Từ điển bệnh lý

Chuột rút cơ : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 22-05-2025

Tổng quan Chuột rút cơ

Chuột rút cơ là một hiện tượng co thắt cơ xảy ra một cách đột ngột và không kiểm soát, khiến người bệnh cảm thấy đau nhói, khó chịu và thường phải ngưng hoạt động ngay lập tức. Khi bị chuột rút, các sợi cơ bị co lại rất mạnh và duy trì trạng thái căng cứng trong vài giây đến vài phút trước khi tự giãn ra. Hiện tượng này có thể xảy ra ở bất kỳ nhóm cơ nào, nhưng phổ biến nhất là ở cơ bắp chân, cơ đùi, bàn chân hoặc bàn tay. Một số trường hợp có thể bị chuột rút ở cơ bụng, lưng hoặc thậm chí là khi đang ngủ, đặc biệt ở người lớn tuổi, phụ nữ mang thai hoặc người thường xuyên vận động thể lực nhiều.

Nguyên nhân của chuột rút rất đa dạng, có thể liên quan đến mất cân bằng điện giải, thiếu nước, làm việc quá sức, tư thế vận động sai, hoặc do các bệnh lý thần kinh – cơ tiềm ẩn. Tuy thường là tình trạng lành tính và có thể tự hết, nhưng nếu chuột rút xảy ra thường xuyên hoặc kéo dài bất thường thì nên đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị thích hợp.

Chuột rút cơ là một hiện tượng co thắt cơ xảy ra một cách đột ngột và không kiểm soát

Chuột rút cơ là một hiện tượng co thắt cơ xảy ra một cách đột ngột và không kiểm soát



Nguyên nhân Chuột rút cơ

Chuột rút cơ có thể do nhiều yếu tố khác nhau gây nên. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất:

 Rối loạn hấp thu nước và điện giải

- Mất nước (mất dịch cơ thể): Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nóng bức hoặc sau khi luyện tập ra nhiều mồ hôi, nồng độ các chất điện giải trong cơ thể thay đổi, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tế bào cơ và gây ra chuột rút.

- Mất cân bằng điện giải (rối loạn nồng độ natri, kali, canxi, magie): Đây là yếu tố trung tâm trong quá trình co và giãn cơ. Sự thiếu hụt các khoáng chất này có thể làm tăng kích thích thần kinh cơ, dẫn đến co thắt cơ đột ngột. Ví dụ, thiếu kali có thể ảnh hưởng đến khả năng tái cực của màng tế bào cơ, thiếu magiê có thể tăng tính kích thích của hệ thần kinh cơ,…

 Nguyên nhân cơ học

- Vận động quá mức hoặc không phù hợp: Việc luyện tập thể thao hoặc lao động nặng kéo dài khiến cơ bị mỏi, tăng nguy cơ chuột rút. Ngoài ra, vận động không khởi động kỹ hoặc thay đổi cường độ đột ngột cũng là nguyên nhân thường gặp.

- Tư thế sai hoặc duy trì một tư thế quá lâu: Ngồi xổm, đứng lâu, bắt chéo chân lâu hoặc nằm sai tư thế khi ngủ cũng có thể làm các cơ bị căng kéo hoặc thiếu máu cục bộ tạm thời, dẫn đến chuột rút.

- Mang thai: Phụ nữ mang thai, nhất là ở 3 tháng giữa và cuối thai kỳ, thường dễ bị chuột rút chân do thay đổi nội tiết, tăng nhu cầu canxi – magie và áp lực từ tử cung chèn ép vào tĩnh mạch chi dưới, làm giảm tuần hoàn máu.

- Tuổi tác: Người lớn tuổi thường bị chuột rút vào ban đêm do khối lượng cơ giảm theo tuổi, cùng với lưu lượng máu đến cơ bị suy giảm, hệ thần kinh điều khiển hoạt động cơ cũng trở nên kém nhạy hơn.

Nguyên nhân bệnh lý

Chuột rút cơ cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiềm ẩn, đặc biệt khi xảy ra thường xuyên, kéo dài hoặc không rõ nguyên nhân:

- Bệnh thần kinh ngoại biên: Các tổn thương thần kinh, như trong bệnh đái tháo đường hoặc viêm đa dây thần kinh, có thể làm rối loạn dẫn truyền thần kinh đến cơ, dẫn đến co cơ bất thường.

- Bệnh mạch máu ngoại vi: Tình trạng hẹp động mạch chi dưới làm giảm lưu lượng máu nuôi cơ, đặc biệt khi vận động, gây đau cách hồi hoặc chuột rút cơ.

- Rối loạn chuyển hóa: Các bệnh như suy giáp, suy cận giáp, bệnh gan mạn tính (ví dụ xơ gan), bệnh thận mạn có thể làm rối loạn điện giải hoặc tích tụ các chất chuyển hóa ảnh hưởng đến hoạt động cơ.

- Hội chứng ống cổ chân hoặc hội chứng chèn ép dây thần kinh: Các rối loạn này làm thay đổi dẫn truyền thần kinh ngoại biên, gây co cơ, tê, chuột rút.

- Bệnh lý tủy sống hoặc hệ thần kinh trung ương: Một số bệnh lý thần kinh trung ương như xơ cứng rải rác, tổn thương tủy sống cũng có thể liên quan đến chuột rút cơ.

 Do thuốc và yếu tố dinh dưỡng

Một số thuốc có tác dụng phụ gây chuột rút như: Thuốc lợi tiểu (mất kali, magie), nhóm Statins (điều trị rối loạn lipid máu – có thể gây đau cơ, chuột rút cơ), thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ngừa thai nội tiết, thuốc điều trị Parkinson hoặc ung thư.

Ngoài ra thiếu hụt các vi chất như vitamin B1, B6, B12, vitamin D hoặc các khoáng chất như canxi, kali, magie đều có thể ảnh hưởng đến chức năng thần kinh – cơ và gây chuột rút.

Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, nồng độ các chất điện giải trong cơ thể thay đổi, gây ra chuột rút

Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, nồng độ các chất điện giải trong cơ thể thay đổi, gây ra chuột rút



Phòng ngừa Chuột rút cơ

Việc dự phòng chuột rút cơ chủ yếu dựa vào thay đổi thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng và tập luyện. Điều này không chỉ giúp giảm tần suất mà còn làm giảm độ nặng và tần suất tái phát của cơn chuột rút.

 Cải thiện chế độ dinh dưỡng

Uống đủ nước: Thiếu nước là một trong những nguyên nhân phổ biến gây chuột rút. Hãy chắc chắn uống đủ từ 1,5–2 lít nước mỗi ngày và nhiều hơn khi trời nóng hoặc sau khi tập thể dục. Lượng nước cần thiết có thể thay đổi tùy vào nhu cầu cá nhân và mức độ hoạt động.

Bổ sung khoáng chất:

+ Magie: Thiếu magie có thể dẫn đến cơ bị co cứng và chuột rút. Vì vậy nên bổ sung các thực phẩm giàu magie như hạnh nhân, hạt chia, rau lá xanh, và đậu hoặc qua các chế phẩm thuốc (magnesium oxide, citrate) theo chỉ định của bác sĩ.

+ Kali: Thực phẩm giàu kali như chuối, cam, khoai lang, và cà chua giúp duy trì sự hoạt động ổn định của cơ.

+ Canxi: Thiếu canxi cũng làm gia tăng nguy cơ chuột rút, do đó cần ăn thực phẩm giàu canxi như sữa, cá hồi, đậu nành, hoặc các chế phẩm bổ sung canxi.

+ Vitamin nhóm B: Vitamin B1, B6, và B12 rất quan trọng trong việc duy trì chức năng thần kinh và cơ bắp khỏe mạnh. Thực phẩm giàu vitamin B như ngũ cốc, thịt nạc, trứng và cá có thể giúp ngăn ngừa chuột rút cơ.

Thực hiện các bài tập giãn cơ

- Giãn cơ trước khi đi ngủ: Các bài giãn cơ đặc biệt có lợi trong việc dự phòng chuột rút ban đêm như kéo giãn bắp chân và đùi trước có thể làm giảm tần suất và mức độ của chuột rút.

- Tập luyện thường xuyên: Tập thể dục giúp duy trì sức khỏe cơ bắp và tăng tính linh hoạt, từ đó làm giảm nguy cơ chuột rút. Các hoạt động như yoga, pilates rất hữu ích trong việc giữ cho cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai.

 Giữ ấm cơ thể

Cơ thể dễ bị chuột rút hơn khi nhiệt độ thấp, đặc biệt vào mùa lạnh. Do đó, việc giữ ấm cơ thể, đặc biệt là các vùng cơ dễ bị chuột rút như chân và bắp chân, là rất quan trọng. Nên mặc đủ ấm, sử dụng tất, hoặc đắp chăn bảo vệ thân nhiệt khi ngủ.

Thay đổi thói quen sinh hoạt

- Tránh ngồi hoặc đứng lâu một tư thế: Việc đứng hoặc ngồi quá lâu một tư thế có thể gây căng cơ và dẫn đến chuột rút. Hãy thay đổi tư thế sau mỗi 30 phút, đặc biệt nếu bạn làm việc văn phòng hoặc phải đứng lâu.

- Khởi động trước khi vận động: Nếu bạn tham gia các hoạt động thể thao hoặc vận động nặng, hãy thực hiện một bài khởi động nhẹ để cơ thể dần dần làm quen với các cử động mạnh. Khởi động không chỉ giúp làm nóng cơ mà còn giúp cơ bắp dẻo dai và giảm nguy cơ chuột rút.

- Tránh uống rượu, bia và cà phê quá mức: Các chất này có thể làm mất nước và điện giải trong cơ thể, gây ra sự mất cân bằng và tăng nguy cơ chuột rút. Hạn chế lượng rượu bia và cà phê trong chế độ ăn uống hàng ngày.

Lắng nghe cơ thể và giảm căng thẳng

- Giảm căng thẳng và lo âu: Căng thẳng thần kinh có thể làm tăng tần suất chuột rút cơ. Việc thực hành các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, thiền, hoặc yoga có thể giúp làm dịu hệ thần kinh và ngăn ngừa co thắt cơ.

- Điều chỉnh thói quen ngủ: Việc ngủ không đủ giấc hoặc trong môi trường không thoải mái có thể làm cơ thể căng thẳng và dễ bị chuột rút vào ban đêm. Vì vậy cần để ý và chăm sóc giấc ngủ để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Theo dõi và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ

- Điều trị các bệnh lý nền: Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính như bệnh tiểu đường, bệnh gan, hoặc rối loạn nội tiết vì những bệnh lý này có thể làm tăng nguy cơ chuột rút cơ.

- Kiểm tra tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc như lợi tiểu, statin, và thuốc chống cao huyết áp có thể làm tăng nguy cơ chuột rút, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Bổ sung đầy đủ dịnh dưỡng giúp dự phòng chuột rút cơ

Bổ sung đầy đủ dịnh dưỡng giúp dự phòng chuột rút cơ



Các biện pháp chẩn đoán Chuột rút cơ

Việc chẩn đoán chuột rút cơ chủ yếu dựa vào khai thác triệu chứng lâm sàng và tìm nguyên nhân. Vì chuột rút thường xảy ra thoáng qua và không để lại dấu vết rõ ràng, nên bác sĩ sẽ tập trung vào việc tìm hiểu hoàn cảnh xuất hiện và các yếu tố liên quan đến tình trạng này.

Khám lâm sàng

- Khai thác bệnh sử: 

Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về các đặc điểm sau:

+ Thời điểm xảy ra chuột rút: Khi đang ngủ, khi vận động, khi nghỉ ngơi…

+ Tần suất và thời gian kéo dài của cơn chuột rút: Hiếm khi xảy ra hay lặp lại nhiều lần trong tuần? Mỗi lần kéo dài bao lâu?

+ Vị trí xuất hiện: Cơ bắp chân, đùi, bàn chân, tay hay vùng khác?

+ Các yếu tố làm nặng hay giảm triệu chứng: Ví dụ uống nhiều nước có giảm không? Có liên quan đến tập luyện thể thao không?

+ Tiền sử bệnh lý: Có mắc bệnh đái tháo đường, rối loạn tuyến giáp, bệnh gan, thận hay thần kinh không?

+ Các loại thuốc sử dụng gần đây: Một số thuốc có thể liên quan đến chuột rút như thuốc lợi tiểu, thuốc statin, thuốc điều trị tăng huyết áp…

+ Chế độ ăn uống, sinh hoạt: Có uống đủ nước không? Chế độ ăn có đầy đủ khoáng chất và vitamin không?

- Khám bệnh:

Bác sĩ sẽ kiểm tra kĩ tình trạng chuột rút, cụ thể: 

+ Tình trạng cơ và thần kinh: Sức cơ, phản xạ, cảm giác, các điểm đau hay co rút cơ.

+ Tuần hoàn máu chi: Bắt mạch, kiểm tra dấu hiệu thiếu máu chi dưới.

+ Tư thế, dáng đi, các biến dạng cơ học nếu có.

Nếu trong quá trình khám không phát hiện dấu hiệu gì bất thường, và các cơn chuột rút xảy ra trong những tình huống phổ biến (ví dụ sau vận động, khi ngủ…), thì thường được xác định là chuột rút lành tính.

Cận lâm sàng 

Các xét nghiệm có thể được chỉ định nếu chuột rút xảy ra thường xuyên, không rõ nguyên nhân hoặc nghi ngờ bệnh lý nền:

- Xét nghiệm máu: Kiểm tra nồng độ điện giải (natri, kali, calci, magie), chức năng thận, gan, đường huyết, hormon tuyến giáp.

- Xét nghiệm vitamin và vi chất: Đặc biệt là vitamin B12, D nếu nghi thiếu hụt.

- Điện cơ: Đo hoạt động điện của cơ và thần kinh để đánh giá có rối loạn dẫn truyền thần kinh - cơ hay không.

- Siêu âm mạch máu chi dưới: Trong trường hợp nghi tắc nghẽn mạch máu hoặc bệnh mạch máu ngoại vi.


Các biện pháp điều trị Chuột rút cơ

Điều trị chuột rút cơ phụ thuộc vào nguyên nhân nền, tần suất xảy ra và mức độ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, chuột rút lành tính, chỉ xuất hiện thoáng qua và có thể tự khỏi mà không cần can thiệp đặc hiệu. Tuy nhiên, ở một số đối tượng, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh lý nội khoa hoặc vận động viên, tình trạng chuột rút tái đi tái lại có thể gây mất ngủ, suy giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí ảnh hưởng tâm lý. Do đó, cần có chiến lược điều trị phù hợp.

Xử trí tức thì khi đang bị chuột rút:

Ngay khi xuất hiện cơn chuột rút, người bệnh nên dừng ngay hoạt động đang thực hiện và làm các động tác kéo giãn cơ nhẹ nhàng nhưng kiên trì. Ví dụ, nếu bị chuột rút ở bắp chân, nên ngồi duỗi chân thẳng và từ từ kéo mũi bàn chân hướng lên phía thân người, giúp làm giãn cơ sinh đôi. Đồng thời, có thể kết hợp xoa bóp cơ nhẹ nhàng để tăng tuần hoàn và làm mềm cơ. Chườm nóng vùng cơ bị co cứng bằng túi chườm ấm trong 10 -15 phút cũng là một biện pháp hữu hiệu giúp cơ thư giãn nhanh. Với những người nhạy cảm với nhiệt hoặc nghi ngờ có phản ứng viêm nhẹ, có thể thử chườm lạnh.

Ngoài ra, việc hít thở sâu và thư giãn toàn thân cũng hỗ trợ làm dịu hệ thần kinh và giảm cảm giác co cứng cơ.

Các biện pháp không dùng thuốc:

Đây là nền tảng cơ bản và hiệu quả nhất trong điều trị chuột rút cơ, nhất là với các trường hợp không có bệnh lý nền rõ ràng.

Trước hết, cần đảm bảo uống đủ nước hằng ngày, trung bình từ 1,5 đến 2 lít, và tăng thêm khi vận động nhiều hoặc thời tiết nắng nóng. Chế độ ăn cần đa dạng, giàu khoáng chất và vitamin như kali (có trong chuối, cam, rau xanh), magie (có trong các loại hạt, rau xanh đậm), canxi (có trong sữa, đậu nành, cá nhỏ), vitamin nhóm B (B1, B6, B12) và vitamin D. Những vi chất này đóng vai trò điều hòa hoạt động thần kinh – cơ và hạn chế co thắt bất thường.

Ngoài ra, việc luyện tập thể dục nhẹ nhàng, đặc biệt là các bài tập kéo giãn cơ, yoga hoặc pilates đều đặn có thể cải thiện độ dẻo dai của cơ và phòng ngừa chuột rút, đặc biệt khi thực hiện trước khi đi ngủ. Người bị chuột rút về đêm thường xuyên được khuyên nên mang tất giữ ấm chân, tránh nằm dưới luồng quạt mạnh hoặc điều hòa thổi trực tiếp vào chân.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ chuột rút như ngồi hoặc đứng quá lâu một tư thế, uống rượu bia nhiều, dùng cà phê quá mức, hút thuốc lá, cũng nên được điều chỉnh.

Dùng thuốc: 

+ Vi chất: Magie là vi chất thường được bổ sung đầu tiên, nhất là ở người cao tuổi hoặc phụ nữ mang thai. Có thể dùng các dạng như magnesium oxide hoặc magnesium citrate, trong 4–6 tuần. Nếu có thiếu hụt vitamin nhóm B, đặc biệt là B1, B6 và B12, thì việc bổ sung các vitamin này sẽ giúp cải thiện triệu chứng, nhất là khi nguyên nhân là thần kinh ngoại biên.

+ Thuốc giảm kích thích thần kinh: Ở một số trường hợp chuột rút mạn tính, đặc biệt ở bệnh nhân bị xơ gan hoặc tiểu đường có kèm theo tổn thương thần kinh, bác sĩ có thể chỉ định thuốc như gabapentin hoặc pregabalin, hiệu quả trong việc làm giảm tần suất và mức độ chuột rút. Với những trường hợp đau nhiều về đêm, Diazepam liều thấp có thể được dùng ngắn hạn, nhưng cần thận trọng vì có nguy cơ buồn ngủ kéo dài hoặc lệ thuộc thuốc.

Các thuốc khác như diltiazem (thuốc chẹn kênh calci), mexiletine (thuốc chống loạn nhịp) đôi khi được sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt.

Điều trị nguyên nhân nền

Nếu chuột rút là biểu hiện của một bệnh lý tiềm ẩn, điều trị nguyên nhân gốc là yếu tố then chốt. Ở bệnh nhân mất nước hoặc mất cân bằng điện giải (như natri, kali, calci), việc bù dịch, oresol hoặc truyền tĩnh mạch là cần thiết. Trường hợp mắc các rối loạn nội tiết như suy giáp, cường giáp hoặc đái tháo đường, cần điều trị ổn định hormone và kiểm soát đường huyết chặt chẽ.

Một số loại thuốc như lợi tiểu, statin, nifedipin, thuốc ngừa thai... có thể gây ra chuột rút cơ như tác dụng phụ. Khi nghi ngờ liên quan đến thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc điều chỉnh liều, thay thuốc hoặc bổ sung khoáng chất hỗ trợ nếu cần thiết.

Người mắc bệnh gan mạn tính, đặc biệt xơ gan, thường thiếu magie và có rối loạn vận động cơ. Trong các trường hợp này, ngoài điều trị gan, việc bổ sung magie, vitamin B6 và các thuốc thần kinh có thể cải thiện tình trạng chuột rút đáng kể.

Một số biện pháp không dùng thuốc được áp dụng để giảm tình trạng chuột rút cơ

Một số biện pháp không dùng thuốc được áp dụng để giảm tình trạng chuột rút cơ

Trên đây là các thông tin cần thiết về chuột rút cơ. Để chẩn đoán và điều trị tốt, bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.



Tài liệu tham khảo:

Katzberg, H. D. (2015). Managing chronic pain and muscle cramps in ALS. Neurology Clinical Practice, 5(5), 413–420. 

Nelson, N. L., & Churilla, J. R. (2016). A narrative review of exercise‐associated muscle cramps: Factors that contribute to neuromuscular fatigue and muscle cramps. Sports Medicine, 46(1), 15–23.

Parisi, L., Valente, M., & Calandrella, D. (2019). Muscle cramps: A literature review of aetiology, diagnosis and treatment. Functional Neurology, 34(1), 5–13.

Hội Nội tiết Việt Nam. (2020). Cẩm nang điều trị nội tiết học. Nhà xuất bản Y học.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ