Từ điển bệnh lý

Brucella : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 17-01-2025

Tổng quan Brucella

Bệnh Brucella là một bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người do vi khuẩn thuộc chi Brucella gây ra, bao gồm: B. melitensis (dê và cừu là vật chủ chứa bệnh chính), B. abortus (gia súc) , B. suis (lợn), B. neotomae (chuột rừng sa mạc), B. ovis (cừu), B. canis (chó), B. ceti (cá voi), B. pinnipedialis (chân màng), và B. microti (chuột đồng Microtus). Ba tác nhân gây bệnh chính là B. melitensis, B. abortus và B. suis. Sự phân bố rộng khắp của chúng là yếu tố quyết định sự phổ biến toàn cầu của các loài Brucella nói trên ở tất cả các châu lục và phần lớn các quốc gia.

Bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người ở cả động vật nuôi và động vật hoang dã qua các con đường bao gồm vết thương, hít phải vi khuẩn và tiêu thụ các sữa hoặc các sản phẩm từ sữa bị nhiễm bệnh (sữa tươi, kem, bơ). Ở động vật nuôi và động vật hoang dã, nhiễm trùng Brucella chủ yếu gây ra tình trạng sảy thai muộn ở con cái mang thai và viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn ở con đực.

Bệnh Brucella là một bệnh toàn thân có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan của bệnh nhân, bệnh có thể chia thành nhiều dạng như cấp tính, bán cấp và mạn tính.

Để chẩn đoán bệnh Brucella cần đánh giá tiền sử bệnh, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm nuôi cấy, huyết thanh và sinh học phân tử, trong đó tiêu chuẩn vàng là cấy máu có vi khuẩn Brucella.

Phác đồ điều trị thường bao gồm Doxycycline phối hợp Rifampicin hoặc Streptomycin hoặc Gentamicin, Trimethoprime/Sulfamethoxazole.

Lịch sử ra đời bệnh Brucella

Vào năm 1859, bệnh sốt không rõ nguyên nhân xuất hiện trên đảo Malta, được Jeffery Allen Marston - một quân y người Anh mô tả. Bệnh được gọi là sốt Malta hoặc sốt Địa Trung Hải do tỷ lệ mắc bệnh cao ở khu vực này.

Năm 1887, bác sĩ phẫu thuật quân đội Anh David Bruce đã phân tách một loại cầu khuẩn từ lá lách của một người đàn ông đã chết vì vì một căn bệnh sốt phổ biến trong số những người lính đồn trú trên đảo Malta (được gọi là Sốt Malta) và đặt tên cho nó là Micrococcus melitensis.

Năm 1897, Bang phát hiện ra Brucella abortus là nguyên nhân chính gây sảy thai ở bò.

Sau đó, vào năm 1917, nguyên nhân của hai căn bệnh này được phát hiện là giống hệt nhau và được đổi tên thành Brucella để vinh danh David Bruce.

Năm 1914, đã phân lập được Brucella suis từ lợn.

Năm 1920, Brucella được chính thức đặt thành một chi riêng biệt.

Năm 1956, phát hiện ra Brucella ovis.

Năm 1957, phân tách Brucella neotomae khỏi chuột.

Năm 1968, phân lập Brucella canis từ chó.

Vào những năm 1990, Brucella pinnipediae, Brucella cetaceae, Brucella delphini được phát hiện từ động vật biển, các nhà thám hiểm đã đặt tên cho chúng là Brucella maris.

  1. melitensis, B. abortus và B. suis là 3 tác nhân chính có thể gây truyền bệnh từ động vật sang người.

Vi khuẩn Brucella melitensis

Vi khuẩn Brucella melitensis


Dịch tễ học

Bệnh Brucella ở người là một trong những bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người thường gặp. Sự tiến bộ trong các chương trình phòng bệnh lây nhiễm từ động vật sang người đã giảm đáng kể tỷ lệ căn bệnh này ở nhiều quốc gia phát triển có thu nhập cao, tuy nhiên bệnh này vẫn lưu hành ở nhiều khu vực như miền Nam và Trung Mỹ, châu Phi, tiểu lục địa Ấn Độ, Trung Đông và các nước Địa Trung Hải. Theo WHO có thể tỷ lệ thực tế mắc bệnh này cao hơn nhiều so với con số thống kê do mức độ báo cáo thấp và các trường hợp chẩn đoán sai.

Các quốc gia có tỷ lệ lưu hành bệnh cao như Syria, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran.


Nguyên nhân Brucella

Brucella là cầu trực khuẩn gram âm, vi khuẩn không có vỏ, không lông, không tạo bào tử, hiếu khí bắt buộc (cần oxy tồn tại nhưng có thể sống trong môi trường giàu CO2) và không di động.

Vi khuẩn ký sinh nội bào bắt buộc: chủ yếu phát triển bên trong tế bào thực bào của vật chủ (như đại thực bào).

Kích thước vi khuẩn: đường kính vi khuẩn khoảng 0,5-0,7 μm, chiều dài 0,6-1,5 μm.

Các vi khuẩn này có phản ứng dương tính với oxidase, catalase, urease và nitrate reductase.

- Thành tế bào vi khuẩn có cấu trúc điển hình của vi khuẩn Gram âm, bao gồm

  • Lớp peptidoglycan: cấu trúc mỏng, nằm giữa màng ngoài và màng trong
  • Màng ngoài chứa lipopolysaccharide, là yếu tố quyết định độc lực của vi khuẩn.
  • Lipopolysaccharide (LPS) đặc biệt gây ra phản ứng kháng nguyên mạnh. LPS trơn (S-LPS) bao gồm hai loại A và M. Kháng nguyên A là chính trong B. Arbotus và B. suis, trong khi kháng nguyên M là chính trong B. melitensis. LPS không trơn (R-LPS) tương tự như S-LPS là kháng nguyên của vi khuẩn. LPS của Brucella ít gây phản ứng miễn dịch hơn so với các vi khuẩn Gram âm khác, giúp tránh được hệ miễn dịch của vật chủ.

Một số yếu tố như LPS, protein 24 KD, enzyme urease, VirB có vai trò cần thiết trong tính gây bệnh của Brucella.

  • Protein màng ngoài giúp vi khuẩn bám dính và xâm nhập vào tế bào vật chủ.

- Màng phospholipid kép, bao quang tế bào chất, giúp trao đổi chất và tổng hợp năng lượng.

- Nhân Brucella có ADN dạng vòng, nằm trong vùng nhân (nucleoid) không có màng nhân bao bọc.

- Tế bào chất chứa ribosome, enzyme, các hạt dự trữ và cấu trúc cần thiết cho quá trình chuyển hóa và sinh trưởng. Ribosome kiểu 70s, đóng vai trò trong tổng hợp protein.

- Phagosomal Survival: Brucella có cơ chế chống lại sự phân hủy lysosome giúp vi khuẩn sống sót và phát triển bên trong không bào của tế bào vật chủ.

Sau khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người thông qua vết thương hở, hít, nuốt phải vi khuẩn, chúng được các tế bào lympho tại chỗ tiếp nhận, thông qua các hạch bạch huyết và tuần hoàn đến các cơ quan khác của cơ thể. vi khuẩn có thể sống sót bên trong các tế bào của hệ thống lưới nội mô, đặc biệt là các tế bào thực bào của hệ thống miễn dịch, có thể sống sót bên trong các tế bào có nguồn gốc từ ngoại bì hoặc trung bì nhưng không xâm nhập được vào tế mô có nguồn gốc nội bì, có thể trốn tránh hoạt động diệt khuẩn của các tế bào thực bào và sinh sôi bên trong đó. Chúng vận chuyển đến các hạch bạch huyết, nơi các đại thực bào và tế bào thực bào đa nhân chết và giải phóng nhiều vi khuẩn hơn. Ở những bệnh nhân không có khả năng kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng cấp tính, vi khuẩn sẽ lan rộng và cuối cùng khu trú ở lách và gan.

Miễn dịch qua trung gian tế bào, đại thực bào và tế bào dạng sợi có vai trò quan trọng chống lại nhiễm trùng Brucella.






Triệu chứng Brucella

Bệnh Brucella là một bệnh toàn thân có ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể.

Thời gian ủ bệnh khoảng 1-3 tuần, nhưng có thể vài tháng trước khi biểu hiện các dấu hiệu của bệnh.

Các triệu chứng không đặc hiệu và thường gặp trên bệnh nhân brucella bao gồm:

  • Toàn thân: Sốt, ớn lạnh, ra mồ hôi đêm, mệt mỏi, khó chịu, sụt cân, buồn nôn, nôn, suy nhược.
  • Đau bụng, lách to, gan to, viêm gan.
  • Cơ xương: đau khớp, viêm khớp, đau cơ, đau lưng, viêm cột sống, viêm khớp cùng chậu.
  • Liên quan đến các cơ quan cụ thể: viêm mào tinh hoàn-tinh hoàn, sảy thai, viêm nội tâm mạc, các dấu hiệu hô hấp và thần kinh.

Theo thời gian bệnh thường được chia thành các giai đoạn:

  • Cấp tính: dưới 2 tháng.
  • Bán cấp: từ 2 tháng đến 1 năm.
  • Mạn tính: trên 1 năm.

Bệnh có thể kéo dài trong nhiều tháng và tái phát thường gặp trong vòng 3–6 tháng sau khi ngừng điều trị.

Thể bệnh cấp tính

Ở dạng bệnh này hầu hết bệnh nhân đều có các triệu chứng giống nhau bao gồm sốt, đau nhức đầu, đau lưng, sụt cân, chán ăn, có thể nhầm với các triệu chứng của cảm cúm.

- Sốt là triệu chứng điển hình nhất, thường sốt dao động, có thể gọi là sốt làn sóng, kéo dài hàng tuần thậm chí vài tháng.

- Mệt mỏi, suy nhược, khó tập trung.

- Ra mồ hôi nhiều vào ban đêm.

- Đau cơ và khớp: thường đau thắt lưng, cột sống hoặc khớp lớn.

- Đau đầu, thường kèm theo mệt mỏi.

- Sụt cân: chán ăn kéo dài dẫn tới sụt cân.

- Buồn nôn.

Khám lâm sàng có thể gan to, lách to.

 Thể bệnh bán cấp

Trong nhóm này có những bệnh nhân chẩn đoán sai ban đầu hoặc điều trị bằng kháng sinh không đầy đủ theo phác đồ dẫn tới bệnh tái phát.

 Thể bệnh mạn tính

Nếu không điều trị kịp thời có thể tiến triển thành mạn tính, gồm các triệu chứng:

- Sốt kéo dài hoặc tái phát không rõ nguyên nhân.

Bệnh kéo dài có thể biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan như:

- Đau cơ, đau khớp.

- Viêm tinh hoàn. viêm mào tinh.

- Viêm gan.

- Trầm cảm, viêm não, viêm màng não, áp xe não.

- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.


Các biến chứng Brucella

Viêm cột sống, đặc biệt là đốt sống thắt lưng.

- Thần kinh trung ương: Viêm màng não, viêm não, áp xe não.

- Viêm nội tâm mạc, lâm sàng bệnh nhân có sốt, hội chứng nhiễm trùng, nghe tim có tiếng thổi, siêu âm tim có tổn thương, hay tổn thương van động mạch chủ và van hai lá, nếu không điều trị kịp thời có thể gây tử vong cao cho người bệnh.

- Sảy thai.

- Viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, có thể gây vô sinh về sau.



Đường lây truyền Brucella

Các đặc điểm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lây truyền dễ dàng của Brucella bao gồm nhiều cách khác nhau mà vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể, ví dụ qua niêm mạc đường hô hấp (hít phải vi khuẩn trong phòng thí nghiệm), niêm mạc miệng (sau đó xâm chiếm các hạch bạch huyết ở đầu), kết mạc hoặc da bị trầy xước. Lây truyền bệnh Brucella qua không khí chủ yếu xảy ra ở những công nhân lò mổ.



Đối tượng nguy cơ Brucella

Những ngành nghề có nguy cơ cao lây nhiễm brucella bao gồm:

- Nhân viên phòng thí nghiệm.

- Bác sĩ thú y.

- Nông dân, người chăn cừu, nhân viên lò mổ, trang trại.

- Nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về động vật.



Phòng ngừa Brucella

- Tiêm vắc xin phòng bệnh cho các vật nuôi có nguy cơ gây bệnh.

- Sử dụng bảo hộ trong chăn nuôi, khi có vật nuôi nghi ngờ bệnh cần thông báo, cách ly (đeo găng tay cao su, đeo kính, tránh tiếp xúc da đặc biệt da có vết thương trong quá trình xử lý vật nuôi có nghi ngờ nhiễm bệnh).

- Nhân viên trong các phòng xét nghiệm cần chú ý tránh lây nhiễm trong các trường hợp tiếp xúc bệnh phẩm nghi ngờ nhiễm Brucella.

- Tiệt trùng sữa cũng giúp dự phòng nhiễm Brucella.

- Hiện tại không có vắc-xin nào được cấp phép cho bệnh Brucella ở người. Các loại vắc-xin cho động vật hiện có có thể gây bệnh và được coi là không phù hợp để sử dụng ở người. Tuy nhiên, Brucella là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các bệnh nhiễm trùng mắc phải trong phòng thí nghiệm, do đó có nhiều nghiên cứu hương tới trong tương lai có vắc-xin cho người để phòng bệnh Brucella.

Mỗi người cần chủ động tập thể dục đều đặn, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, sinh hoạt điều độ để đảm bảo có một cơ thể khỏe mạnh, phòng tránh lây nhiễm bệnh tật.

Sử dụng sữa đã tiệt trùng là một trong những biện pháp phòng lây nhiễm Brucella

Sử dụng sữa đã tiệt trùng là một trong những biện pháp phòng lây nhiễm Brucella



Các biện pháp chẩn đoán Brucella

Để chẩn đoán bệnh Brucella cần đánh giá tiền sử bệnh, triệu chứng lâm sàng kết hợp xét nghiệm huyết học, sinh hóa, siêu âm tim thường quy, nuôi cấy Brucella, huyết thanh và sinh học phân tử.

- Nuôi cấy:

Tiêu chuẩn vàng là nuôi cấy phát hiện vi khuẩn, có thể cấy máu hoặc nuôi cấy tủy xương, dịch não tủy, trong đó máu là bệnh phẩm hay gặp nhất. Trong thể bệnh cấp tính, độ nhạy của xét nghiệm cấy máu khoảng 80%, tuy nhiên trong thể bệnh mạn tính, độ nhạy thấp hơn, khoảng 30-70%. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này có thể được giải thích là do sự phát triển chậm của vi khuẩn brucella, thông thường cấy máu trả trên 7 ngày nhưng một số trường hợp nghi ngờ có thể cần giữ tới 3 đến 4 tuần.

- Xét nghiệm huyết thanh bao gồm:

  • Xét nghiệm ngưng kết Rose Benga (RB): xét nghiệm này rất nhanh, chi phí thấp, có thể thực hiện trong vòng dưới 10 phút và rất hữu ích trong chẩn đoán thể bệnh cấp tính, nhưng hay âm tính giả ở thể bệnh mạn tính.
  • Xét nghiệm ngưng kết huyết thanh (SAT): là xét nghiệm huyết thanh thường dùng nhất để chẩn đoán bệnh brucella, xét nghiệm này ước tính tổng lượng kháng thể IgG, IgM, IgA liên quan đến brucella.
  • Xét nghiệm Coombs: được sử dụng để chẩn đoán kháng thể IgG của brucella, độ nhạy cao của xét nghiệm này có ý nghĩa trong trường hợp bệnh tái phát.

- Xét nghiệm sinh học phân tử (PCR)

Phản ứng chuỗi polymerase đã được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán bệnh brucella. Xét nghiệm PCR nhanh có thể cho kết quả dương tính chỉ sau 10 ngày sau khi vi khuẩn xâm nhập. PCR thường dùng để đánh giá hiệu quả trong quá trình điều trị bệnh.

- Xét nghiệm thường quy: tổng phân tích tế bào máu có thể gặp tình trạng giảm bạch cầu hạt, tăng nhẹ bạch cầu lympho, thiếu máu nhẹ và giảm tiểu cầu.

- Siêu âm tim: trường hợp viêm nội tâm mạc giúp phát hiện các tổn thương van tim đặc hiệu.



Các biện pháp điều trị Brucella

- Điều trị đặc hiệu

Lựa chọn kháng sinh có thể xâm nhập vào đại thực bào và có thể hoạt động trong môi trường acid trong điều trị bệnh Brucella.

Phối hợp kháng sinh giúp nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tỷ lệ tái phát, tỷ lệ tái phát thường được báo cáo là từ 5% đến 40%.

- Phác đồ uống Doxycycline 100mg/lần x 2 lần/ngày trong 6 tuần phối hợp với Gentamicin 5mg/kg/ngày đường tĩnh mạch, có thể thay thế Doxycycline bằng Tetracycline liều 500mg x 4 lần/ngày.

- Phác đồ thay thế Doxycycline 200mg/ngày phối hợp với Rifampicin 600-900mg/ngày, uống trong 6 tuần.

Trong trường hợp nhiễm Brucella có biến chứng

  • Áp xe cạnh cột sống, viêm đốt sống: sử dụng phác đồ như trên nhưng thời gian điều trị Doxycycline ít nhất 8 tuần.
  • Viêm màng não, viêm não, áp xe não: điều trị phác đồ như trên nhưng cần phối hợp thêm Rifampicin hoặc Trimethoprim/Sulfamethoxazole (Cotrimoxazol), điều trị ít nhất 6-8 tuần một số trường hợp kéo dài 6-12 tháng.
  • Viêm nội tâm mạc: ngoài phác đồ điều trị Doxycycline phối hợp Aminoglycoside cần phối hợp thêm Trimethoprim/Sulfamethoxazole (Cotrimoxazol) ít nhất 8 tuần, một số trường hợp cần phẫu thuật thay van tim. Brucella có biến chứng viêm nội tâm mạc cần có sự phối hợp điều trị giữa bác sĩ truyền nhiễm và bác sĩ nội tim mạch, bác sĩ phẫu thuật tim mạch, để hạn chế tối đa nguy cơ tử vong do viêm nội tâm mạc cho người bệnh.

Các phác đồ trên dùng để điều trị cho người lớn và trẻ em trên 8 tuổi.

Phụ nữ có thai phác đồ phối hợp Cotrimoxazol (Trimethoprim/Sulfamethoxazole) và Rifampicin thường được sử dụng trong 6 tuần.

Trẻ em dưới 8 tuổi nhiễm Brucella điều trị: phối hợp Trimethoprim/Sulfamethoxazole 8/40mg/kg/ngày chia làm 2 lần uống trong ngày trong 6 tuần và Gentamicin 5mg/kg/ngày truyền tĩnh mạch 1 lần trong ngày trong 7-10 ngày.

Lưu ý: không sử dụng Doxycycline ở phụ nữ có thai.

Một số trường hợp biến chứng viêm nội tâm mạc cần phẫu thuật thay van tim, dẫn lưu áp xe.

Doxycycline là thuốc chính trong phác đồ điều trị bệnh Brucella

Doxycycline là thuốc chính trong phác đồ điều trị bệnh Brucella

Brucellosis là một bệnh cấp tính nghiêm trọng do vi khuẩn Brucella gây ra, hoặc có nhiều tổn thương dai dẳng với nhiều triệu chứng khác nhau. Tổn thương khu trú có thể xảy ra ở tim mạch,cơ, xương, khớp, đường tiết niệu sinh dục và các vị trí khác. Chẩn đoán dựa vào trên lâm sàng nếu có tiền sử phơi nhiễm, nuôi cấy máu có thể dương tính trong giai đoạn đầu và giai đoạn sau thường dựa vào PCR. Bệnh có thể ngăn ngừa được bằng cách tiệt trùng sữa, loại trừ các gia súc, gia cầm nghi ngờ nhiễm bệnh khỏi đàn, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa an toàn trong chăn nuôi và trong phòng thí nghiệm. Bệnh thường điều trị bằng phối hợp 2 kháng sinh, thường là Doxycycline kết hợp Rifampicin hoặc 1 kháng sinh trong nhóm Aminoglycoside. Biến chứng của bệnh Brucella không thường xảy ra nhưng nếu có viêm nội tâm mạc, biến chứng thần kinh trung ương sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh, thậm chí tử vong nếu đến viện muộn. Vì vậy hy vọng bài viết trên sẽ giúp các bạn nắm được các triệu chứng nhiễm Brucella, các yếu tố phơi nhiễm để có các biện pháp phòng ngừa bệnh cũng như có thể phát hiện kịp thời để đến bệnh viện sớm ngay từ giai đoạn đầu, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng của người bệnh.


Tài liệu tham khảo:

  1. https://link.springer.com/article/10.1134/S106235901007006X
  2. https://books.google.com.vn/books?hl=vi&lr=&id=ymUIEQAAQBAJ&oi=fnd&pg=PA301&dq=brucella+infection&ots=edNrxGDRn8&sig=s5o-AMOQPrydREfruBi6Il_xi-0&redir_esc=y#v=onepage&q&f=false
  3. file:///C:/Users/Admin/Downloads/50003620140301.pdf
  4. https://emed.bvbnd.vn/wiki/phac-do/pd-dt/nhim-brucella/
  5. https://www.tandfonline.com/doi/pdf/10.3109/10408419009105726
  6. https://academic.oup.com/femsre/article/34/3/379/629586?login=false
  7. https://journals.plos.org/plosntds/article?id=10.1371/journal.pntd.0001929
  8. https://cidta.usal.es/cursos/enfermedades/modulos/libros/UNIDAD5/Brucella%20Baron.pdf
  9. https://www.msdmanuals.com/vi/professional/b%E1%BB%87nh-truy%E1%BB%81n-nhi%E1%BB%85m/tr%E1%BB%B1c-khu%E1%BA%A9n-gram-%C3%A2m/brucellosis


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ