Bác sĩ: ThS. Nguyễn Thị Trang
Chuyên khoa:
Năm kinh nghiệm:
Chuyển dạ đình trệ là tình trạng quá trình sinh nở bị ngưng tiến triển, không diễn ra theo tiến độ bình thường. Thời gian chuyển dạ bị kéo dài, làm tăng nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và thai nhi. Chuyển dạ đình trệ thường được xác định khi cổ tử cung không tiếp tục mở hoặc thai nhi không di chuyển xuống đường sinh trong một khoảng thời gian nhất định.
Tỷ lệ chuyển dạ đình trệ ở sản phụ sinh con lần đầu dao động từ 2-8%. Khoảng 1/4 tổng số trường hợp mổ lấy thai có liên quan đến tình trạng này, cho thấy chuyển dạ đình trệ là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến can thiệp sản khoa. Xử trí chuyển dạ đình trệ cần phải được cá nhân hóa cho từng sản phụ, nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Chuyển dạ đình trệ gặp từ 2-8% các trường hợp sinh con lần đầu
Chuyển dạ đình trệ có thể xuất phát từ nhiều nhiều nguyên nhân, bao gồm mẹ, thai nhi và các yếu tố xung quanh, cụ thể:
Cơn co tử cung không hiệu quả: Cơn co tử cung đóng vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy mở cổ tử cung và là động lực giúp thai nhi di chuyển qua đường sinh. Khi các cơn co không đủ mạnh, không đồng đều hoặc không phù hợp với các yếu tố khác, quá trình chuyển dạ có thể bị đình trệ. Nguyên nhân dẫn đến cơn co tử cung rối loạn có thể do:
+ Suy nhược cơ tử cung nguyên phát: thường gặp ở những sản phụ con so, khi cơ tử cung không đáp ứng hiệu quả với các kích thích chuyển dạ. Điều này có thể liên quan đến sự mất cân bằng hormon oxytocin hoặc bất thường trong đáp ứng của cơ trơn tử cung.
+ Suy nhược cơ tử cung thứ phát: xuất hiện sau một giai đoạn có cơn co hiệu quả nhưng sau đó suy yếu dần, thường do tử cung bị mệt mỏi do chuyển dạ kéo dài, đa ối hoặc tử cung quá căng (thường gặp ở trường hợp thai to).
+ Ảnh hưởng của thuốc giảm đau và gây tê ngoài màng cứng: Một số nghiên cứu cho thấy gây tê ngoài màng cứng có thể làm giảm cường độ của cơn co tử cung, dẫn đến mất động lực chuyển dạ.
Bất tương xứng đầu thai nhi-khung chậu mẹ: xảy ra khi đầu thai nhi quá lớn hoặc khung chậu của mẹ quá nhỏ, khiến thai nhi không thể di chuyển xuống đường sinh một cách thuận lợi. Thai to thường gặp ở những mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ, béo phì hoặc có tiền sử sinh con lớn cân. Nguy cơ chuyển dạ đình trệ tăng đáng kể khi thai nhi có cân nặng > 4000g. Nếu đầu thai nhi không cúi tốt hoặc lọt không đúng trục, quá trình sinh thường có thể gặp nhiều khó khăn.
Vị trí thai nhi bất thường: Vị trí của thai nhi trong tử cung có ảnh hưởng lớn đến tiến triển của chuyển dạ. Ngôi chẩm sau (thai nhi quay lưng về phía lưng mẹ thay vì về phía bụng mẹ) thường không thể quay đầu dễ dàng để lọt qua khung chậu, làm tăng nguy cơ kéo dài chuyển dạ và mổ lấy thai. Khi thai nhi nằm ngang trong tử cung, khiến cho sinh ngả âm đạo không thể thực hiện được. Ngôi mặt và ngôi trán làm cho đường kính lọt của đầu thai nhi lớn hơn bình thường, cản trở quá trình sinh.
Yếu tố liên quan đến mẹ: một số tình trạng của mẹ có thể ảnh hưởng đến kết quả của quá trình chuyển dạ, bao gồm:
+ Béo phì: Cân nặng ảnh hưởng đến cơn co tử cung, tư thế khung chậu làm tăng 30-50% nguy cơ chuyển dạ đình trệ so với phụ nữ có cân nặng bình thường.
+ Tuổi mẹ cao (>35 tuổi): Phụ nữ lớn tuổi thường có cơ tử cung kém đàn hồi hơn, làm giảm hiệu quả cơn co tử cung.
+ Đái tháo đường thai kỳ và tiền sản giật: Những bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến tử cung và làm suy giảm chức năng cơ tử cung, dẫn đến chuyển dạ kéo dài hoặc đình trệ.
+ Các khối u thực thể phần phụ cản trở đường sinh: Gây cản trở ngôi thai di chuyển, đặc biệt nếu khối u nằm gần eo tử cung. Những khối u này làm tăng nguy cơ rối loạn co bóp tử cung, gây chuyển dạ kéo dài hoặc đình trệ. Nếu khối u quá lớn, có thể phải chỉ định mổ lấy thai.
+ Sức rặn kém: là một trong những nguyên nhân gây chuyển dạ đình trệ, đặc biệt trong giai đoạn 2 của quá trình chuyển dạ, khi mẹ cần sức rặn để đẩy thai nhi ra ngoài. Trong một số trường hợp, nếu chuyển dạ kéo dài hoặc không có đủ thời gian nghỉ ngơi, sản phụ có thể cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng rặn của họ. Tư thế không phù hợp trong quá trình rặn có thể làm giảm hiệu quả của sức rặn. Nếu sản phụ nằm ngửa hoặc không thay đổi tư thế hợp lý, có thể gây cản trở trong việc đẩy thai nhi qua kênh sinh.
Thai to có thể là nguyên nhân gây chuyển dạ đình trệ
Chẩn đoán chuyển dạ đình trệ dựa vào việc đánh giá sự tiến triển theo thời gian của quá trình chuyển dạ và các yếu tố liên quan như cơn co tử cung, quá trình xóa mở cổ tử cung và sự di chuyển của thai nhi, cụ thể:
Đánh giá tiến triển của cổ tử cung
Cổ tử cung tiến triển khác nhau ở từng giai đoạn của chuyển dạ. Giai đoạn đầu được tính từ khi bắt đầu chuyển dạ cho đến khi cổ tử cung mở hoàn toàn. Pha tiềm tàng của giai đoạn đầu, cổ tử cung mở từ 0 đến 4cm. Pha tích cực thường bắt đầu từ khi cổ tử cung mở 4cm đến hết 10cm trong thời gian tối đa 12 giờ. Cơn co tử cung trong pha này cần phải đều và mạnh. Chẩn đoán chuyển dạ đình trệ khi cổ tử cung đã mở từ 4 cm trở lên nhưng không tiếp tục mở thêm trong vòng 4 giờ ở pha tích cực.
Giai đoạn hai bắt đầu khi cổ tử cung mở hoàn toàn (10cm), sản phụ bắt đầu rặn để đẩy thai nhi ra ngoài. Chuyển dạ đình trệ khi ngôi thai không xuống hoặc cổ tử cung không mở thêm trong 2 giờ với sản phụ sinh con lần đầu, 1 giờ với phụ nữ sinh con rạ.
Đánh giá cơn co tử cung:
Cơn co tử cung cần phải đủ mạnh và đều, phù hợp với từng giai đoạn chuyển dạ để giúp cổ tử cung mở và đẩy thai nhi xuống qua đường sinh. Nếu các cơn co tử cung yếu hoặc không hiệu quả có thể khiến chuyển dạ có thể đình trệ. Cơn co tử cung được đánh giá qua lâm sàng kết hợp monitoring sản khoa.
Đánh giá tình trạng thai nhi:
Sự di chuyển của thai nhi cũng là yếu tố quan trọng để xác định chuyển dạ đình trệ. Các dấu hiệu cần theo dõi bao gồm:
Khả năng di chuyển của thai nhi: Thai nhi không xuống được trong đường sinh hoặc không di chuyển qua khung chậu có thể chỉ ra chuyển dạ đình trệ.
Theo dõi tình trạng suy thai: có thể là dấu hiệu gián tiếp của chuyển dạ đình trệ, cần theo dõi nhịp tim thai nhi qua monitoring và sử dụng siêu âm nếu cần thiết.
Việc xử trí chuyển dạ đình trệ cần đánh giá đầy đủ nguyên nhân, giai đoạn chuyển dạ và tình trạng mẹ - thai để có quyết định phù hợp.
Rối loạn cơn co tử cung:
Cơn co tử cung yếu: khi có dưới 3 cơn co trong 10 phút, mỗi cơn kéo dài < 30 giây, không đủ mạnh để làm cổ tử cung mở và thai tiến triển, cần xử trí:
+ Truyền oxytocin giúp tăng co tử cung (pha 5 đơn vị oxytocin trong 500ml dung dịch glucose 5%): bắt đầu liều thấp, điều chỉnh cho đến khi cơn co đạt hiệu quả, tăng dần 1-2 mU/phút mỗi 20-30 phút, tối đa 20 mU/phút.
+ Bấm ối nếu màng ối chưa vỡ để tăng áp lực lên cổ tử cung, thúc đẩy chuyển dạ.
+ Hướng dẫn sản phụ thay đổi tư thế (nằm nghiêng trái, đi lại) để giúp thai bình chỉnh tốt, xoay và xuống.
+ Nếu không có tiến triển sau 4-6 giờ, cần chỉ định mổ lấy thai.
Cơn co tử cung quá mạnh hoặc tăng trương lực: cơn co quá dày, kéo dài trên 60 giây, gây đau nhiều nhưng không giúp cổ tử cung mở thêm, cần xử trí:
+ Ngừng truyền oxytocin nếu đang dùng.
+ Dùng thuốc giảm co như salbutamol hoặc atosiban nếu có nguy cơ vỡ tử cung.
+ Theo dõi sát tim thai vì có nguy cơ suy thai do giảm tưới máu bánh nhau khi tử cung bóp chặt.
Bất thường thai nhi
Thai quá to: thai ước tính ≥ 4.000 - 4.500g, có nguy cơ bất xứng đầu chậu, cần xử trí:
+ Chỉ định mổ lấy thai nếu có dấu hiệu đầu thai không lọt.
+ Khi tiên lượng có thể sinh thường, cần chuẩn bị sẵn can thiệp (forceps, giác hút, phòng mổ cấp cứu nếu kẹt vai).
Ngôi thai bất thường: các trường hợp ngôi ngang, ngôi mông kèm tiên lượng khó, ngôi mặt cằm sau tiến triển không tốt cần chỉ định mổ lấy thai.
Bất thường đường sinh dục mẹ
Khung chậu hẹp hoặc méo: Thai không lọt qua eo trên hoặc ngừng tiến triển ở eo giữa, cần xử trí:
+ Nghiệm pháp lọt để tiên tương khả năng đẻ thường.
+ Mổ lấy thai nếu có bất xứng đầu chậu rõ ràng.
Các khối u cản trở đường sinh: Khối u xơ ở eo tử cung, đoạn dưới tử cung, u thành âm đạo làm cản trở thai xuống, cần xử trí:
+ Nếu khối u nhỏ, không ảnh hưởng đến sự tiển triển của thai có thể sinh thường.
+ Mổ lấy thai trong trường hợp khối u lớn, ảnh hưởng đến cơn co tử cung và sự xuống của thai nhi.
Sẹo mổ cũ hoặc dị tật tử cung:
+ Sẹo mổ cũ: khi có dấu hiệu vỡ tử cung (đau nhiều, nhịp tim thai bất thường, tử cung căng cứng) cần mổ lấy thai cấp cứu để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.
+ Dị tật tử cung (tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn): trong trường hợp thai không lọt, cần mổ lấy thai để tránh chuyển dạ kéo dài gây suy thai.
Truyền Oxytocin được đặt ra khi cơn co tử cung yếu
Dự phòng chuyển dạ đình trệ:
Dự phòng chuyển dạ đình trệ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa sàng lọc trước sinh, theo dõi, hỗ trợ trong chuyển dạ và có phương án can thiệp kịp thời khi cần thiết.
Đánh giá và sàng lọc trước sinh: Sản phụ cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ, đặc biệt là các tuần cuối để phát hiện các yếu tố nguy cơ như thai to, khung chậu hẹp, ngôi thai bất thường, bệnh lý mẹ đi kèm (tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật…). Bác sĩ sẽ lập kế hoạch theo dõi và quản lý riêng cho các trường hợp nguy cơ cao và tiến hành hỗ trợ chuyển dạ hoặc phẫu thuật lấy thai chủ động nếu cần thiết, tránh chuyển dạ đình trệ.
Theo dõi và hỗ trợ trong chuyển dạ: Cần theo dõi sát tim thai và cơn co tử cung bằng monitoring sản khoa, kịp thời xử trí khi có dấu hiệu chuyển dạ đình trệ. Hướng dẫn sản phụ các tư thế thuận lợi để thai bình chỉnh ngôi tốt, luôn có sự đánh giá liên tục và toàn diện suốt quá trình chuyển dạ.
Chuẩn bị thể chất tốt, dinh dưỡng hợp lý: Đi bộ, tập yoga nhẹ nhàng giúp cơ thể linh hoạt, tăng sức bền, hỗ trợ thai nhi di chuyển tốt hơn trong chuyển dạ. Sản phụ cần đảm bảo sức khoẻ để có khả năng rặn sinh. Bổ sung thực phẩm giàu protein, chất xơ, uống đủ nước để đảm bảo sản phụ có đủ năng lượng, không để quá đói hoặc ăn quá no trước khi chuyển dạ.
Giữ tâm lý thoải mái: lo lắng, căng thẳng có thể ảnh hưởng đến sự tiết oxytocin, làm cơn co yếu hoặc không hiệu quả. vì vậy sản phụ cần được hướng dẫn kỹ thuật thở, thư giãn, động viên giúp sản phụ giữ bình tĩnh trong quá trình chuyển dạ.
Chuẩn bị phương án can thiệp khi cần: khi có các dấu hiệu của chuyển dạ đình trệ cần kịp thời đánh giá lại ngôi thai, khung chậu, điều chỉnh cơn co tử cung và can thiệp ngoại khoa khi cần thiết để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Khám thai định kỳ đặc biệt ba tháng cuối để bác sĩ tiên lượng về chuyển dạ
Trên đây là các thông tin cần thiết về chuyển dạ đình trệ. Để dự phòng tốt chuyển dạ đình trệ, bệnh nhân cần khám thai định kỳ tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ sản phụ. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.
Tài liệu tham khảo:
American College of Obstetricians and Gynecologists. (2023). Management of Labor: A Comprehensive Review. Obstetrics & Gynecology, 141(1), 123-135. https://doi.org/10.1097/AOG.0000000000005000
Smith, J. A., & Johnson, L. M. (2021). Uterine Dysfunction in Labor: Current Perspectives. Journal of Maternal-Fetal & Neonatal Medicine, 34(14), 2345-2352. https://doi.org/10.1080/14767058.2020.1801623
Brown, K. R., & Davis, E. F. (2022). Cephalopelvic Disproportion: Reevaluating Risk Factors and Outcomes. American Journal of Obstetrics and Gynecology, 226(2), 251.e1-251.e8. https://doi.org/10.1016/j.ajog.2021.08.012
Lee, H. Y., & Park, J. S. (2020). Maternal Obesity and Its Impact on Labor Progression: A Systematic Review and Meta-Analysis. Scientific Reports, 10(1), 1132. https://doi.org/10.1038/s41598-020-58014-5
American College of Obstetricians and Gynecologists. (2014). Obstetric care consensus No. 1: Safe prevention of the primary cesarean delivery. Obstetrics & Gynecology, 123(3), 693–711. https://doi.org/10.1097/AOG.0000000000000135
Zhang, J., Troendle, J., Mikolajczyk, R., Sundaram, R., Beaver, J., & Fraser, W. (2010). The natural history of the normal first stage of labor. Obstetrics & Gynecology, 115(4), 705–710. https://doi.org/10.1097/AOG.0b013e3181d55925
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!