Từ điển bệnh lý

Hẹp môn vị : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 06-03-2025

Tổng quan Hẹp môn vị

Bệnh lý hẹp môn vị chỉ tình trạng tắc nghẽn hoặc thu hẹp bất thường tại môn vị - đây là đoạn cuối của dạ dày nối với tá tràng. Điều này làm cản trở sự di chuyển của thức ăn từ dạ dày xuống ruột non. 

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, đặc biệt trong khoảng từ 2 - 6 tuần tuổi. Nguyên nhân thường liên quan đến sự phì đại cơ môn vị (pyloric stenosis), trong khi ở người lớn, bệnh có thể do viêm loét dạ dày, khối u hoặc các tổn thương khác gây ra.

Hẹp môn vị là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nôn trớ nghiêm trọng ở trẻ nhỏ và cần can thiệp y tế khẩn cấp để tránh các biến chứng nguy hiểm. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng, mất nước và rối loạn điện giải. 

Tuy nhiên hiện nay, nhờ các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại và tiến bộ trong phẫu thuật, phần lớn các trường hợp hẹp môn vị có thể được điều trị hiệu quả với tiên lượng tốt.



Nguyên nhân Hẹp môn vị

Hẹp môn vị có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Có thể kể đến một số nguyên nhân chính như:

  • Hẹp môn vị bẩm sinh: Đây là nguyên nhân gây bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh, xảy ra khi lớp cơ vòng môn vị (phần nối giữa dạ dày và tá tràng) phát triển quá dày, làm hẹp đường lưu thông thức ăn. Nguyên nhân cụ thể của hiện tượng này chưa được xác định rõ, nhưng có thể liên quan đến yếu tố di truyền và môi trường.
  • Viêm loét dạ dày: Ở người lớn, viêm loét dạ dày tá tràng có thể dẫn đến hình thành sẹo hoặc viêm nhiễm tại môn vị, từ đó gây hẹp và làm tắc nghẽn môn vị. 
  • Khối u hoặc tổn thương: Các khối u lành tính hoặc ác tính ở vùng môn vị có thể gây chèn ép và làm hẹp đường tiêu hóa.
  • Các nguyên nhân khác: Một số trường hợp hẹp môn vị liên quan đến bệnh lý như viêm tụy, dị tật đường tiêu hóa bẩm sinh, hoặc tác động từ các loại thuốc,…



Triệu chứng Hẹp môn vị

Triệu chứng của bệnh hẹp môn vị thường tiến triển qua các giai đoạn với mức độ nghiêm trọng tăng dần:

Giai đoạn đầu

Đau bụng: Trong giai đoạn này, bệnh nhân thường đau bụng thượng vị (vùng trên rốn). Đau xuất hiện sau ăn, kèm cảm giác đầy bụng, khó tiêu. 

Giai đoạn tiến triển: 

  • Đau bụng tăng: Bệnh nhân đau bụng tăng, xuất hiện khoảng 2 – 3 giờ sau khi ăn, cơn đau kéo dài và liên tục. 
  • Buồn nôn và nôn: Nôn ra thức ăn của bữa trước cùng dịch dạ dày màu xanh đen; sau nôn, cảm giác đau giảm. 
  • Đầy bụng, chướng bụng: Người bệnh có thể có cảm giác khó tiêu, ậm ạch sau ăn. 
  • Mất nước và sụt cân: Do nôn nhiều và ăn uống kém, dẫn đến cơ thể mệt mỏi, da khô, tiểu ít và táo bón. 

Hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh có thể gây nôn trớ, trào ngược cho trẻ.

Hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh có thể gây nôn trớ, trào ngược cho trẻ.

Giai đoạn cuối

  • Đau bụng liên tục: Đau âm ỉ, cảm giác đầy bụng, ăn uống khó tiêu. 
  • Nôn nhiều: Nôn ra nhiều dịch ứ đọng và thức ăn từ các bữa trước; dịch nôn có mùi thối. 
  • Suy kiệt cơ thể: Suy sụp toàn thân rõ rệt, biểu hiện mất nước, da khô nhăn nheo, mặt hốc hác, mắt lõm sâu; có thể lơ mơ do tăng ure huyết hoặc co giật do hạ canxi máu. 

Việc nhận biết sớm các triệu chứng và thăm khám kịp thời là quan trọng để chẩn đoán và điều trị hiệu quả hẹp môn vị, tránh các biến chứng nguy hiểm.



Đối tượng nguy cơ Hẹp môn vị

Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý hẹp môn vị, như: 

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Tình trạng hẹp môn vị bẩm sinh thường xuất hiện ở bé trai dưới 6 tuần tuổi. Nguy cơ cao hơn ở trẻ sinh non hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tương tự.
  • Người trưởng thành có vấn đề dạ dày: Những người có tiền sử viêm loét dạ dày – tá tràng lâu năm, từng bị viêm hoặc nhiễm khuẩn dạ dày kéo dài,… có thể gây ra sẹo hoặc hẹp tại vùng môn vị.
  • Người mắc các bệnh lý mãn tính: Những người mắc ung thư dạ dày, khối u tại dạ dày hoặc vùng lân cận có thể chèn ép hoặc gây tắc nghẽn môn vị. Ngoài ra, người mắc các bệnh như viêm tụy mãn tính, dẫn đến tổn thương và xơ hóa mô xung quanh môn vị.
  • Người sử dụng thuốc hoặc hoá chất độc hại: Những người thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAIDs), đặc biệt khi không có bảo vệ niêm mạc dạ dày. Hay những người tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại hoặc hút thuốc lá lâu năm làm tăng nguy cơ viêm loét và tổn thương dạ dày.
  • Yếu tố di truyền: Tiền sử gia đình mắc bệnh về dạ dày, đặc biệt là hẹp môn vị hoặc loét dạ dày tá tràng. 
  • Người có thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Chế độ ăn uống không khoa học: ăn nhiều đồ cay, nóng, chua hoặc uống rượu bia thường xuyên. Căng thẳng kéo dài, làm tăng tiết acid dạ dày và nguy cơ loét.



Phòng ngừa Hẹp môn vị

Hẹp môn vị là một bệnh lý phức tạp, khó phòng ngừa tuyệt đối do có liên quan đến nhiều yếu tố bẩm sinh hoặc bệnh lý nền. Tuy nhiên, một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc phát hiện sớm, bao gồm:

  • Phòng ngừa từ khi mang thai: Thai phụ cần duy trì chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng để hỗ trợ sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi, giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh. Kiểm tra thai kỳ định kỳ và tránh sử dụng các loại thuốc, hóa chất hoặc chất kích thích (như rượu, thuốc lá) trong thai kỳ để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
  • Phòng ngừa cho trẻ nhỏ: Nuôi con bằng sữa mẹ giúp cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và tăng cường miễn dịch, giúp trẻ phát triển tốt hơn và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa. Tránh cho trẻ ăn quá no hoặc sử dụng thực phẩm khó tiêu.
  • Ngăn ngừa viêm loét dạ dày tá tràng ở người lớn: Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế stress, ăn uống đúng giờ để giảm nguy cơ loét dạ dày. Nếu có dấu hiệu nhiễm H. pylori, cần điều trị kịp thời để tránh biến chứng loét và hẹp môn vị.
  • Khám sức khoẻ định kỳ: Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa, đặc biệt ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh.
  • Theo dõi các triệu chứng sớm: Nếu trẻ có các biểu hiện như nôn ói nhiều, giảm cân, chậm tăng trưởng, cần đưa trẻ đi khám ngay.

Phát hiện sớm tình trạng hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh

Phát hiện sớm tình trạng hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh

Các câu hỏi thường gặp ở bệnh lý hẹp môn vị

Hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? 

Hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh là một tình trạng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh có thể gây ra suy dinh dưỡng, mất nước, rối loạn điện giải, chậm phát triển cho trẻ,… Tuy nhiên, hẹp môn vị có thể được điều trị hiệu quả, chủ yếu bằng phẫu thuật. Việc can thiệp y tế kịp thời giúp trẻ hồi phục hoàn toàn và phát triển bình thường. 

Nguyên nhân gây phì đại cơ môn vị ở trẻ sơ sinh là gì? 

Phì đại cơ môn vị là nguyên nhân chính gây hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân cụ thể chưa được xác định rõ ràng, nhưng các yếu tố có thể góp phần gồm: 

  • Di truyền: Trẻ có người thân trong gia đình mắc bệnh hẹp môn vị có nguy cơ cao hơn. 
  • Môi trường và hormone: Một số nghiên cứu cho thấy hormone gastrin từ mẹ trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cơ môn vị. 
  • Yếu tố giới tính: Trẻ trai có nguy cơ mắc bệnh cao hơn trẻ gái, với tỷ lệ khoảng 4:1. 
  • Sử dụng thuốc trong thai kỳ: Một số thuốc như erythromycin dùng cho mẹ hoặc trẻ trong giai đoạn sơ sinh có thể tăng nguy cơ phì đại cơ môn vị. 

Phẫu thuật hẹp môn vị có nguy hiểm không? 

Phẫu thuật hẹp môn vị (thủ thuật cắt cơ môn vị) là phương pháp điều trị tiêu chuẩn và thường có tỷ lệ thành công rất cao. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể có một số biến chứng như: 

  • Biến chứng trong và sau phẫu thuật: Như nhiễm trùng, tổn thương mô xung quanh hoặc chảy máu, nhưng tỷ lệ này rất thấp nếu được thực hiện bởi đội ngũ chuyên môn. 
  • Trẻ sơ sinh yếu: Nếu trẻ bị mất nước, suy dinh dưỡng nặng hoặc rối loạn điện giải trước phẫu thuật, cần điều trị ổn định trước khi tiến hành mổ. 

Tuy nhiên hiện nay, với kỹ thuật hiện đại, phẫu thuật hẹp môn vị thường an toàn và hiệu quả, giúp trẻ hồi phục nhanh chóng mà không để lại di chứng lâu dài.



Các biện pháp chẩn đoán Hẹp môn vị

Chẩn đoán hẹp môn vị thường dựa trên kết hợp khai thác tiền sử bệnh, thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng:

Lâm sàng

Bác sĩ sẽ kết hợp hỏi bệnh về các triệu chứng gặp phải như buồn nôn, nôn ra thức ăn,... Với trẻ sơ sinh, bố mẹ có thể nhận biết thông qua triệu chứng nôn ra sữa sau bú, kèm dấu hiệu mất nước hoặc sụt cân,… 

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ khai thác tiền sử gia đình hoặc các yếu tố nguy cơ như viêm loét dạ dày tá tràng, sử dụng thuốc NSAIDs lâu dài, hoặc ung thư dạ dày,… Tiến hành thăm khám kiểm tra bụng, phát hiện các dấu hiệu dạ dày giãn, sóng nhu động dạ dày nhìn thấy qua thành bụng. Kiểm tra tình trạng mất nước, thiếu máu, và sụt cân.

Xét nghiệm cận lâm sàng 

Tuỳ thuộc vào triệu chứng và lâm sàng người bệnh có mà bác sĩ có thể chỉ định thêm các cận lâm sàng sau: 

  • Siêu âm bụng: Đây là phương pháp phổ biến để chẩn đoán hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh. Hình ảnh siêu âm cho thấy môn vị phì đại hoặc dài ra bất thường.
  • Chụp X-quang dạ dày – tá tràng: Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang với thuốc cản quang (Baryt). Kết quả cho thấy hình ảnh dạ dày giãn và không có sự lưu thông thức ăn qua môn vị.
  • Nội soi dạ dày: Đây là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán, đặc biệt ở người lớn. Nội soi giúp quan sát trực tiếp môn vị, xác định tình trạng viêm, loét, hoặc khối u chèn ép gây hẹp.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra mất cân bằng điện giải, thiếu máu, hoặc tình trạng nhiễm kiềm chuyển hóa do nôn nhiều.

Nội soi dạ dày tá tràng giúp chẩn đoán bệnh lý hẹp môn vị.

Nội soi dạ dày tá tràng giúp chẩn đoán bệnh lý hẹp môn vị. 



Các biện pháp điều trị Hẹp môn vị

Điều trị hẹp môn vị phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của bệnh, và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Các biện pháp điều trị chính bao gồm:

Điều trị nội khoa

  • Điều chỉnh dinh dưỡng: Nếu tình trạng bệnh không nghiêm trọng, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng chế độ ăn uống cân bằng, ăn lỏng hoặc các thực phẩm dễ tiêu hoá. Nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch hoặc qua ống sonde dạ dày trong trường hợp nặng. 
  • Dùng thuốc: Dùng thuốc giảm tiết acid dạ dày (như proton-pump inhibitors - PPIs) để giảm viêm loét dạ dày, giúp giảm triệu chứng.
  • Điều trị triệu chứng kèm theo: Nếu có viêm loét hoặc nhiễm khuẩn liên quan, cần phối hợp điều trị bằng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.
  • Hồi sức cấp cứu: Trong trường hợp hẹp môn vị gây mất nước và rối loạn điện giải, cần truyền dịch tĩnh mạch để bù nước, bổ sung điện giải (như natri, kali) và điều chỉnh cân bằng kiềm - toan.

Can thiệp ngoại khoa

Phẫu thuật là phương pháp chính trong điều trị hẹp môn vị do nguyên nhân cơ học, đặc biệt ở trẻ sơ sinh hoặc các trường hợp nặng ở người lớn. Các phương pháp phổ biến:

  • Cắt cơ môn vị: Áp dụng cho trẻ em bị hẹp môn vị phì đại. Phẫu thuật này giúp mở rộng đường tiêu hóa, cải thiện lưu thông thức ăn. Thường được thực hiện qua mổ nội soi, ít xâm lấn và nhanh hồi phục.
  • Cắt bỏ khối u hoặc xử lý dính ruột: Nếu nguyên nhân là u hoặc tổn thương cơ học gây hẹp.
  • Tạo đường lưu thông thức ăn: Tạo đường thông giữa dạ dày và ruột non trong trường hợp không thể khắc phục hẹp môn vị.

Theo dõi và phục hồi sau điều trị

Sau điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi dinh dưỡng, kiểm tra chức năng tiêu hóa. Chế độ ăn nên được xây dựng từ lỏng đến đặc, tăng dần lượng thức ăn theo thời gian để dạ dày thích nghi.

Lưu ý: Điều trị cần được thực hiện tại cơ sở y tế chuyên khoa dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Mọi phương pháp đều phải tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể và tình trạng của từng bệnh nhân.

Hiểu rõ về hẹp môn vị và mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phát hiện và điều trị bệnh. Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, đừng ngần ngại liên hệ với Hệ thống y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.



Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ