Từ điển bệnh lý

Đau thần kinh tọa : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 19-03-2025

Tổng quan Đau thần kinh tọa

Định nghĩa đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là tình trạng đau dọc từ lưng, lan xuống mông, chân theo đường đi của thần kinh. Hướng lan của đau theo mặt sau hay mặt ngoài sẽ phụ thuộc vào rễ thần kinh bị tổn thương.

Đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa.

Đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. 



Nguyên nhân Đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa có thể do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng đều là hậu quả của tình trạng tổn thương rễ thần kinh. 

  • Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân hay gặp nhất chiếm 75% các trường hợp đau thần kinh tọa, thường xảy ra sau chấn thương hoặc gắng sức
  • Các dị dạng bẩm sinh của cột sống thắt lưng
  • Thoái hóa cột sống thắt lưng gây hẹp lỗ liên hợp, gai xương chèn ép vào rễ thần kinh
  • Trượt đốt sống L5 ra trước
  • Chấn thương đốt sống
  • Các bệnh lý khớp viêm: viêm cột sống dính khớp, viêm đốt sống do vi khuẩn…
  • Bệnh lý chuyển hóa: đái tháo đường, viêm nhiễm thần kinh ngoại biên
  • Ung thư đốt sống tiên phát hoặc di căn, u tủy và màng tủy chèn ép vào rễ thần kinh

Ngoài ra các yếu tố nguy cơ làm cho bệnh nhân dễ mắc đau thần kinh tọa bao gồm:

  • Nghề nghiệp: lái xe, thợ may, bốc vác
  • Thừa cân béo phì
  • Hút thuốc lá
  • Đi giày cao gót thường xuyên
  • Lối sống tĩnh tại ít vận động, yếu cơ mông, bụng, lưng
  • Ngủ đệm quá cứng hoặc quá mềm

Đau thần kinh tọa xảy ra do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Đau thần kinh tọa xảy ra do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng



Triệu chứng Đau thần kinh tọa

Triệu chứng của đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa có thể xuất hiện đột ngột cấp tính sau khi vận động gắng sức hoặc quá mức cột sống như bê vác nặng, chấn thương,... gây đau dữ dội cũng có thể chỉ âm ỉ. Đau tăng khi hoạt động, khi thay đổi thời tiết, ho hay hắt hơi cũng khiến bệnh nhân đau tăng và bệnh nhân thấy đỡ khi nằm nghỉ.

Đau thần kinh tọa sẽ có hội chứng thắt lưng hông bao gồm hai hội chứng là hội chứng cột sống và hội chứng rễ thần kinh. Ngoài ra bệnh nhân có thể có các rối loạn về cảm giác, vận động, phản xạ và dinh dưỡng

Hội chứng cột sống

  • Nhìn: Bệnh nhân đau dây thần kinh tọa cấp tính thường có biến dạng cột sống do tư thế chống đau, nằm nghiêng một bên hoặc mất độ lõm sinh lý cột sống thắt lưng, hoặc gù phần thấp cột sống thắt lưng. Bệnh nhân nghiêng người sang bên đau gợi ý thoát vị đĩa đệm sau bên, vẹo người sang bên không đau gợi ý thoát vị cạnh bên, đau cả hai bên gợi ý thoát vị đĩa đệm thể trung tâm.
  • Sờ: Cơ cạnh cột sống bên đau co cứng, ấn có điểm tại cột sống
  • Vận động: cột sống thắt lưng bị hạn chế mọi động tác cúi, ngửa, nghiêng, xoay trừ động tác khiến bệnh nhân giảm đau. Nghiệm pháp tay đất (đo khoảng cách giữa ngón tay - mặt đất) tăng > 5cm, Schober giảm < 14/10

Hội chứng rễ thần kinh

  • Bệnh nhân bị đau theo kiểu rễ thần kinh chi phối. Khi tổn thương rễ L5 thường đau lan xuống mông, mặt ngoài của chân. Khi rễ S1 bị tổn thương bệnh nhân thường đau mông, mặt sau của chân. 
  • Hệ thống điểm đau Valleix bao gồm: đường giữa cột sống thắt lưng ra 2 cm ngang vùng L4 (rễ L5) và L5 (rễ S1), điểm chính giữa mấu chuyển lớn xương đùi và ụ ngồi, điểm giữa nếp lằn mông, chính giữa mặt sau đùi, giữa nếp lằn khoeo, chính giữa mặt sau cẳng chân. Dấu hiệu này được coi là dương tính khi có ít nhất 3/5 điểm đau.
  • Bệnh nhân có dấu hiệu bấm chuông: ấn tại vị trí cách cột sống thắt lưng 2cm ngang mức L4 - L5 bệnh nhân đau lan theo mặt sau.
  • Các dấu hiệu căng rễ thần kinh bao gồm: Lasègue, Neri, Bonet, Dejerine

Rối loạn cảm giác

Bệnh nhân có thể rối loạn cảm giác nông theo phân bố của dây thần kinh bị tổn thương (L5 hoặc S1) bao gồm giảm cảm giác, mất cảm giác một phần hoặc toàn bộ, hoặc tăng cảm giác, dị cảm như tê bì, kiến bò,...

Rối loạn vận động

  • Tổn thương rễ L5: bệnh nhân thường không đứng được trên gót chân
  • Tổn thương rễ S1: bệnh nhân thường không đứng được trên mũi bàn chân.

Rối loạn phản xạ

Khi một rễ thần kinh bị tổn thương bệnh nhân có thể giảm phản xạ gân xương của cơ mà thần kinh đó chi phối.

  • Giảm phản xạ gân cơ tứ đầu đùi: tổn thương rễ L3, L4
  • Giảm phản xạ gân gót: tổn thương rễ S1
  • Khi tổn thương rễ L5 phản xạ gân cơ tứ đầu đùi và gân gót có thể bình thường

Rối loạn dinh dưỡng

Các triệu chứng rối loạn về thực vật và dinh dưỡng chỉ thấy rõ khi bệnh nhân có tổn thương kèm theo các dây thần kinh ngoại vi gây teo cơ, giảm nhiệt độ da, toát mồ hôi,...



Các biện pháp chẩn đoán Đau thần kinh tọa

Cận lâm sàng của đau thần kinh tọa

Các xét nghiệm cận lâm sàng trên bệnh nhân đau thần kinh tọa đa phần giúp chẩn đoán nguyên nhân và chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.

  • Các xét nghiệm thường quy như: huyết học, sinh hóa, chỉ số viêm, bilan phospho - canxi…đây là các triệu chứng âm tính là điều kiện cần để chẩn đoán đau do nguyên nhân cơ học. Trong trường hợp các xét nghiệm trên có bất thường cần phải tìm nguyên nhân gây bệnh khác. 
  • X-quang cột sống thắt lưng: các dấu hiệu như mất đường cong sinh lý, mỏm gai, cầu xương giúp định hướng nguyên nhân gây chèn ép.Ngoài ra trên phim X-quang cũng có thể hiện một số dấu hiệu gợi ý thoát vị địa đệm.
  • Chụp CT cột sống: chỉ được chỉ định khi không có điều kiện chụp cộng hưởng từ.
  • MRI cột sống: được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán thoát vị đĩa đệm. cũng như có thể chẩn đoán được viêm nhiễm, ung thư,…là các nguyên nhân có thể gây đau thần kinh tọa
  • Điện cơ: giúp phát hiện và đánh giá tổn thương các rễ thần kinh

Chẩn đoán đau thần kinh tọa

Chẩn đoán đau thần kinh tọa thường dựa vào triệu chứng lâm sàng 

  • Triệu chứng cơ năng: đau theo đường đi của dây thần kinh
  • Triệu chứng thực thể: có hội chứng thắt lưng hông

MRI cột sống thắt lưng là cận lâm sàng để chẩn đoán nguyên nhân gây đau thần kinh tọa.

Chẩn đoán phân biệt đau dây thần kinh tọa với đau dây thần kinh đùi, bì đùi, thần kinh bịt; các bệnh lý tại khớp háng; viêm khớp cùng chậu.


Các biện pháp điều trị Đau thần kinh tọa

Nguyên tắc điều trị cơ bản của đau thần kinh tọa là giảm đau và tăng cường khả năng vận động, giải quyết nguyên nhân gây đau.

Việc lựa chọn điều trị nội khoa hay ngoại khoa phụ thuộc vào tình trạng của mỗi bệnh nhân 

Các phương pháp điều trị nội khoa bao gồm dùng thuốc giảm đau theo bậc của WHO, thuốc giãn cơ, giảm đau thần kinh, tăng dẫn truyền thần kinh

  • Thời kỳ cấp tính bệnh nhân phải nằm nghỉ giường cứng, tránh các động tác mạnh đột ngột, mang vác nặng hay đứng ngồi quá lâu
  • Thuốc giảm đau

Bậc 1: đau nhẹ bệnh nhân có thể dùng paracetamol hoặc thuốc chống viêm non-steroid 

Bậc 2: đau trung bình bệnh nhân có thể dùng thuốc opioid nhẹ (codein) như Ultracet, Efferalgan codein

Bậc 3: đau nhiều bệnh nhân cần dùng thuốc opioid mạnh như Morphine, Fentanyl

  • Thuốc giãn cơ giảm co thắt và co cứng cơ Myonal hoặc Mydocalm
  • Phối hợp với thuốc giảm đau thần kinh và các thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại biên.
  • Tiêm corticosteroid trực tiếp vào các mô mềm bị đau, rễ thần kinh hoặc ngoài màng cứng giúp giảm đau trầm trọng cấp tính hoặc mạn tính.

Các phương pháp vật lý trị liệu giúp giảm đau thần kinh tọa bằng cách giảm áp lực lên dây thần kinh bao gồm các biện pháp như nhiệt liệu pháp như đắp parafin, chiếu đèn hồng ngoại, đeo đai lưng hỗ trợ nhằm tránh quá tải lên đĩa đệm cột sống. Các bài tập người bệnh có thể lựa chọn bao gồm bài tập kéo giãn hoặc các hoạt động tác động thấp như đi bộ, bơi lội, thể dục nhịp điệu dưới nước, một số bài tập cơ lưng là những bài tập giúp tăng cường độ dẻo dai và khỏe mạnh cho cột sống. Ngoài ra có các liệu pháp y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp, nhĩ châm, thủy châm mang lại hiệu quả lớn trong điều trị đau thần kinh tọa.

Điều trị ngoại khoa được chỉ định khi tình trạng đau thần kinh tọa trở lên cấp tính nghiêm trọng với các biến chứng kèm theo gây tê bì, bí đại tiểu tiện,.. hoặc không cải thiện triệu chứng sau khi đã điều trị nội khoa 3 - 6 tháng.

Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân như vị trí thoát vị, khối u chèn ép, biến chứng kèm theo của đau thần kinh tọa,...Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:

  • Phẫu thuật mổ mở: mở cung sau đốt sống, mở nửa cung sau, mở cửa sổ xương
  • Phẫu thuật nội soi 

Phòng ngừa đau thần kinh tọa

Việc hạn chế được những nguy cơ gây bệnh cũng góp phần ngăn ngừa bệnh đau thần kinh tọa. Các biện pháp có thể phòng ngừa bao gồm:

  • Bỏ thuốc lá do nicotine trong thuốc lá làm giảm lượng máu cung cấp cho xương dẫn đến có thể gây yếu cột sống
  • Tránh đi giày cao gót, giảm cân nếu thừa cân
  • Giữ tư thế cột sống thẳng đứng khi phải làm các công việc ngồi thời gian dài, trường hợp này nên đeo đai lưng để hỗ trợ cột sống
  • Người bệnh cần tránh làm các động tác quá đột ngột, quá tầm
  • Luyện tập các bài tập tăng cường sức mạnh và ổn định cơ thắt lưng bao gồm bài tập William, bài tập McKenzie, yoga, pilates, bơi lội

Khi nào đau thần kinh tọa cần đến gặp bác sĩ

Các trường hợp đau thần kinh tọa nhẹ có thể tự khỏi theo thời gian, các triệu chứng thường thuyên giảm trong vòng 3 đến 6 tuần mà không cần bất kỳ phương pháp điều trị y tế nào.

Tuy nhiên bạn cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị khi gặp bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây:

  • Đau dữ dội không thực hiện được các hoạt động hàng ngày
  • Tê bì vùng yên ngựa
  • Bí đại tiện, tiểu tiện hoặc đại tiểu tiện không tự chủ
  • Bị yếu hoặc tê ở cả hai chân, tình trạng nghiêm trọng hoặc ngày càng tệ hơn

Bệnh nhân cần đến bệnh viện khám khi đau dữ dội ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Bệnh nhân cần đến bệnh viện khám khi đau dữ dội ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. 

Đau thần kinh tọa là một bệnh lý mạn tính phổ biến tuy nhiên khi có bất kỳ dấu hiệu nào của đau dây thần kinh tọa người bệnh nên đến thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm. Khoa cơ xương khớp bệnh viện MEDLATEC với những chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm công tác tại các bệnh viện lớn là một địa chỉ uy tín về các bệnh lý cơ xương khớp và thần kinh. Bệnh nhân có thể yên tâm đến khám và điều trị bệnh đau thần kinh tọa, mang lại hiệu quả giảm đau, cải thiện vận động cột sống.


Tài liệu tham khảo:

  1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp Bộ y tế - 2014
  2. Triệu chứng học - Trường Đại học Y Hà Nội
  3. Bệnh học cơ xương khớp nội khoa - Nguyễn Thị Ngọc Lan
  4. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12792-sciatica
  5. https://www.webmd.com/back-pain/sciatica-symptoms


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ