Từ điển bệnh lý

Cường tuyến yên : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20-02-2025

Tổng quan Cường tuyến yên

Tuyến yên được coi là "tuyến nội tiết chủ đạo" của cơ thể, nằm ở vị trí hố tuyến yên của xương bướm, thuộc khu vực nền sọ và có kích thước chỉ khoảng bằng một hạt đậu, đường kính khoảng 1cm, nặng 0.5 – 1 gram. Tuyến yên có chức năng quan trọng trong việc sản xuất và tiết ra các hormone kiểm soát các tuyến khác như tuyến giáp, tuyến thượng thận, và tuyến sinh dục. Các hormone này đóng vai trò quyết định trong việc điều hòa quá trình trao đổi chất, sự phát triển, khả năng sinh sản và nhiều chức năng khác của cơ thể.

Tuyến yên có cấu trúc 2 thùy:

- Thùy trước còn gọi là thùy tuyến tạo nên bởi nhiều loại tế bào chế tiết các loại hormon khác nhau bao gồm:

  • Hormone tăng trưởng (GH): Điều chỉnh sự phát triển và tăng trưởng của cơ thể.
  • Hormone kích thích tuyến giáp (TSH): Điều hòa hoạt động của tuyến giáp.
  • Hormone kích thích vỏ thượng thận (ACTH): Điều hòa hoạt động của tuyến thượng thận.
  • Prolactin (PRL): Điều chỉnh sản xuất sữa trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
  • Hormone luteinizing (LH) và Follicle-stimulating hormone (FSH): Điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và chức năng sinh dục sinh sản.

- Thùy sau hay còn gọi là thùy thần kinh được tạo nên chủ yếu bởi các tế bào thần kinh đệm lưu giữ hai loại hormon là ADH (vasopressin) là một loại hormon chống bài niệu; một loại hormon khác ở thùy sau tuyến yên là oxytocin với vai trò giúp co cơ tử cung đặc biệt khi sinh đẻ và giúp bài xuất sữa khi trẻ bú mẹ.

Khi tuyến yên hoạt động quá mức, nó sẽ sản xuất dư thừa các hormone này, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Cấu tạo của tuyến yên gồm 2 thùy: thùy tuyến và thùy thần kinh

  1. Cường tuyến yên là gì?

Cường tuyến yên là tình trạng khi tuyến yên sản xuất quá mức một hoặc nhiều loại hormone. Bệnh lý này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ các khối u trong tuyến yên (các u lành tính, chẳng hạn như u tuyến yên) cho đến các rối loạn khác ảnh hưởng đến tuyến yên. Việc tăng sản xuất hormone này có thể dẫn đến nhiều triệu chứng và biến chứng khác nhau trong cơ thể.



Nguyên nhân Cường tuyến yên


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cường tuyến yên, bao gồm:

U tuyến yên (Adenoma)

U tuyến yên là nguyên nhân phổ biến nhất gây cường tuyến yên. Đây thường là các khối u lành tính phát triển trong tuyến yên, khiến tuyến yên tiết ra hormone quá mức. Các loại u tuyến yên phổ biến bao gồm:

  • U tiết hormone tăng trưởng (GH): Gây ra tình trạng to đầu, tay chân, và các đặc điểm cơ thể phóng đại, gọi là bệnh to đầu chi (ở người trưởng thành) hoặc bệnh khổng lồ (ở trẻ em).
  • U tiết prolactin: Dẫn đến sản xuất sữa bất thường và các vấn đề sinh lý như vô sinh hoặc mất kinh ở phụ nữ, và rối loạn chức năng tình dục ở nam giới.
  • U tiết ACTH: Là nguyên nhân của bệnh Cushing, một tình trạng mà cơ thể có quá nhiều cortisol, gây tăng huyết áp, béo phì, loãng xương, bệnh tim mạch và các vấn đề sức khỏe khác.
  • Tăng tiết hormone do các rối loạn khác:

Một số trường hợp cường tuyến yên không phải do u tuyến yên mà là do các bệnh lý khác, chẳng hạn như:

  • Bệnh di truyền: Một số bệnh di truyền như hội chứng McCune-Albright có thể gây cường tuyến yên.
  • Rối loạn di truyền nội tiết: Các bệnh như hội chứng MEN 1 (Multiple Endocrine Neoplasia) có thể dẫn đến u tuyến yên và cường tuyến yên.
  • Trong một số trường hợp hiếm gặp, nguyên nhân có thể do khối u ác tính (carcinoma) từ tuyến yên hoặc di căn đến tuyến yên, hoặc rối loạn vùng dưới đồi.

Triệu chứng Cường tuyến yên


Các triệu chứng của cường tuyến yên phụ thuộc vào loại hormone mà tuyến yên sản xuất quá mức. Dưới đây là các triệu chứng phổ biến liên quan đến cường tuyến yên:

Tăng sản xuất hormone tăng trưởng (GH)

Khi tuyến yên sản xuất quá nhiều hormone tăng trưởng, có thể dẫn đến các triệu chứng như:

  • To đầu chi (Acromegaly): Đây là tình trạng mà các xương và mô trong cơ thể phát triển quá mức, gây ra các thay đổi đặc trưng như tay, chân to ra, khuôn mặt trở nên thô ráp với cằm và mũi phì đại. Bệnh nhân có thể có da dầu, nhiều mồ hôi; to các tạng trong cơ thể như gan, tim, polyp dường tiêu hoá. Người bệnh to đầu chi dường như cũng tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
  • Người khổng lồ (Gigantism): Nếu tình trạng cường hormone tăng trưởng xảy ra ở trẻ em trước khi các sụn tăng trưởng đóng lại, trẻ có thể phát triển chiều cao bất thường, trở thành người khổng lồ.
    Tăng sản xuất prolactin

Khi prolactin sản xuất quá nhiều, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Suy giảm chức năng sinh lý: Phụ nữ có thể bị mất kinh hoặc không thể mang thai, còn nam giới có thể gặp phải tình trạng giảm ham muốn tình dục hoặc rối loạn cương dương.
  • Sản xuất sữa không bình thường (Galactorrhea): Cả nam và nữ có thể bị tiết sữa bất thường (không liên quan đến thai kỳ hoặc cho con bú).
  • Tăng sản xuất ACTH (hormone kích thích tuyến thượng thận)

Khi tuyến yên tiết ra quá nhiều ACTH, có thể dẫn đến tình trạng Cushing với các triệu chứng như:

  • Tăng cân bất thường: Mỡ tích tụ chủ yếu ở vùng mặt, cổ và bụng.
  • Mặt tròn đỏ, rậm lông, trứng cá.
  • Da mỏng, dễ bầm tím.
  • Dễ nhiễm khuẩn.
  • Loãng xương, gãy xương, yếu cơ: đi lại đứng lên ngồi xuống khó khăn.
  • Huyết áp cao và đường huyết cao.
  • Rối loạn tâm thần: như trầm cảm, lờ đờ, hoang tưởng, loạn thầnTăng sản xuất TSH(hormone kích thích tuyến giáp)

    Nguyên nhân thường do các u tuyến yên có kích thước lớn. Người bệnh có thể có triệu chứng của cường giáp như mệt mỏi nhiều, gầy sút cân mặc dù ăn nhiều, run tay chân không rõ nguyên nhân, cảm giác nóng, ra nhiều mồ hôi, thường thấy hồi hộp trống ngực. Ngoài ra khối u lớn có thể gây chèn ép các cấu trúc xung quanh ở trong não gây ra rối loạn thị giác, đau đầu.

    Tăng sản xuất hormon hướng sinh dục (FSH, LH)

    Người bệnh có thể có biểu hiện về suy sinh dục, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, rối loạn cương dương…..


Phòng ngừa Cường tuyến yên

Cường tuyến yên có thể được kiểm soát hiệu quả nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, các biến chứng có thể phát sinh, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Phòng ngừa cường tuyến yên chủ yếu là phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý nội tiết liên quan, đặc biệt là khi có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý di truyền hoặc các u tuyến yên.

Các biện pháp chẩn đoán Cường tuyến yên


Để chẩn đoán cường tuyến yên, bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm và kiểm tra. Các phương pháp chẩn đoán bao gồm:

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu là cách phổ biến để đo lượng hormone trong cơ thể, từ đó xác định mức độ hormone tuyến yên và các hormone liên quan như GH, TSH, ACTH, và prolactin, FSH, LH.

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán tình trạng cường tuyến yên

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán tình trạng cường tuyến yên

Chụp cộng hưởng từ tuyến yên (MRI)

Chụp cộng hưởng từ tuyến yên có tiêm chất tương phản giúp bác sĩ phát hiện các khối u trong tuyến yên và các bất thường xung quanh như vùng dưới đồi, u sọ hầu.

Các xét nghiệm nghiệm pháp

Để kiểm tra sự đáp ứng của cơ thể đối với các hormone tuyến yên, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm nghiệm pháp để kiểm tra chức năng tuyến yên, như test GH động, test ức chế dexamethasone…

Lấy máu tĩnh mạch xoang đá:

Thường được bác sĩ chỉ định để đánh giá bệnh Cushing, lấy máu tĩnh mạch xoang đá định lượng hormone ACTH sẽ giúp phân biệt tiết ACTH từ tuyến yên hay từ nơi khác.


Các biện pháp điều trị Cường tuyến yên


Phương pháp điều trị cường tuyến yên phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các phương pháp điều trị bao gồm:

Phẫu thuật

Phẫu thuật để loại bỏ khối u tuyến yên là phương pháp điều trị chính đối với u tuyến yên gây cường tuyến yên. Phẫu thuật có thể được thực hiện qua xương bướm hoặc mổ mở (mổ sọ), tùy thuộc vào vị trí của khối u.

Phẫu thuật là một phương pháp hiệu quả để điều trị bệnh cường tuyến yên do u

Phẫu thuật là một phương pháp hiệu quả để điều trị bệnh cường tuyến yên do u


Điều trị thuốc

Các loại thuốc có thể được sử dụng để giảm sản xuất hormone tuyến yên quá mức, chẳng hạn như:

  • Thuốc ức chế prolactin: chủ yếu là thuốc chủ vận dopamin như bromocriptine và cabergoline. Dùng cho những bệnh nhân có u tuyến yên tiết prolactin. Thuốc có thể làm giảm nồng độ prolactin máu thậm chí giúp giảm cả kích thước u.
  • Thuốc điều chỉnh hormone tăng trưởng: thường dùng là các chất gắn thụ thể somatostatin, có tác dụng ức chế giải phóng hormon GH. Có thể điều trị cho các bệnh nhân tăng nhẹ GH và IGF-1 bằng chất chủ vận dopamin như bromocriptine và cabergoline.
  • Xạ trị

    Trong một số trường hợp, khi phẫu thuật và điều trị nội khoa không kiểm soát được hoàn toàn tình trạng của bệnh nhân, phương pháp xạ trị có thể được cân nhắc thực hiện.

    Cường tuyến yên là một bệnh lý nội tiết quan trọng và có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc hiểu rõ các triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị sẽ giúp người bệnh có thể đối phó với bệnh lý này một cách hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ các biến chứng nặng.

    Đến với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC  với đầy đủ các xét nghiệm về hormone tuyến yên cũng như các thiết bị chẩn đoán hình ảnh như máy cộng hưởng từ, máy chụp cắt lớp vi tính và đội ngũ các chuyên gia nội tiết như PGS.TS. Nguyễn Minh Núi cùng các Ths; BSNT về chuyên ngành nội tiết khác, bạn sẽ được thăm khám chẩn đoán và điều trị một cách tốt nhất các bệnh lý về cường tuyến yên. Đặt lịch khám ngay qua số tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn chi tiết nếu như bạn có nghi ngờ các bệnh lý về tuyến yên nhé!


Tài liệu tham khảo:

  1. Nội tiết học trong thực hành lâm sàng - Nhà xuất bản Y học 2021
  2. Gounden V, Basit H, Anastasopoulou C, Jialal I. Hyperpituitarism. 2024 Feb 24. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2025 Jan–. PMID: 29489207.
  3. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15173-hyperpituitarism

       4. Sinh lý học - Đại học Y Hà Nội (2020).


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ