Bác sĩ: ThS. Nguyễn Thị Trang
Chuyên khoa:
Năm kinh nghiệm:
Chứng mất ngôn ngữ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng sử dụng và tiếp nhận ngôn ngữ, ảnh hưởng đến việc nói, nghe, đọc và viết. Đây là hậu quả thường gặp sau các tổn thương tại não như đột quỵ, chấn thương sọ não, u não hoặc một số bệnh lý thần kinh khác.
Tùy mức độ và vị trí tổn thương, biểu hiện mất ngôn ngữ ở mỗi người bệnh có thể khác nhau. Một số người gặp khó khăn trong việc tìm từ, nói ngập ngừng, phát âm không rõ. Ngược lại, có người nói được một cách trôi chảy nhưng dùng từ sai nghĩa, câu nói thiếu logic hoặc không hiểu người đối diện đang truyền đạt điều gì. Điểm quan trọng là người mắc chứng mất ngôn ngữ không bị suy giảm trí tuệ. Họ vẫn có khả năng suy nghĩ, cảm nhận và ra quyết định, nhưng trở ngại ngôn ngữ khiến việc thể hiện suy nghĩ trở nên khó khăn. Chính điều này dễ khiến người bệnh cảm thấy thất vọng, tự ti, thậm chí có xu hướng thu mình, giảm giao tiếp xã hội và ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Việc điều trị cần được cá nhân hóa, chủ yếu thông qua ngôn ngữ trị liệu. Bên cạnh đó, gia đình và bạn bè đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ trong việc hỗ trợ luyện tập, mà còn giúp người bệnh duy trì động lực và tinh thần lạc quan trong suốt hành trình hồi phục. Ngoài các liệu pháp truyền thống, hiện nay còn có nhiều công cụ hỗ trợ hiện đại như bảng hình ảnh, phần mềm giao tiếp, thiết bị điện tử hoặc ngôn ngữ ký hiệu, giúp người bệnh diễn đạt ý tưởng hiệu quả hơn.
Chứng mất ngôn ngữ là một tình trạng khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc sử dụng và hiểu ngôn ngữ, như nói, nghe, đọc hoặc viết
Chứng mất ngôn ngữ là hậu quả của nhiều loại bệnh lý cấp tính hoặc mạn tính làm gián đoạn hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Việc xác định nguyên nhân cụ thể có ý nghĩa quan trọng trong điều trị, tiên lượng và phục hồi chức năng cho người bệnh. Một số nguyên nhân thường gặp có thể kể đến:
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra mất ngôn ngữ. Khi một mạch máu não bị tắc nghẽn (nhồi máu não) hoặc vỡ (xuất huyết não), dòng máu cung cấp oxy cho các vùng ngôn ngữ bị gián đoạn, khiến tế bào thần kinh chết nhanh chóng. Tổn thương xảy ra càng lâu, nguy cơ mất ngôn ngữ càng cao. Tùy vào vùng và mức độ tổn thương, người bệnh có thể mất khả năng nói, hiểu, đọc hoặc viết ở các mức độ khác nhau.
Chấn thương do tai nạn giao thông, té ngã, va đập mạnh có thể làm tổn thương trực tiếp đến vùng ngôn ngữ ở não. Người bệnh thường có các triệu chứng khác kèm theo như mất trí nhớ tạm thời, rối loạn chú ý hoặc thay đổi hành vi.
Khối u, dù lành tính hay ác tính, nếu xuất hiện ở vùng chi phối ngôn ngữ gây chèn ép mô não đều có thể dẫn đến chứng mất ngôn ngữ. Một số người có thể khởi phát với biểu hiện nói khó, nói lắp hoặc hiểu sai từ ngữ. Diễn tiến thường chậm và âm thầm, nên dễ bị bỏ sót ở giai đoạn đầu.
Các bệnh như viêm não, viêm màng não hoặc áp xe não có thể làm tổn thương lan rộng trong não bộ nếu không được điều trị kịp thời. Khi vùng tổn thương lan tới ở khu vực kiểm soát ngôn ngữ, bệnh nhân có thể mất khả năng nói hoặc hiểu. Viêm não do virus herpes là một ví dụ điển hình thường gây tổn thương thùy thái dương – nơi xử lý ngôn ngữ hiểu.
Đây là một dạng mất ngôn ngữ đặc biệt, không xảy ra đột ngột mà tiến triển dần theo thời gian. Thường gặp ở người trung niên và lớn tuổi. Mất ngôn ngữ tiến triển nguyên phát là biểu hiện của bệnh lý thoái hóa thần kinh. Ban đầu có thể chỉ khó gọi tên sự vật, sau đó dần mất khả năng nói, hiểu hoặc viết.
Một số ca phẫu thuật lấy u não, phẫu thuật động kinh hoặc dị dạng mạch máu có thể vô tình ảnh hưởng đến vùng ngôn ngữ nếu không được bảo tồn tốt. Ngoài ra, các tai biến trong và sau mổ (như thiếu máu não cục bộ) cũng có thể gây ra tình trạng này.
Một số bệnh lý như Alzheimer, Parkinson, đa xơ cứng (Multiple Sclerosis), bệnh Huntington... cũng có thể ảnh hưởng đến ngôn ngữ khi bệnh tiến triển. Mặc dù những bệnh này không khởi phát bằng mất ngôn ngữ, nhưng theo thời gian, chúng có thể làm giảm khả năng giao tiếp của người bệnh.
Một số tình huống hiếm như động kinh cục bộ, ngộ độc thần kinh (do rượu, kim loại nặng, thuốc), hoặc rối loạn tâm thần cũng có thể biểu hiện giống mất ngôn ngữ. Trong trường hợp này, việc phân biệt giữa mất ngôn ngữ thật sự và rối loạn chức năng tâm lý là rất quan trọng.
Chứng mất ngôn ngữ là hậu quả của nhiều loại bệnh lý cấp tính hoặc mạn tính làm gián đoạn hoạt động của hệ thần kinh trung ương
Chấn thương đầu có thể gây tổn thương vùng ngôn ngữ của não, dẫn đến mất ngôn ngữ. Để phòng ngừa, cần đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy hoặc xe đạp, thắt dây an toàn khi ngồi ô tô, sử dụng dụng cụ bảo hộ khi chơi thể thao và thực hiện các biện pháp an toàn trong sinh hoạt.
Một số bệnh lý như u não, viêm não, dị dạng mạch máu não hoặc bệnh động kinh có thể ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ nếu không được phát hiện sớm. Khi có dấu hiệu bất thường như nói ngọng, khó tìm từ, đau đầu kéo dài, thay đổi hành vi, người bệnh cần đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán kịp thời.
Việc duy trì các hoạt động trí tuệ và giao tiếp xã hội, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao, sẽ giúp làm chậm tiến triển của các bệnh thoái hóa thần kinh, giảm khả năng mắc chứng mất ngôn ngữ. Nên khuyến khích đọc sách, viết lách, học kỹ năng mới, chơi trò chơi trí tuệ hoặc tham gia sinh hoạt cộng đồng để giữ cho não bộ luôn linh hoạt.
Chế độ dinh dưỡng cân bằng với các thực phẩm tốt cho não như cá béo, hạt, rau xanh và trái cây giàu chất chống oxy hóa sẽ góp phần duy trì sức khỏe thần kinh. Bên cạnh đó, việc ngủ đủ và sâu giấc giúp não bộ phục hồi, tăng cường trí nhớ và chức năng ngôn ngữ.
Tích cực tham gia hoạt động cộng đồng giúp dự phòng chứng mất ngôn ngữ
Chẩn đoán chứng mất ngôn ngữ là một quá trình toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp giữa chuyên khoa thần kinh, chuyên gia ngôn ngữ trị liệu và các kỹ thuật hình ảnh học. Mục tiêu là xác định chính xác tình trạng rối loạn ngôn ngữ, đánh giá mức độ nặng nhẹ, đồng thời tìm ra nguyên nhân gốc rễ để can thiệp kịp thời. Các bước chẩn đoán bao gồm:
- Hỏi bệnh: Bước đầu tiên trong quá trình chẩn đoán là hỏi bệnh sử một cách kỹ lưỡng. Bác sĩ sẽ tìm hiểu thời điểm khởi phát triệu chứng. Nếu triệu chứng bắt đầu đột ngột, đột quỵ là nguyên nhân thường gặp nhất. Ngược lại, nếu ngôn ngữ giảm sút từ từ theo thời gian, cần nghĩ đến nguyên nhân thoái hóa thần kinh hoặc khối u não.
Việc mô tả rõ ràng các triệu chứng ngôn ngữ cũng rất quan trọng: Người bệnh có nói được không? Lời nói có rõ ràng, trôi chảy không? Có hiểu được người khác nói gì không? Có thể đọc, viết hay lặp lại từ hoặc câu không? Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi về các triệu chứng kèm theo như yếu liệt nửa người, đau đầu, rối loạn trí nhớ hoặc thay đổi hành vi để định hướng nguyên nhân gây bệnh.
- Khám bệnh: Sau phần hỏi bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng thần kinh để đánh giá chức năng vận động, cảm giác, phản xạ và phối hợp vận động. Mục đích là phát hiện các dấu hiệu tổn thương não kèm theo như liệt nửa người, mất cảm giác, thất điều, rối loạn thị giác hoặc mất thăng bằng.
Tiếp theo, để kiểm tra tình trạng mất ngôn ngữ. Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm một số thao tác sau:
+ Tự nói chuyện để quan sát sự trôi chảy, ngữ pháp, phát âm.
+ Yêu cầu lặp lại các câu ngắn hoặc dài.
+ Cho người bệnh gọi tên các đồ vật quen thuộc.
+ Bác sĩ đưa ra các mệnh lệnh đơn giản (“giơ tay trái lên”, “chỉ vào mũi”) để kiểm tra khả năng hiểu lời nói.
+ Kiểm tra kỹ năng đọc và viết nếu người bệnh còn hợp tác được.
Dựa vào các đặc điểm này, bác sĩ có thể phân loại sơ bộ người bệnh thuộc kiểu mất ngôn ngữ nào: Broca, Wernicke, mất ngôn ngữ toàn bộ, dẫn truyền… Ngoài ra, bác sĩ sẽ dùng bộ trắc nghiệm ngôn ngữ chuyên biệt để đánh giá toàn diện các khía cạnh của ngôn ngữ: khả năng nói tự phát, hiểu lời nói, lặp lại, gọi tên, đọc, viết, và tổ chức ngữ pháp. Một số trắc nghiệm thông dụng gồm:
+ Western Aphasia Battery (WAB): Đánh giá tổng quát, phân loại chính xác các thể mất ngôn ngữ.
+ Boston Diagnostic Aphasia Examination (BDAE): Kiểm tra chi tiết các yếu tố ngữ âm, cú pháp, nghĩa và thực hiện chức năng ngôn ngữ.
+ Token Test: Bài kiểm tra khả năng hiểu các mệnh lệnh phức tạp.
Kết quả của các trắc nghiệm này giúp xác định chính xác loại mất ngôn ngữ, tiên lượng mức độ tổn thương và làm căn cứ xây dựng chương trình trị liệu ngôn ngữ cá nhân hóa cho người bệnh.
Để xác định nguyên nhân và vị trí tổn thương trong não, các kỹ thuật hình ảnh học là rất quan trọng. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) sọ não: Phát hiện chảy máu não, nhồi máu não lớn, u não hoặc tổn thương cấu trúc rõ ràng. CT là lựa chọn đầu tay trong cấp cứu đột quỵ.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) não: Cho hình ảnh chi tiết hơn, phát hiện được tổn thương nhỏ ở các vùng ngôn ngữ như vùng Broca (thùy trán bên trái) và vùng Wernicke (thùy thái dương bên trái).
- Chụp mạch não: Được sử dụng khi nghi ngờ tắc mạch máu não, phình mạch, dị dạng mạch máu.
- PET hoặc SPECT não: Trong một số trường hợp thoái hóa thần kinh hoặc mất ngôn ngữ tiến triển nguyên phát, các kỹ thuật này giúp đánh giá chuyển hóa và tưới máu não bộ.
- Các xét nghiệm khác: Tùy theo biểu hiện lâm sàng và nghi ngờ bệnh lý nền, bác sĩ có thể chỉ định:
+ Xét nghiệm máu: Kiểm tra dấu hiệu viêm, nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa hoặc bệnh lý tự miễn.
+ Chọc dịch não tủy: Nếu nghi ngờ viêm màng não, viêm não, ung thư lan vào hệ thần kinh trung ương…
+ Điện não đồ (EEG): Trong trường hợp nghi ngờ mất ngôn ngữ do cơn động kinh cục bộ, đặc biệt là ở thùy thái dương.
Việc điều trị chứng mất ngôn ngữ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ tổn thương và thể loại mất ngôn ngữ mà người bệnh mắc phải. Mục tiêu chính là phục hồi khả năng giao tiếp và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Xử lý nguyên nhân gốc rễ gây mất ngôn ngữ đóng vai trò then chốt trong việc điều trị bệnh, đặc biệt trong giai đoạn cấp tính. Cụ thể:
- Đột quỵ thiếu máu não: Cần điều trị kịp thời bằng thuốc tiêu sợi huyết (nếu trong “thời gian vàng”), thuốc kháng kết tập tiểu cầu, điều chỉnh huyết áp và kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.
- Chấn thương sọ não: Cần phẫu thuật nếu có máu tụ hoặc tổn thương gây tăng áp lực nội sọ; theo dõi và phục hồi chức năng lâu dài.
- U não: Cân nhắc phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị tùy loại u.
- Bệnh thoái hóa thần kinh (như mất ngôn ngữ tiến triển nguyên phát): Không có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng có thể làm chậm tiến triển bằng trị liệu ngôn ngữ kết hợp thuốc hỗ trợ chức năng nhận thức.
Trị liệu ngôn ngữ
Đây là phương pháp điều trị trung tâm trong phục hồi chức năng ngôn ngữ, thường được thực hiện bởi chuyên gia ngôn ngữ trị liệu. Tùy theo thể mất ngôn ngữ và mức độ, liệu trình có thể được cá nhân hóa và kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Việc điều trị nên bắt đầu càng sớm càng tốt, đặc biệt trong 6 tháng đầu sau tổn thương não, khi khả năng hồi phục của hệ thần kinh còn cao. Các phương pháp trị liệu bao gồm:
- Khôi phục ngôn ngữ: Giúp người bệnh tập luyện lại cách nói, hiểu, đọc và viết thông qua các bài tập dần từ đơn giản đến phức tạp.
- Bù trừ ngôn ngữ: Dạy người bệnh sử dụng các cách thay thế để giao tiếp, như ra dấu, vẽ tranh, chỉ hình, sử dụng bảng chữ hoặc biểu tượng.
- Tăng cường tương tác: Khuyến khích người bệnh tham gia các buổi trị liệu nhóm để cải thiện kỹ năng xã hội và phản xạ ngôn ngữ.
Ngoài ra, gia đình và người thân đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình hồi phục của người mất ngôn ngữ. Những yếu tố hỗ trợ cần thiết bao gồm:
- Tạo môi trường giao tiếp tích cực: Nói chuyện nhẹ nhàng, kiên nhẫn chờ người bệnh diễn đạt, sử dụng câu đơn giản và rõ ràng.
- Không thúc ép hay phán xét: Tránh gây áp lực khiến người bệnh lo lắng hoặc xấu hổ.
- Cùng tham gia các buổi trị liệu: Gia đình có thể cùng tập luyện để hiểu chiến lược giao tiếp mới và khuyến khích người bệnh sử dụng trong đời sống hàng ngày.
Với sự phát triển của công nghệ, ngày càng có nhiều công cụ hỗ trợ cho người mất ngôn ngữ như:
- Bảng giao tiếp bằng hình ảnh: Giúp người bệnh chỉ vào hình để biểu đạt nhu cầu hoặc cảm xúc.
- Ứng dụng trên thiết bị điện tử: Các app sử dụng biểu tượng, giọng nói tổng hợp hoặc chữ viết giúp người bệnh giao tiếp hiệu quả hơn.
- Thiết bị tăng cường – thay thế giao tiếp: Bao gồm máy nói, phần mềm thông minh và các bảng điều khiển cảm ứng.
Công cụ giao tiếp giúp hỗ trợ điều trị chứng mất ngôn ngữ
Trên đây là các thông tin cần thiết về chứng mất ngôn ngữ. Để chẩn đoán và điều trị tốt, bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.
Tài liệu tham khảo:
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!