Từ điển bệnh lý

Hẹp động mạch thận : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20-03-2025

Tổng quan Hẹp động mạch thận

Một hoặc hai động mạch thận bị hẹp do nhiều nguyên khác nhau là nguyên nhân gây nên bệnh lý tăng huyết áp thứ phát.

Xơ vữa động mạch hoặc loạn sản xơ cơ thường gây ra tình trạng này, trong đó nguyên nhân chính là xơ vữa động mạch. 

Hẹp động mạch thận có thể gây nên nhiều biến chứng trong đó đáng quan tâm là bệnh thận mạn tính và cuối cùng là suy thận.

Tùy vào mức độ hẹp động mạch thận mà điều trị nội khoa hoặc lựa chọn can thiệp tái thông động mạch thận.

 Định nghĩa

Bệnh lý hẹp động mạch thận (RAS) là tình trạng hẹp các động mạch dẫn máu từ tim tới thận. Có hai động mạch thận có nhiệm vụ cấp máu cho cả hai quả thận hai bên. Bệnh nhân có thể chỉ hẹp một động mạch thận nhưng cũng có thể hẹp đồng thời cả hai động mạch thận hai bên và là căn nguyên của tăng huyết áp, bệnh thận mạn tính hoặc suy thận.

 Dịch tễ học

Tỷ lệ bệnh nhân hẹp động mạch thận có thể thấp hơn ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp ở mức độ nhẹ, tuy nhiên tỷ lệ này tăng lên rất nhiều ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp nặng như tăng huyết áp độ 3 hoặc là đặc biệt trên các bệnh nhân tăng huyết áp cấp cứu (kể cả khi kết hợp với tình trạng tăng huyết áp trước đó), các bệnh nhân tăng huyết áp kháng trị khi đã sử dụng đủ 3 nhóm thuốc huyết áp trong đó có một nhóm là lợi tiểu mà huyết áp vẫn không được kiểm soát theo mục tiêu. 

Bệnh nhân bị loạn sản xơ cơ có liên quan đến động mạch thận trong khoảng 75% đến 80% các trường hợp. Nữ giới hay gặp loạn sản xơ cơ hơn nam.



Nguyên nhân Hẹp động mạch thận

  • Xơ vữa động mạch (60% đến 90%): nam giới có nguy cơ mắc xơ vữa cao hơn. Khi nồng độ cholesterol máu cao, tạo thành các mảng bám bên trong lòng mạch trong đó có động mạch thận. Các động mạch này bị cứng lại, tạo thành các tổn thương sẹo dẫn đến hẹp lại và hậu quả là làm giảm lưu lượng máu đi qua. Đây là nguyên nhân hay gặp nhất trên các bệnh nhân hẹp động mạch thận.
  • Loạn sản xơ cơ (10% đến 30%): cơ ở thành động mạch không phát triển như bình thường. Bệnh này thường xuất hiện ngay từ còn nhỏ. Có các đoạn động mạch thận hẹp và rộng hơn xen kẽ nhau. Lưu lượng máu đi qua những vị trí hẹp này thường bị hạn chế. Điều này có thể dẫn đến huyết áp cao ở độ tuổi trẻ và có thể xảy ra ở một hoặc cả hai quả thận.Khác với xơ vữa động mạch thường tăng lên theo tuổi càng tăng thì loạn sản xơ cơ lại hay gặp ở các bệnh nhân dưới 50 tuổi. 

Hẹp động mạch thận do xơ vữa động mạch

Hẹp động mạch thận do xơ vữa động mạch



Triệu chứng Hẹp động mạch thận

Các triệu chứng của hẹp động mạch thận có thể khó phát hiện ở những giai đoạn đầu. Người bệnh chỉ bắt đầu cảm nhận được khi RAS đã gây nên nhiều biến chứng đặc biệt là huyết áp cao.

Thầy thuốc nên nghĩ đến hẹp động mạch thận nếu bệnh nhân có các đặc điểm sau đây:

  • Tăng huyết áp đột ngột ở người trẻ trước 30 tuổi..
  • Trên 50 tuổi khi họ bị huyết áp cao hoặc huyết áp tăng đáng kể không có lý do.
  • Gia đình không có tiền sử bị tăng huyết áp.
  • Tăng huyết áp kháng trị.

Các triệu chứng của sự suy giảm đáng kể chức năng thận bao gồm

  • Đa niệu hoặc thiểu niệu.
  • Phù.
  • Mệt mỏi.
  • Ngứa.
  • Da khô, sẫm màu.
  • Đau đầu.
  • Khó thở.
  • Giảm cân bất thường.
  • Chán ăn, không có cảm giác ngon miệng.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Mất ngủ.
  • Khó tập trung.
  • Chuột rút.

Khi hẹp động mạch thận tiến triển, bệnh nhân có thể có các triệu chứng:

  • Huyết áp cao khó kiểm soát dù đã được điều trị tối ưu.
  • Tiếng rít khi máu chảy qua mạch máu bị hẹp (tiếng thổi), bác sĩ sẽ nghe thấy tiếng này qua ống nghe đặt trên thận của bệnh nhân.
  • Xét nghiệm nước tiểu có protein
  • Giảm mức lọc cầu thận.
  • Phù, tràn dịch các màng.
  • Suy tim kháng trị.


Hẹp động mạch thận gây tăng huyết áp



Các biến chứng Hẹp động mạch thận

  • Bệnh thận mãn tính (CKD).
  • Bệnh thận giai đoạn cuối.
  • Bệnh động mạch vành. 
  • Tăng huyết áp.
  • Đột quỵ não.
  • Bệnh mạch máu ngoại biên.
  • Khó thở.
  • Teo thận (kích thước thận giảm)..



Đối tượng nguy cơ Hẹp động mạch thận

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính gây ra tình trạng hẹp động mạch thận. Xơ vữa động mạch phát triển khi mảng bám (một chất dính chủ yếu được tạo thành từ chất béo và cholesterol) tích tụ trên thành động mạch. Các yếu tố nguy cơ của RAS bao gồm:

  • Cholesterol, LDL-Cholesterol máu cao.
  • Huyết áp cao.
  • Kháng insulin.
  • Bệnh đái tháo đường.
  • Bệnh động mạch vành.
  • Bệnh động mạch ngoại biên.
  • Bệnh thận mạn tính.
  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • Ít tập thể dục.
  • Hút thuốc lá hoặc làm việc trong môi trường nhiều khói thuốc lá.
  • Ăn mặn.
  • Thường xuyên ăn đồ ngọt, nhiều tinh bột, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa như mỡ, nội tạng, đồ ăn chế biến sẵn.
  • Tuổi cao: trên 45 tuổi đối với nam hoặc trên 55 tuổi nếu là nữ giới.
  • Có bố, mẹ, anh, chị, em ruột mắc bệnh lý tim mạch từ trẻ.

Các yếu tố nguy cơ gây ra RAS do loạn sản xơ cơ động mạch thận (Fibromuscular dysplasia-FMD) vẫn chưa được biết rõ, nhưng FMD phổ biến nhất ở phụ nữ và những người từ 25 đến 50 tuổi. Loạn sản xơ cơ động mạch thận liên quan đến yếu tố di truyền và có thể ảnh hưởng đến người thân trong cùng gia đình.


Chế độ ăn nhiều natri làm tổn thương thận


Phòng ngừa Hẹp động mạch thận

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc RAS bằng cách:

  • Chế độ ăn uống lành mạnh: hạn chế chất béo bão hòa, natri và đường.
  • Tập thể dục đều đặn hàng ngày.
  • Giảm cân.
  • Không hút thuốc lá.
  • Điều trị tăng huyết áp (nếu có).

Duy trì cân nặng hợp lý giúp giảm nguy cơ bệnh thận

Duy trì cân nặng hợp lý giúp giảm nguy cơ bệnh thận

Hẹp động mạch thận (RAS), hay bệnh động mạch thận, xảy ra khi các động mạch đưa máu đến thận của bạn trở nên quá hẹp. Xơ vữa động mạch (mảng bám tích tụ trong động mạch) là nguyên nhân phổ biến nhất. Hẹp động mạch thận có thể gây tăng huyết áp, bệnh thận mạn và suy thận. Thay đổi lối sống và dùng thuốc là những phương pháp điều trị phổ biến nhất cho RAS. Duy trì một lối sống lành mạnh đồng thời chủ động khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn dự phòng được các yếu tố nguy cơ gây ra xơ vữa động mạch chính là căn nguyên lớn nhất của bệnh lý hẹp động mạch thận.


Các biện pháp chẩn đoán Hẹp động mạch thận

- Khám lâm sàng: kiểm tra huyết áp, kiểm tra tình trạng phù. Bác sĩ có thể đặt ống nghe gần thận của bệnh nhân để nghe tiếng rít do máu chảy qua động mạch bị hẹp thường tạo ra tiếng rít. 

- Xét nghiệm chức năng thận: 

  • Xét nghiệm máu (ure, creatinin).
  • Xét nghiệm nước tiểu (creatinin, protein).

- Chẩn đoán hình ảnh: 

  • Siêu âm doppler động mạch thận: dễ tiếp cận nhất, rẻ tiền và thường được sử dụng đầu tay, tuy nhiên phụ thuộc khá nhiều vào người thực hiện và có thể tốn nhiều thời gian, siêu âm có thể ghi nhận tăng vận tốc đỉnh tâm thu (PSV) trên 180cm/s, giảm chỉ số trở kháng động mạch thận (RI): <0,55 ở hẹp nặng, thời gian tăng tốc nội mô >0,07 giây, dòng chảy hỗn loạn trong vùng sau hẹp (hẹp trên 60%), RAR từ 1,5-2,5 nếu hẹp dưới 60%, RAR >3,5 nếu hẹp trên 60%.
  • CT động mạch thận: Độ nhạy và độ đặc hiệu là 90-99% đã được báo cáo. Đánh giá tốt giải phẫu động mạch thận, kể cả các động mạch thận phụ nhưng không đánh giá được huyết động như vận tốc dòng chảy, và cần tiêm thuốc cản quang khi chụp.
  • MRI động mạch thận: độ nhạy và đặc hiệu tương tự DSA, có thể xác định các động mạch thận phụ, tưới máu thận và mức lọc cầu thận, cần tiêm chất tương phản khi chụp.
  • Chụp động mạch thận số hóa xóa nền (DSA): có giá trị chẩn đoán cao nhất tuy nhiên không được sử dụng thường quy, chỉ sử dụng khi có kế hoạch can thiệp tái thông động mạch thận, hoặc lâm sàng và xét nghiệm khác nghi ngờ có hẹp mà siêu âm, CTA hoặc MRA không thể chẩn đoán được.

 Chẩn đoán phân biệt

  • Tổn thương thận cấp tính.
  • Viêm cầu thận mạn tính.
  • Bệnh thận mạn tính (CKD).
  • Tăng huyết áp.
  • Xơ hóa thận.
  • Bệnh thận do tăng huyết áp.
  • Bệnh urê huyết.

Các biện pháp điều trị Hẹp động mạch thận

Một số thuốc dùng trong điều trị bệnh động mạch thận:

  • Thuốc chống huyết khối: Aspirin 81-100mg/ngày hoặc Clopidogrel 75mg/ngày.
  • Thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin.
  • Thuốc chẹn beta giao cảm.
  •  Thuốc chẹn kênh canxi có tác dụng kiểm soát huyết áp.
  • Thuốc lợi tiểu.
  • Statin.

Mức độ hẹp động mạch thận cần can thiệp phải lớn hơn 80% ở những bệnh nhân bị hẹp hai bên hoặc hẹp ở một bên thận đang hoạt động bất kể họ có suy thận hay không.

Khi chức năng thận bình thường hoặc gần bình thường, nên tiến hành tái thông mạch máu để phòng ngừa suy thận nếu bệnh nhân đáp ứng các tiêu chí đã sau:

  • Mức độ hẹp động mạch thận lớn hơn 80% đến 85%.
  • Mức độ RAS là 50% đến 80% và xạ hình thận với captopril cho thấy có hẹp động mạch thận trong thận.

Khi có bất thường về chức năng thận, tiêu chuẩn tái thông mạch thận như sau:

  • Mức creatinin huyết thanh thấp hơn 4 mg/dL.
  • Mức creatinin huyết thanh lớn hơn 4 mg/dL nhưng có thể có huyết khối động mạch thận gần đây.
  • Hẹp động mạch thận trên 80%.
  • Bệnh nhân điều trị thuốc ức chế men chuyển angiotensin bị tăng creatinin máu.
  • Mức độ hẹp là 50% đến 80% và RAS dương tính trên CT.

Phẫu thuật trong trường hợp hẹp động mạch thận nặng không đáp ứng với điều trị nội khoa. Hai loại phẫu thuật mạch máu chính cho RAS bao gồm:

  • Nong mạch và đặt stent: Bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa một ống thông (ống mỏng, mềm dẻo) vào động mạch thận bị hẹp, thổi phồng một quả bóng nhỏ bên trong động mạch của bệnh nhân để mở rộng động mạch. Tiếp theo, họ sẽ đặt một stent vào động mạch để giữ cho động mạch mở và giúp máu tiếp tục chảy đến thận của bạn. Nong mạch và đặt stent động mạch thận là một thủ thuật ít xâm lấn và là loại phẫu thuật phổ biến nhất đối với RAS.
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch thận: Bác sĩ phẫu thuật sẽ chuyển hướng dòng máu đến thận bằng cách bắc cầu động mạch thận bị hẹp hoặc tắc. Họ sử dụng một mảnh ghép mạch máu hoặc một ống nhân tạo.
  • Phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch thận.

 Nếu bạn cảm thấy mình đang có nguy cơ mắc bệnh lý hẹp động mạch thận hoặc các vấn đề về rối loạn chuyển hóa tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hãy liên hệ ngay từ hôm nay với Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các chuyên gia tư vấn kịp thời nhằm hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Số điện thoại đặt lịch tổng đài 24/7: 1900 56 56 56 



Tài liệu tham khảo:

  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430718/#:~:text=Renal%20artery%20stenosis%20is%20narrowing,dysplasia%20most%20often%20cause%20it.
  • https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/renal-artery-stenosis/symptoms-causes/syc-20352777
  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17422-renal-artery-disease
  • https://emedicine.medscape.com/article/245023-differential
  • https://www.niddk.nih.gov/health-information/kidney-disease/renal-artery-stenosis
  • https://radiopaedia.org/articles/renal-artery-stenosis
  • https://bsgdtphcm.vn/api/fullcontent.php?id=3409


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ