Bác sĩ: ThS. Nguyễn Thị Trang
Chuyên khoa:
Năm kinh nghiệm:
Co rút Dupuytren là một bệnh lý mạn tính của bàn tay, đặc trưng bởi hiện tượng dày lên và xơ hóa của mạc gan tay. Khi mô này trở nên xơ cứng và co rút, nó sẽ tạo thành các dải kéo các ngón tay cong lại về phía lòng bàn tay, khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt. Các ngón thường bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngón đeo nhẫn và ngón út, nhưng trong một số trường hợp nặng, các ngón khác cũng có thể bị ảnh hưởng.
Bệnh phổ biến hơn ở nam giới, đặc biệt là từ độ tuổi trung niên trở lên. Giai đoạn đầu của bệnh thường bắt đầu âm thầm, không gây đau đớn nghiêm trọng, nhưng nếu để tiến triển nặng mà không điều trị, co rút Dupuytren có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc điều trị tùy thuộc vào mức độ co rút và ảnh hưởng chức năng tay.
Co rút Dupuytren là bệnh mạn tính, đặc trưng bởi sự dày lên và xơ hóa của mạc gan tay
Di truyền được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu trong cơ chế hình thành co rút Dupuytren. Bệnh có khuynh hướng xảy ra trong cùng một gia đình, với kiểu di truyền trội không hoàn toàn. Điều này có nghĩa là nếu trong gia đình có người mắc bệnh, thì con cháu có nguy cơ cao hơn người bình thường. Bệnh đặc biệt phổ biến ở người gốc Bắc Âu – vì vậy từng có thời gian Dupuytren được gọi là “bệnh của người Viking”. Những người mang gen nhạy cảm có thể phát triển bệnh sớm hơn, bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn.
Một số bệnh lý chuyển hóa mạn tính có liên quan đến sự phát triển và tiến triển của co rút Dupuytren, nổi bật là:
- Đái tháo đường: Đây là yếu tố nguy cơ rất phổ biến. Tình trạng tăng đường huyết kéo dài gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa collagen và thúc đẩy xơ hóa mô liên kết.
- Bệnh gan mạn tính: Đặc biệt là các trường hợp xơ gan do rượu. Tình trạng rối loạn chức năng gan lâu dài có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng các yếu tố tăng trưởng và dẫn đến hình thành mô xơ bất thường.
- Rối loạn lipid máu, suy giáp, nhiễm trùng mạn tính: Có thể gián tiếp góp phần vào cơ chế bệnh sinh thông qua việc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch hoặc phản ứng viêm.
Một số yếu tố liên quan đến thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng có liên quan đến Dupuytren, bao gồm:
- Uống rượu kéo dài: Rượu có thể gây độc cho tế bào mô liên kết và ảnh hưởng đến gan – một cơ quan có vai trò quan trọng trong điều hòa các yếu tố chuyển hóa.
- Hút thuốc lá: Gây co mạch, giảm tưới máu ngoại vi, tạo điều kiện cho tình trạng xơ hóa và hoại tử vi mạch mạn tính.
- Chấn thương: Chấn thương bàn tay lặp đi lặp lại, hoặc các nghề nghiệp phải vận động bàn tay nhiều (thợ mộc, thợ cơ khí, công nhân điều khiển máy móc, thiết bị gây rung như máy khoan, máy đục,...) có thể kích thích mạc gan tay tăng sinh mô xơ.
Co rút Dupuytren hiếm gặp ở người trẻ. Tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo tuổi, đặc biệt sau 40 tuổi. Nam giới chiếm đa số các trường hợp mắc bệnh, với tỷ lệ cao gấp 3-10 lần so với nữ. Ngoài ra, ở nam giới, bệnh cũng thường biểu hiện nặng hơn và tiến triển nhanh hơn.
Di truyền được xem là yếu tố quan trọng trong cơ chế hình thành co rút Dupuytren
Hiện nay, chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu nào có thể hoàn toàn ngăn ngừa được bệnh co rút Dupuytren, do nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có thể áp dụng một số biện pháp nhằm giảm nguy cơ khởi phát hoặc làm chậm tiến triển của bệnh, đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ cao.
- Ngưng hút thuốc lá: Thuốc lá là yếu tố nguy cơ được chứng minh có liên quan đến sự hình thành và tiến triển của bệnh Dupuytren do ảnh hưởng đến vi tuần hoàn và mô liên kết. Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và tiến triển nặng hơn so với người không hút.
- Kiểm soát bệnh lý nội khoa: Các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh gan mạn tính (đặc biệt xơ gan do rượu), và rối loạn chuyển hóa có liên quan đến Dupuytren. Kiểm soát tốt đường huyết và chức năng gan có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh.
- Hạn chế sử dụng rượu, bia: Tiêu thụ rượu kéo dài là một yếu tố nguy cơ độc lập của Dupuytren, đặc biệt ở người uống rượu nhiều năm.
Một số nghiên cứu ghi nhận bệnh hay gặp ở người lao động chân tay, làm việc nặng hoặc bị chấn thương lặp đi lặp lại ở bàn tay. Do đó, những người thuộc nhóm nghề nghiệp này nên sử dụng găng tay bảo hộ khi làm việc, tránh lặp đi lặp lại các động tác gập siết tay quá mức trong thời gian dài.
Ở những người có tiền sử gia đình bị Dupuytren, hoặc có nốt xơ sớm ở gan tay cần đi khám chuyên khoa cơ xương khớp hoặc ngoại chấn thương để theo dõi định kỳ. Khi có dấu hiệu co ngón dù nhẹ, nên khám sớm để được tư vấn can thiệp đúng thời điểm.
Mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng, nhưng một số chuyên gia cho rằng một số biện pháp như tập vận động bàn tay đều đặn, kéo giãn nhẹ các ngón tay mỗi ngày, xoa bóp mô mềm vùng gan tay giúp duy trì độ mềm mại của mô cơ, hỗ trợ làm chậm tiến triển bệnh.
Ngừng hút thuốc lá giúp dự phòng Co rút Dupuytren
Co rút Dupuytren là bệnh lý có biểu hiện rõ ràng ở bàn tay và ngón tay, vì vậy chẩn đoán chủ yếu dựa trên khai thác bệnh sử kỹ và thăm khám lâm sàng, không cần đến các xét nghiệm phức tạp, cụ thể:
- Hỏi bệnh sử:
+ Thời điểm phát hiện cục nhỏ ở gan tay.
+ Mức độ tiến triển: Tổn thương có tăng kích thước theo thời gian hay có xuất hiện thêm dải xơ không? Ngón tay có bị co gập thêm không?
+ Khả năng ảnh hưởng chức năng tay: Cầm nắm, rửa mặt, cài cúc áo, chải tóc...
+ Tiền sử chấn thương hoặc phẫu thuật tay.
+ Yếu tố nguy cơ: Đái tháo đường, hút thuốc, uống rượu, người thân bị bệnh.
- Khám thực thể:
Khám bàn tay cần tiến hành ở tư thế thoải mái, có thể ở cả hai tay để đối chiếu. Bác sĩ sẽ phát hiện các dấu hiệu đặc trưng:
+ Nốt xơ dưới da: Thường nhỏ, cứng, cố định ở mô dưới da, không di động như nang bã hoặc u mềm khác. Vị trí thường ở gần nếp gấp ngang bàn tay, tại nền ngón đeo nhẫn hoặc ngón út.
+ Dải xơ dưới da: Là dải mô xơ hóa kéo dài từ nốt dưới da đến các ngón tay. Sờ thấy cứng, rõ, không di động theo gân.
+ Ngón tay co gập: Thường bắt đầu ở ngón đeo nhẫn, rồi đến ngón út. Ngón tay bị kéo cong vào lòng bàn tay, đặc biệt là ở các khớp đốt ngón gần và đốt bàn ngón.
+ Table Top test: Không thể đặt phẳng lòng bàn tay lên mặt phẳng (table top test dương tính) – dấu hiệu điển hình của bệnh, gợi ý đã có co rút rõ.
Trong các trường hợp không điển hình trên lâm sàng hoặc cần tìm nguyên nhân gây co rút Dupuytren, bác sĩ có thể chỉ định một số cận lâm sàng sau:
- Siêu âm mô mềm bàn tay: Là phương tiện rẻ, không xâm lấn, dễ thực hiện, giúp phân biệt dải xơ dưới da với gân gấp hay các cấu trúc khác, xác định độ sâu và phạm vi lan rộng của mô xơ, đồng thời đánh giá tính chất mô (đồng nhất, tăng âm, có tăng sinh mạch máu hay không). Siêu âm còn giúp theo dõi sau điều trị tiêm enzyme collagenase. Hình ảnh siêu âm điển hình của co rút Dupuytren:
- Cộng hưởng từ (MRI bàn tay): Mặc dù đây không phải chỉ định thường quy, nhưng rất hữu ích trong một số trường hợp đặc biệt như:
- Xét nghiệm máu: Giúp đánh giá bệnh lý liên quan như glucose máu (đái tháo đường), chức năng gan (bệnh gan do rượu), bilan lipid, chức năng tuyến giáp.
Việc điều trị co rút Dupuytren phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, sự ảnh hưởng đến chức năng bàn tay và cả mong muốn của bệnh nhân. Mục tiêu điều trị là làm giảm co rút, phục hồi chức năng bàn tay và hạn chế tái phát.
Điều trị bảo tồn được áp dụng trong giai đoạn sớm, khi bệnh chưa gây co rút ngón tay đáng kể hoặc chưa ảnh hưởng đến chức năng tay. Phù hợp với bệnh nhân có nốt xơ nhỏ, chưa xuất hiện dải xơ rõ hoặc chưa có co ngón. Bệnh nhân được khuyến cáo theo dõi và tái khám mỗi 3-6 tháng để đánh giá tiến triển, đo góc co rút nếu có, và hướng dẫn tự theo dõi tại nhà.
Một số trường hợp nhẹ có thể dùng nẹp duỗi ban đêm để hạn chế co rút thêm. Các bài tập kéo giãn gân, xoa bóp mô mềm, và vận động chủ động giúp duy trì biên độ vận động khớp. Tuy nhiên, hiệu quả của vật lý trị liệu trong việc làm chậm tiến triển bệnh còn hạn chế.
Collagenase là một loại enzyme giúp phân giải các sợi collagen trong dải xơ, làm mềm mô bệnh và tạo điều kiện để duỗi ngón tay. Áp dụng cho bệnh nhân có dải xơ rõ, co rút mức độ nhẹ đến trung bình, chủ yếu ở khớp bàn-ngón , hoặc khớp liên đốt gần nếu dải xơ nông. Đây là phương pháp ít xâm lấn, không cần mổ, thực hiện ngoại trú, hồi phục nhanh nhưng chi phí cao, có thể gây đau, bầm tím, rách da nhẹ. Tỷ lệ tái phát sau 3-5 năm khoảng 30-40%. Không phù hợp với trường hợp xơ sâu hoặc co rút nhiều khớp.
Phẫu thuật được chỉ định khi co rút ngón tay nặng, ảnh hưởng đến chức năng tay, không đáp ứng với các phương pháp bảo tồn, hoặc tái phát sau tiêm collagenase. Các phương pháp phẫu thuật gồm:
- Cắt mô xơ: Là phương pháp phổ biến nhất. Bác sĩ sẽ rạch da và cắt bỏ phần mô xơ bị xơ hóa gây co rút, bảo tồn tối đa mô lành.
- Cắt toàn bộ cân gan tay: Áp dụng cho trường hợp tổn thương lan rộng toàn bộ vùng gan tay.
- Phẫu thuật kết hợp ghép da: Dùng trong trường hợp da quá co rút, không thể đóng kín vết mổ. Bác sĩ sẽ dùng mảnh ghép da để che phủ vùng khuyết sau mổ.
Một số phương pháp khác như tiêm corticoid vào nốt xơ, laser CO₂, sóng xung kích, hoặc các thuốc uống (tamoxifen, verapamil) hiện đang được nghiên cứu, tuy nhiên chưa có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả điều trị co rút Dupuytren nên chưa được khuyến cáo sử dụng rộng rãi.
Tiêm Collagenase có thể được áp dụng trong co rút Dupuytren mức độ trung bình
Trên đây là các thông tin cần thiết về Co rút Dupuytren. Để chẩn đoán và điều trị hiệu quả, bệnh nhân cần đến thăm khám tại cơ sở y tế uy tín. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.
Tài liệu tham khảo:
Townley, W. A., Baker, R., Sheppard, N., & Grobbelaar, A. O. (2006). Dupuytren’s contracture unfolded. BMJ, 332(7538), 397–400.
American Academy of Orthopaedic Surgeons (AAOS). (2020). mạnagement of Dupuytren’s Disease: Clinical Practice Guideline.
Rayan, G. M. (2007). Dupuytren disease: Anatomy, pathology, presentation, and treatment. The Journal of Bone and Joint Surgery, 89(1), 189–198.
Wolfe, S. W., Hotchkiss, R. N., Pederson, W. C., Kozin, S. H., & Cohen, M. S. (Eds.). (2020). Green's Operative Hand Surgery (8th ed.). Elsevier.
#BBD0E0»Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!