Từ điển bệnh lý

Gãy cổ : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 24-04-2025

Tổng quan Gãy cổ

Gãy cổ, hay còn gọi là gãy xương đốt sống cổ, là tình trạng một hoặc nhiều đốt sống cổ bị vỡ hoặc nứt. Vùng cổ là một trong những bộ phận quan trọng của cơ thể, chứa tủy sống - một trong những trung tâm điều khiển các hoạt động của cơ thể. Do đó, tổn thương vùng cổ có thể gây tổn thương tủy sống, dẫn đến liệt hoặc tử vong.

Gãy cổ là tình trạng một hoặc nhiều đốt sống cổ bị vỡ hoặc nứt.

Gãy cổ là tình trạng một hoặc nhiều đốt sống cổ bị vỡ hoặc nứt.



Nguyên nhân Gãy cổ

Gãy cổ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất bao gồm:

  • Tai nạn giao thông: Theo nhiều báo cáo y khoa, tai nạn giao thông là nguyên nhân phổ biến nhất. Tác động mạnh từ tai nạn khiến cột sống cổ bị gãy.
  • Ngã từ độ cao: Ngã từ cây, cầu thang hoặc tòa nhà cao có thể gây áp lực lớn đến đốt sống cổ.
  • Chấn thương thể thao: Các môn thể thao mạo hiểm như bóng đá, bóng bầu dục hoặc làm xiếc.
  • Tác nhân bạo lực: Đầu đập hoặc tác động mạnh do đánh nhau hoặc bạo lực gia đình.
  • Loãng xương: Nhiều ca gãy xương cột sống cổ được ghi nhận ở người già do xương suy yếu.



Triệu chứng Gãy cổ

Triệu chứng của gãy xương cổ có thể biểu hiện rõ rệt hoặc khó nhận biết tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết thương. Bệnh nhân có thể gặp một hoặc kết hợp nhiều triệu chứng sau đây:

  • Đau nhức cục độ: Vết thương gây đau nhức dữ dội và tăng lên khi cử động cổ.
  • Sưng cứng hoặc biến dạng ở cổ: Những trường hợp nghiêm trọng có thể gây sự biến dạng rõ rệt.
  • Khó cử động cổ: Nạn nhân gặp khó khăn trong việc quay hoặc nghiêng cổ.
  • Sưng, phù nề vùng cổ: Khu vực xung quanh vết gãy có thể bị sưng tấy, gây khó chịu.
  • Tê bì hoặc mất cảm giác: Trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh, gây tê bì hoặc mất cảm giác.
  • Triệu chứng khó thở: Nếu tác động đến tủy sống hoặc cơ quan hô hấp, nạn nhân có thể bị khó thở hoặc nguy hiểm tính mạng.



Các biến chứng Gãy cổ

Gãy xương cổ là tình trạng chấn thương cực nguy hiểm gây ảnh hưởng lớn đến sự sống còn của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể đối mặt với nhiều hậu quả như:

  • Tổn thương tủy sống: Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất, có thể dẫn đến liệt hoặc mất cảm giác ở toàn bộ cơ thể dưới khu vực tổn thương.
  • Rối loạn thần kinh: Các dây thần kinh bị chèn ép hoặc tổn thương có thể gây đau mãn tính, yếu cơ hoặc mất khả năng vận động.
  • Khó thở: Nếu gây ảnh hưởng đến các cơ quan hô hấp, bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng.
  • Biến chứng lâu dài: Bao gồm cứng khớp cổ, đau mãn tính hoặc mất khả năng vận động cổ.



Các biện pháp chẩn đoán Gãy cổ

Để xác định chính xác vị trí và mức độ tổn thương của xương cổ, bác sĩ sẽ tiến hành một quy trình chẩn đoán cụ thể. Bao gồm các bước sau:

Bước 1: Khám lâm sàng toàn diện

Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng kỹ lưỡng, tập trung vào vùng cổ. Qua đó, các dấu hiệu như đau nhức, sưng tấy, biến dạng hoặc hạn chế vận động sẽ được ghi nhận một cách chi tiết. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số động tác đơn giản để đánh giá phạm vi vận động của cổ.

Bước 2: Chụp X-quang

Chụp X-quang là kỹ thuật hình ảnh đầu tiên và quan trọng nhất trong việc chẩn đoán. Hình ảnh X-quang sẽ cung cấp thông tin trực quan về vị trí, kích thước và mức độ nghiêm trọng của vết gãy, giúp bác sĩ hình dung rõ hơn về tình trạng tổn thương.

Chụp X-quang để xác định tình trạng tổn thương của bệnh nhân

Chụp X-quang để xác định tình trạng tổn thương của bệnh nhân

Bước 3: Chụp CT

Nếu cần đánh giá chi tiết hơn về cấu trúc xương và các tổn thương phức tạp, bác sĩ sẽ chỉ định chụp CT. Kỹ thuật này tạo ra những hình ảnh cắt lớp của vùng cổ, giúp phát hiện các vết nứt xương nhỏ, các mảnh xương di lệch hoặc các tổn thương ở các cấu trúc xung quanh một cách chính xác.

Bước 4: Chụp MRI

Trong trường hợp cần đánh giá tình trạng của tủy sống, dây thần kinh hoặc các mô mềm xung quanh, bác sĩ sẽ chỉ định chụp MRI. Kỹ thuật này tạo ra những hình ảnh chi tiết về các mô mềm, giúp phát hiện sớm các tổn thương tiềm ẩn và đánh giá mức độ ảnh hưởng của chúng đến chức năng thần kinh.


Các biện pháp điều trị Gãy cổ

Việc điều trị gãy xương cột sống cổ phụ thuộc rất lớn vào từng trường hợp cụ thể. Mỗi người bệnh sẽ có một phác đồ điều trị khác nhau, tùy thuộc vào loại gãy xương, mức độ nghiêm trọng và các biến chứng đi kèm.

  1. Đối với bệnh nhân nặng, điều trị nội trú

Những bệnh nhân bị nặng, đặc biệt là khi có kèm theo tình trạng liệt vận động, thường được chỉ định nhập viện để theo dõi sát sao. Tại bệnh viện, bệnh nhân có thể cần hỗ trợ hô hấp, giảm đau bằng thuốc giảm đau mạnh hoặc thậm chí phẫu thuật để giải phóng áp lực lên tủy sống.

Trong một số trường hợp, phẫu thuật là cần thiết để cố định các mảnh xương gãy, giúp xương liền lại đúng vị trí và giảm nguy cơ biến chứng. Các kỹ thuật phẫu thuật có thể bao gồm việc sử dụng vít, bản để cố định xương hoặc các phương pháp phức tạp hơn.

  1. Đối với bệnh nhân nhẹ, điều trị ngoại trú

Đối với những trường hợp nhẹ hoặc trung bình, việc cố định cổ bằng nẹp hoặc khung cố định là phương pháp điều trị phổ biến. Nẹp cổ giúp giữ cho các đốt sống cổ ổn định, tạo điều kiện cho xương lành lại.

Đối với bệnh nhân nhẹ và trung bình đeo nẹp để cố định cổ

Bệnh nhân cũng sẽ được kê thuốc giảm đau, cả loại kê đơn và không kê đơn để giảm tình trạng đau nhức, khó chịu cho bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.

Sau khi xương đã liền, bệnh nhân cần thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng của cổ. Các bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện phạm vi vận động và giảm đau. Ngoài ra, các liệu pháp hỗ trợ khác như điện trị liệu, massage cũng có thể được áp dụng để thúc đẩy quá trình phục hồi.

Bệnh nhân cần làm gì để nhanh hồi phục sau gãy cổ?

Việc hồi phục sau điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ nghiêm trọng của vết thương, phương pháp điều trị, và sự tuân thủ của bệnh nhân. Dưới đây là một số điều bệnh nhân có thể làm để đẩy nhanh quá trình hồi phục:

  1. Tuân thủ phác đồ điều trị:
  • Sử dụng nẹp cổ: Nếu được bác sĩ chỉ định, bệnh nhân cần đeo nẹp cổ đúng cách và đúng thời gian để giúp xương ổn định và liền lại.
  • Uống thuốc theo chỉ định: Dùng thuốc giảm đau, chống viêm và các loại thuốc khác theo đúng liều lượng và thời gian được bác sĩ kê đơn.
  • Tham gia vật lý trị liệu: Thực hiện đầy đủ các bài tập vật lý trị liệu mà bác sĩ chỉ định để tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện phạm vi vận động và giảm đau.
  1. Chế độ sinh hoạt:
  • Nghỉ ngơi: Trong thời gian đầu, bệnh nhân cần nghỉ ngơi tuyệt đối để giúp xương nhanh chóng liền lại.
  • Chế độ ăn uống: Bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D và các chất dinh dưỡng khác để hỗ trợ quá trình lành xương.
  • Tránh vận động mạnh: Hạn chế các hoạt động mạnh, đặc biệt là các hoạt động có thể gây áp lực lên vùng cổ.
  1. Theo dõi sức khỏe:
  • Đi khám định kỳ: Thường xuyên đi khám để bác sĩ theo dõi quá trình hồi phục và điều chỉnh phác đồ điều trị nếu cần.
  • Nhận biết các dấu hiệu bất thường: Nếu xuất hiện các triệu chứng như đau tăng, sưng, đỏ, hoặc tê bì, hãy báo ngay cho bác sĩ.

    Câu hỏi thường gặp

 Gãy cổ có thể tự lành không?

Đối với các trường hợp bị nhẹ có thể tự lành nếu được cố định và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, các trường hợp nặng cần can thiệp y tế.

Bao lâu thì phục hồi hoàn toàn?

Thời gian phục hồi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng, thường kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.

Có thể chơi thể thao sau khi bị gãy cổ không?

Có thể, nhưng cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và hoàn thành chương trình phục hồi chức năng trước khi quay lại các hoạt động này.

Gãy cổ có nguy hiểm không?

Gãy cổ là một chấn thương nghiêm trọng có thể gây ra nhiều biến chứng như:

  • Liệt tứ chi: Nếu tủy sống bị tổn thương.
  • Đau mãn tính: Sau khi xương lành, nhiều người vẫn còn cảm giác đau nhức.
  • Hạn chế vận động: Phạm vi vận động của cổ có thể bị giảm sút.
  • Biến dạng cột sống: Trong trường hợp gãy không ổn định.

 Làm sao để phòng ngừa nguy cơ gãy cổ?

  • Đeo dây an toàn khi lái xe hoặc đi xe máy.
  • Đội mũ bảo hiểm khi tham gia các hoạt động thể thao có nguy cơ cao.
  • Tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe xương khớp.

Gãy cổ là một chấn thương phức tạp đòi hỏi sự can thiệp y tế kịp thời và đúng cách. Quá trình hồi phục sau phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ tổn thương, phương pháp điều trị và sự hợp tác của bệnh nhân. Với sự chăm sóc chu đáo của bác sĩ và sự kiên trì luyện tập, bệnh nhân có thể hồi phục tốt và quay trở lại cuộc sống bình thường.


Tài liệu tham khảo:

Patient education: Neck fracture (The Basics), Written by the doctors and editors at UpToDate, This topic retrieved from UpToDate on: Aug 14, 2019


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ