Từ điển bệnh lý

Chảy dịch tai (otorrhea) : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20-03-2025

Tổng quan Chảy dịch tai (otorrhea)

Chảy dịch tai là gì?

Chảy dịch tai là sự xuất hiện của bất kỳ chất dịch nào chảy ra từ ống tai ngoài, khác với ráy tai thông thường. Dịch này có thể có nhiều dạng:

  • Dịch trong/thanh dịch: Thường là dịch tiết trong, lỏng, có thể do viêm tai giữa thanh dịch (ứ dịch trong tai giữa mà không do nhiễm trùng), hoặc do các vấn đề về da trong ống tai như chàm.
  • Dịch mủ: Có màu vàng, xanh lá cây hoặc trắng đục, thường đặc hơn và kèm theo mùi hôi. Đây là dấu hiệu của nhiễm trùng (viêm tai giữa cấp hoặc mãn tính, viêm tai ngoài).
  • Dịch lẫn máu: Dịch có màu hồng hoặc đỏ, cho thấy có tổn thương mạch máu trong tai, có thể do thủng màng nhĩ, chấn thương, dị vật, hoặc hiếm gặp hơn là ung thư.
  • Giải phẫu Tai

Tai được chia thành ba phần:

  • Tai ngoài: Bao gồm vành tai (thu nhận âm thanh) và ống tai ngoài (dẫn âm thanh đến màng nhĩ). Ống tai ngoài có lớp da bao phủ và chứa các tuyến tiết ráy tai, giúp bảo vệ tai khỏi bụi bẩn và vi khuẩn.
  • Tai giữa: Nằm giữa màng nhĩ và tai trong, là một khoang chứa không khí. Bên trong tai giữa có chuỗi xương con (búa, đe, bàn đạp) có nhiệm vụ khuếch đại và truyền âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong. Vòi Eustachi nối tai giữa với vòm họng, giúp cân bằng áp suất không khí giữa tai giữa và môi trường bên ngoài, đồng thời dẫn lưu dịch từ tai giữa xuống họng. Sự thông thoáng của vòi Eustachi rất quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng tai giữa.
  • Tai trong: Chứa các cơ quan thính giác (ốc tai) và cơ quan giữ thăng bằng (tiền đình và ống bán khuyên). Ốc tai chuyển đổi sóng âm thành tín hiệu thần kinh và truyền đến não. Tiền đình và ống bán khuyên giúp duy trì thăng bằng cho cơ thể.




Nguyên nhân Chảy dịch tai (otorrhea)

  • Viêm tai giữa: 
    • Viêm tai giữa cấp: Thường xuất hiện sau nhiễm trùng đường hô hấp trên (cảm cúm, viêm họng), do vi khuẩn (ví dụ: Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis) hoặc virus. Triệu chứng bao gồm đau tai dữ dội, sốt, nghe kém. Nếu màng nhĩ bị thủng, mủ sẽ chảy ra ngoài, cơn đau thường giảm đi sau đó.
    • Viêm tai giữa mãn tính: Viêm tai giữa kéo dài trên 3 tháng, thường kèm theo thủng màng nhĩ và chảy mủ tái phát. Có nhiều loại viêm tai giữa mãn tính, bao gồm viêm tai giữa mủ mãn tính, viêm tai giữa với cholesteatoma.
    • Viêm tai giữa thanh dịch: Ứ dịch trong tai giữa mà không do nhiễm trùng, thường do tắc nghẽn vòi Eustachi. Gây ù tai, nghe kém, cảm giác đầy trong tai.
  • Viêm tai ngoài: Nhiễm trùng ống tai ngoài do vi khuẩn (ví dụ: Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus), nấm (ví dụ: Aspergillus, Candida), hoặc dị ứng. Các yếu tố nguy cơ bao gồm bơi lội thường xuyên, sử dụng tăm bông không đúng cách, đeo tai nghe nhét tai thường xuyên, bệnh tiểu đường. Triệu chứng bao gồm ngứa, đau, sưng đỏ ống tai và chảy dịch. Chàm tai bội nhiễm cũng có thể gây chảy dịch, mủ nhiều, kèm theo nổi ban đỏ, ngứa da tại vùng vành tai.
  • Thủng màng nhĩ do chấn thương: (ngoáy tai mạnh, tiếng ồn lớn, áp lực thay đổi đột ngột khi lặn biển hoặc đi máy bay), hoặc biến chứng của viêm tai giữa.
  • Cholesteatoma: U nang bất thường trong tai giữa, thường do viêm tai giữa mãn tính không được điều trị. Cholesteatoma có thể ăn mòn xương và gây tổn thương các cấu trúc xung quanh, bao gồm cả tai trong và dây thần kinh mặt, dẫn đến nghe kém vĩnh viễn, chóng mặt, liệt mặt.
  • Dị vật trong tai: Đặc biệt ở trẻ em, dị vật mắc kẹt trong ống tai có thể gây viêm nhiễm và chảy dịch.
  • Chấn thương sọ não: Vỡ nền sọ có thể gây chảy dịch não tủy qua tai (cần cấp cứu), dịch có tính chất loãng, trong suốt, không mùi.
  • Khối u trong tai ngoài hoặc tai giữa: Sự hiện diện của khối u hoặc polyp trong ống tai ngoài hoặc tai giữa có thể gây chảy dịch, thường kèm theo triệu chứng như giảm thính lực, đau nhức tai.



Triệu chứng Chảy dịch tai (otorrhea)

Triệu chứng kèm theo phụ thuộc vào nguyên nhân gây chảy dịch tai:

  • Viêm tai giữa cấp: Đau tai dữ dội, sốt, nghe kém, chảy mủ (nếu thủng màng nhĩ).
  • Viêm tai giữa mãn tính: Chảy mủ tái phát, nghe kém, có thể có mùi hôi.
  • Viêm tai giữa thanh dịch: Ù tai, nghe kém, cảm giác đầy trong tai.
  • Viêm tai ngoài: Ngứa tai, đau, sưng đỏ ống tai, chảy dịch.
  • Thủng màng nhĩ: Đau đột ngột, nghe kém, có thể chảy máu hoặc dịch trong.
  • Cholesteatoma: Chảy mủ hôi, nghe kém, chóng mặt, đau đầu, liệt mặt (trong trường hợp nặng).



Các biến chứng Chảy dịch tai (otorrhea)

Tiến triển của chảy dịch tai phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh thường khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, có thể dẫn đến các biến chứng sau:

Chảy dịch tai cần phải điều trị đúng cách để tránh biến chứng nặng

Chảy dịch tai cần phải điều trị đúng cách để tránh biến chứng nặng

  • Nghe kém vĩnh viễn: Do tổn thương tai giữa hoặc tai trong, đặc biệt là do viêm tai giữa mãn tính hoặc cholesteatoma.
  • Viêm tai giữa mãn tính: Gây chảy dịch tai tái phát, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
  • Viêm xương chũm: Nhiễm trùng lan đến xương chũm (phía sau tai), gây đau, sưng đỏ vùng sau tai, sốt, bệnh lâu không điều trị có thể lan lên qua nền sọ gây viêm màng não, áp xe màng não.
  • Liệt dây thần kinh mặt: Hiếm gặp, nhưng có thể xảy ra nếu nhiễm trùng lan đến dây thần kinh mặt, gây yếu hoặc liệt các cơ mặt.
  • Viêm màng não: Rất hiếm gặp, nhưng là biến chứng nghiêm trọng nhất, đe dọa tính mạng.

Ảnh hưởng của chảy dịch tai

Chảy dịch tai không chỉ gây khó chịu về thể chất mà còn ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống:

  • Ảnh hưởng đến tâm lý: Lo lắng, căng thẳng, mất tự tin do các triệu chứng (đau tai, nghe kém, mùi hôi).
  • Ảnh hưởng đến giao tiếp: chảy dịch tai trong những trường hợp do viêm tai giữa, thủng màng nhĩ hay do viêm ống tai ngoài gây khó khăn trong giao tiếp với người khác, ảnh hưởng đến công việc và các mối quan hệ xã hội.
  • Ảnh hưởng đến học tập và công việc: Khó tập trung, giảm hiệu suất học tập và làm việc.
  • Hạn chế các hoạt động: Khó tham gia các hoạt động thể thao dưới nước, các hoạt động xã hội.



Đối tượng nguy cơ Chảy dịch tai (otorrhea)

  • Tuổi: Trẻ em có nguy cơ mắc viêm tai giữa cao, do đó dễ bị chảy dịch tai.
  • Những người thường xuyên đi bơi hoặc ở dưới nước trong thời gian dài.
  • Những người thường xuyên làm việc trên máy bay.



Phòng ngừa Chảy dịch tai (otorrhea)

Để phòng ngừa chảy dịch tai, cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Giữ vệ sinh tai sạch sẽ: Không ngoáy tai quá mạnh, không sử dụng vật cứng để ngoáy tai. Chỉ nên dùng khăn mềm lau nhẹ vành tai sau khi tắm.
  • Tránh để nước vào tai: Sử dụng nút bịt tai khi bơi lội hoặc tắm. Lau khô tai sau khi tiếp xúc với nước.
  • Điều trị kịp thời các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên: Cảm cúm, viêm họng, viêm xoang có thể dẫn đến viêm tai giữa.
  • Tránh khói thuốc lá: Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai giữa ở trẻ em.



Các biện pháp chẩn đoán Chảy dịch tai (otorrhea)

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về triệu chứng, thời gian, tiền sử bệnh tai mũi họng, chấn thương, các yếu tố nguy cơ, sử dụng đèn clar để kiểm tra ống tai ngoài và màng nhĩ.
  • Nội soi tai: Sử dụng thiết bị nội soi để quan sát rõ ràng hơn ống tai và màng nhĩ, có thể là cả tai giữa khi màng nhĩ thủng, từ đó phát hiện nguyên nhân gây chảy dịch tai. Nội soi tai đặc biệt hữu ích trong chẩn đoán và điều trị viêm ống tai ngoài.
  • Xét nghiệm dịch tai: Cấy dịch tai để xác định loại vi khuẩn/nấm và làm kháng sinh đồ (xác định loại kháng sinh phù hợp).
  • Đo thính lực, nhĩ lượng: Đánh giá mức độ nghe kém, kiểm tra áp suất trong tai.
  • Các xét nghiệm hình ảnh: CT scan hoặc MRI nếu nghi ngờ có biến chứng, cholesteatoma, hoặc chấn thương.

Hình ảnh tai chảy dịch

Hình ảnh tai chảy dịch


Cần phân biệt chảy dịch tai với:

  • Ráy tai ướt: Ráy tai mềm và ẩm, không phải dịch mủ và không kèm triệu chứng viêm.
  • Viêm da ống tai ngoài: Gây ngứa, đỏ, bong tróc da, thường không có dịch mủ, trừ khi bị bội nhiễm.
  • Nước vào tai bị đẩy ra: Sau khi tắm, hay bơi lội, nếu nước vào tai thì sẽ được đẩy ra ngay sau đó

Các biện pháp điều trị Chảy dịch tai (otorrhea)

  • Viêm tai giữa: 
    • Viêm tai giữa cấp: Kháng sinh (nếu do vi khuẩn), thuốc giảm đau, hạ sốt, các loại thuốc xịt mũi chứa corticoid và hoạt chất co mạch.
    • Viêm tai giữa mãn tính: Kháng sinh, rửa tai. Chỉ định phẫu thuật được đặt ra trong trường hợp viêm tai giữa mãn tính có thủng màng nhĩ trên 6 tháng chưa liền lại, có biến chứng cholesteatoma, hoặc biến chứng viêm xương chũm.
    • Viêm tai giữa thanh dịch: Các thuốc xịt mũi chứa corticoid và hoạt chất co mạch, kháng histamine, corticosteroid đường toàn thân được dùng trong một số trường hợp nặng, chích rạch màng nhĩ nếu ứ dịch kéo dài, đặt ống thông khí nếu sau chích rạch màng nhĩ ứ dịch trở lại.
  • Viêm tai ngoài: Thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh, kháng nấm, corticosteroid, vệ sinh tai. Điều trị chàm tai nếu có bằng thuốc bôi corticosteroid, thuốc ức chế calcineurin tại chỗ. Giữ tai khô ráo trong quá trình điều trị.
  • Thủng màng nhĩ: Theo dõi, tránh nước vào tai. Hầu hết các trường hợp thủng màng nhĩ tự lành trong vòng vài tuần đến vài tháng. Nếu vết thủng lớn hoặc không tự lành hoặc sau 6 tháng mà màng nhĩ chưa lành, phẫu thuật vá màng nhĩ (tympanoplasty) có thể được chỉ định.
  • Cholesteatoma: Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất. Mục tiêu là loại bỏ hoàn toàn cholesteatoma để ngăn ngừa các biến chứng. Phẫu thuật có thể được thực hiện qua ống tai ngoài hoặc bằng cách rạch sau tai.
  • Dị vật trong tai: Bác sĩ sẽ gắp dị vật ra khỏi tai bằng các dụng cụ chuyên dụng. Tuyệt đối không tự ý lấy dị vật vì có thể làm tổn thương ống tai hoặc màng nhĩ.

Khối u trong tai: Phẫu thuật loại bỏ khối u là phương pháp duy nhất, có thể làm giải phẫu bệnh nếu bác sĩ đánh giá khối u có khả năng là ác tính



Tài liệu tham khảo:

  1.  Bộ Y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về tai mũi họng, NXB Y học, 2015, Hà Nội
  2. Tai mũi họng nhập môn Võ Tấn, NXB Y học, 2016, Hà Nội
  3. Giản yếu bệnh học tai mũi họng – GS,TS Ngô Ngọc liễn, NXB Y học, 2006, Hà Nội
  4. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0385814603000956 
  5. Cao Minh Thành, Nguyễn Quang Trung. Nội soi tai mũi họng kỹ năng khám và chẩn đoán. NXB Y học 2020
  6. Dũng, Đặng Anh, et al. "ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG VIÊM TAI GIỮA CẤP GIAI ĐOẠN CHẢY MỦ Ở TRẺ EM DƯỚI 6 TUỔI." Tạp chí Y học Việt Nam 540.3 (2024).
  7. Thế, Nguyễn Tư, Hồ Mạnh Hùng, and Nguyễn Cảnh Lộc. "Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị viêm ống tai ngoài." Tạp chí Y dược học tập 8 (2018): 68-75.
  8. Thế, Trần Hoán, and Nguyễn Hồng Hà. "TỶ LỆ VIÊM TAI GIỮA VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN BIẾN CHỨNG Ở NHỮNG BỆNH NHÂN VIÊM TAI GIỮA ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA CÀ MAU." Tạp chí Y học Việt Nam 530.1B (2023).


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ