Từ điển bệnh lý

Điếc dẫn truyền và điếc tiếp nhận : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Điếc dẫn truyền và điếc tiếp nhận

* Thuật ngữ khác (tên gọi khác) của điếcnghe kém.

* Nghe kém (điếc) là tình trạng suy giảm khả năng nghe so với ngưỡng nghe bình thường.

* Cấu trúc giải phẫu bình thường của cơ quan thính giác bao gồm:

- Hệ thống dẫn truyền âm:

  • Tai ngoài: Vành tai, ống tai ngoài.
  • Tai giữa: Màng nhĩ, hòm nhĩ (trong hòm nhĩ chứa hệ thống xương con: xương búa, xương đe, xương bàn đạp và cửa sổ tròn, cửa sổ bầu dục), vòi Eustachi, các tế bào xương chũm.

- Hệ thống tiếp nhận âm:  

  • Tai trong: Ốc tai có nhiệm vụ chuyển các rung động cơ học của âm thanh thành các xung điện sau đó sẽ được truyền tới dây thần kinh thính giác nằm trong ống tai trong.
  • Dây thần kinh thính giác nằm trong ống tai trong có nhiệm vụ dẫn truyền xung thính giác từ ốc tai vào thân não để lên vỏ não.

Điếc dẫn truyền và điếc tiếp nhận

* Tai người nghe bằng cả hai đường, đường khí và đường xương nhưng chủ yếu là nghe bằng đường khí.

- Đường dẫn truyền sóng âm từ không khí qua vành tai, ống tai ngoài, màng nhĩ, theo chuỗi xương con vào dịch tai trong gọi là đường dẫn truyền khí.

- Dẫn truyền đường xương: Xương sọ rung động do kích thích âm, các kích thích này không đi theo đường tai ngoài, tai giữa nhưng trực tiếp kích thích lên dịch tai trong và dẫn truyền theo đường mô tả trên.

* Tai người bình thường có thể nghe được âm thanh có tần số từ 20 - 20000Hz

* Để xác định nghe kém ta cần thực hiện:

- Đo sức nghe đơn giản: Đo bằng tiếng nói (tiếng nói thầm, tiếng nói thường), đo bằng âm thoa , đo bằng dụng cụ đơn giản (trống, còi, chuông, mõ).

- Đo sức nghe hoàn chỉnh: Còn gọi là đo Thính lực đơn âm (là tìm ngưỡng nghe tức là cường độ âm thanh tối thiểu để có thể nghe được âm đơn ở các tần số khác nhau, theo đường khí và đường xương của từng tai để lập nên Thính lực đồ) bằng thiết bị, máy móc chuyên ngành.

* Ngày nay đo sức nghe bằng máy (đo thính lực đơn âm) được phổ cập và ứng dụng rộng rãi trong chuyên ngành Tai Mũi Họng để chẩn đoán, phân loại và xác định mức độ nghe kém của một bệnh nhân trên lâm sàng

* Người bình thường: Ngưỡng nghe đường xương và đường khí ⩽ 20 dB ở tất cả các tần số đo trên bảng thính lực đồ

* Phân loại nghe kém: Theo dạng các biểu đồ đường khí và đường xương của Thính lực đồ, nghe kém được chia làm 3 loại:

- Nghe kém truyền âm (Nghe kém dẫn truyền) 

- Nghe kém tiếp âm (Nghe kém tiếp nhận)

- Nghe kém hỗn hợp

* Nghe kém dẫn truyền: Là nghe kém với ngưỡng nghe đường xương bình thường ⩽ 20dB, ngưỡng nghe đường khí tăng trên 20dB.

* Nghe kém tiếp nhận: Là nghe kém với ngưỡng nghe đường khí và đường xương đều tăng trên 20dB nhưng đường khí đạo và cốt đạo luôn đi song hành nhau, ở từng tần số khoảng Rinne không vượt quá 10dB .

* Nghe kém hỗn hợp: Là ngưỡng nghe đường xương và đường khí đều tăng trên 20 dB nhưng ở từng tần số khoảng Rinne > 10dB.

* Phân độ nghe kém: Dựa vào sự suy giảm ngưỡng nghe ở các mức độ khác nhau trên Thính lực đồ, ta phân nghe kém thành 4 mức độ:

  • Nghe kém mức độ nhẹ: Ngưỡng nghe nằm trong khoảng trên 20dB đến 40dB
  • Nghe kém mức độ trung bình: Ngưỡng nghe nằm trong khoảng trên 40dB đến 70dB
  • Nghe kém mức độ nặng: Ngưỡng nghe nằm trong khoảng trên 70dB đến 90dB
  • Nghe kém sâu: Ngưỡng nghe nằm trong khoảng trên 90dB đến 120dB


Nguyên nhân Điếc dẫn truyền và điếc tiếp nhận

Tất cả các nguyên nhân gây gián đoạn quá trình dẫn truyền âm và tiếp nhận âm đều dẫn đến tình trạng nghe kém: 

  • Các nguyên nhân gây gián đoạn, ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền âm ở tai ngoài và tai giữa gây nghe kém dẫn truyền.
  • Các nguyên nhân gây ảnh hưởng tới quá trình tiếp nhận âm, tổn thương hệ thống tiếp nhận âm ở ốc tai và sau ốc tai (dây thần kinh ốc tai, thân não, vỏ não) gây nghe kém tiếp nhận.

Nghe kém dẫn truyền

Nghe kém tiếp nhận

1. Bệnh tích ở tai ngoài

- Nút ráy, dị vật ống tai ngoài

- Viêm tấy lan tỏa, nhọt ống tai ngoài

- U ống tai ngoài

- Chấn thương làm hẹp ống tai ngoài

2. Bệnh tích ở tai giữa

- Tắc vòi, bán tắc vòi Eustachi

- Viêm tai giữa thanh dịch

- Viêm tai giữa cấp mủ,vỡ mủ

- Viêm tai giữa mạn tính thủng hoặc không thủng màng nhĩ

- Viêm tai xương chũm cấp/ mạn tính

- Xốp xơ tai

- Dị dạng chuỗi xương con

- Chấn thương làm gián đoạn chuỗi xương con

1. Bệnh tích ở loa đạo

- Viêm mê nhĩ do nhiễm khuẩn, virus

- Nhiễm độc do thuốc (Aminoglycosides , streptomycin, quinin,  Salicylates , acetaminophen,  erythromycin…) do hóa chất, CO, As

- Thay đổi áp lực nội dịch: Bệnh Ménière…

- Chấn thương :

  • Chấn thương âm  do tiếng nổ, tiếng ồn trong lao động sản xuất và trong sinh hoạt , đời sống.
  • Vỡ xương thái dương
  • Chấn thương giao cảm
  • Rò ngoại dịch

- Di truyền :

  • Nghe kém di truyền không hội chứng: 90% di truyền theo kiểu nhiễm sắc thể lặn, ngoài ra di truyền theo kiểu nhiễm sắc thể trội, X- linked
  • Nghe kém di truyền hội chứng: Down, Waardenburg,  Alport, Usher, Crouzon, Treacher Collins

- Bất thường tai trong: bất thường Scheibe, bất thường Mondini, hội chứng cống tiền đình giãn rộng

2. Tổn thương ở thần kinh thính giác

  • U dây thần kinh VIII
  • Viêm do virus (zona, quai bị…) , do nhiễm khuẩn

(giang mai, sốt Rocky Mountain do Rickettsia…), bệnh Lyme

  • Chấn thương xương đá đoạn ống tai trong

3. Bệnh tích ở thần kinh trung ương

  • Viêm não, viêm màng não
  • U não , áp xe não thùy thái dương
  • U vùng góc cầu tiểu não chèn ép vào dây thần kinh thính giác
  • Di căn xương thái dương
  • Chấn thương sọ não do tai nạn lao động, sinh hoạt
  • Bệnh đa xơ
  • Nhồi máu thân não

4. Nghe kém liên quan đến tuổi tác: Thường gặp > 65 tuổi, nam gặp nhiều hơn nữ

5. Bệnh lý xương

  • Bệnh xốp xơ tai ở giai đoạn muộn
  • Bệnh Paget 

6. Bệnh lý miễn dịch

  • Miễn dịch hệ thống
  • Hội chứng Cogan
  • Viêm nhiều động mạch dạng hạt
  • Viêm đa sụn
  • U hạt Wegener
    • Miễn dịch nguyên phát tai trong
    • Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải

7. Bệnh lý mạn tính, rối loạn chuyển hóa: Xơ động mạch nhỏ và lớn do ĐTĐ, suy giáp bẩm sinh, tăng huyết áp, suy thận , tăng lipid máu làm gia tăng nguy cơ nghe kém tiếp nhận


Triệu chứng Điếc dẫn truyền và điếc tiếp nhận

Người bệnh ù tai, nghe tiếng trầm như tiếng cối xay thóc

Nghe kém dẫn truyền

a. Triệu chứng cơ năng

- Ù tai: Tiếng trầm như tiếng cối xay thóc

- Cảm giác nặng tức trong tai đặc biệt khi có nước vào ống tai trong trường hợp nút ráy tai

- Nghe kém: 

  • Nghe được các tiếng nói to, không nghe rõ các tiếng nói thầm hoặc tiếng nói ở khoảng cách xa
  • Nghe kém thường xảy ra một tai, có thể cả hai tai
  • Có thể kèm tai đau tai, chảy dịch tai cùng bên

b. Triệu chứng thực thể

- Ống tai sưng nề chít hẹp, có nhọt, có lồi xương hoặc nút ráy tai, nút biểu bì hoặc tổ chức nấm.

- Màng nhĩ màu trắng đục, lõm vào trong, cán xương búa nhô ra,nón sáng bị méo mó, đẩy lên cao

- Có thể thấy màng nhĩ teo mỏng, mất lớp sợi, kèm theo có dịch trong hòm nhĩ thường gặp trong viêm tai thanh dịch

- Có thể thấy sẹo nhĩ cũ hoặc lỗ thủng màng nhĩ ở các kích  thước khác nhau

- Nghiệm pháp Valsava (-) trong trường hợp bán tắc/ tắc vòi nhĩ kèm đọng dịch mủ viêm vòm, Viêm VA, đọng dịch mủ xoang.

- Màng nhĩ xung huyết, hòm nhĩ có máu đọng, sập thành ống tai ngoài trong trường hợp chấn thương

Nghe kém tiếp nhận

a. Triệu chứng cơ năng

  • Ù tai
  • Cảm giác nặng tai, đầy tai
  • Nghe kém: nghe kém đột ngột hoặc từ từ một hoặc hai tai
  • Có thể kèm theo chóng mặt buồn nôn

b. Triệu chứng thực thể

  • Ống tai sạch, màng nhĩ bình thường, hòm nhĩ không có dịch

Các biến chứng Điếc dẫn truyền và điếc tiếp nhận

Nghe kém dẫn truyền

Nghe kém tiếp nhận

  • Các trường hợp dị vật tai, nút ráy tai, viêm tai giữa mạn tính có thủng màng nhĩ không được phát hiện và điều trị ổn định có thể gây viêm hoại tử ống tai ngoài, viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma
  • Nghe kém do dị dạng chuỗi xương con hoặc mất liên tục chuỗi xương con do chấn thương nếu không được chẩn đoán điều trị kịp thời có thể nghe kém không hồi phục
  • Điếc đột ngột nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể để lại di chứng điếc vĩnh viễn
  • Bệnh nhân nghe kém do virus như sau cúm, sốt cao có kèm theo chóng mặt, sau quai bị … tiên lượng nghe kém thường khó hồi phục

Đường lây truyền Điếc dẫn truyền và điếc tiếp nhận

Nghe kém dẫn truyền

  • Nghe kém dẫn truyền do viêm, nấm ống tai ngoài có thể lây từ người này sang người khác do sử dụng chung bộ dụng cụ vệ sinh tai hoặc lấy ráy tai ở quán cắt tóc, gội đầu.
  • Nghe kém dẫn truyền trong bệnh xốp xơ tai có thể di truyền.
  • Tình trạng viêm,nhọt ống tai, viêm tai giữa mạn tính tái phát nhiều lần gây ra do vệ sinh cá nhân không tốt làm lây lan vi khuẩn từ dụng cụ bẩn, tay bẩn vào ống tai.

Nghe kém tiếp nhận

  • Nghe kém tiếp nhận có thể gây ra do những bệnh lý mạn tính không lây truyền như: Tăng huyết áp, bệnh lý thận, đái tháo đường, suy giáp…
  • Nghe kém tiếp nhận do nguyên nhân nhiễm trùng, các tác nhân vi sinh này có thể lây từ người sang người qua đường hô hấp hoặc đường máu do sinh hoạt hoặc quan hệ tình dục không an toàn.
  • Nghe kém tiếp nhận có thể di truyền.

Đối tượng nguy cơ Điếc dẫn truyền và điếc tiếp nhận

Nghe kém dẫn truyền

  • Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao viêm mũi, Viêm VA, Viêm tai giữa cấp tái phát nhiều lần.
  • Trẻ em, người già dễ bị nút ráy tai, dị vật ống tai ngoài
  • Người có tiền sử viêm tai giữa mạn tính, có nhiều đợt hồi viêm
  • Người có ống tai nhỏ, hẹp, gấp khúc, có lồi xương ống tai ngoài dễ có nguy cơ  viêm, nhọt ống tai.
  • Người có dị hình vách ngăn, cuốn mũi, tiền sử viêm mũi xoang cấp tái diễn, viêm mũi xoang mạn tính gây tắc hoặc bán tắc vòi Eustaschi.
  • Bệnh lý xốp xơ tai thường gặp ở nữ giới tuổi 15 - 45 và có yếu tố di truyền

Trẻ em, người già dễ bị nút ráy tai, dị vật ống tai ngoài 

Nghe kém tiếp nhận

  • Điếc đột ngột: Tỷ lệ điếc đột ngột xảy ra ở nam tương đương nữ, tai phải tương đương tai trái, xảy ra ở tất cả các lứa tuổi nhưng thấp hơn ở trẻ em và người cao tuổi, tuổi trung bình thường gặp 40 - 54 tuổi
  • Nghe kém liên quan đến tuổi tác: Thường gặp ở người cao tuổi > 65 tuổi.
  • Những người có nghề nghiệp hoặc yếu tố nguy cơ tiếp xúc với tiếng ồn kéo dài hoặc tiếp xúc với hóa chất, khí độc hại.
  • Bệnh nhân có sức đề kháng suy giảm: Nhiễm HIV/AIDS, mắc các bệnh lý nền mạn tính (đái tháo đường, bệnh lý thận mạn tính, bệnh lý tim mạch...), bệnh lý miễn dịch hệ thống (lupus, đa xơ …)
  • Trẻ em hoặc người lớn sử dụng thuốc kháng sinh aminoglycosid, chống nấm, đường toàn thân hoặc nhỏ tai kéo dài.
  • Phụ nữ có thai trong thai kỳ bị nhiễm các loại virus: Cytomegalovirus, herpes simplex, rubella…. hoặc sử dụng thuốc, hóa chất gây độc cho thai có nguy cơ sinh ra con  mắc các hội chứng, dị tật bẩm sinh cơ quan thính giác.
  • Gia đình có người mắc các bệnh lý di truyền nghe kém.

Phòng ngừa Điếc dẫn truyền và điếc tiếp nhận

Bệnh nhân cần đến khám tại các bệnh viện, phòng khám có chuyên khoa Tai Mũi Họng sớm nhất có thể ngay khi phát hiện các biểu hiện: ù tai, đau tai, cảm giác nặng tức trong tai, nghe kém đột ngột hoặc chóng mặt để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Nghe kém dẫn truyền

Nghe kém tiếp nhận

  • Vệ sinh tai cho trẻ em và người cao tuổi thường xuyên 1 tháng/1 lần
  • Không tắm ở các sông rạch, hồ ao bẩn, hồ bơi không đảm bảo gây nhiễm trùng tai ngoài.
  • Tránh vệ sinh tai bằng các vật dụng bẩn, sắc nhọn: que sắt, tăm bông bẩn,móc bằng móng tay, tăm răng, que gỗ, hoặc bộ dụng cụ vệ sinh tai ở các tiệm cắt tóc gội đầu.
  • Không cho trẻ em chơi cùng các loại đồ chơi nhỏ, hình khối cầu, hoặc góc cạnh : hạt cườm, ngọc trai, hạt vòng…
  • Định kỳ khám và kiểm tra nội soi Tai Mũi Họng 1 lần 1 năm để phát hiện những bất thường tai mũi họng kịp thời
  • Vệ sinh mũi họng tốt và điều trị kịp thời, tích cực khi có viêm nhiễm mũi họng , viêm VA cấp . 
  • Điều trị ổn định các bệnh lý nền: Huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận, rối loạn chuyển hóa lipid…
  • Với các bệnh nhân mắc các bệnh suy giảm miễn dịch hoặc sức đề kháng suy giảm cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng và luyện tập để nâng cao sức đề kháng.
  • Phụ nữ có thai cần tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại và không được tự ý uống thuốc khi chưa có sự thăm khám và kê đơn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có dự định mang thai cần chủ động tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cần thiết : Sởi, quai bị, thủy đậu, Rubella…
  • Tất cả trẻ em sơ sinh đặc biệt những trẻ sinh ra trong gia đình có người bị điếc bẩm sinh cần được sàng lọc kiểm tra thính lực sớm sau sinh để phát hiện và xử trí kịp thời tránh ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ của trẻ sau này.
  • Tránh đến những nơi có tiếng ồn lớn, hoặc cường độ âm thay đổi đột ngột , kéo dài: quán bar, vũ trường…
  • Những người làm trong môi trường tiếp xúc với tiếng ồn hoặc hóa chất độc hại cần được trang bị đồ phòng hộ đầy đủ , đạt tiêu chuẩn.
  • Tránh tự ý sử dụng thuốc uống hoặc nhỏ tai tại chỗ khi chưa có sự thăm khám và kê đơn của bác sĩ.
  • Khi có chấn thương vùng đầu mặt cần kết hợp khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để sàng lọc tổn thương cơ quan thính giác và điều trị kịp thời.

Các biện pháp chẩn đoán Điếc dẫn truyền và điếc tiếp nhận

Chẩn đoán xác định nghe kém chủ yếu dựa vào Thính lực đồ

Nghe kém dẫn truyền

a. Cơ năng: 

- Ù tai, nghe kém từ từ tăng dần một hoặc hai bên

- Có thể kèm theo đau tai hoặc chảy dịch tai

b. Triệu chứng thực thể:

- Ống tai sưng nề chít hẹp, có nhọt, có lồi xương hoặc nút ráy tai, nút biểu bì hoặc tổ chức nấm. 

- Màng nhĩ lõm vào trong, thấy rõ cán xương búa

- Màng nhĩ teo mỏng, có thể có dịch trong hòm nhĩ

- Có thể có sẹo nhĩ ,lỗ thủng màng nhĩ nhiều kích thước

- Nghiệm pháp Valsava (-) trong trường hợp bán tắc/ tắc vòi nhĩ kèm đọng dịch mủ viêm vòm, Viêm VA, đọng dịch mủ xoang.

- Màng nhĩ xung huyết, hòm nhĩ có máu đọng, sập thành ống tai ngoài trong trường hợp chấn thương

Để chẩn đoán, người bệnh cần được đo thính lực đồ

c. Cận lâm sàng:

- Thính lực đồ: điếc dẫn truyền ở các mức độ khác nhau

Nghe kém tiếp nhận

a. Triệu chứng cơ năng:

- Ù tai, nghe kém từ từ tăng dần hoặc đột ngột một hoặc hai bên

- Có thể kèm theo chóng mặt

b. Triệu chứng thực thể

- Ống tai sạch, màng nhĩ sáng, hòm nhĩ không có dịch

c. Cận lâm sàng:

- Thính lực đồ: điếc tiếp nhận ở các mức độ khác nhau

- Chẩn đoán điếc đột ngột (một bệnh lý điếc tiếp nhận có tính chất điều trị cấp cứu)

  • Nghe kém tiếp nhận thần kinh ≥ 30 dB.
  • Ở 3 tần số liên tục.
  • Trong thời gian < 3 ngày 
  • Nghe kém diễn tiến nhanh, đột ngột

Chẩn đoán phân biệt nghe kém thực sự với giả vờ nghe kém

Mức độ nghe kém không phù hợp với triệu chứng lâm sàng, không phù hợp giữa ngưỡng nghe lời và trung bình âm đơn. Các xét nghiệm chuyên sâu ABR, OAEs giúp chẩn đoán phân biệt.


Các biện pháp điều trị Điếc dẫn truyền và điếc tiếp nhận

Điều trị nghe kém dẫn truyền và nghe kém tiếp nhận đều phải dựa vào nguyên nhân, nếu có nguyên nhân rõ ràng thì điều trị cụ thể như sau:

Nghe kém dẫn truyền

- Điều trị nội khoa 

  • Điều trị ổn định các bệnh lý viêm tai giữa cấp và mạn tính, viêm tai thanh dịch
  • Lấy bỏ nút ráy, dị vật ống tai ngoài

- Điều trị ngoại khoa:

  • Chích rạch màng nhĩ hoặc đặt ống thông khí
  • Vá nhĩ khi tai khô, màng nhĩ thủng rộng
  • Phẫu thuật chỉnh hình tai giữa, tái tạo chuỗi xương con
  • Phẫu thuật lấy u, gờ xương

Phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn, nạo VA khi viêm tai giữa tái phát nhiều lần

Nghe kém tiếp nhận

- Kháng sinh với nguyên nhân nhiễm trùng

- Ngưng sử dụng thuốc độc cho tai

- Do phần lớn không rõ nguyên nhân vì vậy điều trị dựa vào kinh nghiệm

- Quan trọng là không làm bệnh nặng thêm

- Điều trị ổn định các bệnh lý nền, bệnh lý toàn thân

- Steroid được sử dụng rộng rãi: Dexamethasone hoặc methylprednisolon đường uống/tiêm hoặc kết hợp tiêm xuyên màng nhĩ

- Cải thiện tưới máu và tăng cường oxy tai trong:

  • Histamine
  • Papaverine
  • Nicotinic acid
  • Oxy cao áp
  • Dextran trọng lượng phân tử thấp
  • Mannitol

- Giới hạn muối: Lợi tiểu

- Kháng virus

- Dùng máy trợ thính: Với các trường hợp không điều trị được như điếc người già, điếc nghề nghiệp, nghe kém do bẩm sinh

- Cấy điện cực ốc tai: Với các trường hợp nghe kém nặng, không có tổn thương thần kinh thính giác, dùng máy trợ thính không có tác dụng.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.