Từ điển bệnh lý

Ghép tim : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-01-2025

Tổng quan Ghép tim

Ghép tim là một phẫu thuật lớn của y học, được lựa chọn cho nhiều bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối (HF) vẫn còn triệu chứng mặc dù đã áp dụng liệu pháp điều trị nội khoa tối ưu. Đối với những bệnh nhân được lựa chọn cẩn thận, ghép tim mang lại khả năng sống sót và chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể. Đây được coi như là giải pháp điều trị cuối cùng cho các bệnh nhân suy tim mạn giai đoạn cuối (CHF) khi các phương pháp điều trị khác không còn hiệu quả.

Minh họa cho quá trình phẫu thuật ghép tim

Minh họa cho quá trình phẫu thuật ghép tim

Lịch sử ghép tim

Ghép tim là một câu chuyện thành công ngoài sức tưởng tượng của con người. Ca ghép tim đầu tiên được thực hiện bởi Christiaan Barnard, một bác sĩ phẫu thuật tim đến từ Nam Phi và nhóm của ông cách đây 50 năm vào tháng 12 năm 1967. Ca ghép tim này đã gây chấn động y học thế giới vào thời điểm đó. Tuy nhiên sự nhiệt tình chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi mà Louis Washkansky là bệnh nhân đầu tiên được ghép tim trên thế giới đã qua đời chỉ 18 ngày sau phẫu thuật mặc dù đã điều trị thuốc ức chế miễn dịch để giữ cho cơ thể không đào thải trái tim mới.

Không bằng lòng dừng lại ở đó, cùng với các tiến bộ y học, sự ra đời của nhiều loại thuốc chống thải ghép tốt hơn đã giúp giảm tình trạng đào thải, nhiều bác sĩ tim mạch cũng đã nối tiếp thành công của bác sĩ Christiaan Barnard để thực hiện các ca phẫu thuật ghép tim khác trên thế giới. Kinh điển chính là ca phẫu thuật cấy ghép tim đầu tiên được Bác sĩ Denton Arthur Cooley và cộng sự thực hiện thành công tại Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 1968, cũng là mở ra một kỷ nguyên mới về ghép tim tại Mỹ cũng như trên thế giới.

Hiện nay theo thống kê của Sổ đăng ký của Hiệp hội Cấy ghép Tim Phổi Quốc tế (ISHLT) có khoảng hơn 5000 ca ghép tim hàng năm, tuy nhiên có nhiều đồng thuận cho rằng con số thực tế được cấy ghép có thể nhiều hơn và nhu cầu người bệnh đăng ký chờ đợi để được ghép tim vẫn vượt quá số lượng cơ quan hiến tặng. Vì vậy, việc phân tầng rủi ro của nhóm lớn bệnh nhân mắc suy tim giai đoạn cuối là điều cần thiết để xác định những bệnh nhân có nhiều khả năng được hưởng lợi nhất sau ghép tim để có thể lựa chọn được bệnh nhân phù hợp khi mà nguồn hiến tặng vẫn còn hạn chế.

Ở Việt Nam, phẫu thuật ghép tim bắt đầu được chú ý đến trong hơn 10 năm gần đây với ca đầu tiên thành công vào ngày 17/6/2010. Theo số liệu thống kê của Hội ghép tạng Việt Nam tính đến 31/03/2022 đã thực hiện thành công 59 ca ghép tim.

Trải qua những nỗ lực không ngừng, Y học Việt Nam đã đạt được những kỳ tích trong lĩnh vực ghép tạng, trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về số lượng ca ghép mỗi năm.

Tuy nhiên, đi cùng với những thành công cũng là thách thức không nhỏ khi mà nhu cầu của người bệnh tăng nhanh trong khi nguồn tạng hiến vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là ghép tim. Để mở ra cánh cửa hy vọng, mang lại chất lượng cuộc sống và khả năng sống sót tốt hơn cho hàng nghìn người bệnh vẫn đang chờ đợi được ghép tạng mỗi ngày, là cần cả một sự nỗ lực không ngừng nghỉ và chung tay góp sức của cả cộng đồng.


Các biến chứng Ghép tim

Chất lượng cuộc sống sau ghép tim nhìn chung cũng rất tốt và bệnh nhân thường xuyên có thể trở lại làm việc.

Theo một báo cáo vào năm 2013 của Hiệp hội Cấy ghép Tim Phổi Quốc tế (ISHLT), đối với tất cả 103.299 ca ghép tim ở trẻ em và người lớn từ năm 1982 đến tháng 6 năm 2011, tỷ lệ sống sót sau 1 năm là 81% và tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 69%, với tỷ lệ sống sót trung bình là 11 năm đối với tất cả và 13 năm đối với những người sống sót sau năm đầu tiên.

Thải ghép cấp tính, từng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong, giờ đây tỷ lệ mắc bệnh thấp nhờ các tiến bộ vượt bậc về dược lý các thuốc chống thải ghép.

Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu sau ghép tim hiện nay là bệnh lý mạch máu sau ghép tim (CAV), sau đó là bệnh ác tính và suy thận sau ghép.

Một số bệnh nhân bị rối loạn chức năng thất trái và suy tim không rõ nguyên nhân. Những người khác phát triển sự đào thải qua trung gian kháng thể; trong những năm gần đây điều này đã được ghi nhận kịp thời hơn, nhưng việc điều trị vẫn còn là một thách thức.

Các nguyên nhân chính gây ra tỷ lệ mắc bệnh và tử vong muộn là nhiễm trùng, bệnh thận mãn tính, bệnh mạch máu do ghép tim (CAV) và bệnh ác tính. Tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch cũng tiếp tục là vấn đề. Chúng bao gồm nhiễm trùng, bệnh ác tính, loãng xương, nhiễm độc thận mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường và bệnh lý thần kinh.

- Bệnh lý mạch máu sau ghép tim Cardiac allograft vasculopathy (CAV):

Bệnh lý mạch máu sau ghép, đặc biệt là bệnh tim thiếu máu cục bộ, là một vấn đề đáng kể đối với tất cả những người được ghép tim. Các yếu tố nguy cơ chính kể đến như hút thuốc lá, béo phì, tiểu đường, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp, thường phổ biến hơn ở những người được ghép tim so với dân số nói chung. Một trong những yếu tố nguy cơ chính ảnh hưởng đến sống còn của bệnh nhân là bệnh lý mạch máu sau ghép tim (CAV). Vì CAV ảnh hưởng đến từ 30% đến 60% người bệnh được ghép tim trong vòng 5 năm sau phẫu thuật, nên phòng ngừa là trọng tâm chính của các nhóm ghép tim hiện nay.

CAV được gây ra bởi cả cơ chế miễn dịch (ví dụ: đào thải cấp tính và kháng thể kháng HLA) và các cơ chế không miễn dịch liên quan đến bản thân ca ghép hoặc người nhận (ví dụ: tuổi của người hiến tặng, tăng huyết áp, tăng lipid máu và bệnh tiểu đường) hoặc các tác dụng phụ thường liên quan đến ức chế miễn dịch bằng thuốc ức chế calcineurin hoặc corticosteroid (ví dụ: nhiễm Cytomegalovirus, độc tính trên thận và bệnh tiểu đường mới khởi phát sau khi ghép). Thuốc ức chế calcineurin, cyclosporin và tacrolimus, có hiệu quả ngăn ngừa tình trạng đào thải cấp tính nhưng không ngăn ngừa được sự phát triển của CAV. Phòng ngừa CAV sẽ đòi hỏi một phương pháp tiếp cận kết hợp các tác nhân ức chế bổ sung miễn dịch mới và giảm yếu tố nguy cơ tim mạch.

- Bệnh ác tính:

Là hậu quả của việc điều trị kéo dài các thuốc ức chế miễn dịch sau ghép tim. Sau khi ghép tim, ác tính được xác định ở 3% đến 18% người nhận, với nguy cơ ước tính từ 1% đến 2% mỗi năm. Nó đứng thứ hai sau CAV là nguyên nhân chính gây tử vong, chiếm 10% đến 23% trong số tất cả các trường hợp tử vong sau khi ghép tim. Ung thư da là loại phổ biến nhất, được thấy ở 17% bệnh nhân, với ưu thế là ung thư biểu mô tế bào vảy. Rối loạn tăng sinh bạch huyết sau ghép (PTLD) là một biến chứng thường gây tử vong, xảy ra ở 1,7% đến 6% người nhận ghép tim. PTLD xảy ra cao nhất từ 3 đến 4 tháng sau khi ghép. Một mối liên hệ chặt chẽ giữa PTLD với vi-rút Epstein-Barr đã được quan sát thấy trong một số loạt ca.

- Biến chứng nhiễm trùng:

Nhiễm trùng thường gặp ở những người được ghép tạng. Các loại nhiễm trùng có thể xảy ra ở người ghép tim khác nhau, tùy thuộc vào thời gian kể từ khi ghép. Vi khuẩn và virus chiếm hơn 80% số ca nhiễm trùng sau ghép tạng. Các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến nhất sớm sau ghép tạng là nhiễm trùng bệnh viện, do ống thông hoặc dây truyền bị nhiễm trùng, hoặc viêm phổi do vi khuẩn gram âm.

- Rối loạn chức năng thận:

Liệu pháp ức chế miễn dịch bằng thuốc ức chế calcineurin đã cải thiện cả chức năng mảnh ghép và khả năng sống sót trong ghép tim. Tuy nhiên, độc tính trên thận do chất ức chế calcineurin gây ra vẫn là một thách thức lâm sàng nghiêm trọng. Độc tính mãn tính trên thận của thuốc ức chế calcineurin được đặc trưng bởi sự giảm mức lọc cầu thận (eGFR). Mức giảm eGFR lớn nhất khi sử dụng cyclosporine xảy ra trong 3 đến 6 tháng đầu. Khoảng 10% người nhận ghép tim phát triển bệnh thận giai đoạn 4 (với eGFR dưới 30 mL/phút) và cần ghép thận hoặc điều trị thay thế thận do sử dụng thuốc ức chế calcineurin để ức chế miễn dịch. Việc theo dõi chặt chẽ nồng độ tacrolimus và cyclosporine trong máu là cực kỳ quan trọng để hạn chế sự suy giảm tiến triển của chức năng thận, vì chưa có phương pháp điều trị nào được biết đến để ngăn ngừa hoặc đảo ngược tình trạng nhiễm độc thận. Tại thời điểm cấy ghép, việc bắt đầu dùng tacrolimus hoặc cyclosporine bị trì hoãn sau phẫu thuật ở những bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm độc thận và liệu pháp cảm ứng (như globulin kháng tế bào tuyến ức hoặc thuốc đối kháng thụ thể IL-2 như basiliximab) có thể được sử dụng để cho phép trì hoãn hoặc giảm thiểu tác dụng phụ chất ức chế calcineurin gây độc cho thận.

Ưu điểm và thách thức của ghép tim

 Ưu điểm

- Cải thiện tiên lượng sống còn cho người bệnh: Sau khi ghép tim thành công, người bệnh có thể sinh hoạt, lao động và trở về cuộc sống hàng ngày bình thường.

- Gia tăng tuổi thọ: với sự phát triển của y học và tỷ lệ ghép tim thành công ngày càng nhiều, theo nhiều nghiên cứu thống kê đã chỉ ra rằng tỷ lệ sống sót trung bình hiện tại là khoảng 50% sau 12 năm.

Thách thức

Ghép tim mang lại nhiều hy vọng cho người bệnh nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức như:

- Nguồn hiến tặng còn hạn chế so với nhu cầu bệnh nhân chờ ghép.

- Chi phí cao: chi phí phẫu thuật và theo dõi sau ghép tốn kém, không phải bệnh nhân nào cũng đủ khả năng chi trả.

- Biến chứng: dù phẫu thuật cấy ghép thành công nhưng người bệnh cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ sau đó như các biến chứng về thải ghép, suy thận, bệnh mạch máu sau ghép, ung thư,...

Tương lai của ghép tim tại Việt Nam

Tại Việt Nam ghép tim đã đạt được những tiến bộ vượt bậc, trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về số lượng ca ghép tạng mỗi năm.

Việc nâng cao nhận thức về hiến tạng và cải thiện hệ thống y tế vẫn là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này.



Đối tượng nguy cơ Ghép tim

Sau hơn 5 thập kỷ, những lợi ích to lớn mà ghép tim mang lại cho người bệnh đã được chứng minh, vậy thì ai mới là người thực sự cần ghép tim.

Chỉ định:

- Bệnh nhân suy tim mạn tính:

  • Suy tim NYHA loại III hoặc IV mặc dù đã điều trị nội khoa và đồng bộ hóa tối đa;
  • Triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, phù vẫn nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

- Bệnh nhân mắc bệnh cơ tim:

  • Bệnh cơ tim giãn: Tim co bóp không hiệu quả, dẫn đến giảm khả năng bơm máu.
  • Bệnh cơ tim hạn chế: Tim mất khả năng giãn nở để nhận máu đầy đủ.
  • Bệnh cơ tim phì đại có suy tim NYHA IV.

- Bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành nặng:

  • Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim tái phát hoặc bệnh mạch vành nặng không thể can thiệp tái tưới máu như đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu nối (Coronary Artery Bypass Grafting - CABG).

- Bệnh nhân mắc bệnh van tim:

  • Bệnh lý van tim gây suy tim nặng mà không thể sửa chữa hoặc thay van.

- Bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh: các trường hợp tim bẩm sinh phức tạp mà không thể phẫu thuật hoặc điều trị khác.

- Bệnh nhân có rối loạn nhịp tim không kiểm soát được:

  • Loạn nhịp tim nặng, dai dẳng, nguy cơ gây tử vong cao, không đáp ứng với điều trị nội khoa bằng các thuốc chống loạn nhịp hoặc các thiết bị khác như máy khử rung tim.

- Bệnh nhân suy tim do nguyên nhân khác:

  • Tim bị tổn thương nặng sau viêm cơ tim, nhiễm trùng hoặc các bệnh lý khác như Amyloidosis.

Triệu chứng suy tim sung huyết

Triệu chứng suy tim sung huyết

2.2. Chống chỉ định ghép tim

- Mặc dù ghép tim giúp cứu sống bệnh nhân nhưng không phải tất cả người bệnh suy tim giai đoạn cuối đều có thể ghép tim.

- Chống chỉ định tuyệt đối:

  • Bệnh nhân suy thận tiến triển không hồi phục với độ thanh thải creatinin dưới 30-50 ml/phút mà không có kế hoặc ghép thận đồng thời
  • Bệnh nhân suy gan tiến triển không hồi phục
  • Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không hồi phục
  • Bệnh nhân có tăng áp động mạch phổi tiến triển không hồi phục (Áp lực tâm thu động mạch phổi trên 60 mmHg, sức cản mạch máu phổi >4-5 đơn vị Wood mặc dù dùng thuốc giãn mạch) do nguy cơ suy thất phải cấp tính ngay sau khi ghép tim dẫn đến áp lực kháng mạch phổi cao.
  • Tiền sử người bệnh có bệnh lý ác tính về tạng hoặc huyết học trong vòng 5 năm qua do có khả năng tái phát.

- Chống chỉ định tương đối:

  • Bệnh nhân trên 70 tuổi.
  • Bệnh nhân béo phì nặng (BMI >35 kg/m2) hoặc suy nhược.
  • Bệnh nhân có bệnh lý mạch máu ngoại biên, bệnh mạch máu não nặng.
  • Bệnh nhân loãng xương mức độ nặng.
  • Bệnh nhân thuyên tắc động mạch phổi cấp tính.
  • Bệnh nhân đang bị nhiễm trùng cấp tính.
  • Bệnh nhân có tâm lý không ổn định, ví dụ người bệnh mắc hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
  • Bệnh nhân đang dùng hoặc lạm dụng chất kích thích trong vòng 6 tháng gần đây.
  • Bệnh nhân đái tháo đường có tổn thương nhiều cơ quan đích;
  • Bệnh nhân không có người thân chăm sóc sau ghép, không đủ điều kiện kinh tế để điều trị thuốc ức chế miễn dịch sau ghép cũng như theo dõi sau ghép.
  • Bệnh nhân dị ứng với kháng thể kháng nguyên bạch cầu người (HLA) có thể gây ra một vấn đề cụ thể và cũng có thể ngăn cản khả năng đủ điều kiện cấy ghép tim.



Các biện pháp chẩn đoán Ghép tim



Các biện pháp điều trị Ghép tim

Quy trình ghép tim

 Đánh giá bệnh nhân trước ghép tim

Đánh giá bệnh nhân: Bệnh nhân phải trải qua nhiều kiểm tra, xét nghiệm để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể và khả năng phù hợp cho phẫu thuật.

Nhiều tiêu chí xác định đủ điều kiện ghép tim có phần chủ quan và tập trung chủ yếu vào dữ liệu huyết động khi nghỉ ngơi và phân loại NYHA. Tuy nhiên, một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân có bất thường huyết động khi nghỉ ngơi nghiêm trọng có thể sống sót trong thời gian dài. Hơn nữa, phân loại NYHA như một thước đo khả năng chức năng là một chỉ số chủ quan và thường không chính xác, có thể thay đổi tùy từng ngày tùy thuộc vào các yếu tố thoáng qua. Ở những bệnh nhân suy tim mạn tính, một số phương pháp thường được sử dụng để ước tính khách quan tiên lượng xấu chỉ bằng liệu pháp điều trị nội khoa.

- Khả năng gắng sức được đánh giá bằng VO2max:

VO2 max là tốc độ tiêu thụ oxy tối đa khi gắng sức. Khả năng gắng sức được đánh giá bằng VO2max là một chỉ số khách quan đánh giá dự trữ tim và khả năng thích nghi ngoại vi với giảm lưu lượng tim chính xác hơn nhiều so với phân loại của NYHA. Nhìn chung, nó được coi là tiêu chuẩn vàng để xác định mức độ nghiêm trọng của suy tim chức năng đáng được xem xét tích cực để ghép tim. Bệnh nhân có khả năng gắng sức được bảo tồn (VO2 gắng sức tối đa trên 14 mL/phút/kg) mặc dù bị suy giảm huyết động khi nghỉ ngơi nghiêm trọng, có khả năng sống sót và khả năng chức năng tương đương với những gì đạt được nhờ ghép tim. Hơn nữa, những bệnh nhân bị suy tim mạn còn bù và mức tiêu thụ oxy đỉnh dưới 14 mL/kg/phút hoặc dưới 50% dự đoán được coi là suy yếu đủ để ghép tim. Cách tiếp cận này cho thấy rằng có thể hoãn ghép tim một cách an toàn ở những bệnh nhân ngoại trú bị rối loạn chức năng thất trái nặng và mức tiêu thụ oxy đỉnh cao trên 14 mL/kg/phút. Liệu pháp chẹn Beta đã cải thiện tỷ lệ sống sót ở những bệnh nhân bị suy tim tâm thu bao gồm cả những bệnh nhân có VO2max rất thấp xuống mức thấp tới 10 mL/kg mỗi phút. Sức mạnh tiên lượng của VO2max ban đầu đã được xác nhận trước khi thuốc chẹn beta được sử dụng rộng rãi, nhưng một số nghiên cứu đã chứng minh tính hữu ích liên tục của VO2 trong kỷ nguyên thuốc hiện đại khi sử dụng thuốc chẹn beta. Với liệu pháp điều trị suy tim mạn dựa trên bằng chứng hiện tại bao gồm thuốc chẹn Beta giao cảm, lợi tiểu giữ kali (Spironolactone), thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), và các thiết bị như máy khử rung tim ICD và liệu pháp tái đồng bộ tim, VO2max dưới 10 mL/kg/phút thay vì giá trị ngưỡng truyền thống từ 14 mL/phút/kg trở xuống có thể hữu ích hơn cho việc phân tầng nguy cơ. Các nghiên cứu gần đây hơn đã gợi ý rằng hiệu quả thông khí (VE/VCO2) có thể là yếu tố tiên lượng mạnh hơn VO2max. Hiệu quả thông khí có thể được đánh giá là có hiệu quả hơn trong việc phân tầng rủi ro cho những bệnh nhân có tỷ lệ trao đổi hô hấp đỉnh (RER) không đủ, được sử dụng để xác nhận ngưỡng kỵ khí đã đạt được. Cuối cùng, hiệu quả thông khí đã được chứng minh là duy trì giá trị tiên lượng bất kể chỉ số khối cơ thể, một yếu tố gây nhiễu tiềm ẩn khác có thể hạn chế việc giải thích VO2max.

Kiểm tra gắng sức tim phổi là một xét nghiệm tương đối chuyên biệt và không thường xuyên có sẵn bên ngoài các trung tâm ghép tạng. Việc sàng lọc tất cả bệnh nhân suy tim mạn bằng xét nghiệm gắng sức đầy đủ cũng sẽ tốn kém và không phù hợp với thực tế lâm sàng. Xét nghiệm gắng sức cũng cung cấp một góc nhìn duy nhất về hiệu suất và tiên lượng. Để đáp ứng nhu cầu này, một số điểm rủi ro đã được phát triển để giúp các bác sĩ lâm sàng xác định bệnh nhân suy tim mạn có mức độ nghiêm trọng của bệnh đủ để cân nhắc ghép tạng. Hai điểm được biết đến nhiều nhất và được sử dụng rộng rãi nhất cho nhóm bệnh nhân suy tim mạn tiến triển là Điểm sống sót sau suy tim (HFSS) và Mô hình suy tim Seattle (SHFM).

- Điểm sống sót sau suy tim High Frequency Structure Simulator (HFSS)

Các yếu tố dự báo khả năng sống sót ở HFSS bao gồm:

  • Có hoặc không có bệnh động mạch vành.
  • Nhịp tim khi nghỉ ngơi.
  • Phân suất tống máu thất trái (EF%).
  • Huyết áp động mạch trung bình (mmHg).
  • Có hoặc không có sự chậm trễ dẫn truyền trong thất trên điện tâm đồ.
  • Nồng độ Natri huyết thanh.
  • Tốc độ tiêu thụ oxy tối đa khi gắng sức (VO2max).

Điểm được phân loại thành nhóm nguy cơ thấp (điểm từ 8,1), nguy cơ trung bình (điểm từ 7,2 đến dưới 8,1) và nguy cơ cao (dưới 7,2). Bệnh nhân trong nhóm nguy cơ trung bình và cao (tỷ lệ sống sót sau 1 năm lần lượt là 72% và 43%) có nhiều khả năng tử vong hoặc cần ghép tim khẩn cấp trong năm tiếp theo, họ nên được cân nhắc ghép tim nếu không có chống chỉ định. Có thể hoãn ghép tim một cách an toàn ở những bệnh nhân trong nhóm nguy cơ thấp (tỷ lệ sống sót sau 1 năm là 93%). HFSS đã được báo cáo là vượt trội hơn so với mức tiêu thụ oxy đỉnh để lựa chọn ghép tim trong kỷ nguyên hiện tại của liệu pháp thiết bị hỗ trợ tâm thất.

- Seattle Heart Failure Model (SHFM) - Mô hình suy tim Seattle

Seattle Heart Failure Model (SHFM) đưa ra ước tính tiên lượng cho bệnh nhân suy tim tiến triển có thể cấp cứu. Mô hình này dựa trên độ tuổi, giới tính, phân loại NYHA, cân nặng, phân suất tống máu, huyết áp, thuốc điều trị, một số giá trị xét nghiệm và thông tin lâm sàng khác. Mô hình này đã kết hợp tác động của các liệu pháp điều trị suy tim mới hơn đối với khả năng sống sót, bao gồm máy khử rung tim (ICD) và liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT). Mô hình này cung cấp ước tính chính xác về khả năng sống sót sau 1, 2 và 3 năm bằng cách sử dụng các đặc điểm lâm sàng, dược lý, thiết bị và xét nghiệm. Nó cũng cho phép đánh giá hiệu quả ước tính của các biện pháp can thiệp đối với tiên lượng của từng bệnh nhân. Mô hình này cũng có thể cung cấp thông tin về kiểu tử vong có thể xảy ra ở những bệnh nhân HF cấp cứu. SHFM được phát triển ở nhóm bệnh nhân HF cấp cứu và đã có lo ngại rằng nó có thể đánh giá quá cao khả năng sống sót ở nhóm bệnh nhân suy tim mạn tiến triển. Tuy nhiên, nó vẫn là một phương pháp hữu ích để ước tính khả năng sống sót ở bệnh nhân suy tim mạn.

- Sự khan hiếm nội tạng của người hiến tặng và danh sách các ứng viên bệnh nặng cần ghép tim ngày càng tăng và thời gian chờ đợi kéo dài, chương trình ghép tim phải sàng lọc đầy đủ, giúp phân tầng ứng viên tốt hơn theo tỷ lệ tử vong trong danh sách chờ, rút ngắn thời gian chờ đợi cho các ứng viên ưu tiên cao để có thể lựa chọn đúng người nhận ghép tạng tiềm năng. Việc sử dụng hiệu quả nguồn lực hạn chế này là điều cần thiết nhằm tránh lãng phí các cơ quan cấy ghép khi mà nguồn hiến tặng còn hạn chế

 Đánh giá người hiến tặng: Trái tim hiến tặng phải phù hợp với nhóm máu, kích thước và các tiêu chí khác của bệnh nhân.

Phẫu thuật ghép tim: là một cuộc phẫu thuật lớn trong đó trái tim đã bị suy yếu của người bệnh được thay thế bằng trái tim khỏe mạnh của người hiến tặng.

Theo dõi điều trị sau phẫu thuật: Bệnh nhân cần sử dụng thuốc chống thải ghép và được giám sát y tế chặt chẽ suốt đời.

Đã có sự phát triển đáng kể và nghiên cứu đang diễn ra nhằm cải thiện việc quản lý bệnh nhân suy tim được xem xét ghép tạng. Các lĩnh vực này tập trung vào việc tiếp tục cải thiện kết quả bằng Thiết bị hỗ trợ tâm thất trái (LVAD) để quản lý bệnh nhân trong danh sách chờ ghép tạng hoặc như một giải pháp thay thế cho ghép tạng ở những bệnh nhân không phải là đối tượng để ghép tạng.

+ Hỗ trợ tuần hoàn cơ học

Hỗ trợ tuần hoàn cơ học được chỉ định cho những bệnh nhân được liệt kê để cấy ghép để giữ cho họ sống và hoạt động tốt nhất có thể trong khi chờ đợi (cầu nối đến cấy ghép). Đối với những người khác, đây là liệu pháp đích vì những bệnh nhân này không phải là đối tượng để cấy ghép. Tuy nhiên, số bệnh nhân mắc bệnh suy tim tiến triển đang chờ ghép tim nhiều gấp đôi so với số người hiến tim sẵn có. Mặc dù có những tiến bộ song song trong điều trị bằng thiết bị hỗ trợ tâm thất, khoảng 8% trong số những bệnh nhân này tử vong khi chờ ghép tạng. Vai trò của hỗ trợ tuần hoàn cơ học ở những bệnh nhân đủ điều kiện ghép tạng đã tăng lên rất nhiều trong hai thập kỷ qua. Dữ liệu từ Hiệp hội Cấy ghép Tim và Phổi Quốc tế (ISHLT) lưu ý rằng 28% số người được ghép tạng từ năm 2006 đến năm 2012 có thiết bị hỗ trợ tâm thất, tăng rõ rệt so với 12% trong giai đoạn 1992-2000. Khả năng sống sót trong danh sách chờ ghép tạng gần đây cũng được chứng minh là vượt trội, cho thấy các bác sĩ lâm sàng đang ngày càng sử dụng LVAD như một liệu pháp giúp tối đa hóa cơ hội sống sót cho nhiều bệnh nhân. Tỷ lệ sống sót được cải thiện rõ rệt sau LVAD qua thống kê và nghiên cứu cũng đã làm gia tăng chỉ định đối với lựa chọn này như một cầu nối để chờ đến lúc cấy ghép.


Máy hỗ trợ thất trái LVAD

Máy hỗ trợ thất trái LVAD

- Liệu pháp inotropic

Thuốc tăng co bóp, bao gồm Dobutamine và Milrinone tiêm tĩnh mạch, được sử dụng để giúp duy trì chức năng của cơ quan đích. Can thiệp này có thể được sử dụng như một cầu nối cho đến khi bệnh nhân có thể được ghép tim hoặc LVAD. Liệu pháp tăng co bóp thường được sử dụng để giảm nhẹ và đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ tử vong, khoảng 50% sau 6 tháng và gần 100% sau 1 năm. Bệnh nhân cần truyền thuốc tăng co bóp nên được xem xét cho vào viện dưỡng lão nếu họ không phải là ứng cử viên cho ghép tim hoặc thiết bị hỗ trợ tâm thất trái (LVAD).

Ghép tim đang tiếp tục phát triển với những tiến bộ mới vượt bậc. Đối với những bệnh nhân được lựa chọn cẩn thận theo các tiêu chuẩn, ghép tim mang lại sự cải thiện rõ rệt về khả năng sống sót và chất lượng cuộc sống. Các phác đồ ức chế miễn dịch mới và sự hiểu biết tốt hơn về sinh học miễn dịch là chìa khóa để chống lại các vấn đề đang diễn ra về đào thải mảnh ghép tim. Trong những năm tới, những hạn chế về khả năng sẵn có và bảo quản nội tạng của người hiến tặng, cùng với việc ức chế miễn dịch, sẽ là những lĩnh vực quan trọng cần cải thiện để ghép tim ngày một phát triển hơn.


Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0755498223000283
  2. https://www.jacc.org/doi/abs/10.1016/j.jchf.2023.01.009
  3. https://www.jacc.org/doi/10.1016/S0735-1097%2821%2903686-X
  4. https://www.jacc.org/doi/10.1016/j.jacc.2023.04.020
  5. https://www.healio.com/news/cardiology/20171205/50-years-of-heart-transplant-progress-in-immunosuppression-survival-rates
  6. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/36323595/
  7. https://www.healio.com/cardiology/learn-the-heart/cardiology-review/topic-reviews/heart-transplantation
  8. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC4133547/
  9. https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/CIR.0000000000001063
  10. http://depts.washington.edu/shfm/?width=1536&height=864
  11. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1053249804001561
  12. https://benhvienvietduc.org/ghep-tim-va-nhung-dieu-can-biet.html
  13. https://www.ahajournals.org/doi/full/10.1161/CIRCEP.120.007954
  14. https://jamanetwork.com/journals/jamasurgery/fullarticle/404644
  15. https://www.jhltonline.org/article/S1053-2498(19)31622-5/abstract


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ