Từ điển bệnh lý
Chuyển dạ giả : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Chuyển dạ giả
Ở cuối thời kỳ thai nghén, có một quá trình sinh lý xuất hiện làm xóa mở cổ tử cung, và giúp cho thai và phần phụ của thai được đẩy ra ngoài đường sinh dục của bà mẹ. Đó chính là sinh lý chuyển dạ đẻ. Các cơn co tử cung chính là động lực của cuộc chuyển dạ. Trường hợp xuất hiện các dấu hiệu cơn co tử cung nhưng cổ tử cung lại không tiến triển thêm, do vậy, thai và phần phụ của thai chưa thể sổ ra ngoài được thì gọi là chuyển dạ giả.
Các biểu hiện lâm sàng của chuyển dạ giả thường rất giống với chuyển dạ thật, thường khiến cho thai phụ phải nhập viện theo dõi hoặc thai phụ phải đi đến bệnh viện khám nhiều lần.
Các cơn co thắt tử cung trong chuyển dạ giả thường là các cơn gò sinh lý Braxton Hicks. Cơn gò này thường xuất hiện nhiều hơn ở 3 tháng cuối thai kỳ nhằm thúc đẩy sự hình thành đoạn dưới tử cung. Đôi khi, các cơn co cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ gây ra sự lo lắng cho thai phụ và gia đình.
Các cơn co thắt tử cung trong chuyển dạ giả thường là các cơn gò sinh lý Braxton Hicks
Chuyển dạ giả đôi khi chính là dấu hiệu báo trước cho giai đoạn chuyển dạ thực sự. Thai phụ cần nhận biết được một số điểm khác biệt giữa chuyển dạ thật và chuyển dạ giả để không quá lo lắng trước những diễn biến của thai kỳ.
Nguyên nhân Chuyển dạ giả
Chuyển dạ giả đôi khi rất khó xác định được nguyên nhân thực sự. Có nhiều chuyên gia cho rằng các cơn co thắt tử cung nhẹ trong thời kỳ mang thai giúp kích thích làm tăng lưu lượng máu mẹ đến bánh rau, từ đó mà thai nhi có thể được nhận nhiều oxy hơn.
Có một số nguyên nhân có thể gây ra các cơn gò trong thời kỳ mang thai kể đến như:
- Bà mẹ uống ít nước, hoặc một số bệnh lý khiến bà mẹ bị mất nước như sốt, tiêu chảy mất nước… có thể gây ra các cơn co thắt tử cung trong chuyển dạ giả. Mặt khác, tình trạng thiểu ối của thai nhi cũng có mối liên quan với tình trạng bà mẹ uống ít nước. Các thai phụ bị thiểu ối cũng có thể cảm nhận được tần xuất các cơn gò tại tử cung nhiều hơn so với thai kỳ ối bình thường. Vì vậy, thai phụ cần phải bổ sung khoảng từ 2-3 lít nước mỗi ngày để một thai kỳ khỏe mạnh và hạn chế các cơn gò chuyển dạ giả.
Thai phụ cần phải bổ sung khoảng từ 2-3 lít nước mỗi ngày để một thai kỳ khỏe mạnh và hạn chế các cơn gò chuyển dạ giả
- Ở những thai phụ phải lao động quá sức, các cơn co tử cung cũng xuất hiện nhiều hơn. Vì vậy, phụ nữ mang thai cần phải được ưu tiên ở những vị trí lao động nhẹ nhàng, và nghỉ ngơi hợp lý.
- Quan hệ tình dục trong thai kỳ cũng có thể gây tăng tần suất các cơn co thắt tử cung. Khi quan hệ tình dục, cơ thể người phụ nữ lúc đạt cực khoái sẽ tiết ra oxytocin nội sinh gây co thắt các cơ, trong đó có cơ tử cung. Chất oxytocin nội sinh này cũng có thể được tiết ra sau động tác xoa bóp vú. Ngoài ra, prostaglandin có trong tinh dịch cũng là yếu tố gây xuất hiện cơn co tử cung.
- Cầu bàng quang khi thai phụ căng tiểu quá mức, nhịn tiểu vì lý do nào đó. Bàng quang to đè vào tử cung cũng có thể làm xuất hiện cơn co tại tử cung.
Triệu chứng Chuyển dạ giả
Các dấu hiệu kết hợp cần đi khám ngay
Vì cơn co tử cung trong chuyển dạ giả và chuyển dạ thật khá giống nhau nên đôi khi thai phụ khó phân biệt. Tuy nhiên, khi cơn gò tử cung xuất hiện mà kết hợp với các dấu hiệu đi kèm sau đây thì thai phụ cần phải đi khám ngay:
- Cơn co thắt tử cung kết hợp ra máu âm đạo. ra máu âm đạo khi mang thai chính là dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay để thầy thuốc đánh giá và theo dõi điều trị.
Cơn co thắt tử cung kết hợp ra máu âm đạo
- Tình trạng vỡ ối: thai phụ cảm thấy ra nhiều nước âm đạo, nước có lẫn lợn chất gây thì chắc chắn là vỡ ối và cần nhập viện chuyên khoa gấp.
- Tình trạng đau bụng ngày càng tăng, không đỡ, giảm khi thay đổi tư thế hay nghỉ ngơi. Rất có thể các cơn co thắt này sẽ tiền triển và nguy cơ gây chuyển dạ thật sự và cần có sự can thiệp của thầy thuốc.
- Thai phụ cảm thấy khó thở, đau ngực cũng là những dấu hiệu phải đến bệnh viện khám.
- Trường hợp các cơn gò xuất hiện với tần xuất ngày một nhiều, và giai đoạn thai kỳ này lại gần với ngày dự kiến sinh thì rất có thể đây chính là những cơn co thắt tử cung thúc đẩy chuyển dạ, thaiphuj nên nhập viện để được khám và tiên lượng về cuộc chuyển dạ đẻ.
Phòng ngừa Chuyển dạ giả
Ở những phụ nữ mang thai thì các cơn co tử cung Braxton Hicks chính là các cơn co sinh lý, tuy nhiên, nếu các cơn co này xuất hiện quá nhiều, cường độ mạnh thì cũng có thể là dấu hiệu báo trước các bệnh lý trong quá trình mang thai. Để phòng tránh hoàn toàn các cơn co tử cung chuyển dạ giả thì rất khó, tuy nhiên, chúng ta có thể điều chỉnh để làm giảm bớt các cơn gò bằng cách:
- Thai phụ cần bổ sung đủ lượng nước trong ngày. Cần có thói quen uống nước đủ 2 - 2.5 lít nước mỗi ngày.
- Chú ý, thai phụ không được nhịn tiểu.
- Bà mẹ cần tránh vận động quá mạnh hoặc quá sức. Lựa chọn các ài tập nhẹ nhàng sẽ giúp thai phụ cảm thấy khỏe khắn và hạn chế các cơn gò bụng.
- Tất cả các thai phụ đều phải được quản lý thai tốt, khám thai đúng lịch và khám lại ngay khi có các biểu hiện bất thường.
Tất cả các thai phụ đều phải được quản lý thai tốt, khám thai đúng lịch và khám lại ngay khi có các biểu hiện bất thường.
- Thai phụ cần được nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý, tránh các chất kích thích, có hại cho sức khỏe, đồng thời, phụ nữ mang thai cần được sống trong một môi trường thoải mái nhất để có một thai kỳ khỏe mạnh.
Các biện pháp chẩn đoán Chuyển dạ giả
- Cơn co tử cung: các cơn co tử cung có thể xuất hiện tự nhiên hoặc sau khi thai phụ lao động quá sức, thay đổi tư thế đột ngột hoặc sau khi thai máy đạp nhiều... Thai phụ cảm giác bụng cứng, tử cung nổi rõ trên thành bụng, có thể có cảm giác tức nhẹ nếu cơn co nhẹ. Cơn co mạnh có thể khiến thai phụ có cảm giác đau bụng, khó thở.
- Cơn co tử cung có thể xuất hiện từ quý 2 của thai kỳ và xuất hiện nhiều hơn ở 3 tháng cuối. Các cơn co tử cung trong chuyển dạ giả thường không lặp lại theo chu kỳ, và cường độ lúc mạnh, lúc yếu không có quy luật.
- Cơn co tử cung xuất hiện ở mặt trước tử cung.
- Đi kèm với cơn co tử cung, thai phụ có thể thấy âm đạo tiết nhiều dịch hơn, đôi khi có thể là dịch nâu hoặc nặng hơn là thấy máu đỏ. Có thể bị són tiểu, dễ nhầm với tình trạng rỉ ối.
- Đôi khi, thai phụ thấy đau mỏi thắt lưng, hoặc co rút các cơ khác (chuột rút)…
Đôi khi, thai phụ thấy đau mỏi thắt lưng, hoặc co rút các cơ khác (chuột rút)…
- Khám trong âm đạo: thầy thuốc thấy cổ tử cung đóng kín, chưa có hiện tượng bóc tác màng ối, đầu ối chưa thành lập.
Chẩn đoán phân biệt với chuyển dạ thật
- Cơn co tử cung cũng xuất hiện tự nhiên giống như chuyển dạ giả nhưng thường xuất hiện khi thai đủ tháng (thai từ 37 tuần tuổi trở lên), trong trường hợp đẻ non, cơn co tử cung sẽ xuất hiện ở thởi điểm trước 37 tuần tuổi thai.
- Cơn co tử cung thường xuất phát ở tại 1 sừng của tử cung sau đó lan ra toàn bộ tử cung hướng xuống cổ tử cung, nhằm thúc đẩy xóa mở cổ tử cung, bong nút nhầy cổ tử cung và để tống thai ra ngoài.
- Thai phụ cảm nhận được các cơn co chuyển dạ xuất hiện đều đặn. Cứ khoảng 10 phút xuất hiện 2, hoặc 3 cơn co. Cơn co xuất hiện với tần suất tăng dần. đến thời điểm chuẩn bị sổ thai, cơn co tử cung tần số 4 hoặc 5 (tức là cứ khoảng 2 phút lại xuất hiện 1 cơn co tử cung).
- Cường độ cơn co tử cung cũng tăng dần và thời gian của 1 cơn co tử cung cũng dài dần.
- Thai phụ cảm nhận rõ được cảm giác đau khi cơn co tử cung xuất hiện. Càng gần đến giai đoạn sổ thai, cảm giác đau càng mạnh hơn, khiến sản phụ muốn rặn đẻ.
- Cơn co tử cung trong chuyển dạ thật sẽ là động lực làm cổ tử cung xóa rồi mở ở người con so, hoặc vừa xóa vừa mở ở người con dạ.
- Khám trong âm đạo có thể thấy cổ tử cung xóa mở theo từng giai đoạn của cuộc chuyển dạ. Đầu ối thành lập giúp ngôi thai bình chỉ tốt hơn, cũng là yếu tố góp phần xóa mở cổ tử cung nhanh hơn. Xác định được ngôi thai và độ lọt của ngôi.
- Khám thai: thầy thuốc có thể thấy tình trạng thay đổi tim thai trong cơn co tử cung khi theo dõi monitoring trong chuyển dạ thật sự. Khi bắt đầu cơn co, tim thai nhanh hơn rồi giảm dần trong cơn co tử cung. Tim thai lại trở về bình thường khi cơn co tử cung kết thúc.
- Thời gian chuyển dạ đẻ: chuyển dạ ở người con so thường diễn ra lâu hơn so với chuyển dạ ở người con dạ. Trung bình khoảng 16 - 20 giờ trong chuyển dạ con so và khoảng 8 - 12 giờ ở người con dạ. Cuộc chuyển dạ diễn ra lâu hơn 24 giờ thì được gọi là chuyển dạ kéo dài. Bà mẹ phải chịu đựng cơn đau quá lâu sẽ dần mất sức, thai nhi dễ suy thai, suy hô hấp sơ sinh, và đờ tử cung, nhiễm khuẩn sau đẻ.
Các biện pháp điều trị Chuyển dạ giả
Chuyển dạ giả thường không cần hỗ trợ y tế mà bà mẹ có thể tự mình điều chỉnh và theo dõi.
- Nếu bà mẹ đang có cầu bàng quang thì hãy đi tiểu hết. Động tác này giúp giảm áp lực của bàng quang lên tử cung, giúp giảm cơn co thắt tử cung.
Nếu bà mẹ đang có cầu bàng quang thì hãy đi tiểu hết.
- Nếu bà mẹ có tình trạng mất nước, uống ít nước thì cần nạp nước vào cơ thể ngay.
- Thai phụ nên thay đổi tư thế, không nên giữ nguyên một tư thế lâu cũng giúp giảm cơn gò tử cung.
- Tư thế nằm cũng rất quan trọng. Tư thế nằm ngửa hoặc nghiêng phải sẽ khiến cho tử cung đè ép vào tĩnh mạch chủ dưới, khiến tuần hoàn thai - rau bị cản trở, làm tăng tần suất các cơn gò tử cung. Vì vậy thai phụ cần nằm nghiêng trái nhiều hơn trong thai kỳ.
- Các phương pháp giúp thư giãn cơ thể cũng làm giảm các cơn gò.
- Cần nghỉ ngơi, thư giãn khi thai phụ cảm nhận thấy cơn gò chuyển dạ giả. Điều này giúp cho cơn gò nhanh kết thúc hơn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!