Từ điển bệnh lý

Herpes simplex vùng hậu môn sinh dục : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Herpes simplex vùng hậu môn sinh dục

Bệnh do Herpes simplex vùng hậu môn sinh dục là vấn đề sức khỏe toàn cầu với tỷ lệ mắc ngày càng càng cao và biểu hiện lâm sàng đa dạng. Bệnh lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục. Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường có các thương tổn như mụn nước, vết loét sau mụn nước vỡ và sưng hạch lympho quanh khu vực thương tổn. Tương tự nhiễm các chủng virus herpes khác, nhiễm HSV có thể xuất hiện thể ẩn và tái hoạt và tái phát sau đó. Hiện tại, bệnh chưa điều trị khỏi được.

Bệnh do Herpes simplex vùng hậu môn sinh dục

Đối tượng mắc bệnh chủ yếu ở người trẻ tuổi, đặc biệt nhóm quan hệ tình dục nguy cơ cao. Lây truyền HSV ở trẻ sơ sinh trong quá trình chuyển dạ có thể tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong; ngoài ra, loét hậu môn sinh dục do HSV làm tăng tỷ lệ lây truyền HIV.


Nguyên nhân Herpes simplex vùng hậu môn sinh dục

Nguyên nhân gây bệnh là Herpes simplex type 1 (HSV-1) và herpes simplex type 2 (HSV-2), thuộc nhóm AND virus. HSV-1 thường gây tổn thương ở da, niêm mạc của mắt, mũi, miệng qua tiếp xúc trục tiếp hoặc nước bọt. HSV-2 thường lây qua quan hệ tình dục, gây tổn thương vùng hậu môn, sinh dục. Tuy nhiên, cả HSV-1 và HSV-2 đều có thể gây loét sinh dục; do biểu hiện kín đáo nên bệnh thường ít khi được phát hiện. Do đó, phần lớn các trường hợp nhiễm HSV có thể lây truyền bệnh cho bạn tình.

Hình ảnh minh họa Herpes simplex type 1&2

Virus HSV có thể tồn tại ở hạch thần kinh sau nhiễm herpes tiên phát và tái hoạt động khi bệnh nhân gặp tình trạng suy giảm miễn dịch, stress, sang chấn,…Phần lớn các trường hợp mắc herpes sinh dục tái đi tái lại thường do HSV-2. Ngoài ra, nhiễm HSV 2 làm tăng nguy cơ mắc HIV, do:

  • Tồn thương loét sinh dục thường xuyên gây nhiễm trùng tại chỗ và tổn thương niêm mạc đường sinh dục, tạo thuận lợi cho HIV xâm nhập.
  • Tổn thương loét sinh dục tập trung các tế bào CD4 ở niêm mạc, là mục tiêu của virus HIV.
  • Phân lập được virus nhân lên ở vị trí tổn thương do HSV 2.

Triệu chứng Herpes simplex vùng hậu môn sinh dục

Biểu hiện lâm sàng của bệnh do Herpes simplex vùng hậu môn sinh dục đa dạng, phụ thuộc vào từng giai đoạn, gồm: tiên phát, đợt mắc mới và tái phát.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh do Herpes simplex

Biểu hiện lâm sàng của bệnh do Herpes simplex

  • Nhiễm HSV tiên phát: Tình trạng nhiễm ở bệnh nhân chưa có kháng thể với HSV-1 và HSV-2 trước đó. Thời gian ủ bệnh trung bình của nhiễm herpes vùng sinh dục sau phơi nhiễm 4 ngày (trung bình từ 2 đến 12 ngày). Biểu hiện lâm sàng của nhiễm HSV tiên phát rất đa dạng. Giai đoạn đầu bệnh nhân có thể đau vùng loét sinh dục, tiểu khó, đau vùng hạch bẹn, sốt và đau đầu. Trong khi đó, một số bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, thoáng qua, thậm chí không có triệu chứng. Cần phân biệt tiểu khó với bí tiểu cấp tính, xảy ra do mất cảm giác vùng thắt lưng cùng do nhiễm HSV nặng gây viêm rễ thần kinh tủy thắt lưng cùng.

Tổn thương da đặc trưng trong nhiễm HSV là các bọng nước từ 2-4 mm xuất hiện thành đám trên nền ban đỏ. Các mụn nước thành có thể tiến triển thành mụn mủ, vỡ và loét.

  • Đợt mắc mới HSV: Tình trạng nhiễm HSV-1 ở bệnh nhân đã có kháng thể HSV-2 trước đó hoặc ngược lại. Trong trường hợp không phải nhiễm trùng tiến phát, tổn thương thường ít hơn và các triệu chứng ít hơn; có thể do kháng thể của một typ HSV có thể bảo vệ cơ thể với typ còn lại.
  • Tái phát: Đợt tái hoạt động của HSV sinh dục trong đó typ HSV ở tổn thương cùng loại với kháng thể trong huyết thanh. Triệu chứng nhiễm HSV vùng hậu môn sinh dục tái phát thường gặp nhưng thường ít nghiêm trọng. Thời gian tồn tại trung bình của tổn thương là 10 ngày, ngắn hơn nhiễm HSV tiên phát (19 ngày) và thời gian lan truyền của virus là 2 đến 5 ngày. Tái phát thường xảy ra ở bệnh nhân nhiễm HSV 2 và bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

Trên đối tượng suy giảm miễn dịch, thường xảy ra tình trạng tái hoạt động của virus, với biểu hiện lan rộng tổn thương, hình thái tổn thương đa dạng và hình thành các vết loét mạn tính, tái phát; thời gian lan truyền của virus kéo dài.


Các biến chứng Herpes simplex vùng hậu môn sinh dục

Biến chứng tại chỗ: Bội nhiễm, loét vị trí tổn thương.

Biến chứng ngoài bộ phận sinh dục (viêm rễ thần kinh, viêm màng não vô khuẩn, bí tiểu,…) thường xảy ra ở nhiễm HSV tiên phát, nhưng cũng có thể tái phát từng đợt

  • Biến chứng thần kinh: Viêm màng não (dịch não tủy chủ yếu là tế bào lympho, glucose dịch não tủy bình thường), viêm rễ thần kinh cùng (bí tiểu cấp tính cùng mất cảm giác vùng cùng cụt).
  • Viêm niêm mạc trực tràng: đặc biệt ở đối tượng quan hệ tình dục đồng giới nam. Cần chẩn đoán phân biệt với nhiễm lậu cầu, giang mai,…
  • Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HSV ở 3 tháng cuối thai kỳ có thể mắc bệnh và xuất hiện mụn nước lan tỏa, viêm não, màng não, tử vong,…

Đường lây truyền Herpes simplex vùng hậu môn sinh dục

Sự lây truyền của HSV có thể xảy ra nhanh chóng khi quan hệ với bạn tình mới. Ngay cả khi ở giai đoạn không triệu chứng, sự lây truyền vẫn có thể xảy ra. Tiếp xúc trực tiếp với da, niêm mạc tổn thương có thể lây truyền virus, ngay cả khi không có quan hệ tình dục.

Bệnh HSV dễ lây truyền qua đường tình dục

Bệnh HSV dễ lây truyền qua đường tình dục


Đối tượng nguy cơ Herpes simplex vùng hậu môn sinh dục

Nhóm người trẻ tuổi, trong độ tuổi hoạt động tình dục là đối tượng chủ yếu nhiễm Herpes simplex vùng hậu môn sinh dục. Tỷ lệ mắc bệnh có thể dao động từ 20-80% tùy khu vực, nhóm đối tượng. Đặc biệt, tỷ lệ mắc bệnh gia tăng ở nhóm quan hệ tình dục nguy cơ cao, quan hệ không an toàn. Nhiễm herpes simplex sinh dục làm gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV.


Phòng ngừa Herpes simplex vùng hậu môn sinh dục

Bệnh nhân cần được tư vấn về tình trạng bệnh và nguy cơ tái nhiễm. Để giảm nguy cơ lây nhiễm, cần tư vấn cho bệnh nhân và bạn tình về khả năng lây của HSV ngay cả khi không có các triệu chứng hay tổn thương sinh dục.

Tư vấn về sức khỏe an toàn tình dục tại MEDLATEC

Việc quan hệ tình dục cần tránh nếu xuất hiện tổn thương hay các triệu chứng tiền triệu của nhiễm Herpes do virus dễ lây lan ở giai đoạn này. Do đó, bệnh nhân cần biết về các triệu chứng của nhiễm Herpes như ngứa hoặc đau vùng sinh dục, đau thần kinh vùng mông,… để tránh lây nhiễm cho bạn tình.

Có nhiều cách để làm giảm nguy cơ mắc bệnh do Herpes vùng hậu môn sinh dục và các bệnh lây truyền qua đường tình dục

- Tìm hiểu đối tượng bạn tình có mắc bệnh lây qua đường quan hệ tình dục không. Ngoài ra, cần chung thủy một vợ một chồng, tránh quan hệ tình dục với nhiều người để giảm nguy cơ mắc bệnh

- Khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn, miệng; việc sử dụng bao cao su đúng cách giúp bảo vệ tránh các bệnh lý lây qua đường tình dục, tránh mang thai ngoài ý muốn.

- Các hành vi tình dục gây rách da, tổn thương bộ phận sinh dục khiến nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục cao hơn. Do đó, cần tránh khi quan hệ tình dục

- Tiêm vắc xin viêm gan B, sùi mào gà và một số các loại virus khác giúp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm

- Cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe để chẩn đoán sớm người mắc bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục và có biện pháp dự phòng phù hợp.

- Cần vệ sinh vùng sinh dục sạch sẽ hàng ngày và sau khi quan hệ tình dục; không tắm hay ngâm mình ở những nơi nước bẩn. Nếu xuất hiện khí hư bất thường hay nóng rát khi đi tiểu, cần liên hệ khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.


Các biện pháp chẩn đoán Herpes simplex vùng hậu môn sinh dục

Để chẩn đoán xác định nhiễm Herpes vùng hậu môn sinh dục, cần khai thác tiền sử, triệu chứng lâm sàng (nhiều mụn nước trên nền ban đỏ) và dựa vào các xét nghiệm như: nuôi cấy virus, PCR, miễn dịch huỳnh quang trực tiếp và huyết thanh đặc hiệu.

  • Nuôi cấy virus: Nếu xuất hiện tổn thương sinh dục, có thể lấy dịch phỏng nước để nuôi cấy. Tỷ lệ nuôi cấy dương tính cao nhất ở giai đoạn sớm của bệnh, khi thương tổn là các mụn nước, và giảm nhanh khi thương tổn bắt đầu lành. Tỷ lệ phân lập virus cũng cao hơn khi mắc bệnh lần đầu và thấp hơn khi bệnh tái phát, đặc biệt khi tái phát không triệu chứng.
  • PCR virus: Nếu nuôi cấy virus là tiêu chuẩn chẩn đoán giúp phân lập virus, HSV PCR là phương pháp có độ nhạy cao để xác định nhiễm HSV từ bệnh phẩm dịch vết loét sinh dục và da niêm mạc, dịch não tủy.
  • Miễn dịch huỳnh quang trực tiếp.
  • Huyết thanh đặc hiệu: Xuất hiện sau vài tuần đầu nhiễm trùng và tồn tại kéo dài.
  • Xét nghiệm chẩn đoán tế bào Tzank: độ nhạy và độ đặc hiệu thấp

chẩn đoán xác định nhiễm Herpes vùng hậu môn sinh dục

Xét nghiệm chẩn đoán xác định nhiễm Herpes vùng hậu môn sinh dục tại MEDLATEC

Cần chẩn đoán phân biệt nhiễm Herpes hậu môn sinh dục với các loét sinh dục khác như giang mai, hạ cam, tổn thương loét do các căn nguyên không nhiễm trùng.

  • Tổn thương trong nhiễm HSV thường số lượng nhiều, nông, vết loét mềm có thể có mụn nước; ngoài ra, nhiễm HSV thường tổn thương tái phát.
  • Tổn thương sinh dục trong giang mai không đau, cứng, đáy vết loét sạch.
  • Tổn thương trong bệnh hạ cam sâu, loét có mủ và thường liên quan đến viêm hạch bẹn.

Các biện pháp điều trị Herpes simplex vùng hậu môn sinh dục

Đa phần các trường hợp nhiễm Herpes simplex sinh dục có thể tự khỏi sau 2 đến 3 tuần. Có thể sử dụng thuốc bôi tại chỗ và thuốc kháng virus để giảm triệu chứng và giảm khả năng lây truyền.

Điều trị tại chỗ: Với tổn thương nhẹ, cơ địa bệnh nhân khỏe mạnh có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn (milan, betadin, mỡ tyrosur,…) hoặc bôi acyclovir 6 lần trong ngày (mỗi 3 giờ một lần) trong thời gian 7 ngày ngay khi mụn nước vừa xuất hiện.

Điều trị toàn thân: Có thể lựa chọn một trong các phác đồ sau:

- Acyclovir 400mg, uông 03 viên một ngày hoặc acyclovir 200mg, uống 05 viên một ngày (chia đều liều acyclovir trong ngày) trong thời gian 7 đến 10 ngày.

- Valacyclovir 1g uống ngày 02 lần trong thời gian 7 đến 10 ngày

- Famiciclovir 250mg uống ngày 03 lần trong thời gian từ 5 đến 10 ngày

Trong trường hợp bệnh nhân nhiễm HSV tái phát, chỉ định điều trị khi bệnh nhân có triệu chứng hoặc trong vòng 2 ngày kể từ khi triệu có triệu chứng. Điều trị tương tự như nhiễm HSV tiên phát giúp giảm mức độ và thời gian xuất hiện triệu chứng, nhưng không ngăn ngừa được tình trạng tái phát những lần sau của bệnh. Có thể sử dụng acyclovir 400mg liều 02 viên/ngày liên tục trong 1 năm để tránh tái phát, giảm lây nhiễm HSV.


Tài liệu tham khảo
  1. Bộ Y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục 2013.
  2. Epidemiology, clinical manifestations, and diagnosis of genital herpes simplex virus infection, Uptodate, 2020
  3. Prevention of gential herpes virus infection, Uptodate, 2020

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ