Từ điển bệnh lý

Bướu giáp nhân : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 19-12-2024

Tổng quan Bướu giáp nhân

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết, có hình giống con bướm, nằm ở vùng cổ, phía trước khí quản. Tuyến giáp bao gồm hai thùy nằm hai bên và được nối với nhau bởi eo tuyến giáp. Tuyến giáp sẽ tiết ra các hóc-môn vào trong máu để điều chỉnh các quá trình chuyển hóa và giúp ổn định các chức năng của các hệ cơ quan như hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hệ vận động…

Tuyến giáp là tuyến nội tiết nằm ở vùng cổ

Tuyến giáp là tuyến nội tiết nằm ở vùng cổ

Bệnh bướu giáp nhân là tình trạng xuất hiện các khối u bất thường của tuyến giáp - hay còn gọi là nhân tuyến giáp, các khối u này được tập hợp bởi các tế bào bất thường. Khi bướu giáp nhân còn nhỏ, chúng chưa gây ra các triệu chứng, nên người bệnh rất khó nhận ra, chỉ được phát hiện khi khám sức khỏe định kì. Khi bướu giáp nhân phát triển lớn dần, sẽ gây ra các triệu chứng chèn ép, thậm chí gây rối loạn chức năng tuyến giáp hoặc tiến triển ung thư hóa - ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.


Nguyên nhân Bướu giáp nhân

Theo nhiều nghiên cứu được công bố, bệnh bướu giáp nhân thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Đặc biệt, những vùng có thói quen ăn uống sinh hoạt thiếu i ốt, càng nhiều tuổi thì nguy cơ bị bướu giáp nhân càng cao. Yếu tố gia đình cũng là một nguy cơ của bệnh bướu giáp nhân. Môi trường làm việc độc hại, hoặc tiếp xúc - phơi nhiễm với phóng xạ cũng làm tăng nguy cơ bị bướu giáp nhân.


Triệu chứng Bướu giáp nhân

Phần lớn các trường hợp bướu giáp nhân không có triệu chứng lâm sàng vì kích thước còn nhỏ và chưa gây ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, các bướu giáp nhân này thường phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe tổng quát. Trong trường hợp bướu giáp nhân lớn gây chèn ép vào các cơ quan lân cận, người bệnh có thể có các triệu chứng sau: - Phát hiện thấy cổ to bất thường, đẩy lồi da vùng cổ - Sờ thấy khối ở cổ, có thể cố định hoặc di động, tùy theo mức độ xâm lấn phần mềm xung quanh của bướu giáp nhân - Nuốt vướng, nuốt nghẹn khi thực quản bị bướu giáp nhân chèn ép vào - Khó thở nếu khí quản bị đè ép, hoặc gây tiếng ngáy khi ngủ - Thay đổi giọng nói, nói khàn khi dây thần kinh thanh quản quặt ngược bị bướu giáp nhân chèn ép Đặc biệt, khi bướu giáp nhân gây ra biến đổi chức năng tuyến giáp, có thể làm rối loạn hoạt động tuyến giáp gây cường giáp hoặc suy giáp, các triệu chứng của cơ thể có thể gặp như: - Khi cường chức năng tuyến giáp, người bệnh có thể run tay chân, vã mồ hôi, hồi hộp đánh trống ngực, tim đập nhanh, giảm cân bất thường… - Khi tuyến giáp bị suy giảm chức năng, người bệnh có thể có các triệu chứng như lạnh chân tay, nhịp chậm, táo bón, tăng cân… Nguy hiểm hơn, khi bướu giáp nhân tiến triển thành ung thư tuyến giáp, các triệu chứng có thể gặp như sờ thấy khối rắn, chắc, di động kém ở vùng cổ, sờ thấy nhiều hạch vùng cổ, các triệu chứng chèn ép như nuốt vướng - nghẹn, nói khàn, khó thở trở nên rõ ràng hơn khi khối u xâm lấn cấu trúc xung quanh.



Phòng ngừa Bướu giáp nhân

Do triệu chứng âm thầm và thường khó phát hiện, nên việc chủ động dự phòng bướu giáp nhân là cực kì quan trọng. Một số phương pháp sau sẽ giúp bạn:

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên: bạn cần bổ sung chế độ ăn nhiều rau xanh và hoa quả. Hạn chế chất béo, đồ ăn nhanh, hạn chế sử dụng bia rượu, thuốc lá. Dùng muối iod và bổ sung các thực phẩm giàu iod.
  • Hạn chế tiếp xúc với các chất bức xạ, phóng xạ: nghiêm túc thực hiện an toàn lao động, mặc đồ bảo hộ khi làm việc với các chất phóng xạ.
  • Khám sức khỏe định kì: đây là chìa khóa để phát hiện và điều trị sớm bướu giáp nhân.

Các biện pháp chẩn đoán Bướu giáp nhân

Phần lớn các trường hợp bướu giáp nhân không có triệu chứng lâm sàng, chủ yếu phát hiện qua thăm khám sàng lọc, nên việc kiểm tra sức khoẻ định kì là vô cùng ý nghĩa. Tại đây, người bệnh sẽ được bác sĩ thăm khám lâm sàng, hỏi bệnh về các triệu chứng khó chịu, hỏi về tiền sử gia đình cũng như tiền sử của bản thân. Sau đó bổ sung bằng các xét nghiệm máu và các phương pháp thăm dò chức năng hoặc chẩn đoán hình ảnh nếu cần:

  • Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm như TSH, T3, T4 đánh giá chức năng tuyến giáp là vô cùng quan trọng và cần thiết, ngoài ra còn có các xét nghiệm đánh giá nguy cơ ung thư tuyến giáp như TG, anti - TG, calcitonin
  • Siêu âm tuyến giáp: là kĩ thuật cực kì quan trọng trong thăm khám tuyến giáp. Siêu âm tuyến giáp có độ an toàn cao do không xâm lấn, chi phí rẻ, thực hiện được nhiều lần, đồng thời có thể cung cấp hình ảnh sắc nét về bướu giáp nhân. Kĩ thuật này có thể xác định được chính xác số lượng, vị trí các bướu giáp nhân, cũng như đặc điểm của chúng, đánh giá các đặc điểm của bướu nhân tuyến giáp như: độ hồi âm, đường bờ, vi vôi hoá, từ đó tiên lượng nguy cơ ung thư hoá. Ngoài ra siêu âm còn giúp dẫn đường cho chọc hút tế bào bướu giáp nhân làm xét nghiệm đánh giá lành hay ác tính.

Siêu âm là kĩ thuật đầu tay để chẩn đoán bướu giáp nhân

Siêu âm là kĩ thuật đầu tay để chẩn đoán bướu giáp nhân

  • Chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ: thường ít được sử dụng, chủ yếu đánh giá sự xâm lấn của bướu nhân tuyến giáp với những cấu trúc lân cận như hạch vùng cổ, khí quản, thực quản…Ngoài ra các kĩ thuật này có chi phí cao cùng một số hạn chế nhất định, nên thường không được các bác sĩ chỉ định nhiều như siêu âm tuyến giáp. Tuy nhiên một số ít trường hợp siêu âm chưa đủ đánh giá, bác sĩ vẫn phải bổ sung để khảo sát một cách toàn diện, trước khi lên phương án điều trị cho người bệnh
  • Xạ hình tuyến giáp: Người bệnh sẽ được uống một lượng nhỏ iod phóng xạ, sau đó sẽ được ghi hình trên máy, để từ đó quan sát đc iod có được hấp thụ vào trong tuyến giáp hay không, từ đó đánh giá hoạt động của tuyến giáp là bình thường hay bất thường. Xạ hình tuyến giáp thường được bác sĩ chỉ định khi nghi ngờ tuyến giáp lạc chỗ, đánh giá bướu giáp nhân, chẩn đoán nhân nóng tuyến giáp… Và vì là kĩ thuật sử dụng iod phóng xạ, nên không phải cơ sở y tế nào cũng có thể thực hiện được.
  • Xét nghiệm tế bào - mô bệnh học: là phương pháp quan trọng nhất trong xác định bản chất của bướu giáp nhân. Bằng một chiếc kim nhỏ, bác sĩ sẽ chọc vào bướu giáp nhân để hút ra các tế bào u, sau đó dàn đều trên lam kính và nhuộm soi, từ đó xác định bản chất của tế bào bướu giáp nhân là lành hay ác. Trong trường hợp chưa đủ để chẩn đoán, bác sĩ sẽ dùng kim sinh thiết để cắt các mảnh u như sợi bún, từ đó quan sát xem các mô tế bào có dạng lành tính hay không. Vì đây là xét nghiệm quyết định phương án điều trị, nên được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bướu giáp nhân.

Các biện pháp điều trị Bướu giáp nhân

Phần lớn các bướu giáp nhân có kích thước nhỏ, chưa có triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ khuyên người bệnh theo dõi định kì bằng siêu âm và xét nghiệm máu mỗi 3-6 tháng, tùy theo mức độ nghi ngờ của bướu giáp nhân. Trong quá trình theo dõi, nếu thấy kích thước bướu tăng lên hoặc thay đổi bản chất - đặc điểm hình ảnh, thì cần xét nghiệm tế bào luôn để đánh giá lại bản chất, rồi từ đó sẽ quyết định cần điều trị luôn hay theo dõi tiếp.

Với những bướu giáp nhân lành tính có kích thước to, gây lồi vùng cổ, hoặc gây các triệu chứng chèn ép như khó thở, nuốt vướng, nuốt nghẹn hoặc nói khàn, cần điều trị để giảm các triệu chứng này. Có nhiều phương pháp, trong đó kinh điển là phẫu thuật tuyến giáp loại bỏ bướu giáp nhân, có thể phẫu thuật nội soi hay mổ mở, lấy toàn bộ phần tuyến giáp có bướu giáp nhân, đây là phương pháp điều trị triệt để nhưng có một số nhược điểm như xâm lấn nhiều, có thể có biến chứng chảy máu, nhiễm trùng, có thể suy giáp sau điều trị do loại bỏ nhiều phần nhu mô lành. Ngày nay, các phương pháp không xâm lấn phát triển, đốt sóng cao tần là phương pháp có nhiều ưu điểm: không đau, không để lại sẹo, ra viện trong ngày, an toàn do được làm dưới hướng dẫn siêu âm, sau đốt sóng cao tần các bướu giáp nhân sẽ giảm dần kích thước sau 3-6-12 tháng và chỉ còn một sẹo nhỏ. Trong trường hợp tái phát, hoàn toàn có thể thực hiện đốt lần 2 để loại bỏ bướu giáp một cách triệt để. Với một số bướu giáp nhân dạng nang, bác sĩ có thể điều trị bằng cách chọc hút dịch, sau đó tiêm xơ bằng cồn để phá hủy tế bào nang tiết dịch, trong trường hợp vẫn tái phát, có thể lại chọc hút và sau đó đốt sóng cao tần. Những trường hợp bướu giáp nhân lành tính nhưng gây cường giáp, cần điều trị bổ sung bằng thuốc kháng giáp trạng để điều chỉnh lượng hóc-môn về khoảng bình thường, tránh các biến chứng của tim mạch hay xương khớp.

Đốt sóng cao tần bướu nhân tuyến giáp là kĩ thuật phổ biến hiện nay

Đốt sóng cao tần bướu nhân tuyến giáp là kĩ thuật phổ biến hiện nay

Trường hợp bướu giáp nhân tiến triển thành ung thư tuyến giáp, người bệnh bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật cắt tuyến giáp, tùy theo mức độ xâm lấn mà sẽ cắt toàn bộ hay một phần tuyến giáp, đồng thời nạo vét các hạch vùng cổ. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể được điều trị bằng iod phóng xạ, tùy theo mỗi người bệnh mà phác đồ điều trị iod phóng xạ lại khác nhau. Sau khi phẫu thuật và điều trị bằng iod phóng xạ, người bệnh sẽ được uống bổ sung hóc-môn tuyến giáp hằng ngày, thay thế cho lượng hóc-môn mà tuyến giáp tiết ra, và sẽ được theo dõi định kì bằng siêu âm và xét nghiệm máu, đánh giá tái phát và đánh giá nồng độ hóc-môn tuyến giáp được bổ sung có đầy đủ hay không.

Bệnh viện đa khoa MEDLATEC là cơ sở y tế uy tín với người dân Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung. Với hệ thống máy móc hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia - bác sĩ giàu kinh nghiệm, chắc chắn các bạn sẽ được thăm khám và chẩn đoán chính xác nhất. Gọi ngay hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và đặt lịch khám tại bệnh viện



Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ