Từ điển bệnh lý
Giãn tĩnh mạch sau sinh : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Giãn tĩnh mạch sau sinh
1. Tình trạng suy giãn tĩnh mạch là gì?
Mạng lưới tĩnh mạch trong cơ thể thông thường sẽ ẩn dưới lớp da khó nhìn thấy bằng mắt thường, tuy nhiên trong một số trường hợp các tĩnh mạch bị phì đại và xoắn ngoằn ngoèo hiện rõ lên bề mặt da gây mất thẩm mỹ. Hiện tượng này được gọi là tình trạng giãn tĩnh mạch, bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ mà còn chứa đựng những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh, thậm chí dẫn tới nguy cơ tử vong.
Tình trạng giãn tĩnh mạch thường xuất hiện nhiều ở vùng chân hoặc vùng bụng dưới của phụ nữ đang mang thai. Nguyên nhân xuất hiện tình trạng giãn tĩnh mạch là do áp lực lên hệ tĩnh mạch quá lớn kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định. Thông thường người bệnh bị giãn tĩnh mạch hoặc có tĩnh mạch mạng nhện (một biến thể của giãn tĩnh mạch) không có biểu hiện triệu chứng khó chịu mà chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của vùng da đó. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều trường hợp giãn tĩnh mạch gây đau nhức khó chịu, ngứa ngáy hoặc một số biểu hiện bất thường khác. Chính vì vậy, cần phải xử lý tình trạng giãn tĩnh mạch sớm nhất có thể, loại bỏ nguy cơ xuất hiện biến chứng nguy hiểm.
Hình ảnh mô tả giãn tĩnh mạch sau sinh
2. Giãn tĩnh mạch ở phụ nữ đang mang thai và sau khi sinh
Theo thống kê, tình trạng giãn tĩnh mạch có thể xuất hiện ở những phụ nữ mang thai những tháng cuối trước khi sinh. Tỷ lệ mẹ bầu bị giãn tĩnh mạch có thể lên tới 50%, tuy nhiên mức độ nặng nhẹ ở từng đối tượng là khác nhau.
Phụ nữ mang thai những tháng đầu tiên thường ít có nguy cơ bị giãn tĩnh mạch, chỉ đến khi kích thước bụng mẹ bầu đã phát triển khá lớn mới có dấu hiệu bị giãn tĩnh mạch. Thông thường 3 tháng cuối cùng của thai kỳ là giai đoạn kích thước bào thai phát triển nhanh nhất, áp lực lên các tĩnh mạch vùng bụng do tử cung phát triển lớn hơn hoặc áp lực từ trọng lượng cơ thể lên 2 chi dưới chính là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng giãn tĩnh mạch.
Ngoài triệu chứng xuất hiện các đường tĩnh mạch ngoằn ngoèo trên da bụng, da chân gây mất thẩm mỹ cho người bệnh, mẹ bầu bị suy giãn tĩnh mạch còn có nguy cơ bị đau nhức 2 chi dưới, cảm giác nặng chân, sưng phù chân,...
Đối với trường hợp mẹ bầu bị giãn tĩnh mạch sau sinh hầu hết đều bắt nguồn từ khi đang mang thai không có biện pháp xử lý, thậm chí tình trạng bệnh còn chuyển biến nghiêm trọng hơn sau khi sinh kèm theo một số biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Tình trạng giãn tĩnh mạch sau sinh đặc biệt phổ biến ở những phụ nữ từng có tiền sử bị suy giãn tĩnh mạch trước đó hoặc mắc bệnh béo phì trước khi mang thai.
Nguyên nhân Giãn tĩnh mạch sau sinh
Nguyên nhân sản phụ bị giãn tĩnh mạch khi mang thai và sau sinh thường bắt nguồn từ các yếu tố làm tăng áp lực lên tĩnh mạch vùng bụng và vùng chi dưới. Cụ thể như sau:
-
Hormone sinh dục nữ tăng cao: Lượng hormone progesterone có xu hướng tăng cao khi phụ nữ mang thai, đây chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng các tĩnh mạch bị giãn, phì đại và hình thành các tĩnh mạch mạng lưới hoặc tĩnh mạch sợi.
-
Lượng máu tăng đột ngột: Thông thường lượng máu trong hệ tĩnh mạch có thể chiếm tới 75% tổng lượng máu trong cơ thể, tuy nhiên trong giai đoạn thai kỳ lượng máu trong cơ thể người phụ nữ có thể tăng lên từ 20-30% vì vậy hệ thống tĩnh mạch có thể bị quá tải, tĩnh mạch có xu hướng bị giãn ra để vận chuyển máu.
-
Kích thước tử cung quá lớn: Ở những tháng thai kỳ cuối (khoảng 3 tháng trước khi sinh) kích thước tử cung có thể tăng nhanh đột ngột dẫn tới tình trạng áp lực tử cung chèn ép lên hệ thống tĩnh mạch ở bụng gây giãn tĩnh mạch.
-
Yếu tố di truyền hoặc có tiền sử bị giãn tĩnh mạch trước đó: Nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch sẽ cao hơn nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị/em gái từng bị giãn tĩnh mạch khi mang thai. Phụ nữ mang thai bị giãn tĩnh mạch thì khả năng cao tình trạng này sẽ tiếp tục xuất hiện ở những lần mang thai tiếp theo.
-
Mẹ bầu mang đa thai: Hầu hết những trường hợp sản phụ mang đa thai (có nhiều hơn 1 thai nhi trong bụng) đều có nguy cơ cao bị suy giãn tĩnh mạch trong quá trình mang thai và sau khi sinh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ trọng lượng cơ thể mẹ bầu, kích thước tử cung đều lớn hơn so với mẹ bầu mang đơn thai, áp lực đè nén lên hệ thống tĩnh mạch ở vùng bụng bầu và 2 chi dưới sẽ cao hơn rất nhiều.
-
Hiện tượng tăng động sinh lý: Đây là hiện tượng phổ biến trong những phụ nữ đang mang thai. Yếu tố này không chỉ gây giãn tĩnh mạch mà còn có thể khiến cơ thể dễ bị xuất huyết khối.
Một số bệnh lý nền liên quan đến hệ thống mạch máu hoặc chế độ sinh hoạt của sản phụ không phù hợp cũng có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch trong quá trình mang thai và sau khi sinh.
Hình ảnh mô tả chân bình thường và chân bị suy giãn tĩnh mạch
Triệu chứng Giãn tĩnh mạch sau sinh
Thông thường, phụ nữ khi mang thai ở những tháng thai kỳ cuối dễ bị suy giãn tĩnh mạch ở bắp chân, đùi và bụng. Các biểu hiện ban đầu có thể không gây chú ý bởi triệu chứng xuất hiện không rõ ràng, chỉ có thể nhận biết bệnh khi phát hiện có các mạch máu màu xanh hiện rõ trên một vùng da. Nếu sản phụ không được tư vấn điều trị bệnh có thể khiến tình trạng giãn tĩnh mạch chuyển biến nghiêm trọng hơn, các triệu chứng bất thường có thể xuất hiện sau khi mẹ bầu sinh con như:
-
Đau nhức ở chân, có thể sưng phù bàn chân.
-
Mạng tĩnh mạch có thể sưng phù và nổi cộm lên bề mặt da.
-
Luôn có cảm giác nặng ở chân, cơn đau nhức xuất hiện nhiều hơn khi người bệnh đứng quá lâu.
-
Có cảm giác bị bỏng rát một số vùng da ở chân.
-
Ngứa tại các đường tĩnh mạch nổi cộm trên bề mặt da.
-
Viêm loét da gần khu vực mắt cá chân,...
Giãn tĩnh mạch sau sinh ảnh hưởng tới thẩm mỹ
Các biến chứng Giãn tĩnh mạch sau sinh
Thông thường tình trạng giãn tĩnh mạch chỉ xuất hiện ở bụng mẹ bầu hoặc 2 chi dưới, tuy nhiên biểu hiện suy giãn tĩnh mạch cũng có thể xảy ra cả chi trên và vùng mặt. Trường hợp sản phụ bị suy giãn tĩnh mạch nhẹ trong quá trình mang thai thì sau khi sinh con khoảng 3 tháng sẽ có dấu hiệu cải thiện rõ rệt triệu chứng bệnh. Trường hợp giãn tĩnh mạch nghiêm trọng hơn cần được điều trị xử lý sớm nhằm giảm thiểu các triệu chứng bệnh gây khó chịu và hạn chế nguy cơ biến chứng xảy ra.
Nếu sản phụ bị suy giãn tĩnh mạch mức độ không nguy hiểm có thể không xuất hiện bất kỳ triệu chứng bệnh bất thường nào, ngoài biểu hiện nổi rõ mạng lưới tĩnh mạch trên bề mặt da. Trường hợp suy giãn tĩnh mạch chuyển biến nặng hơn người bệnh có thể phải đối mặt với một số triệu chứng khó chịu như: Đau nhức tại vùng da bị giãn tĩnh mạch, chân bị sưng phù, có cảm giác bị bỏng rát, ngứa ngáy khó chịu, lở loét da,...
Biến chứng nguy hiểm có thể xuất hiện ở phụ nữ bị giãn tĩnh mạch sau sinh:
-
Một số vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra khi bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch mức độ nặng: Sưng tấy, đau nhức, làn da bị thay đổi, lở loét chân, chảy máu nhiều, giãn lớn các tĩnh mạch nông gây phì đại biến dạng chân,...
-
Người bệnh suy giãn tĩnh mạch có nguy cơ gặp phải biến chứng dẫn tới viêm tĩnh mạch nông huyết khối: Các cục máu nhỏ hình thành gần bề mặt da do tình trạng giãn tĩnh mạch kéo dài không được xử lý. Nếu các cục máu đông này tiếp tục phát triển lớn hơn, rắn chắc hơn có thể khiến tĩnh mạch bị cứng do tắc nghẽn đường di chuyển của máu, các khu vực xung quanh cục máu đông có dấu hiệu sưng tấy đỏ, nóng, chạm vào thấy đau rát. Xuất hiện huyết khối tĩnh mạch nông có thể không nguy hiểm nhiều đến sức khỏe người bệnh, tuy nhiên bệnh nhân cần tìm tới sự trợ giúp từ các y bác sĩ nhằm chẩn đoán xác định nguy cơ xuất hiện biến chứng nguy hiểm hơn - huyết khối tĩnh mạch sâu.
-
Huyết khối tĩnh mạch sâu: Đây là tình trạng xuất hiện khối máu đông tại các tĩnh mạch sâu trong cơ thể, thường phát triển ở chân. Khối huyết tĩnh mạch sâu thường xuất hiện một cách tiềm ẩn khó phát hiện bởi các dấu hiệu nhận biết không rõ ràng. Trường hợp không xuất hiện triệu chứng, một số triệu chứng có thể xuất hiện như đau ở mắt cá chân, đột ngột sưng đau tại một vị trí vùng cẳng chân hoặc đùi, có thể khiến người bệnh bị sốt nhẹ,... Khối huyết tĩnh mạch sâu nếu không được xử lý kịp thời có thể bị vỡ ra và di chuyển lên phía trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, tình trạng này được gọi là thuyên tắc động mạch phổi. Tình trạng suy giãn tĩnh mạch không phải là nguyên nhân chính hình thành lên các khối huyết tĩnh mạch sâu nhưng sẽ là yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển của chúng.
Phòng ngừa Giãn tĩnh mạch sau sinh
Trong quá trình mang thai mẹ bầu cần chú ý đến các vấn đề sau đây nhằm giảm thiểu nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch trong thai kỳ và sau khi sinh:
-
Hạn chế đứng hoặc ngồi quá lâu một tư thế.
-
Nên đi bộ thường xuyên hoặc tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng.
-
Không nên hoạt động quá sức hoặc mang vác đồ nặng.
-
Tập thói quen khi ngồi hoặc nằm kê chân cao hơn một chút.
-
Chọn trang phục rộng rãi nhằm hạn chế áp lực lên vùng bụng và chân.
Các biện pháp điều trị Giãn tĩnh mạch sau sinh
Khi mẹ bầu phát hiện cơ thể có dấu hiệu bị suy giãn tĩnh mạch thì cần phải liên hệ ngay tới các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán bệnh chính xác nhất, loại bỏ nguy cơ hình thành biến chứng nguy hiểm. Đầu tiên bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng các biểu hiện triệu chứng có ảnh hưởng đến người bệnh, biểu hiện các tĩnh mạch trên các vùng da. Sau đó, biện pháp siêu âm có thể được chỉ định thực hiện nhằm xác định chính xác mức độ nghiêm trọng của tình trạng suy giãn tĩnh mạch để lựa chọn phương hướng điều trị phù hợp nhất.
Trường hợp suy giãn tĩnh mạch không nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh tự điều trị tại nhà bằng cách thay đổi một số hoạt động thường ngày, thay đổi chế độ ăn uống và bổ sung một số loại thuốc hỗ trợ điều trị,...
-
Điều chỉnh tư thế chân và bàn chân nhằm hỗ trợ điều trị suy giãn tĩnh mạch: Sản phụ bị suy giãn tĩnh mạch cần hạn chế đứng quá lâu, khi ngồi hoặc nằm cũng cố gắng giữ chân và bàn chân cao hơn một chút nahwmf giảm thiểu áp lực lên đôi chân. Ví dụ: dùng gối mềm kê dưới chân khi nằm ngủ, dùng 1 chiếc ghế thấp kê bàn chân cao lên một chút khi ngồi,...
-
Tập luyện một số bài thể dục nhẹ nhàng giúp lưu thông máu tốt hơn: Những áp lực từ trọng lượng cơ thể và kích thước tử cung có thể chèn ép lên các tĩnh mạch vùng chân và bụng, quá trình lưu thông máu bị cản trở dẫn đến tình trạng suy giãn tĩnh mạch. Vì vậy mẹ bầu nên lựa chọn các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, các bài tập vung tay nhẹ nhàng,... hỗ trợ lưu thông máu hiệu quả hơn.
-
Chế độ ăn uống cần tăng cường các loại vitamin và khoáng chất nhằm loại bỏ các chất lỏng dư thừa, giảm phù nề.
Trường hợp sản phụ bị suy giãn tĩnh mạch mức độ nghiêm trọng hơn cần phải điều trị kết hợp cải thiện các triệu chứng khó chịu từ bệnh và điều trị thẩm mỹ làn da cho bệnh nhân (nếu người bệnh có nhu cầu).
Biện pháp Sclerotherapy thường được chỉ định thực hiện điều trị suy giãn tĩnh mạch phổ biến nhất. Đây là phương pháp gây xơ tĩnh mạch hay chích xơ tĩnh mạch, bác sĩ sử dụng một loại dung dịch tiêm trực tiếp vào vùng tĩnh mạch bị tổn thương nhằm cải thiện các triệu chứng khó chịu cho người bệnh.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!