Từ điển bệnh lý

Các bệnh về móng : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 15-04-2025

Tổng quan Các bệnh về móng

Móng tay và móng chân không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các đầu ngón tay và ngón chân mà còn giúp chúng ta thực hiện các hoạt động như cầm nắm, viết, và di chuyển. Ngoài chức năng cơ bản này, móng còn là một chỉ số phản ánh tình trạng sức khỏe tổng thể của cơ thể. Các thay đổi bất thường về màu sắc, hình dạng, cấu trúc hoặc độ dày của móng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe tiềm tàng.

Những bệnh lý liên quan đến móng có thể xuất phát từ các nguyên nhân da liễu như nhiễm nấm, vảy nến móng, hoặc là các bệnh lý nghiêm trọng hơn như bệnh tim mạch, gan, thận hoặc rối loạn chuyển hóa,... Vì vậy, việc theo dõi và chăm sóc móng đúng cách không chỉ giúp bảo vệ vẻ đẹp thẩm mỹ mà còn là một phần quan trọng trong việc phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý tiềm ẩn, từ đó ngăn ngừa các biến chứng và cải thiện sức khỏe toàn trạng.

Bệnh lý về móng là nhóm các rối loạn ảnh hưởng đến cấu trúc, màu sắc, hình dạng và chức năng của móngBệnh lý về móng là nhóm các rối loạn ảnh hưởng đến cấu trúc, màu sắc, hình dạng và chức năng của móng



Nguyên nhân Các bệnh về móng

Nhiễm trùng

Bệnh lý về móng do nhiễm trùng thường gặp nhất là nấm móng, viêm quanh móng do vi khuẩn hoặc virus. Nấm móng chủ yếu do các chủng Dermatophytes, Candida hoặc nấm mốc gây ra. Viêm quanh móng do vi khuẩn Staphylococcus aureus hoặc Pseudomonas aeruginosa có thể xảy ra cấp tính hoặc mạn tính, gây sưng đau, đỏ và có thể có mủ quanh móng. Ngoài ra, nhiễm virus HPV gây mụn cóc quanh móng (periungual warts), làm móng sần sùi, dễ bong tróc.

Chấn thương và tác động cơ học

Chấn thương móng có thể xảy ra do va đập mạnh, giẫm lên móng, cắt tỉa móng sai cách hoặc do các hoạt động lặp đi lặp lại như gõ bàn phím mạnh. Những chấn thương này có thể gây tụ máu dưới móng, nứt móng hoặc bong móng. Một số thói quen xấu như cắn móng tay, dùng móng để cạy hoặc bật nắp chai cũng có thể dẫn đến tổn thương móng kéo dài. Những người thường xuyên mang giày quá chật hoặc có dáng đi không phù hợp cũng có nguy cơ bị biến dạng móng, đặc biệt là ở ngón chân cái.

Tiếp xúc hóa chất

Móng tay, móng chân rất nhạy cảm với hóa chất từ sơn móng, nước tẩy sơn móng chứa acetone hoặc các chất tẩy rửa mạnh. Tiếp xúc lâu dài với các hóa chất này có thể làm móng khô, dễ gãy, tách lớp. Những người thường xuyên làm nail, nhân viên vệ sinh hoặc công nhân tiếp xúc với dung môi công nghiệp có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về móng do hóa chất.

Rối loạn dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt các vi chất quan trọng có thể gây ra nhiều bất thường ở móng. Thiếu sắt có thể dẫn đến móng mỏng, lõm vào giữa. Thiếu kẽm có thể gây móng trắng, móng dễ gãy. Suy dinh dưỡng hoặc thiếu protein cũng ảnh hưởng đến móng, xuất hiện các đường trắng ngang trên móng do giảm albumin máu.

Rối loạn chuyển hóa

Xơ gan có thể dẫn đến phần lớn móng có màu trắng bệch, chỉ có phần xa móng màu hồng nhạt. Suy thận mạn có thể gây móng Half-and-half (Lindsay’s nails), trong đó nửa móng gần gốc có màu trắng, nửa móng xa hơn có màu hồng sẫm.

Bệnh lý toàn thân

Móng có thể phản ánh tình trạng của nhiều bệnh lý toàn thân, đặc biệt là các bệnh tim mạch, hô hấp, nội tiết và tự miễn. Những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), lao phổi, suy tim hoặc bệnh tim bẩm sinh có thể xuất hiện tình trạng móng dùi trống, trong đó đầu ngón tay phình to, móng cong vòm. Bệnh lý tuyến giáp cũng ảnh hưởng đến móng. Trong cường giáp, móng mọc nhanh hơn bình thường và dễ bong khỏi nền móng. Ngược lại, suy giáp làm móng giòn, khô, dễ tách lớp. Một số bệnh tự miễn như vảy nến có thể gây móng rỗ, tạo các vết lõm nhỏ trên bề mặt móng, hoặc làm dày sừng dưới móng. Lupus ban đỏ hệ thống cũng có thể gây tổn thương móng với dấu hiệu móng dễ gãy, viêm quanh móng kéo dài và giãn mao mạch dưới nền móng.

Yếu tố di truyền

Một số bệnh lý về móng có yếu tố di truyền, thường hiếm gặp nhưng có thể gây ảnh hưởng nặng nề. Hội chứng móng - xương bánh chè là một rối loạn di truyền gây móng kém phát triển, kèm theo bất thường xương bánh chè. Hội chứng móng vàng làm móng dày, có màu vàng, thường liên quan đến bệnh phổi mạn tính hoặc phù bạch huyết.

Cắt khóe móng không đúng cách có thể là nguyên nhân gây bệnh về móngCắt khóe móng không đúng cách có thể là nguyên nhân gây bệnh về móng


Phòng ngừa Các bệnh về móng

Phòng ngừa các bệnh lý về móng đòi hỏi sự kết hợp giữa giữ vệ sinh, chăm sóc móng đúng cách, hạn chế yếu tố nguy cơ và duy trì lối sống lành mạnh. Một số biện pháp quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về móng bao gồm:

  • Chăm sóc móng đúng cách
  • Rửa tay và chân thường xuyên bằng xà phòng nhẹ, đặc biệt sau khi tiếp xúc với môi trường bẩn hoặc hóa chất. 
  • Giữ móng khô ráo để tránh sự phát triển của vi khuẩn và nấm. 
  • Không dùng chung dụng cụ làm móng với người khác để tránh lây nhiễm nấm, vi khuẩn, virus. 
  • Cắt móng đúng kỹ thuật, cắt móng thẳng, không cắt quá sát để tránh móng mọc ngược. Dùng dũa móng để làm mịn đầu móng, hạn chế gãy móng. 
  • Dùng kem dưỡng ẩm chứa dầu jojoba, vitamin E để tránh khô, gãy móng. Tránh ngâm tay chân quá lâu trong nước để không làm móng yếu, dễ tổn thương.
  • Bảo vệ móng khỏi tác động môi trường
  • Đeo găng tay khi tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa, nước rửa chén, xà phòng mạnh.
  • Hạn chế để móng tiếp xúc với môi trường ẩm ướt kéo dài, đặc biệt là ở những người thường xuyên làm việc trong môi trường nước. 
  • Đi giày thoáng khí, tránh đi giày quá chật để giảm nguy cơ móng mọc ngược hoặc nhiễm nấm móng.
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bổ sung các dưỡng chất quan trọng giúp móng chắc khỏe. Bổ sung Biotin (vitamin B7) có trong trứng, hạnh nhân, bơ, chuối, giúp móng chắc khỏe, ít gãy. Sắt và kẽm trong thịt đỏ, hải sản, ngũ cốc nguyên hạt, giúp ngăn ngừa móng giòn, móng thìa. Vitamin A, C, E giúp hỗ trợ quá trình tái tạo và bảo vệ móng khỏi tác nhân oxy hóa. Protein là thành phần chính của keratin trong móng, có nhiều trong thịt, cá, đậu nành. Ngoài ra, uống đủ nước để tránh tình trạng móng khô và dễ gãy.
  • Theo dõi và phát hiện sớm bất thường về móng: Nếu thấy móng có dấu hiệu bất thường như đổi màu, dày lên, giòn, dễ gãy hoặc sưng viêm quanh móng, cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Kiểm soát tốt bệnh lý nền: Đối với những người có bệnh lý nền (tiểu đường, vảy nến, lupus…), cần kiểm tra sức khỏe móng định kỳ để phát hiện sớm biến chứng.

Chăm sóc móng định kỳ, đúng cách dự phòng các bệnh về móngChăm sóc móng định kỳ, đúng cách dự phòng các bệnh về móng


Các biện pháp chẩn đoán Các bệnh về móng

Chẩn đoán bệnh lý về móng cần kết hợp khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng để xác định nguyên nhân và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Khám lâm sàng

- Hỏi bệnh: 

+ Thời gian khởi phát và diễn tiến: Bệnh xuất hiện đột ngột hay kéo dài, mức độ tiến triển của tổn thương móng.

+ Triệu chứng đi kèm: đau, sưng viêm quanh móng, móng đổi màu, biến dạng, dễ gãy, có mủ hoặc mụn nước.

+ Tiền sử bệnh lý toàn thân: đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, bệnh gan-thận, bệnh phổi, rối loạn miễn dịch.

+ Thói quen và yếu tố nguy cơ: Tiếp xúc hóa chất, làm nail thường xuyên, cắn móng tay, đi giày chật, tiền sử chấn thương.

+ Tiền sử gia đình: Một số bệnh về móng có yếu tố di truyền như hội chứng móng vàng, hội chứng móng - xương bánh chè.

- Khám bệnh: Bác sĩ quan sát kỹ các bất thường của móng để định hướng nguyên nhân:

+ Màu sắc móng:

  • Móng trắng: Thiếu kẽm, xơ gan (Terry’s nails).
  • Móng vàng: Hội chứng móng vàng, nấm móng.
  • Móng xanh đen: Nhiễm vi khuẩn Pseudomonas, chấn thương tụ máu.
  • Móng nửa trắng - nửa đỏ (Half-and-half nails): Bệnh thận mạn.

+ Hình dạng móng:

  • Móng dùi trống (Clubbing nails): Bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạch.
  • Móng thìa (Koilonychia): Thiếu sắt.
  • Móng lõm có nhiều vết rỗ (Pitting nails): Vảy nến, viêm khớp vảy nến.

+ Độ dày và độ bền của móng:

  • Móng dày, giòn, dễ gãy: Nấm móng, bệnh tuyến giáp, thiếu dinh dưỡng.
  • Móng mềm, mỏng, dễ tách lớp: Suy dinh dưỡng, tiếp xúc hóa chất.

+ Bất thường quanh móng:

  • Sưng đỏ, mủ quanh móng: Viêm quanh móng do vi khuẩn.
  • Ban đỏ, giãn mao mạch quanh móng: Lupus ban đỏ hệ thống.

Cận lâm sàng

Tùy theo nghi ngờ nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm sau:

- Xét nghiệm vi sinh:

+ Soi tươi và nuôi cấy nấm: lấy mẫu từ móng, nhuộm KOH để tìm sợi nấm. Nuôi cấy xác định loại nấm gây bệnh (Trichophyton rubrum, Candida…).

+ Nuôi cấy vi khuẩn: Xác định vi khuẩn gây viêm quanh móng. 

+ PCR phát hiện virus: Nếu nghi ngờ nhiễm HPV (mụn cóc quanh móng) hoặc Herpes simplex.

- Xét nghiệm máu: 

+ Đánh giá công thức máu, CRP giúp nhận định tình trạng viêm.

+ Xét nghiệm đường huyết, HbA1c: Để tầm soát đái tháo đường ở bệnh nhân có nấm móng kéo dài. 

+ Kiểm tra chức năng gan, thận khi nghi ngờ bệnh lý nền. 

+ Xét nghiệm các vi chất dinh dưỡng như định lượng sắt, kẽm, protein máu. 

+ Yếu tố miễn dịch ANA, RF: Để chẩn đoán lupus, viêm khớp vảy nến.

- Sinh thiết móng: Để chẩn đoán tổn thương móng do bệnh lý tự miễn, vảy nến hoặc ung thư da, có thể cần sinh thiết để kiểm tra mô bệnh học.

Điều trị các bệnh về móng:

Điều trị bệnh lý về móng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể kết hợp giữa điều trị nội khoa, chăm sóc móng và thay đổi thói quen sinh hoạt để đạt hiệu quả tối ưu.


Các biện pháp điều trị Các bệnh về móng

Điều trị bệnh lý về móng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể kết hợp giữa điều trị nội khoa, chăm sóc móng và thay đổi thói quen sinh hoạt để đạt hiệu quả tối ưu.

 Điều trị nhiễm trùng móng

  • Nấm móng:

+ Thuốc bôi tại chỗ: Ciclopirox 8%, Efinaconazole 10%, Tavaborole 5%, liệu trình điều trị cần theo đơn của bác sĩ.

+ Thuốc uống toàn thân (dùng khi nấm lan rộng, ảnh hưởng nhiều móng): Itraconazole, Terbinafine.

+ Can thiệp ngoại khoa: Nhổ móng hoặc mài móng trong trường hợp nặng, kết hợp thuốc kháng nấm.

Viêm quanh móng:

+ Viêm quanh móng cấp tính (do vi khuẩn): Dùng kháng sinh tại chỗ. Nếu có mủ cần chích rạch dẫn lưu, kết hợp kháng sinh đường uống

+Viêm quanh móng mạn tính: Tránh tiếp xúc nước, hóa chất. Dùng thuốc bôi tại chỗ kéo dài theo chỉ định của bác sĩ.

Nhiễm virus:

+ Mụn cóc quanh móng do HPV: đốt điện, laser CO₂, áp lạnh bằng nitơ lỏng. Dùng Imiquimod hoặc Cantharidin để kích thích miễn dịch tại chỗ.

+ HSV quanh móng: Sử dụng thuốc kháng virus kết hợp với các liệu pháp khác.

Điều trị móng tổn thương do chấn thương và cơ học

- Tụ máu dưới móng: Nếu đau nhiều, có thể chọc hút máu bằng kim vô trùng.

- Móng mọc ngược: Ngâm nước muối ấm, dùng bông gòn đặt dưới cạnh móng để nâng móng. Bác sĩ có thể tiến hành tiểu phẫu cắt bỏ phần móng mọc ngược nếu tình trạng nặng.

Điều trị móng bị ảnh hưởng bởi bệnh lý toàn thân

Cần điều trị tốt bệnh lý toàn thân để phục hồi móng. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tái tạo móng tốt.

Thuốc bôi ngoài da được kê để điều trị một số bệnh về móngThuốc bôi ngoài da được kê để điều trị một số bệnh về móng

KẾT LUẬN

Trên đây là các thông tin cần thiết về các bệnh về móng. Để chẩn đoán và điều trị tốt tình trạng này, bệnh nhân cần khám thai định kỳ tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.


Tài liệu tham khảo:

Lipner, S. R., & Scher, R. K. (2019). Onychomycosis: Treatment and Prevention of Recurrence. Journal of the American Academy of Dermatology, 80(4), 853-867.

Piraccini, B. M., & Alessandrini, A. (2017). Nail disorders: A practical guide to diagnosis and management. Canadian Medical Association Journal, 189(9), E312-E318.

Haneke, E. (2020). Nail psoriasis: Clinical features, pathogenesis, differential diagnoses, and management. American Journal of Clinical Dermatology, 21(5), 631-648.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu của Bộ Y tế Việt Nam (2023).

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ