Từ điển bệnh lý

Hẹp ống sống : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 22-09-2021

Tổng quan Hẹp ống sống

Ống sống là cấu trúc nằm sau cột sống, đây là khoang chứa tủy sống – thần kinh cột sống giúp chi phối hoạt động và cảm giác từ cổ xuống.

Hẹp ống sống là tình trạng các rễ thần kinh bị chèn ép bởi một số yếu tố bệnh lý, dẫn đến các triệu chứng như đau, tê, yếu. Tất cả các đoạn của cột sống đều có thể bị hẹp, trong đó hẹp tại đoạn cổ và đoạn thắt lưng là phổ biến nhất. Hầu hết trong đời mỗi người có ít nhất một lần đau liên quan đến cột sống, đa phần hồi phục mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, hẹp ống sống lại là chỉ định phổ biến nhất cho phẫu thuật cột sống ở những người trên 65 tuổi. Không có tiêu chuẩn khách quan duy nhất để xác định hẹp ống sống. Việc chẩn đoán dựa trên sự phối hợp các triệu chứng, dấu hiệu, phát hiện hình ảnh và các tình trạng bệnh lý nền đi kèm.

Hẹp ống sống thường gặp ở người lớn tuổi nhưng việc dự đoán cá nhân nào có thể phát triển tình trạng hẹp ống sống hay các triệu chứng là không thể. Tại Hoa Kỳ, hẹp ống sống rất thường gặp ở những người cao tuổi đến khám tại phòng khám. Hẹp ống sống có thể gặp ở các độ tuổi sớm hơn thường do dị tật bẩm sinh, còn ở người lớn tuổi thường do nguyên nhân thoái hóa. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 1/1000 người trên 65 tuổi và khoảng 5/1000 người trên 50 tuổi có khả năng bị hẹp ống sống. Tỷ lệ lưu hành của căn bệnh này được dự đoán sẽ tăng lên khoảng 18 triệu người trong thập kỷ tới.

Hình ảnh mô tả hẹp ống sống

Hình ảnh hẹp ống sống (đoạn màu đỏ) dẫn đến chèn ép trong khoang nội tủy (màu vàng)


Nguyên nhân Hẹp ống sống

1. Nguyên nhân

Hẹp ống sống có thể do căn nguyên bẩm sinh hoặc mắc phải.

  • Căn nguyên bẩm sinh - Chiếm 9% các trường hợp hẹp ống sống. Một số nguyên nhân bẩm sinh phổ biến bao gồm: loạn sản xương, cuống sống ngắn, hoại tử xương, gù vẹo cột sống, rối loạn chức năng cột sống, sự phân hóa sớm của vòm đốt sống, hội chứng morquio, …
  • Căn nguyên mắc phải – Chiếm 91% còn lại. Hẹp ống sống mắc phải xảy ra chủ yếu do chấn thương, trượt đốt sống, thoái hóa, các khối u (u mỡ, nang hoạt dịch, u thần kinh,...), xơ hóa dây chằng, phình- thoát vị đĩa đệm, các bệnh lý như viêm cột sống dính khớp- viêm khớp dạng thấp… Đối với các trường hơp phẫu thuật cột sống, hẹp ống sống còn có thể do các dụng cụ cố định đốt sống.

Các yếu tố nguy cơ của hẹp ống sống:

  • Béo phì
  • Tuổi cao
  • Chấn thương cột sống
  • Thoái hóa cột sống, đĩa đệm
  • Có các bệnh lý kèm theo: viêm cột sống dính khớp, lao cột sống,…
  • Phẫu thuật cột sống

2. Cơ chế bệnh sinh

Các triệu chứng thần kinh như đau cột sống liên quan đến hẹp ống sống xảy ra phổ biến nhất do thiếu máu cục bộ hoặc do chèn ép cơ học các rễ thần kinh.

Sự gia tăng chèn ép nội tủy (khoang dưới nhện) do hẹp ống sống cũng có thể gián tiếp dẫn đến sự chèn ép cơ học của rễ thần kinh và gây tắc nghẽn tĩnh mạch, giảm lưu lượng máu động mạch và dẫn đến giảm dẫn truyền xung động ở rễ thần kinh. Khi các tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu bị chèn ép dẫn đến các biểu hiện đau, rối loạn cảm giác theo rễ thần kinh. Các triệu chứng này nặng lên khi người bệnh đi bộ hoặc đứng lâu do khi cột sống ở tư thế đứng thẳng sẽ gây áp lực dồn xuống làm các cấu trúc mềm tại cột sống bè ra và chèn ép nhiều hơn vào thần kinh. Đi bộ cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng vì sự gia tăng nhu cầu oxy của các rễ thần kinh cột sống có thể vượt quá lưu lượng máu có sẵn, đặc biệt là trong trường hợp áp lực tăng cao trong khoang nội tủy.


Triệu chứng Hẹp ống sống

1. Triệu chứng lâm sàng

Đau là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân hẹp ống sống. Đây cũng là triệu chứng khiến người bệnh khó chịu cần đi khám cũng như là triệu chứng giúp bác sĩ theo dõi đáp ứng điều trị. Bệnh nhân đau âm ỉ, liên tục. Triệu chứng đau tăng lên khi người bệnh đứng lâu, thay đổi tư thế, ho hắt hơi,… Trong trường hợp điển hình, người bệnh đau lan dọc theo một đường đi nhất định tương ứng với đường đi của rễ thần kinh bị chèn ép.

Tê bì, rối loạn cảm giác cũng là triệu chứng thường gặp trong bệnh lý hẹp ống sống. Tùy các vị trí ống sống bị hẹp mà người bệnh có thể có biểu hiện tê bì khác nhau. Ví dụ thoát vị đĩa đệm tại đốt sống cổ C6-C7 dẫn đến dấu hiệu tê bì dị cảm tại ngón 2 và ngón 3. Thoát vị C5-C6 lại dẫn đến yếu cơ gấp cẳng tay và dị cảm ở ngón cái. Hẹp ống sống tại thắt lưng L4-L5 có biểu hiện tê bì ngón cái và mu chân.

Yếu, liệt tay chân. Trong những trường hợp hẹp ống sống nặng, chèn ép nhiều vào tủy sống, người bệnh có thể yếu liệt tay chân, rối loạn dáng đi, tay chân vụng về.

Rối loạn cảm giác vùng bụng, giảm nhu động ruột, đại tiệu tiện không tự chủ là những biểu hiện ít gặp song thể hiện tình trạng hẹp ống sống nặng, cần can thiệp phẫu thuật gấp, tránh di chứng thần kinh không phục hồi về sau.

Khám lâm sàng người bệnh có thể mất đường cong sinh lý của cột sống, biến dạng cột sống (gù, vẹo…). Ấn tại chỗ người bệnh thường có điểm đau chói, đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tương ứng với vị trí chèn ép. Rối loạn cảm giác tại chỗ (dị cảm, giảm hoặc mất cảm giác), có thể tăng hoặc giảm phản xạ gân xương, mất khả năng co thắt cơ vòng… Các triệu chứng có thể khác nhau tùy người bệnh. Thậm chí, có nhiều trường hợp hẹp ống sống nhưng không có triệu chứng lâm sàng, chỉ phát hiện tình cờ qua chụp phim.

2. Triệu chứng cận lâm sàng

Xét nghiệm

Các xét nghiệm không được dùng để chẩn đoán tình trạng hẹp ống sống, song có giá trị trong chẩn đoán nguyên nhân, bệnh lý kèm theo.

Chẩn đoán hình ảnh

  • X-quang cột sống

Mặc dù việc xác định chẩn đoán hẹp ống sống bằng chụp X-quang có độ nhạy độ đặc hiệu không cao nhưng đây là phương pháp chụp nhanh chóng chi phí thấp, thuận tiện nên được chỉ định nhiều trên lâm sàng. Các yếu tố giúp chẩn đoán hẹp ống sống trên X-quang là: Hẹp khe đĩa đệm, vôi hóa dây chằng, phì đại khớp liên mấu, trượt đốt sống, gãy đốt sống… Chụp X-quang ở các tư thế khác nhau còn giúp đánh giá tình trạng mất vững cột sống kèm theo.

  • Cộng hưởng từ (MRI)

Cộng hưởng từ rất hữu ích để chẩn đoán hẹp ống sống và xác định mức độ thay đổi thoái hóa cũng như đo kích thước của ống sống. Tuy nhiên, mức độ hẹp ống sống trên cộng hưởng từ và triệu chứng lâm sàng của người bệnh có thể không tương xứng với nhau. MRI nên được sử dụng để xác định chẩn đoán ở những bệnh nhân bị đau cột sống dai dẳng hoặc đau lan tỏa, có dấu hiệu chèn ép thần kinh. Song, không nên được sử dụng cho mục đích sàng lọc (chụp cho người không có triệu chứng) vì tỷ lệ cao bệnh nhân không có triệu chứng ngay cả khi có hẹp ống sống trên cộng hưởng từ. Bên cạnh việc chẩn đoán hẹp ống sống và mức độ hẹp, cộng hưởng từ còn có giá trị chẩn đoán nguyên nhân gây hẹp như thoát vị đĩa đệm, khối u chèn ép, áp xe, …

  • Cắt lớp vi tính (CLVT)

Cắt lớp vi tính cũng là một phương tiện hình ảnh thường được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị hẹp ống sống, đặc biệt trong lập kế hoạch phẫu thuật cho người bệnh. Trước đây, chụp CLVT có tiêm thuốc cản quang vào ống sống là phương pháp chụp có nhiều giá trị, thông tin cung cấp chính xác hơn. Tuy nhiên, ở phương pháp này có tính chất xâm lấn, kèm theo tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn nên ngày nay ít sử dụng.

Ở một số trường hợp cần đánh giá tổn thương xương hoặc có chống chỉ định với chụp MRI như có máy tạo nhịp tim thì CLVT là phương pháp ưu thế hơn.

  • Các phương pháp chẩn đoán khác

Điện cơ có thể được bác sĩ chỉ định khi chẩn đoán bệnh lý thần kinh không chắc chắn ở những bệnh nhân có bệnh kèm theo như đái tháo đường, nghi ngờ yếu cơ do bệnh lý cơ.

Siêu âm doppler mạch. Có giá trị chẩn đoán loại trừ tình trạng hẹp tắc mạch, suy tĩnh mạch chi do những bệnh lý này có thể gây ra triệu chứng tê bì, rối loạn cảm giác cho người bệnh.

Tình trạng hẹp ống sống cần được thăm khám và điều trị từ sớm

Tình trạng hẹp ống sống cần được thăm khám và điều trị từ sớm


Phòng ngừa Hẹp ống sống

Hẹp ống sống là một nguyên nhân đáng kể gây ra đau và tàn tật. Khoảng 30% người bệnh hẹp ống sống cần phẫu thuật và 19% trong số đó phải phẫu thuật lần 2. Tuy bệnh không nguy hiểm tính mạng nhưng có thể gây ra tàn tật, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và là gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.

Nếu không được điều trị kịp thời, các bệnh nhân hẹp ống sống có thể bị liệt, rối loạn cơ tròn, rối loạn cảm giảm không hồi phục.

Mỗi cá nhân nên tập thể dục hàng ngày, tránh các tư thế xấu, hạn chế vận động gắng sức, quá tầm. Cần khám ngay khi có những triệu chứng bất thường.


Các biện pháp chẩn đoán Hẹp ống sống

Hiện nay, chưa có tiêu chuẩn cụ thể để chẩn đoán hẹp ống sống. Việc chẩn đoán phụ thuộc vào khai thác tiền sử, bệnh sử, các triệu chứng lâm sàng thăm khám được và hình ảnh chụp cột sống.

Chẩn đoán phân biệt

Các chẩn đoán phân biệt của hẹp ống sống bao gồm:

  • Gãy cột sống thắt lưng không có chèn ép tủy.
  • Bệnh thoái hóa cột sống, đĩa đệm.
  • Đau thắt lưng kiểu cơ học (do sai tư thế, co cứng cơ).
  • Viêm khớp dạng thấp.
  • Viêm đốt sống.
  • Bệnh lý thần kinh đái tháo đường.
  • Bệnh lý mạch máu chi.

hẹp ống sống khi được chẩn đoán cần điều trị sớm

Hẹp ống sống khi được chẩn đoán cần điều trị sớm


Các biện pháp điều trị Hẹp ống sống

1. Điều trị không phẫu thuật

Điều trị không phẫu thuật thích hợp cho những bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ đến trung bình. Các chiến lược điều trị thường được sử dụng bao gồm nghỉ ngơi tại giường trong khoảng thời gian ngắn khoảng 1 tuần, dùng thuốc (thuốc chống viêm, corticosteroid đường uống, thuốc giãn cơ, các chất tương tự prostaglandin E1, gabapentin), tập thể dục, vật lý trị liệu, nhiệt trị liệu, siêu âm, xoa bóp, kích thích điện và liệu pháp kéo giãn cột sống.

  • Thuốc

Có nhiều loại thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị hẹp ống sống. Các thử nghiệm cho thấy rằng một số loại thuốc, bao gồm prostaglandin, gabapentin và vitamin B1 giúp cải thiện cơn đau và khoảng cách đi bộ.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), paracetamol, thuốc giãn cơ, opioid cũng được kê đơn để giảm cơn đau trong hẹp ống sống.

  • Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là một phương pháp điều trị được chấp nhận cho hẹp ống sống. Các phương pháp điều trị liên quan đến vật lý trị liệu bao gồm:

Tập thể dục (aerobic, sức mạnh, tính linh hoạt)

Các bài tập cụ thể về gập thắt lưng (đạp xe)

Bài tập phối hợp cơ bắp

Bài tập thăng bằng

Đai nẹp cột sống

Các phương pháp điều trị giảm đau: nhiệt, nước đá, kích thích điện, xoa bóp, siêu âm

Hướng dẫn tư thế sinh hoạt hàng ngày.

Vai trò chính của vật lý trị liệu là có thể cải thiện chức năng cột sống của bệnh nhân. Đa phần bệnh nhân giảm đau và vận động cột sống tốt hơn sau vật lý trị liệu.

  • Tiêm

Tiêm steroid ngoài màng cứng là bước trung gian giữa phương pháp điều trị bảo tồn và phẫu thuật. Hẹp ống sống có thể dẫn đến phù nề dây thần kinh do chèn ép vật lý lên mô thần kinh và viêm rễ thần kinh do thiếu máu cục bộ cục. Mục đích của việc tiêm steroid ngoài màng cứng cho chứng hẹp là gây ra tác dụng chống viêm mạnh để giảm phản ứng viêm và phù nề thông qua việc giảm sự di chuyển của bạch cầu, ức chế sản xuất và giải phóng cytokine, và ổn định màng tế bào. Chỉ định tiêm steroid ngoài màng cứng bao gồm đau cấp tính lan tỏa và ức chế thần kinh gây cản trở cuộc sống hàng ngày dù đã dùng thuốc giảm đau và nghỉ ngơi.

2. Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp có chèn ép thần kinh nặng (yếu liệt tay chân, đại tiểu tiện không tự chủ…), các triệu chứng không cải thiện dù đã điều trị tích cực bằng các phương pháp khác trong ít nhất 2-3 tháng, cột sống mất vững.

Nguyên tắc của điều trị phẫu thuật là giải nén đủ các cấu trúc thần kinh. Sau khi giải nén, nếu cột sống mất vững do loại bỏ cấu trúc xương quá mức, các phẫu thuật viên sẽ cố định xương sống. Sau phẫu thuật, người bệnh cần đeo đai cột sống, tập phục hồi chức năng để giảm đau sau mổ và sớm lấy lại chức năng cột sống.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ