Bác sĩ: ThS. Nguyễn Thị Trang
Chuyên khoa:
Năm kinh nghiệm:
Dây rốn bám màng (Velamentous Cord Insertion) là một bất thường tại vị trí cắm dây rốn vào bánh nhau trong thai kỳ, thường được chẩn đoán trong 3 tháng đầu. Bình thường, dây rốn cắm vào trực tiếp vào trung tâm bánh nhau để nhận đầy đủ dinh dưỡng cho thai. Dây rốn bám màng là khi dây rốn cắm vào màng ối thay vì trực tiếp vào bánh nhau, khiến các mạch máu trong dây rốn không được bảo vệ đầy đủ, ảnh hưởng đến quá trình cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi.
Tỉ lệ gặp của tình trạng này chiếm 1-1.8% các trường hợp mang thai đơn, cao hơn ở đa thai. Tuy tần suất không cao nhưng lại gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như suy thai, sẩy thai, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, ra máu bất thường trong thai kỳ, tử vong chu sinh,...Việc hiểu rõ và chẩn đoán sớm sẽ làm giảm nguy cơ và dự phòng biến chứng cho mẹ và bé.
Dây rốn bám màng là tình trạng dây rốn cắm vào màng ối thay vì cắm vào bánh nhau
Sự hình thành bánh nhau và dây rốn được diễn ra rất sớm ngay từ những ngày đầu phôi thai bám vào buồng tử cung (thường 6-7 ngày sau giao hợp) và kết thúc trước 12 tuần của thai kỳ. Bất cứ yếu tố nào ảnh hướng đến quá trình này đều có thể là nguyên nhân dẫn đến dây rốn bám màng.
Một số yếu tố nguy chính có thể kể đến như:
Phụ nữ lớn tuổi: Tuổi thai phụ không chỉ ảnh hưởng đến vật chất di truyền cho em bé mà còn có ý nghĩa trong sự phát triển phần phụ của thai. Những phụ nữ trên 35 tuổi sẽ tăng nguy cơ bất thường liên quan đến nhau thai, dây rốn.
Bệnh lý của mẹ: Bất thường giải phẫu tử cung như tử cung đôi, tử cung có vách ngăn,..hoặc viêm nhiễm buồng tử cung sẽ cản trở quá trình phôi thai bám và làm tổ bình thường. Ngoài ra, các bệnh lý chuyển hóa: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn đông máu,.. ảnh hưởng đến quá trình xâm lấn của tế bào lá nuôi (trophoblast) vào niêm mạc tử cung, từ đó làm thay đổi vị trí phát triển của bánh nhau và dây rốn làm tăng nguy cơ dây rốn bám màng. Một số phụ nữ có tiền sử mang thai bất thường về nhau thai như nhau tiền đạo, nhau bong non, nhau bám màng sẽ tăng nguy cơ bệnh lý cho lần mang thai tiếp theo.
Mang đa thai: Trong các trường hợp đa thai, đặc biệt song thai một bánh nhau, quá trình phân chia dễ phát sinh bất thường. Các báo cáo đã chỉ ra rằng, tỉ lệ dây rốn bám màng tăng lên 8-9 lần so với thai đơn.
Thai thụ tinh ống nghiệm (IVF): Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thai chuyển phôi như vị trí cấy phôi vào tử cung có thể không phù hợp, niêm mạc làm tổ không ổn định, rối loạn nội tiết trong quá trình chuyển phôi,...dẫn đến sự phát triển bất thường của bánh nhau. Theo một nghiên cứu phân tích gộp, tỷ lệ dây rốn bám màng ở các thai kỳ IVF cao hơn 4-5 lần so với thai kỳ tự nhiên.
Yếu tố môi trường sống: Các chất độc hại từ môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phân chia của tế bào, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ dẫn đến việc hình thành bất thường của các phần phụ của thai. Các yếu tố này làm giảm lưu lượng máu đến tử cung, gây thiếu oxy cục bộ, từ đó làm gián đoạn quá trình xâm nhập của tế bào lá nuôi vào niêm mạc tử cung. Những chất ô nhiễm trong không khí, như bụi mịn (PM2.5), khí NO₂, và CO,..tác động xấu đến sự phát triển của nhau thai và dây rốn. Hóa chất trong môi trường làm việc hoặc sinh hoạt, như thuốc trừ sâu, kim loại nặng (chì, thủy ngân), và các hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC), có thể làm tổn hại quá trình phát triển thai kỳ.
Song thai một bánh nhau tăng nguy cơ dây rốn bám màng
Dây rốn bám màng khiến mạch máu trong dây rốn không đảm bảo, dẫn đến nguồn dinh dưỡng nuôi thai bị giảm đi. Các biến chứng thường gặp của dây rốn bám màng có thể kể đến:
Thai lưu, sảy thai: khi dòng máu nuôi thai bị giới hạn quá mức dẫn đến suy thai, thai ngừng phát triển trong tử cung. Dây rốn bám màng làm cho các mạch máu dễ bị tổn thương, dẫn đến chảy máu bất thường. Hiện tượng xuất huyết ồ ạt có thể gây sảy thai và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ.
Thai chậm tăng trưởng trong tử cung: nguồn oxy, dinh dưỡng nuôi thai kém, thai bị giới hạn phát triển. Mức độ chậm tăng trưởng có thể tiến triển theo thời gian. Cần theo dõi sát cân nặng, chỉ số doppler các mạch máu nuôi thai. Tùy thuộc vào mức độ của thai chậm tăng trưởng và tuổi thai các bác sĩ sẽ đưa ra xử trí phù hợp.
Chảy máu trong quá trình mang thai, chuyển dạ: mạch máu nuôi thai không được bảo vệ đầy đủ dẫn đến việc dễ bị đứt vỡ, tổn thương gây chảy máu. Xuất huyết có thể gặp trong bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ, đặc biệt 3 tháng cuối khiến sản phụ lo lắng, tăng gánh nặng trong thai kỳ. Việc chảy máu bất thường cũng thường gặp ở giai đoạn lấy nhau khi chuyển dạ đẻ thường, tăng tỉ lệ kiểm soát tử cung, mất máu sau sinh.
Nhau bong non: dây rốn bám màng khiến bánh nhau bám không chắc chắn vào tử cung, áp lực tăng lên khi thai lớn hoặc khi chuyển dạ khiến bánh nhau bong ra đột ngột. Các mạch máu tại màng ối dễ bị tổn thương chảy máu, lượng máu tích tụ lại giữa bánh nhau và tử cung dẫn đến nhau bong non. Dinh dưỡng bánh nhau kém khiến bánh nhau dễ bị thoái hóa cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhau bong non là một biến chứng rất nguy hiểm trong sản khoa. Sản phụ đau bụng đột ngột, dữ dội, bụng cứng như gỗ, tỉ lệ mất thai rất cao, thậm chí nhau bong non gây rối loạn huyết động, rối loạn đông máu ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người mẹ.
Sinh non: tỉ lệ sinh non trong dây rốn bám màng rơi vào khoảng 10-20% trường hợp. Thường gặp khi thai chậm tăng trưởng trong tử cung mức độ nặng buộc các bác sĩ đưa ra chỉ định lấy thai trước khi thai đủ tháng. Một số trường hợp tiên lượng khó khăn trong chuyển dạ cần mổ lấy thai chủ động trước dự kiến sinh nhằm tránh các biến chứng cho mẹ và thai.
Tử vong chu sinh: trẻ sinh ra từ thai kỳ có dây rốn bám màng, đặc biệt trẻ sinh non có chỉ số Apgar thấp, cần được chăm sóc đặc biệt sau sinh. Mặc dù tỷ lệ tử vong chu sinh cao hơn bình thường, nhưng nếu được chẩn đoán và theo dõi sớm, có thể giảm thiểu nguy cơ thông qua việc can thiệp kịp thời, như sinh mổ hoặc điều trị tích cực cho mẹ và thai nhi.
Ra máu bất thường trong thai kỳ có thể là dấu hiệu của biến chứng dây rốn bám màng
Chẩn đoán dây rốn bám màng cần dựa trên các yếu tố nguy cơ, tiền sử của thai phụ, các triệu chứng lâm sàng và một số cận lâm sàng, cụ thể:
Tiền sử: mổ lấy thai vì bất thường bánh rau, dây rốn, thai kỳ có hỗ trợ sinh sản thụ tinh nhân tạo, các bất thường về giải phẫu tử cung có trước đó,..là các lưu ý để bác sĩ kiểm tra kỹ loại trừ tình trạng dây rốn bám màng ở lần mang thai này.
Triệu chứng lâm sàng: đa phần các trường hợp dây rốn bám màng không xuất hiện triệu chứng trong giai đoạn sớm của thai kỳ.
Ra máu bất thường trong thai kỳ: là triệu chứng thường gặp nhất, việc ra máu xảy ra đột ngột, máu đỏ tươi, có thể không kèm theo đau bụng hoặc đau bụng dữ dội trong bệnh cảnh nhau bong non.
Thai chậm tăng trưởng trong tử cung: thai nhi không đạt kích thước bình thường so với tuổi thai, đây là biến chứng từ việc giới hạn dinh dưỡng nuôi thai trong dây rốn bám màng.
Cận lâm sàng: siêu âm là phương tiện chẩn đoán chính và phổ biến nhất để xác định tình trạng dây rốn bám màng.
Siêu âm qua đường bụng hoặc qua ngả âm đạo để quan sát về vị trí dây rốn bám vào bánh nhau. Từ đó đưa ra hình ảnh, phân loại, dự đoán nguy cơ của tình trạng này.
Siêu âm doppler mạch máu nhằm kiểm tra tình trạng lưu thông máu của dây rốn, động mạch tử cung, động mạch tử cung,..để tiên lượng, phân loại thai chậm tăng trưởng do dây rốn bám màng hay tình trạng các mạch máu tại dây rốn.
Xét nghiệm máu: bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng rối loạn huyết động trong các trường hợp biến chứng của dây rốn bám màng hoặc để chẩn đoán phân biệt nguyên nhân gây thai chậm tăng trưởng trong tử cung.
Hình ảnh dây rốn bám màng qua siêu âm thai đường bụng
Dây rốn bám màng cần có sự quản lý sâu sát và chặt chẽ cùng bác sĩ chuyên khoa xuyên suốt thai kỳ.
Theo dõi thường xuyên bằng siêu âm:
Siêu âm được thực hiện qua đường bụng, ngả âm đạo để đánh giá:
+ Dây rốn bám màng: định kỳ kiểm tra vị trí bám của dây rốn, tình trạng bánh nhau, mức độ lưu thông mạch máu qua dây rốn và các mạch máu liên quan,...
+ Sự tăng trưởng của thai: chu vi đầu, đường kính lưỡng đỉnh, chiều dài xương đùi, chu vi vòng bụng,..là những chỉ số được đo để tính kích thước, ước tính trọng lượng của thai kết hợp doppler mạch máu phát hiện sớm tình trạng thai chậm tăng trưởng để có hướng xử trí. Siêu âm cũng đồng thời phát hiện các dị tật của thai kỳ trong quá trình phát triển.
+ Lượng nước ối: trong dây rốn bám màng, nước ối có thể giảm do cung lượng tuần hoàn bất thường hoặc do tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung gây ra.
Theo dõi cử động thai:
Theo dõi thai bằng monitoring sản khoa: những tuần thai cuối bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp như Non-stress test để đánh giá tình trạng sức khỏe thai nhi và cơn gò tử cung.
Cách thực hiện:
+ Thai phụ được gắn các điện cực (dùng để đo tim thai và cơn gò) lên bụng để ghi nhận nhịp tim và cử động của thai nhi.
+ Quá trình ghi diễn ra trong khoảng 30 phút, thông số được thể hiện trên băng ghi giúp bác sĩ đánh giá tình trạng của thai kỳ.
Theo dõi cử động thai tại nhà: bác sĩ sẽ hướng dẫn cho thai phụ cách theo dõi cử động thai hằng ngày. Thai phụ nên chọn 1 giờ cố định trong ngày, tránh chu kỳ giấc ngủ của bé, có thể là sau ăn sáng hoặc sau ăn tối. Mẹ ngồi hoặc nằm nghiêng trái để hạn chế sự chèn ép tuần hoàn. Chọn nơi yên tĩnh, thư giãn, đặt tay lên bụng để cảm nhận rõ sự chuyển động của thai nhi. Nếu thai phụ cảm nhận dưới 4 cử động trong 1 giờ hoặc dưới 10 cử động trong 2 giờ, cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa sản phụ khoa gần nhất để được kiểm tra kịp thời.
Theo dõi các triệu chứng lâm sàng:
Mẹ bầu cần theo dõi các triệu chứng xuất huyết âm đạo, đau bụng, hoặc bất cứ triệu chứng bất thường khác để thăm khám kịp thời hoặc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa.
Đánh giá các chỉ số sinh học của mẹ như huyết áp, dấu hiệu tiền sản giật, và tình trạng thiếu máu định kỳ qua mỗi lần khám thai.
Theo dõi thai bằng siêu âm cần thực hiện thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ trong dây rốn bám màng
Thời điểm lấy thai:
Thời điểm quyết định lấy thai phụ thuộc vào tình trạng của thai nhi trong suốt quá trình theo dõi thai kỳ.
Trường hợp không có biến chứng: khi thai nhi phát triển bình thường và không có dấu hiệu nguy hiểm, có thể trì hoãn can thiệp. Mẹ nghỉ ngơi, tránh các hoạt động nặng, duy trì dinh dưỡng hợp lý, theo dõi định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa.
Trường hợp thai kỳ có biến chứng:
+ Ra máu âm đạo bất thường: xuất huyết nhẹ, cần nhập viện theo dõi. Nếu xuất huyết nặng hoặc không kiểm soát được, cần chấm dứt thai kỳ ngay lập tức, đảm bảo tuần hoàn cho mẹ và thai.
+ Thai chậm tăng trưởng trong tử cung:
Cân nhắc chỉ định mổ lấy thai sớm phụ thuộc vào mức độ chậm tăng trưởng để tránh nguy cơ suy thai.
Trong trường hợp thai nhi dưới 34 tuần và cần mổ lấy thai, bác sĩ có thể chỉ định corticosteroids để thúc đẩy sự trưởng thành phổi của thai nhi. Nếu nguy cơ sinh non cao, magnesium sulfate có thể được sử dụng để bảo vệ não thai nhi.
Trên đây là các thông tin cần thiết về dây rốn bám màng. Để nhận biết sớm tình trạng trên, bệnh nhân cần đến kiểm tra, thăm khám thai kỳ tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC quy tụ đội ngũ chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi, giàu kinh nghiệm; hệ thống máy móc hiện đại hỗ trợ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý, là điểm đến tin cậy của mọi bệnh nhân có nhu cầu. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!