Bác sĩ: ThS. Nguyễn Thị Trang
Chuyên khoa:
Năm kinh nghiệm:
Dính buồng tử cung (hay còn gọi là hội chứng Asherman) là một bệnh lý ít gặp nhưng có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản và đời sống của phụ nữ. Tình trạng này xảy ra khi có mô sẹo hoặc dính hình thành trong buồng tử cung, thường là hậu quả của các thủ thuật can thiệp y tế như mổ lấy thai, nạo bỏ thai hay các phẫu thuật khác. Dính buồng tử cung gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như bế kinh, đau bụng và đặc biệt là giảm khả năng sinh sản của phụ nữ, gây vô sinh hoặc sẩy thai liên tiếp.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong nghiên cứu nhưng việc chẩn đoán và điều trị dính buồng tử cung vẫn gặp nhiều thách thức, cần có sự hiểu biết đầy đủ giúp phát hiện sớm bệnh lý giảm biến chứng sau này.
Dính buồng tử cung là tình trạng hình thành mô sẹo hoặc dính trong buồng tử cung
Nguyên nhân dính buồng tử cung đa phần liên quan đến các yếu tố tác động làm tổn thương lớp nội mạc tử cung, từ đó hình thành mô sẹo hoặc làm dính các thành của tử cung. Các nguyên nhân chính có thể kể đến:
Nạo phá thai: đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra dính buồng tử cung. Khi các thủ thuật này được thực hiện không đúng cách, đặc biệt bị nhiễm khuẩn sau thủ thuật hoặc thực hiện nhiều lần, chúng có thể làm tổn thương niêm mạc tử cung và gây ra sự hình thành mô sẹo.
Phẫu thuật tại tử cung: các phẫu thuật như mổ lấy thai, phẫu thuật cắt polyp buồng tử cung, bóc u xơ tử cung dưới niêm mạc hay các thủ thuật làm sạch tử cung sau sảy thai có thể gây tổn thương mô và dẫn đến dính buồng tử cung nếu không thực hiện đúng quy trình.
Nội soi buồng tử cung: nội soi buồng tử cung thường được thực hiện trong chẩn đoán các bệnh lý tại buồng tử cung như rong huyết, polyp hoặc u xơ tử cung dưới niêm mạc. Trong dày niêm mạc tử cung, nội soi kết hợp nạo niêm mạc tử cung giúp điều trị cầm máu và làm giải phẫu bệnh mô học để loại trừ nguyên nhân ác tính. Quá trình này nếu không đúng kỹ thuật có thể tăng nguy cơ dính buồng tử cung.
Nhiễm trùng tử cung: viêm nhiễm tử cung có thể do viêm âm đạo, cổ tử cung ngược dòng lên, sót rau sau đẻ hoặc do can thiệp y tế. Viêm nội mạc tử cung nghiêm trọng hoặc không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các vết sẹo kéo dài, từ đó làm tăng nguy cơ dính buồng tử cung.
Tổn thương do sinh đẻ: các trường hợp chuyển dạ kéo dài có thể gây tổn thương tử cung. Vết mổ cũ làm giảm khả năng phục hồi của niêm mạc tử cung, nguy cơ tạo ra các vết sẹo dẫn đến dính buồng. Sót rau hay chấn thương tử cung trong quá trình đẻ là những nguyên nhân khác của bệnh lý này.
Yếu tố di truyền và bệnh lý khác: một số yếu tố di truyền hoặc bệnh lý nội tiết có thể làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng Asherman. Tuy nhiên, các yếu tố này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ và chưa được nghiên cứu rõ ràng trong các trường hợp mắc dính buồng tử cung.
Nạo phá thai có thể dẫn đến dính buồng tử cung
Dính buồng tử cung gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, không chỉ làm thay đổi cấu trúc và chức năng của tử cung mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, thể chất và tinh thần của phụ nữ. Các biến chứng chính có thể kể đến:
Rối loạn kinh nguyệt: dính buồng tử cung cản trở sự bong tróc và tái tạo của lớp nội mạc tử cung dẫn đến gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Trên thực tế, phụ nữ thường có tình trạng vô kinh (không có kinh nguyệt) hoặc kinh nguyệt bất thường như kinh ít, bế kinh hoặc không đều.
Đau vùng chậu mạn tính: đau trong dính buồng tử cung có thể do máu kinh bị ứ đọng trong tử cung (tụ máu tử cung), do viêm nhiễm kéo dài, co kéo tổ chức. Tình trạng đau thường dai dẳng, khó chịu, tăng lên theo chu kỳ hoặc trở nên nghiêm trọng hơn nếu có kèm theo tình trạng viêm nhiễm.
Vô sinh và sẩy thai liên tiếp: một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của dính buồng tử cung là khó khăn trong việc thụ thai hoặc mang thai thành công. Dính buồng tử cung làm suy giảm khả năng làm tổ của phôi thai do bất thường nội mạc, dẫn đến tăng nguy cơ sảy thai nhiều lần.
Biến chứng trong thai kỳ: phụ nữ có tình trạng dính buồng tử cung khi mang thai có thể tăng nguy cơ thai bám sẹo, thai ngoài tử cung hoặc thai bám tại vùng dính, gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai. Các biến chứng khác như nhau tiền đạo, nhau cài răng lược hoặc xuất huyết nghiêm trọng cũng phổ biến hơn ở trường hợp này.
Nguy cơ nhiễm trùng: dính buồng tử cung có thể dẫn đến tình trạng ứ đọng dịch hoặc máu kinh, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây nhiễm trùng máu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe toàn cơ thể.
Dính buồng tử cung có thể là nguyên nhân gây ra sẩy thai liên tiếp
Chẩn đoán dính buồng tử cung cần dựa vào tiền sử, thăm khám lâm sàng kết hợp các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, cụ thể:
Tiền sử bệnh lý: bệnh nhân có thực hiện thủ thuật can thiệp vào buồng tử cung trước đó (nạo phá thai, sinh mổ, bóc u xơ tử cung dưới niêm mạc hoặc nội soi buồng tử cung).
Triệu chứng lâm sàng:
Đau vùng chậu: cơn đau có thể rõ ràng trong các đợt hành kinh. Ngoài ra, bệnh nhân có thể đau mơ hồ vùng bụng dưới, những trường hợp nặng có thể đau dữ dội kèm theo sốt, phản ánh tình trạng viêm dính có nhiễm trùng.
Rối loạn kinh nguyệt: bế kinh, vô kinh, kinh ít, hoặc đau bụng khi hành kinh là các dấu hiệu hay gặp gợi ý các bất thường về niêm mạc tử cung, dính buồng tử cung.
Sẩy thai liên tiếp hoặc vô sinh: bệnh nhân có thể có thai dễ dàng nhưng thường bị thai sinh hoá hoặc mất thai trong giai đoạn sớm, liên tiếp nhiều lần. Điều này cho thấy khả năng tổn thương hoặc mất chức năng của lớp nội mạc tử cung dẫn đến thai khó làm tổ bình thường.
Các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng:
Siêu âm qua đường bụng hoặc qua ngả âm đạo: siêu âm thường không dễ đánh giá tình trạng trong buồng tử cung nhưng giúp phát hiện các bất thường cấu trúc hoặc dấu hiệu dịch ứ đọng, các dải dính rõ ràng.
Siêu âm bơm nước buồng tử cung: bơm trước vào buồng tử cung làm tách 2 lá niêm mạc giúp quan sát rõ hơn tình trạng buồng tử cung. Qua đó bác sĩ sẽ phát hiện vùng dính, hẹp hoặc biến dạng buồng tử cung.
Chụp X- quang tử cung vòi trứng: là phương pháp chẩn đoán thường được sử dụng để quan sát hình thái, sự lưu thông của buồng tử cung, vòi trứng. Khi dính buồng tử cung thường gặp hình ảnh: dòng thuốc cản quang bị gián đoạn, biểu hiện của vùng bị dính, buồng tử cung hẹp, méo mó hoặc không đều, vùng không ngấm thuốc cản quang, gợi ý sự hiện diện của mô sẹo.
Nội soi buồng tử cung: đây là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán dính buồng tử cung. Phương pháp này cho phép bác sĩ quan sát trực tiếp bên trong lòng tử cung, đánh giá vị trí và mức độ dính, đồng thời điều trị nếu cần.
Chụp cộng hưởng từ vùng chậu (MRI): MRI giúp cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc tử cung và các tổ chức xung quanh, xác định mức độ tổn thương, chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý gây đau vùng chậu khác.
Nội soi buồng tử cung là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán dính buồng tử cung
Phương pháp điều trị dính buồng tử cung phụ thuộc vào tình trạng và biến chứng của bệnh. Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị riêng cho từng trường hợp hợp, cụ thể:
Điều trị bảo tồn (không phẫu thuật): áp dụng với những trường hợp dính buồng tử cung nhẹ, không có triệu chứng nghiêm trọng. Các phương pháp điều trị bảo tồn bao gồm:
Điều trị bằng hormone: các loại thuốc chứa nội tiết như estrogen hoặc progesterone giúp kích thích sự tái tạo lớp niêm mạc tử cung và hạn chế sự hình thành dính mới.
Dụng cụ tử cung: sau khi thực hiện phẫu thuật cắt dính, bác sĩ có thể sử dụng dụng cụ tử cung (có thể có sử dụng loại chứa nội tiết) để ngăn ngừa nguy cơ tái phát dính buồng tử cung.
Phẫu thuật cắt dính buồng tử cung: phẫu thuật nội soi buồng tử cung được coi là phương pháp điều trị chính và hiệu quả trong điều trị dính buồng tử cung. Phẫu thuật cắt dính được thực hiện qua một ống nội soi đưa vào tử cung qua cổ tử cung loại bỏ các mô dính và phục hồi hình dạng bình thường của buồng tử cung.
Phương pháp hỗ trợ sinh sản: trong trường hợp dính buồng tử cung gây ra vô sinh hoặc sẩy thai liên tiếp, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được xem xét như một lựa chọn điều trị sau khi phẫu thuật. Các phương pháp hỗ trợ sinh sản này giúp tối ưu hóa cơ hội mang thai, duy trì thai nghén cho bệnh nhân.
Để giảm nguy cơ tái phát dính buồng tử cung, bệnh nhân cần tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ sau phẫu thuật. Các biện pháp hỗ trợ như điều trị nội tiết hoặc sử dụng dụng cụ tử cung có thể được áp dụng để ngăn ngừa dính tái phát.
Phẫu thuật cắt bỏ sẹo dính buồng tử cung qua nội soi
Dự phòng dính buồng tử cung:
Dự phòng dính buồng tử cung là điều hết sức quan trọng để tránh các biến chứng liên quan đến sinh sản sau này.
Hạn chế tổn thương niêm mạc tử cung: các thủ thuật như nạo hút thai, mổ lấy thai hay các phẫu thuật can thiệp vào buồng tử cung cần được thực hiện bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm tại cơ sở y tế uy tín, nhằm giảm thiểu tổn thương cho lớp nội mạc tử cung. Đồng thời, cần đảm bảo điều kiện vô trùng, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc vô khuẩn trong suốt quá trình thực hiện các thủ thuật tử cung giúp hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng.
Cần tránh thực hiện các thủ thuật như nạo hút tử cung trong trường hợp không bắt buộc, đặc biệt không tiến hành khi tử cung có dấu hiệu viêm nhiễm, để bảo vệ tối đa cấu trúc nội mạc tử cung.
Phòng ngừa và điều trị viêm nhiễm: viêm nhiễm tử cung là yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến dính buồng tử cung. Việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các trường hợp nhiễm khuẩn âm đạo, viêm cổ tử cung,..bằng kháng sinh phù hợp là điều cần thiết để dự phòng bệnh.
Thăm khám định kỳ: việc theo dõi sức khỏe định kỳ là rất cần thiết, giúp bác sĩ đánh giá tình trạng buồng tử cung và can thiệp sớm nếu có dấu hiệu bất thường. Phụ nữ cần biết các dấu hiệu bất thường như kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh kéo dài hoặc vô kinh để chủ động tìm kiếm sự tư vấn y tế.
Trên đây là các thông tin cần thiết về dính buồng tử cung. Để chẩn đoán đúng và điều trị tình trạng này, bệnh nhân nên thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, là điểm đến tin cậy của mọi khách hàng có nhu cầu. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.
Tài liệu tham khảo:
American College of Obstetricians and Gynecologists. (2020). Asherman Syndrome. Obstetrics & Gynecology, 135(5), 1241-1244.
Bahadori, M., & Hossain, S. (2017). Management of Asherman’s Syndrome: A Review of Current Approaches. Obstetrics & Gynecology, 130(6), 1125-1133..
Cunningham, F. G., Leveno, K. J., Bloom, S. L., Spong, C. Y., & Dashe, J. S. (2018). Williams Obstetrics (25th ed.). McGraw-Hill Education.
Beckmann, M. W., & Ling, F. W. (2016). Gynecology: Principles and Practice (3rd ed.). Elsevier.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!