Từ điển bệnh lý

Đau tai và chảy dịch ở tai : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Đau tai và chảy dịch ở tai

Đau tai, chảy dịch tai là hai hội chứng lớn về lĩnh vực tai trong chuyên khoa Tai Mũi Họng và thường gặp trong nhiều bệnh lý với nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên.

Đau tai và chảy dịch ở tai

Đau tai và chảy dịch ở tai


Nguyên nhân Đau tai và chảy dịch ở tai

Có nhiều nguyên nhân gây đau tai và chảy dịch tai, với mỗi một nguyên nhân cụ thể ngoài biểu hiện triệu chứng đau tai hoặc chảy dịch tai còn kèm theo các triệu chứng biểu hiện bệnh lý khác khiến bệnh nhân phải đi khám.  

Đau tai

Tùy theo vị trí đau và triệu chứng phụ mà nghĩ đến các nguyên nhân khác nhau:

a. Do tổn thương ở tai

- Vành tai:

  • Viêm, áp xe sụn vành tai
  • Viêm tấy dái tai, u bã đậu dái tai bội nhiễm
  • Eczema cấp tính vành tai
  • Zona tai
  • U máu vành tai

- Ống tai:

  • Viêm ống tai ngoài cấp
  • Eczema cấp tính ống tai ngoài
  • Nhọt, viêm tấy hoặc viêm loét ống tai ngoài
  • Zona tai

- Tai giữa: 

  • Viêm tai giữa cấp (giai đoạn xung huyết, ứ mủ)
  • Viêm tai giữa mạn tính nguy hiểm và viêm tai giữa mạn tính không nguy hiểm những đợt hồi viêm

- Có kèm theo chảy dịch tai

  • Viêm tai ngoài
  • Eczema cấp
  • Viêm tai giữa cấp tính vỡ mủ hoặc viêm tai xương chũm cấp, viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm
  • Ung thư tai

- Có kèm theo đau vùng xương chũm

  • Nhọt hoặc viêm ống tai ngoài kèm theo viêm hạch sau tai
  • Phản ứng xương chũm trong viêm tai cấp
  • Viêm tai xương chũm cấp hoặc mạn tính
  • Ung thư xương chũm

b. Không có bệnh tích ở tai: Thường là các trường hợp có biêu hiện đau tai phản xạ

- Họng: Viêm họng cấp, viêm Amydan cấp, áp xe quanh Amydan

- Miệng:  

  • Viêm loét ở đáy lưỡi
  • Ung thư lưỡi

- Viêm khớp thái dương hàm

- Viêm hoặc áp xe tuyến nước bọt mang tai

- Tai biến do răng: Răng số 8 mọc lệch, mọc ngầm, sâu

- Thanh quản:

  • Ung thư hạ họng - thanh quản
  • Lao thanh quản
  • Viêm loét thanh quản cấp

- Đau dây thần kinh thanh quản trên

Chảy dịch tai

Có thể chảy dịch mủ đục, dịch trong, chảy máu.

a. Chảy mủ đục

- Viêm ống tai ngoài cấp, nhọt ống tai vỡ mủ

- Viêm tai giữa cấp vỡ mủ

- Viêm tai giữa mạn tính (thường thể nguy hiểm có cholesteatoma)

- Viêm tai xương chũm cấp và mạn tính

- Lao tai

b. Chảy dịch trong

- Viêm tai giữa mạn tính mủ nhày

- Viêm tai giữa cấp sau cúm

- Viêm tai giữa cấp hoặc viêm tai giữa xung huyết

- Eczema cấp       

c. Chảy dịch lẫn máu

- Chấn thương tai

- Vỡ xương đá

- Polyp ống tai hoặc hòm nhĩ

- Ung thư tai


Triệu chứng Đau tai và chảy dịch ở tai

Đau tai

* Triệu chứng cơ năng

- Đau tai: Cần khai thác rõ thời gian, mức độ, vị trí đau, tính chất đau tự nhiên hay có liên quan đến ăn, nhai hoặc nuốt thức ăn

- Các triệu chứng kèm theo: Chảy dịch, chảy mủ tai, ù tai, nghe kém hoặc nuốt đau, nuốt vướng, giọng ngậm hạt thị….

Chảy dịch, chảy mủ tai

Chảy dịch, chảy mủ tai

* Triệu chứng thực thể

Có thể khám thấy tổn thương ở một hoặc nhiều vị trí sau đây:

- Vành tai và ống tai ngoài nề, xung huyết, có mụn nước, chảy dịch vàng trong hoặc dịch mủ lẫn máu; ấn nắp tai, kéo vành tai, ấn vùng dái tai bệnh nhân kêu đau hoặc nhăn mặt, rụt người lại.

- Màng nhĩ: Viêm dày, xung huyết, căng phồng  hoặc có lỗ thủng ở các vị trí với các kích thước khác nhau

- Xương chũm: Bề mặt da vùng chũm viêm nề xung huyết, ấn đau một trong các vị trí mặt xương chũm, mỏm chũm, bờ sau xương chũm

- Họng:

  • Amydal xung huyết, bề mặt có nhiều giả mạc, Amydal bị đẩy lồi ra trước lên trên hoặc ra sau xuống dưới.
  • Thành bên họng có khối phồng lan dọc xuống hạ họng, bề mặt xung huyết, đẩy lồi các cấu trúc xung quanh

- Vòm mũi họng viêm nề, đọng nhiều dịch mủ

- Miệng: Răng số 8 mọc lệch, mọc ngầm, sâu

- Lưỡi viêm loét có giả mạc hoặc có khối sùi loét bất thường

- Thanh quản: Viêm phù nề sụn nắp, sụn phễu

- Hai dây thanh: Niêm mạc xung huyết có giả mạc trắng bám, hạn chế di động hoặc có khối sùi lóe bất thường

* Cận lâm sàng

- CT scanner xương thái dương: Có thể thấy hình ảnh viêm xương chũm, dịch hòm nhĩ, các ổ tiêu xưng khuyết xương ở tau giữa hoặc xưng chũm, hình ảnh Cholesteatoma

- CT vùng đầu cổ: Có thể thấy hình ảnh khối áp xe tuyến nước bọt mang tai hoặc áp xe Amydal, áp xe thành bên họng, khối u thanh quản kèm theo các hạch viêm phản ứng

- Siêu âm phần mềm vùng cổ: Phân biệt áp xe hoặc viêm ở tuyến nước bọt mang tai với hạch viêm phản ứng, áp xe hạch

Chảy dịch tai

* Triệu chứng cơ năng

- Cần khai thác tỉ mỉ về tính chất chảy dịch tai:

  • Chảy dịch từ khi nào: Cấp tính, mạn tính, thời gian cụ thể;
  • Chảy nhiều hay ít, liên tục hay từng đợt;
  • Tính chất dịch: Dịch loãng, mủ đặc thối hay nhầy trong như mũi;
  • Mùi của dịch: Không mùi, tanh, hôi, thối khẳn như mùi cóc chết, mức đồ của mùi;
  • Màu của dịch: Trong, vàng chanh, xanh,  nâu, đục bẩn…;
  • Có váng, mảng sáng óng ánh, lổn nhổn như bã đậu, có lẫn máu.

- Các triệu chứng khác kèm theo: Sốt, đau tai, nghe kém…

* Triệu chứng thực thể

- Quan sát vị trí chảy dịch: Ống tai ngoài, vành tai, vùng xương chũm sau tai, dưới dái tai hoặc vùng trước tai

- Quan sát các tính chất của dịch về: Loại dịch, màu sắc, mùi của dịch, có váng, mảng sáng óng ánh hay lổn nhổn nhổn như bã đậu

- Ấn đau các điểm: Bề mặt xương chũm, bờ sau xương chũm, mỏm chũm, nắp bình tai

- Nội soi tai:

  • Vành tai nề đỏ, có mụn nước
  • Ống tai: Viêm nề xung huyết chít hẹp, có nhọt, đọng dịch
  • Màng nhĩ: Xung huyết, có lỗ thủng với nhiều kích thước khác nhau
  • Hòm nhĩ đọng dịch hoặc mủ

* Cận lâm sàng

- Chụp X-Quang, CT Scanner:

  • Khi có mủ tai thối rõ đặc biệt khi có váng óng ánh như váng mỡ hay mảnh trắng mỏng như xà cừ
  • Khi thấy lỗ thủng rộng bờ sát khung xương

Trên phim chụp thấy hình ảnh mờ đục các thông bào chũm, viêm xương, các ổ khuyết xương, hình ảnh cholesteatoma

  • Đo thính lực: Xác định mức độ nghe kém và định hướng vị trí tổn thương

Các biến chứng Đau tai và chảy dịch ở tai

Biến dạng vành tai do tình trạng viêm, áp xe sụn vành tai là biến chứng của đau tai

Các bệnh lý biểu hiện bởi triệu chứng đau tai, chảy dịch tai nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nên những biến chứng nặng nề:

  • Chít hẹp ống tai ngoài
  • Biến dạng vành tai do tình trạng viêm, áp xe sụn vành tai
  • Nghe kém dẫn truyền do hẹp ống tai ngoài (nhọt, viêm tấy lan tỏa ống tai ngoài), tổn thương ăn mòn chuỗi xương con (thường do lao tai, cholesteatoma)
  • Viêm não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên, liệt mặt, viêm mê nhĩ, rò dịch não tủy, rò ống bán khuyên, tổn thương động mạch cảnh, biến chứng xuất ngoại... do viêm tai xương chũm cấp hoặc viêm tai giữa mạn tính hồi viêm, viêm tai giữa có cholesteatoma
  • Áp xe quanh amydal có thể gây biến chứng: Áp xe thành bên họng, áp xe các khoang cổ sâu, áp xe trung thất….

Đường lây truyền Đau tai và chảy dịch ở tai

- Các tác nhân gây viêm tai giữa, viêm tai xương chũm thường lây truyền qua đường hô hấp:

  • Vi khuẩn: Phế cầu, liên cầu, Heamophillus influenza, Moraxella Catarrhalis, lao, trực khuẩn mủ xanh …
  • Virus: Virus cúm, á cúm, virus hợp bào hô hấp…

- Ngoài ra còn có thể gặp viêm tai giữa do vi khuẩn Ecoli ở những trẻ em hay nôn trớ.

- Bệnh zona lây qua tiếp xúc với dịch tiết trong mụn nước do virus Varicella zoster (VZV) gây nên

- Các nhiễm khuẩn răng miệng do vệ sinh cá nhân không tốt, không vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

- Do vệ sinh tai bằng các vật dụng không vô khuẩn (tăm tre, que sắt, que gỗ) hoặc dùng chung vật dụng vệ sinh tai với người khác, do lấy ráy ở các tiệm cắt tóc gội đầu.

- Do môi trường sống không đảm bảo vệ sinh, ẩm thấp, nguồn nước bẩn hoặc đi bơi ở các vùng ao hồ, bể bơi nước không đảm bảo bệ sinh.


Đối tượng nguy cơ Đau tai và chảy dịch ở tai

- Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý viêm mũi họng, viêm VA, viêm tai giữa cấp.

- Những người có lối sống, vệ sinh không sạch sẽ, bơi ở nơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, ngoáy tai bằng que sắt, tăm tre, que gỗ hoặc lấy ráy tai tại các quán cắt tóc gội đầu dễ gây viêm, nhọt, nấm ống tai ngoài.

- Những người có sức đề kháng suy giảm, suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh lý mạn tính (Đái tháo đường) dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp, răng miệng, nhiễm khuẩn ngoài da và dễ nhiễm virus.

- Những người hay uống rượu, bia, đồ lạnh có nguy cơ cao bị viêm, áp xe họng, amydal, thanh quản.

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý viêm mũi họng, viêm VA, viêm tai giữa cấp


Phòng ngừa Đau tai và chảy dịch ở tai

- Định kỳ vệ sinh tai 2-3 tháng/ lần tại phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng.

- Không ngoáy tai bằng các vật dụng bẩn, không vô khuẩn như: Que sắt, que gỗ, tăm tre, chìa khóa xe máy…

- Không dùng chung bộ vệ sinh tai với người khác, không lấy ráy tai, không vệ sinh tai ở các quán cắt tóc, gội đầu, massage…

- Không tắm, bơi ở các ao hồ, sông ngòi hoặc bể bơi có nguồn nước bẩn không đảm bảo vệ sinh.

- Tăng cường luyện tập vận động thể dục thể thao nâng cao sức đề kháng.

- Tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng vitamin và vi chất cần thiết  Zn, Mg… để tăng sức đề kháng cho trẻ em.

- Cần điều trị triệt để các bệnh lý viêm mũi họng viêm đừơng hô hấp trên câp tính ở trẻ để tránh các biến chứng nặng: Viêm tai xương chũm cấp hoặc mạn tính.

- Phẫu thuật sớm cholesteatoma bẩm sinh ở trẻ nhỏ để tránh những biến chứng do cholesteatoma gây ra.

- Hạn chế ăn uống đồ lạnh, rượu bia, giữ ấm cơ thể.

- Bỏ thuốc lá, thuốc lào, rượu bia.

- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tạo không gian sống thoáng mát, thoáng khí về mùa hè, ấm áp, kín gió về mùa đông.

- Khi có biểu hiện đau tai, chảy dịch tai cần phải đi khám sớm tại các phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng.


Các biện pháp chẩn đoán Đau tai và chảy dịch ở tai

Dựa vào triệu chứng chính là đau tai hoặc chảy dịch tai kết hợp với các triệu chứng phụ, khám thực thể lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng như đã nêu ở các phần trên để chẩn đoán xác định bệnh.


Các biện pháp điều trị Đau tai và chảy dịch ở tai

Thuốc giảm đau, chống viêm, chống phù nề đường uống hoặc đường bôi, nhỏ tại chỗ

Điểu trị các bệnh lý có triệu chứng đau tai và chảy dịch tai ta cần điều trị theo căn nguyên gây bệnh và điều trị triệu chứng

Đau tai

- Điều trị triệu chứng

  • Thuốc giảm đau, chống viêm, chống phù nề đường uống hoặc đường bôi, nhỏ tại chỗ

- Điều trị theo căn nguyên gây bệnh

  • Kháng sinh toàn thân và/ hoặc tại chỗ: viêm do vi khuẩn.
  • Thuốc chống nấm tại chỗ: nấm ống tai ngoài.
  • Chích rạch, dẫn lưu mủ trong các viêm , áp xe , nhọt ống tai ngoài khi đã hóa mủ.
  • Chích rạch, dẫn lưu áp xe tuyến nước bọt mang tai, áp xe quanh Amydal.
  • Phẫu thuật kịp thời trong các viêm tai xương chũm cấp có biến chứng hoặc viêm tai xương chũm mạn tính đợt hồi viêm, viêm tai giữa mạn tính nguy hiểm có Cholesteatoma.

Chảy dịch tai

- Điều trị triệu chứng

  • Dẫn lưu tốt: Phải đảm bảo để dịch, nhày hay mủ chảy thoát ra dễ dàng

+/ Chích rộng màng nhĩ

+/ Loại bỏ các bít tắc như vảy, cục mủ, polyp…

  • Làm thuốc tai hàng ngày cho đến khi hết mủ.

- Điều trị theo căn nguyên gây bệnh

  • Điều trị tốt các tình trạng viêm nhiễm mũi họng hoặc đường hô hấp trên: Viêm mũi xoang, viêm VA cấp mủ…
  • Xử trí các nguyên nhân gây viêm, bít tắc ở mũi, vòi Eustachi: Phẫu thuật nạo VA, nạo tổ chức Lympho vòm quá phát, phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn, cuốn mũi, polyp mũi…
  • Phẫu thuật loại bỏ triệt để bệnh tích xương, cholesteatoma trong viêm tai xương chũm mạn tính hoặc viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma

Tài liệu tham khảo: 

1. Bài giảng Tai Mũi Họng (GS.TS.Ngô Ngọc Liễn - NXB Y Học 2016 )

2. Giáo trình thực hành Tai Mũi Họng Tập I (Võ Tấn - NXB Y Học 1991)


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ