Từ điển bệnh lý

Giãn tĩnh mạch thừng tinh : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 03-04-2025

Tổng quan Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng các tĩnh mạch trong thừng tinh bị giãn, xoắn bất thường, làm máu ứ đọng và ảnh hưởng đến chức năng tinh hoàn. Đây là một nguyên nhân phổ biến gây vô sinh nam. Bệnh gặp ở khoảng 15% nam giới, và chiếm 35 - 60% ở các bệnh nhân hiếm muộn. 

Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường xảy ra ở bên trái do cấu trúc mạch máu đặc biệt của tinh hoàn bên này. Đa phần giãn tĩnh mạch thừng tinh không có triệu chứng. Một số trường hợp có thể thấy bìu căng nặng, đau tức, nhất là khi đứng lâu hoặc vận động nhiều. Nếu không điều trị, bệnh có thể làm tinh hoàn bị teo hoặc giảm sản xuất hormone nam. Do vậy cần chẩn đoán và xử trí sớm để giảm biến chứng của bệnh lý này. 

 Giãn tĩnh mạch thừng tinh là trình trạng khá thường gặp ở nam giới

 Giãn tĩnh mạch thừng tinh là trình trạng khá thường gặp ở nam giới



Nguyên nhân Giãn tĩnh mạch thừng tinh

 Nguyên nhân của tình trạng này có thể được chia thành hai nhóm chính:

Nguyên nhân nguyên phát (vô căn): Đây là nhóm nguyên nhân phổ biến nhất, chủ yếu liên quan đến đặc điểm giải phẫu và sinh lý của hệ thống tĩnh mạch tinh hoàn.

Rối loạn chức năng van tĩnh mạch: Hệ thống tĩnh mạch trong thừng tinh có các van một chiều giúp ngăn chặn dòng máu chảy ngược. Khi các van này bị suy yếu hoặc mất chức năng, máu từ hệ thống tĩnh mạch thận và tĩnh mạch chủ dưới có thể trào ngược vào tĩnh mạch thừng tinh, gây tăng áp lực và làm giãn mạch. Các nghiên cứu cho thấy tình trạng suy van tĩnh mạch có thể là do bẩm sinh hoặc do lão hóa mạch máu theo tuổi tác.

Đặc điểm giải phẫu của hệ tĩnh mạch tinh hoàn: Theo các nghiên cứu, khoảng 80-90% các trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra ở bên trái. Sự khác biệt về giải phẫu giữa tĩnh mạch tinh hoàn trái và phải lý giải cho điều này. Tĩnh mạch tinh hoàn trái thường đổ vào tĩnh mạch thận trái theo góc vuông, trong khi tĩnh mạch tinh hoàn phải đổ vào tĩnh mạch chủ dưới theo góc xiên hơn. Điều này làm cho dòng chảy máu ở bên trái có nguy cơ bị cản trở nhiều hơn. Mặt khác, áp lực trong tĩnh mạch thận trái thường cao hơn tĩnh mạch chủ dưới làm gia tăng áp lực lên tĩnh mạch tinh hoàn trái, góp phần vào sự hình thành giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Nguyên nhân thứ phát: Giãn tĩnh mạch thừng tinh thứ phát thường xảy ra do các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến dòng chảy tĩnh mạch, chẳng hạn như chèn ép hoặc tăng áp lực nội tĩnh mạch.

Chèn ép tĩnh mạch tinh hoàn: Một số cấu trúc trong cơ thể có thể gây chèn ép lên tĩnh mạch thận trái, làm cản trở dòng máu và dẫn đến giãn tĩnh mạch thừng tinh như:

+ Hội chứng kẹp tĩnh mạch thận: đây là tình trạng tĩnh mạch thận trái bị chèn ép giữa động mạch chủ bụng và động mạch mạc treo tràng trên. Sự chèn ép này làm tăng áp lực trong tĩnh mạch thận và tĩnh mạch tinh hoàn, biểu hiện triệu chứng đau vùng bẹn hoặc đau lưng kèm theo tiểu máu vi thể kéo dài.

+ Sự chèn ép từ các mạch máu lớn: Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng sự chèn ép của động mạch chậu lên tĩnh mạch chậu cũng có thể ảnh hưởng đến dòng máu trở về của tĩnh mạch tinh hoàn.

+ Khối u chèn ép vùng chậu: Các khối u vùng chậu hoặc sau phúc mạc (như ung thư thận, ung thư tinh hoàn, hoặc hạch lympho mở rộng) có thể gây chèn ép vào tĩnh mạch tinh hoàn, làm cản trở dòng máu chảy về tim và dẫn đến giãn tĩnh mạch thừng tinh. Các trường hợp người lớn tuổi có giãn tĩnh mạch thừng tinh xuất hiện đột ngột ở bên phải cần được kiểm tra kỹ lưỡng để loại trừ bệnh lý ác tính.

Tăng áp lực ổ bụng: Những tình trạng gây tăng áp lực trong ổ bụng, chẳng hạn như ho mãn tính, táo bón kéo dài, hoặc nâng vật nặng thường xuyên, có thể làm gia tăng áp lực trong hệ thống tĩnh mạch và góp phần vào sự phát triển của giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Yếu tố di truyền: Một số nghiên cứu lớn cho thấy giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể có yếu tố di truyền, đặc biệt trong các trường hợp gia đình có nhiều người mắc bệnh. Các nghiên cứu này đã xác định một số biến thể gen có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống tĩnh mạch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh..

Táo bón kéo dài gây tăng áp lực ổ bụng nguy cơ giãn tĩnh mạch thừng tinh

Táo bón kéo dài gây tăng áp lực ổ bụng nguy cơ giãn tĩnh mạch thừng tinh



Các biện pháp chẩn đoán Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh cần dựa trên lâm sàng kết hợp với cận lâm sàng nhằm xác định mức độ giãn tĩnh mạch, đánh giá ảnh hưởng của bện tới khả năng sinh sản.

Khám lâm sàng: 

Bác sĩ sẽ thăm khám bộ phận sinh dục để phát hiện giãn tĩnh mạch thừng tinh, thường được thực hiện khi bệnh nhân đứng thẳng trong phòng có nhiệt độ bình thường để tránh co rút bìu. Quan sát và sờ nắn vùng bìu khi bệnh nhân đứng có thể thấy khối tĩnh mạch ngoằn ngoèo như "búi giun", đặc biệt là bên trái. Khi sờ nắn thừng tinh bằng hai ngón tay, có thể cảm nhận được các tĩnh mạch giãn.

Nghiệm pháp Valsalva giúp phát hiện các trường hợp nhẹ hơn bằng cách yêu cầu bệnh nhân rặn mạnh hoặc ho, làm tăng áp lực trong ổ bụng. Nếu có giãn tĩnh mạch thừng tinh, các tĩnh mạch sẽ phình to rõ rệt do máu trào ngược.

Nếu giãn tĩnh mạch thừng tinh xuất hiện đột ngột, đặc biệt ở bên phải, cần lưu ý nguy cơ có khối u sau phúc mạc hoặc bệnh lý ác tính.

Cận lâm sàng

Siêu âm Doppler tinh hoàn: là phương pháp đánh giá chính cho biết kích thước và tình trạng dòng chảy của tĩnh mạch tinh hoàn. Tiêu chuẩn chẩn đoán gồm đường kính tĩnh mạch tinh hoàn ≥ 3mm khi nghỉ và có dòng chảy ngược khi làm nghiệm pháp Valsalva. Siêu âm có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn khám lâm sàng, giúp phát hiện những trường hợp nhẹ.

Đo nhiệt độ bìu bằng nhiệt ký hồng ngoại: có thể phát hiện tình trạng tăng nhiệt độ tinh hoàn, gián tiếp phản ánh sự suy giảm điều hòa nhiệt độ do máu ứ trệ.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp CT ổ bụng: được chỉ định khi nghi ngờ nguyên nhân thứ phát gây giãn tĩnh mạch thừng tinh. Kỹ thuật này giúp phát hiện các khối u chèn ép, như ung thư thận hoặc các khối u khác vùng chậu, sau phúc mạc.

Tinh dịch đồ: giúp đánh giá chất lượng tinh trùng, phát hiện các bất thường thường gặp ở bệnh nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh như giảm số lượng tinh trùng, giảm khả năng di động của tinh trùng, gia tăng tỷ lệ tinh trùng dị dạng và tăng mức độ phân mảnh ADN tinh trùng do stress oxy hóa.

Xét nghiệm máu: Định lượng hormone sinh dục như FSH, LH, testosterone giúp đánh giá chức năng tinh hoàn và chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý làm giảm chất lượng tinh trùng khác. Ở bệnh nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh nặng, FSH có thể tăng, phản ánh suy giảm chức năng sinh tinh.

Siêu âm doppler tinh hoàn giúp chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh

Siêu âm doppler tinh hoàn giúp chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh



Các biện pháp điều trị Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh nhằm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng tinh trùng và hỗ trợ khả năng sinh sản ở những bệnh nhân bị hiếm muộn do bệnh. Phương pháp điều trị có thể theo dõi bảo tồn hoặc can thiệp ngoại khoa tùy theo mức độ bệnh và triệu chứng lâm sàng.

Điều trị nội khoa:

Những trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh nhẹ, không có triệu chứng rõ ràng hoặc không ảnh hưởng đến tinh dịch đồ có thể được theo dõi định kỳ mà không cần can thiệp. Bệnh nhân được khuyến khích thay đổi lối sống như tránh đứng lâu, hạn chế tập luyện nặng, duy trì cân nặng hợp lý và áp dụng chế độ ăn giàu chất xơ để tránh táo bón. Sử dụng quần lót nâng đỡ bìu có thể giúp giảm cảm giác nặng và khó chịu.

Thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen có thể được dùng khi có triệu chứng đau nhẹ. Bệnh nhân có thể bổ sung các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E hoặc L-carnitine giúp nâng cao chất lượng tinh trùng.

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật được chỉ định khi giãn tĩnh mạch thừng tinh gây đau kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng hoặc dẫn đến vô sinh. Các phương pháp phẫu thuật phổ biến gồm:

Phẫu thuật vi phẫu thắt tĩnh mạch tinh: đây là phương pháp hiệu quả nhất, với tỷ lệ biến chứng thấp và giúp bảo tồn hệ thống mạch máu của tinh hoàn. Bác sĩ sử dụng kính hiển vi để thắt tĩnh mạch tinh giãn thông qua đường rạch nhỏ ở bẹn.

Phẫu thuật nội soi: được thực hiện qua các lỗ trocar nhỏ trên thành bụng, phù hợp với những trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh hai bên. Tuy nhiên, phương pháp này có nguy cơ cao hơn về tổn thương động mạch tinh hoàn và có thể gây tràn dịch màng tinh hoàn.

Nút mạch can thiệp: Thủ thuật này được thực hiện bằng cách đưa ống thông vào tĩnh mạch đùi hoặc tĩnh mạch cảnh trong để bơm chất gây tắc vào tĩnh mạch tinh bị giãn. Đây là lựa chọn ít xâm lấn nhưng hiệu quả thấp hơn so với phẫu thuật vi phẫu.

Sau điều trị phẫu thuật, bệnh nhân cần được theo dõi tinh dịch đồ sau khoảng 3 đến 6 tháng để đánh giá sự cải thiện chất lượng tinh trùng. 

Dự phòng giãn tĩnh mạch thừng tinh: 

Hiện chưa có biện pháp đặc hiệu để ngăn ngừa hoàn toàn giãn tĩnh mạch thừng tinh, đặc biệt là các trường hợp nguyên phát do yếu tố giải phẫu. Tuy nhiên, một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ tiến triển hoặc hạn chế biến chứng của bệnh:

Thay đổi lối sống: Duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp cải thiện lưu thông máu và giảm nguy cơ ứ trệ tĩnh mạch. 

Hoạt động thể chất thường xuyên, đặc biệt là các bài tập giúp tăng cường tuần hoàn máu như đi bộ, bơi lội hoặc yoga, Tuy nhiên không nên tập luyện quá mức, đặc biệt là nâng tạ nặng hoặc các bài tập gây tăng áp lực ổ bụng đột ngột, vì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng giãn tĩnh mạch.

Kiểm soát yếu tố nguy cơ: Tăng áp lực ổ bụng kéo dài có thể làm ứ trệ máu trong tĩnh mạch thừng tinh. Cần phòng táo bón kéo dài bằng cách bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, uống đủ nước và có chế độ luyện tập hợp lý. Hạn chế đứng hoặc ngồi lâu trong thời gian dài, điều trị tốt các bệnh lý gây ho mãn tính.

Theo dõi định kỳ: Nam giới trong độ tuổi dậy thì và trưởng thành nên tự kiểm tra tinh hoàn thường xuyên để phát hiện các bất thường như cảm giác nặng bìu, đau nhẹ kéo dài hoặc xuất hiện các búi tĩnh mạch giãn. Những người có nguy cơ cao, như tiền sử gia đình có giãn tĩnh mạch thừng tinh hoặc suy tĩnh mạch chi dưới, nên khám nam khoa định kỳ để được phát hiện và điều trị sớm.

Ăn uống lành mạnh, tránh táo bón giúp dự phòng giãn tĩnh mạch thừng tinh

Ăn uống lành mạnh, tránh táo bón giúp dự phòng giãn tĩnh mạch thừng tinh 

Trên đây là các thông tin cần thiết về giãn tĩnh mạch thừng tinh. Để chẩn đoán và điều trị tốt trình trạng này, bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.


Tài liệu tham khảo:

Shiraishi, K., & Matsuyama, H. (2020). "Pathophysiology of varicocele in male infertility in the era of assisted reproductive technology." International Journal of Urology, 27(8), 623-635. doi:10.1111/iju.14260.

Köseoğlu, N., & Köseoğlu, H. (2021). "The role of oxidative stress in varicocele." Turkish Journal of Urology, 47(1), 2-9. doi:10.5152/tud.2021.20455.

Dutta, S., & Sengupta, P. (2021). "Role of nitric oxide in male and female reproduction." Physiology International, 108(1), 16-30. doi:10.1556/2060.2021.00002


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ