẽ tạo điều kiện cho sự xâm nhập của các vi khuẩn vào khoang màng cứng. Lúc này cơ thể sản phụ sẽ có những triệu chứng như tăng bạch cầu, sốt, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra tai biến viêm màng não rất nguy hiểm.

Thủng màng cứng

Biến chứng này tuy không phổ biến nhưng vẫn có khả năng xảy ra nếu bác sĩ gây tê không có nhiều kinh nghiệm. Rất dễ để phát hiện ra dấu hiệu màng cứng bị thủng đó là khi thấy đầu kim có dính máu. Màng cứng khi bị thủng sẽ gây đau đầu, đặc biệt là ở khu vực trước trán, chấm gáy, đau tăng nặng khi vận động.

Những trường hợp thủng nhẹ có thể khắc phục bằng biện pháp bù dịch, uống thuốc giảm đau. Còn nếu sản thụ bị thủng màng cứng nặng có thể sẽ phải dùng máu tự thân để thực hiện vá màng cứng. 

Thất bại trong gây tê ngoài màng cứng 

Gây tê ngoài màng cứng thất bại là do nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất là nằm ở trình độ của bác sĩ gây tê. Việc gây tê không thành công có thể khiến cho hệ thần kinh chưa được ngấm hết thuốc tê, qua đó làm giảm hiệu quả trong việc hạn chế cơn đau chuyển dạ cho sản phụ.


Đối tượng nguy cơ Biến chứng của gây tê ngoài màng cứng trong quá trình chuyển dạ

Đối tượng sản phụ không nên thực hiện gây tê ngoài màng cứng

Dưới đây là nhóm các sản phụ cần thận trọng hoặc không nên sử dụng biện pháp gây tê ngoài màng cứng trong quá trình chuyển dạ:

- Mẹ bầu huyết áp thấp.

Mẹ bầu huyết áp thấp

Mẹ bầu huyết áp thấp

- Bị dị ứng với các thành phần trong thuốc tê.

- Viêm da, viêm lỗ chân lông dẫn tới tình trạng nhiễm trùng da khi chọc kim gây tê.

- Xuất hiện tình trạng chảy máu hoặc nhiễm trùng máu.

- Những sản phụ đang bị nhiễm trùng hoặc bị viêm vùng lưng gây tê.

- Sản phụ dùng thuốc làm loãng máu, chống đông máu.

- Những sản phụ bị mắc bệnh lý về tim mạch.

- Những mẹ bầu bị bất thường cột sống như: đã từng tiến hành phẫu thuật cột sống lưng, phần lưng có đặt dụng cụ kim loại,...


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ