Bác sĩ: ThS. Nguyễn Thị Trang
Chuyên khoa:
Năm kinh nghiệm:
Cơn hen ác tính (hay còn gọi là hen nặng không đáp ứng điều trị) là một tình trạng cấp cứu hô hấp nguy hiểm, thường xảy ra ở những người mắc bệnh hen phế quản lâu năm. Người bệnh lên cơn hen dữ dội, kéo dài, không thuyên giảm dù đã sử dụng thuốc xịt giãn phế quản hoặc thuốc điều trị thông thường. Trong cơn hen ác tính, đường thở bị co thắt nghiêm trọng, khiến người bệnh cảm thấy khó thở, tím tái do thiếu oxy. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cơn hen ác tính có thể dẫn đến suy hô hấp, hôn mê và tử vong.
Tình trạng này thường khởi phát do các yếu tố như nhiễm trùng đường hô hấp, dị ứng, thời tiết thay đổi, tiếp xúc với khói bụi, hóa chất, hoặc do người bệnh ngưng thuốc đột ngột. Cơn hen ác tính là biến chứng nặng của bệnh hen phế quản, đòi hỏi phải được xử lý cấp cứu tại cơ sở y tế. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu nguy hiểm và đưa người bệnh đến bệnh viện ngay là yếu tố then chốt để bảo vệ tính mạng.
Cơn hen ác tính là biến chứng nặng của bệnh hen phế quản, đòi hỏi phải được xử lý cấp cứu tại cơ sở y tế
Cơn hen ác tính không xảy ra một cách ngẫu nhiên mà thường xuất phát từ nhiều yếu tố kích hoạt, đặc biệt ở những bệnh nhân hen phế quản không kiểm soát tốt, cụ thể:
Hen phế quản không được kiểm soát tốt
Đây là nguyên nhân hay gặp dẫn đến cơn hen ác tính. Khi bệnh nhân hen phế quản không tuân thủ điều trị lâu dài theo phác đồ của bác sĩ, ví dụ như quên dùng thuốc hàng ngày, bỏ thuốc giữa chừng khi thấy triệu chứng đỡ, hoặc dùng sai liều khiến tình trạng viêm mãn tính của đường thở sẽ âm thầm tiếp diễn. Đến một thời điểm nào đó, dưới tác động của một yếu tố kích thích mạnh, bệnh sẽ bùng phát thành một cơn hen nghiêm trọng mà thuốc giãn phế quản thông thường không còn tác dụng. Ngoài ra, nhiều người bệnh cũng có xu hướng chỉ điều trị triệu chứng mà bỏ qua điều trị nền, làm cho tình trạng viêm mạn ngày càng khó kiểm soát.
Nhiễm trùng đường hô hấp
Các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên (cảm lạnh, cúm, viêm xoang, viêm họng,..) hoặc nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi đều có thể là yếu tố khởi phát cơn hen ác tính. Nhiễm trùng sinh ra phản ứng viêm trong đường thở, gây tăng tiết chất nhầy và co thắt phế quản - những yếu tố làm hẹp đường thở. Khi người bệnh không được điều trị sớm, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ, nguy cơ chuyển sang cơn hen nặng sẽ tăng cao.
Tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên và kích thích môi trường
Đối với người mắc hen, các yếu tố từ môi trường như phấn hoa, bụi nhà, lông vật nuôi, nấm mốc, mùi hóa chất, khí thải ô tô, khói thuốc lá... đều có thể gây co thắt phế quản cấp tính. Những dị nguyên này khi xâm nhập vào đường thở sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch quá mức, khiến đường thở co thắt dữ dội và gây ra cơn hen kéo dài. Đặc biệt ở thành phố lớn với mức độ ô nhiễm không khí cao, người bệnh nếu không có biện pháp phòng tránh đúng cách (như đeo khẩu trang, tránh ra ngoài lúc trời lạnh hoặc nhiều bụi mịn) thì nguy cơ gặp phải cơn hen ác tính là rất lớn.
Lạm dụng hoặc sử dụng không đúng thuốc điều trị hen
Nhiều bệnh nhân hen có thói quen tự ý dùng thuốc giãn phế quản dạng xịt (như salbutamol) mỗi khi cảm thấy khó thở mà không phối hợp thuốc kiểm soát viêm đường thở theo chỉ định bác sĩ. Việc lạm dụng thuốc mà không điều trị nền sẽ dẫn đến tình trạng “che giấu” diễn tiến xấu của bệnh. Khi viêm đường thở tiến triển quá mức và thuốc giãn phế quản không còn hiệu quả, người bệnh dễ rơi vào cơn hen ác tính.
Ảnh hưởng từ các loại thuốc khác
Nhiều loại thuốc dùng trong điều trị bệnh lý khác cũng có thể là nguyên nhân gây co thắt phế quản và khởi phát cơn hen ác tính ở người có cơ địa dị ứng hoặc hen phế quản. Có thể kể đến nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc chẹn beta giao cảm dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp hoặc tim mạch và một số thuốc điều trị nhỏ mắt, thuốc nhỏ mũi chứa chất gây kích ứng.
Tác động của stress và gắng sức thể chất
Yếu tố tâm lý như lo âu, căng thẳng kéo dài, mất ngủ, hoặc những cú sốc tâm lý có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật, từ đó làm rối loạn điều hòa đường thở và gây khởi phát cơn hen. Ngoài ra, hoạt động thể lực cường độ cao, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết lạnh, môi trường ô nhiễm hoặc khi chưa khởi động kỹ cũng có thể khiến đường thở bị co thắt mạnh mẽ, dẫn đến cơn hen ác tính, đặc biệt với những bệnh nhân chưa được điều trị kiểm soát đúng mức.
Các yếu tố từ môi trường như phấn hoa, bụi nhà, mùi hóa chất, khí thải ô tô,... đều có thể là nguyên nhân khởi phát co thắt phế quản cấp tính
Cơn hen ác tính thường xảy ra ở người bị hen phế quản không kiểm soát tốt hoặc tiếp xúc với yếu tố kích phát. Vì vậy, việc phòng ngừa cơn hen nặng cần kết hợp nhiều biện pháp, từ dùng thuốc đúng cho đến thay đổi lối sống và theo dõi y tế định kỳ, cụ thể:
Tuân thủ điều trị kiểm soát hen hằng ngày
Để phòng ngừa cơn hen ác tính, quan trọng nhất là người bệnh cần dùng thuốc điều trị nền đều đặn theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý dừng thuốc khi thấy đỡ và đọc kĩ hướng dẫn dùng thuốc đúng kỹ thuật để phát huy hiệu quả tốt nhất.
Tránh xa các yếu tố kích phát cơn hen
Những yếu tố như bụi bặm, lông vật nuôi, thời tiết lạnh, khói thuốc lá, hóa chất mạnh, phấn hoa hay nhiễm trùng hô hấp… đều có thể làm bùng phát cơn hen và khiến bệnh trở nên nghiêm trọng. Mỗi người cần nhận biết yếu tố gây kích ứng riêng của mình để tránh tiếp xúc càng nhiều càng tốt trong sinh hoạt hàng ngày.
Giữ môi trường sống sạch và thông thoáng
Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, hạn chế ẩm mốc, giặt rèm, chăn gối định kỳ… là những biện pháp đơn giản nhưng rất hữu hiệu trong phòng ngừa cơn hen. Với những người có dị ứng với lông thú, nên tránh nuôi chó mèo trong nhà. Đồng thời, cần tránh sử dụng nước hoa, xịt phòng hoặc các loại chất tẩy rửa có khả năng gây kích ứng.
5.4 Tiêm ngừa đúng lịch để ngừa bội nhiễm hô hấp
Nhiễm trùng đường hô hấp là nguyên nhân thường gặp làm khởi phát cơn hen. Vì vậy, người bệnh hen nên tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm phế cầu và các vắc-xin theo khuyến cáo của bác sĩ để phòng ngừa mắc bệnh.
5.5 Nhận biết dấu hiệu xấu của cơn hen
Khi bắt đầu thấy khó thở nhiều hơn, ho về đêm tăng, cần dùng thuốc giãn phế quản thường xuyên hơn bình thường hoặc đo lưu lượng đỉnh thở ra (PEF) thấy giảm rõ, người bệnh nên coi đây là dấu hiệu cảnh báo để gặp bác sĩ kịp thời. Phát hiện sớm giúp xử trí kịp thời, ngăn cơn hen nặng tiến triển thành cơn hen ác tính.
Xây dựng kế hoạch xử trí cơn hen tại nhà
Bệnh nhân hen nên được bác sĩ hướng dẫn cụ thể cách theo dõi và điều chỉnh thuốc theo từng mức độ nặng nhẹ. Kế hoạch xử trí nên có các mốc đơn giản như “vùng xanh - vàng - đỏ” dựa vào triệu chứng và PEF, giúp người bệnh biết khi nào cần tăng thuốc, khi nào nên đến viện. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa cơn hen trở nên nguy hiểm.
Tái khám định kỳ để đánh giá mức độ kiểm soát hen
Ngay cả khi thấy khỏe, người bệnh hen vẫn cần khám chuyên khoa hô hấp mỗi 3 - 6 tháng để kiểm tra chức năng hô hấp, đánh giá lại phác đồ điều trị và kịp thời điều chỉnh thuốc nếu cần. Việc theo dõi đều đặn giúp kiểm soát bệnh tốt hơn và giảm nguy cơ nhập viện do cơn hen nặng.
Giữ môi trường sạch sẽ, thông thoáng giúp dự phòng cơn hen ác tính
Cơn hen ác tính là một tình trạng cấp cứu hô hấp nghiêm trọng. Việc chẩn đoán sớm đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh được xử trí kịp thời, hạn chế nguy cơ suy hô hấp và tử vong.
Khám lâm sàng
Đặc điểm lâm sàng của cơn hen ác tính thường rầm rộ và diễn tiến nhanh. Bác sĩ cần nhận biết các dấu hiệu đặc trưng sau:
- Khó thở nặng: Người bệnh có biểu hiện khó thở nhiều, tăng dần, thở gấp, không thể nằm, phải ngồi gập người ra trước để dễ thở. Thở gắng sức, thở bằng cơ hô hấp phụ (cơ cổ, cơ liên sườn, cơ bụng co kéo rõ rệt). Nhịp thở nhanh ≥ 30 lần/phút.
- Không thể nói trọn câu: Do thiếu oxy, người bệnh khó nói, nói từng từ đơn lẻ, giọng yếu. Không thể ăn uống được, biểu hiện mệt kiệt sức.
- Cơn ho kéo dài, khò khè liên tục: Tiếng ran rít thường nghe rõ hai phế trường do không khí đi qua đường thở bị hẹp. Tuy nhiên, ở giai đoạn muộn, khi đường thở co thắt hoàn toàn, có thể không nghe tiếng rít - gọi là “phổi im lặng” - dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm.
- Tím tái và dấu hiệu thiếu oxy: Tím môi, đầu ngón tay, đầu chi, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp có thể tụt nếu có biến chứng sốc.
- Rối loạn ý thức: Lơ mơ, kích thích, vật vã hoặc thậm chí hôn mê.
Ngoài ra, cần khai thác kĩ tiền sử hen phế quản mãn tính, đã từng có các đợt lên cơn hen nặng, nhập viện. Hoặc người bệnh tự ngưng điều trị, không dùng thuốc kiểm soát hen đều đặn. Khi có cơn hen, triệu chứng không cải thiện triệu chứng sau khi dùng salbutamol dạng hít 3 lần trong vòng 1 giờ là dấu hiệu cảnh báo kháng thuốc - cơn hen ác tính.
Cận lâm sàng
Mặc dù chẩn đoán cơn hen ác tính chủ yếu dựa vào lâm sàng, các xét nghiệm sau có thể giúp đánh giá mức độ nặng, tiên lượng và loại trừ các nguyên nhân khác:
- Đo khí máu động mạch:
+ PaO₂ giảm (< 60 mmHg): cho thấy thiếu oxy máu.
+ PaCO₂ tăng (≥ 45 mmHg): dấu hiệu rất quan trọng, phản ánh thông khí phế nang kém – thường là giai đoạn muộn, dọa ngưng thở.
+ pH máu toan hô hấp (< 7.35): dấu hiệu suy hô hấp mất bù.
- Đo độ bão hòa oxy (SpO₂): SpO₂ < 92% khi thở khí trời là một trong những tiêu chí xác định mức độ nặng. Nếu SpO₂ giảm nhanh dù đã thở oxy thì cần chuẩn bị hỗ trợ hô hấp nâng cao.
- X-quang ngực: Giúp loại trừ các bệnh lý khác như: viêm phổi, tràn khí màng phổi, phù phổi. Trong cơn hen, thường thấy phổi tăng sáng, lồng ngực giãn rộng, nhưng không có tổn thương nhu mô.
- Điện tâm đồ (ECG): Loại trừ nguyên nhân tim mạch gây khó thở (suy tim, nhồi máu cơ tim). Hen nặng có thể gây nhịp nhanh xoang hoặc các rối loạn nhịp khác do thiếu oxy.
- Xét nghiệm công thức máu: Bạch cầu ái toan có thể tăng nếu nguyên nhân hen liên quan dị ứng. CRP, bạch cầu trung tính tăng nếu có bội nhiễm hô hấp.
Cơn hen ác tính là một tình huống cấp cứu hô hấp thực sự, đòi hỏi được xử trí tại bệnh viện với đội ngũ chuyên môn và trang thiết bị hỗ trợ hô hấp chuyên sâu.
Điều trị cơn hen ác tính không chỉ tập trung vào việc làm giảm triệu chứng mà còn ngăn ngừa tiến triển thành suy hô hấp và tử vong, đồng thời xây dựng kế hoạch điều trị lâu dài để phòng tái phát.
Đảm bảo đường thở và cung cấp oxy sớm
Người bệnh thường đến viện trong tình trạng thở mệt, thở nhanh, thiếu oxy. Mục tiêu đầu tiên là đảm bảo oxy máu ≥ 94%. Thở oxy qua gọng mũi hoặc mặt nạ bắt đầu với 2 - 6 lít/phút nếu SpO₂ < 94%. Nếu không cải thiện cần tăng lên 10 - 15 lít/phút bằng mặt nạ không thở lại. Theo dõi sát SpO₂ mỗi 15 phút, tránh thở oxy liều cao không kiểm soát ở bệnh nhân có tăng CO₂ máu mãn tính.
Trong trường hợp người bệnh không thể tự hô hấp ổn định trở lại, bác sĩ có thể chỉ định thông khí không xâm lấn (đặt nội khí quản, thở máy,..)
Điều trị dùng thuốc
- Thuốc giãn phế quản:
+ Salbutamol (Ventolin): Là thuốc kích thích β₂ chọn lọc, giãn cơ trơn phế quản nhanh, giảm co thắt đường thở.
+ Ipratropium bromide: Thuốc kháng cholinergic, ức chế trương lực phó giao cảm, hỗ trợ giãn phế quản, đặc biệt hiệu quả khi phối hợp với salbutamol.
+ Adrenaline (epinephrine): Chỉ định khi cơn hen do dị ứng phản vệ, hoặc không đáp ứng giãn phế quản thông thường.
- Corticosteroid: Cơn hen ác tính là kết quả của viêm cấp mạnh mẽ ở phế quản, vì vậy corticoid cần được dùng càng sớm càng tốt, ngay khi bắt đầu điều trị. Một số thuốc thường được sử dụng như: Methylprednisolone, Hydrocortisone, Prednisolone,..
- Kháng sinh – chỉ dùng khi có bội nhiễm: Hen bản chất không do nhiễm trùng, nhưng có thể bội nhiễm đường hô hấp dưới trong quá trình diễn tiến bệnh. Kháng sinh được lựa chọn theo từng tình huống lâm sàng cụ thể. Một số thuốc thường sử dụng như Amoxicillin/clavulanate, Cefuroxime, Macrolid (azithromycin).
Thông khí xâm lấn có thể được chỉ định trong các trường hợp suy hô hấp do cơn hen ác tính
Trên đây là các thông tin cần thiết về cơn hen ác tính. Để chẩn đoán và điều trị hiệu quả, bệnh nhân cần đến thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.
Tài liệu tham khảo:
Global Initiative for Asthma (GINA). (2024). Global strategy for asthma management and prevention.
British Thoracic Society, & Scottish Intercollegiate Guidelines Network. (2019). British guideline on the management of asthma: A national clinical guideline (SIGN 158).
Reddel, H. K., Taylor, D. R., Bateman, E. D., Boulet, L. P., Boushey, H. A., Busse, W. W., ... & O'Byrne, P. M. (2009). An official American Thoracic Society/European Respiratory Society statement: Asthma control and exacerbations. American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine, 180(1), 59–99.
Bộ Y tế. (2016). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản ở người lớn và trẻ em. Ban hành kèm theo Quyết định số 5848/QĐ-BYT ngày 30/12/2016.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!