Từ điển bệnh lý

Hiện tượng ợ nóng : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 06-03-2025

Tổng quan Hiện tượng ợ nóng

Ợ nóng xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Đây là triệu chứng chính của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). 

Thực quản là ống nối dạ dày và miệng, giúp vận chuyển thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Trong trạng thái sinh lý bình thường, một cơ vòng (sphincter) ở thực quản dưới có nhiệm vụ ngăn ngừa sự trào ngược của thức ăn và dạ dày lên thực quản. Tuy nhiên, khi cơ này suy yếu hoặc không hoạt động đúng cách, axit dạ dày có thể trào ngược lên thực quản, gây cảm giác ợ nóng.

Ợ nóng không chỉ là triệu chứng mà còn là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác. Nếu không được điều trị kịp thời, triệu chứng ợ nóng có thể kéo dài hoặc tái phát, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người bệnh. 



Nguyên nhân Hiện tượng ợ nóng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ợ nóng, có thể kể đến như: 

  • Suy yếu cơ vòng thực quản dưới (LES): Dịch dạ dày có thể bị trào ngược lên thực quản do cơ này suy yếu hoặc hoạt động không đúng cách. 
  • Thừa cân và béo phì: Nếu người bệnh thừa cân, béo phì có thể tạo áp lực lên dạ dày, làm axit dễ dàng trào ngược lên thực quản gây ợ nóng.
  • Chế độ ăn uống không khoa học: Các thực phẩm cay nóng, chua, đồ uống có cồn, cà phê, socola và thực phẩm có nhiều gia vị,... có thể làm tăng nguy cơ ợ nóng.
  • Tăng tiết axit dạ dày: Người bị viêm loét dạ dày có thể làm tăng sản xuất axit dạ dày.
  • Thai kỳ: Sự thay đổi hormone trong thai kỳ, cùng với áp lực từ tử cung, có thể khiến axit dạ dày trào ngược gây biểu hiện ợ nóng ở phụ nữ mang thai.
  • Hút thuốc và uống rượu: Những người thường xuyên hút thuốc lá, rượu bia,... có thể làm suy yếu cơ vòng thực quản, dẫn đến trào ngược axit.



Triệu chứng Hiện tượng ợ nóng

Các triệu chứng của ợ nóng có thể thay đổi từ nhẹ đến nghiêm trọng, bao gồm:

  • Cảm giác cháy bỏng ở ngực (Ợ nóng): Cảm giác đau rát hoặc bỏng vùng ngực, thường xảy ra sau ăn hoặc khi nằm, kéo dài vài phút hoặc lâu hơn. 
  • Khó nuốt: Người bệnh có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu khi nuốt thức ăn, đồ uống hoặc thậm chí là nước bọt.
  • Đau họng, ho: Trào ngược axit có thể gây kích ứng cổ họng, dẫn đến viêm họng và cảm giác đau, khản giọng. 
  • Ợ chua: Cảm giác chua hoặc đắng trong miệng.
  • Buồn nôn hoặc cảm giác nôn: Một số người có thể cảm thấy buồn nôn hoặc thậm chí nôn, đặc biệt là sau bữa ăn.
  • Khó tiêu hoặc cảm giác no lâu: Cảm giác đầy chướng bụng, khó tiêu, khó chịu ở dạ dày.
  • Ho kéo dài: Axit trào ngược lên thực quản có thể gây kích thích thanh quản hoặc đường hô hấp, dẫn tới biểu hiện ho liên tục hoặc ho mãn tính.
  • Khó thở hoặc thở khò khè: Ợ nóng có thể kích thích các triệu chứng của hen suyễn, đặc biệt là khi axit dạ dày trào vào khí quản và phổi.
  • Đau ngực: Một số người gặp tình trạng ợ nóng có thể cảm thấy đau ngực giống như cơn đau tim, nhưng không phải do vấn đề về tim mà là do trào ngược axit gây kích ứng thực quản.

Triệu chứng ợ nóng

Triệu chứng ợ nóng



Các biến chứng Hiện tượng ợ nóng

Ợ nóng có thể dẫn đến một số biến chứng như:

  • Viêm loét thực quản: Khi axit dạ dày thường xuyên trào ngược lên thực quản, nó có thể gây kích ứng, viêm nhiễm và loét niêm mạc thực quản. 
  • Bệnh lý hô hấp: Khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản và vào đường thở, nó có thể gây viêm họng, ho mãn tính, viêm phổi hoặc nhiễm trùng hô hấp.
  • Vấn đề răng miệng: Axit trào ngược lên miệng có thể gây hư hại men răng, dẫn đến tình trạng mòn răng, sâu răng và các vấn đề về nướu. 
  • Hẹp thực quản: Sự viêm nhiễm kéo dài do trào ngược axit có thể dẫn đến sự hình thành sẹo và làm thu hẹp lòng thực quản, khiến việc nuốt thức ăn trở nên khó khăn và có thể gây cảm giác nghẹn.
  • Loạn sản và barrett thực quản: Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của trào ngược dạ dày thực quản là là Barrett thực quản. Niêm mạc thực quản thay đổi do tiếp xúc liên tục với axit dạ dày, dẫn đến loạn sản tế bào. 
  • Ung thư thực quản: Barrett thực quản làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản, một loại ung thư khó phát hiện sớm và có tiên lượng xấu. Do đó, bệnh nhân bị GERD kéo dài cần theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời những biến chứng ung thư.
  • Nguy cơ bệnh tim mạch: Mặc dù không trực tiếp liên quan, nhưng những cơn ho, khó thở và cảm giác đau ngực liên quan đến GERD có thể gây nhầm lẫn với các vấn đề tim mạch, dẫn đến lo lắng và điều trị không chính xác.



Đối tượng nguy cơ Hiện tượng ợ nóng

Các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc ợ nóng bao gồm:

  • Người thừa cân hoặc béo phì làm tăng áp lực lên bụng và dạ dày. 
  • Phụ nữ mang thai thay đổi nội tiết tố và sự gia tăng áp lực từ tử cung có thể gây ra tình trạng này.
  • Người hút thuốc lá làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới, dẫn đến trào ngược axit.
  • Người lớn tuổi, khả năng hoạt động của cơ vòng thực quản dưới cũng giảm, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Những người có chế độ ăn uống không lành mạnh, thường xuyên ăn các thực phẩm cay, dầu mỡ, thức uống có cồn hoặc caffeine có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.



Phòng ngừa Hiện tượng ợ nóng

Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả để phòng ngừa ợ nóng:

  • Tránh các thực phẩm kích thích như gia vị cay nóng, đồ ăn chiên rán, dầu mỡ, thực phẩm có tính axit làm tăng nguy cơ trào ngược.
  • Ăn bữa nhỏ, ăn đúng giờ để giảm áp lực lên dạ dày và hạn chế trào ngược.
  • Kiểm soát cân nặng hiệu quả, giảm cân có thể giúp giảm áp lực lên dạ dày, ngăn ngừa tình trạng axit trào ngược. 
  • Ngưng hút thuốc lá, rượu bia. 
  • Mặc quần áo thoải mái, tránh mặc quần áo chật, đặc biệt là ở vùng bụng, có thể tạo áp lực lên dạ dày và làm tăng khả năng trào ngược. 
  • Nâng cao đầu giường từ 15 - 20 cm giúp ngăn ngừa axit trào ngược lên thực quản trong khi ngủ. 
  • Thực hiện các phương pháp thư giãn như yoga, thiền, hoặc hít thở sâu có thể giúp giảm căng thẳng và ngăn ngừa triệu chứng.
  • Nếu bạn có các bệnh lý như thoát vị hoành hoặc viêm dạ dày, hãy tuân thủ điều trị y tế để kiểm soát tình trạng bệnh. 
  • Tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc theo chỉ định. 

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học để làm giảm nguy cơ trào ngược, ợ nóng.

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học để làm giảm nguy cơ trào ngược, ợ nóng.



Các biện pháp chẩn đoán Hiện tượng ợ nóng

Chẩn đoán ợ nóng, hay trào ngược dạ dày thực quản (GERD), dựa vào một số phương pháp lâm sàng và xét nghiệm để xác định mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây bệnh:

Khám lâm sàng

Thông qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ khai thác các vấn đề người bệnh gặp phải như: 

  • Triệu chứng bệnh, thời gian xuất hiện bệnh? 
  • Các yếu tố kích thích hoặc làm giảm triệu chứng? 
  • Tiền sử bệnh lý như tim mạch, béo phì, thói quen ăn uống, tình trạng căng thẳng,...?
  • Các thuốc đang sử dụng? 

Cận lâm sàng

  • Nội soi dạ dày - thực quản: Đây là phương pháp phổ biến để xác định tổn thương ở thực quản do axit dạ dày. Nội soi giúp bác sĩ kiểm tra thực quản để phát hiện viêm loét, trào ngược hoặc các biến chứng như loét thực quản, hẹp thực quản hay Barrett's thực quản (biến chứng nghiêm trọng của GERD).
  • Xét nghiệm pH thực quản: Xét nghiệm này giúp đo độ pH thực quản trong 24h, xác định mức độ trào ngược axit lên thực quản. Một ống cảm biến sẽ được đặt qua mũi xuống thực quản, và theo dõi mức độ axit trong suốt 24 giờ. 
  • Xét nghiệm manometry thực quản: Phương pháp này đo áp suất của các cơ vòng ở thực quản, giúp xác định sự hoạt động của cơ vòng thực quản dưới và khả năng thức ăn đi qua thực quản. Thường được sử dụng để loại trừ các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh trào ngược không phải do axit.
  • Chụp X-quang thực quản: Người bệnh sau khi nuốt một dung dịch chứa barium, sẽ được thực hiện chụp X-quang để quan sát quá trình nuốt và xem có dấu hiệu trào ngược hay không. Tuy nhiên, xét nghiệm này không giúp xác định mức độ axit trào ngược, nhưng có thể phát hiện các vấn đề về cấu trúc của thực quản.
  • Xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm phân: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu hoặc phân để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng hoặc thiếu máu do mất máu liên quan đến viêm loét thực quản hoặc các biến chứng khác.

Nội soi giúp xác định tổn thương ở thực quản do axit dạ dày

Nội soi giúp xác định tổn thương ở thực quản do axit dạ dày



Các biện pháp điều trị Hiện tượng ợ nóng

Điều trị ợ nóng (trào ngược dạ dày thực quản - GERD) thường bao gồm thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và trong một số trường hợp nặng có thể chỉ định phẫu thuật. Mục tiêu của điều trị là giảm triệu chứng, làm lành niêm mạc thực quản, phòng ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng sống của người bệnh:

Thay đổi lối sống sinh hoạt 

  • Ăn uống điều độ: Tránh ăn các thực phẩm kích thích như thức ăn nhiều dầu mỡ, cà phê, rượu, gia vị cay và thức ăn có tính axit (cam, chanh). Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa, tránh ăn quá no, không ăn trước khi đi ngủ 2 - 3 giờ. 
  • Giảm cân: Giảm cân có thể giúp giảm áp lực lên dạ dày, từ đó giảm nguy cơ trào ngược.
  • Nâng cao đầu giường: Nên nâng cao đầu giường tầm 15 - 20cm để giảm nguy cơ trào ngược. 
  • Hạn chế thuốc lá và giảm căng thẳng: Hút thuốc lá và căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng. Tập thể dục thường xuyên và thực hành các kỹ thuật thư giãn có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng này.

Điều trị nội khoa 

Có nhiều loại thuốc giúp kiểm soát trào ngược dạ dày thực quản:

  • Thuốc kháng acid (Antacids): Giúp trung hòa axit trong dạ dày, giảm cảm giác nóng rát. Ví dụ: Tums, Maalox, Mylanta.
  • Thuốc chẹn H2 (H2 blockers): Thuốc này giúp giảm sản xuất axit dạ dày. Các thuốc phổ biến bao gồm ranitidine, famotidine, cimetidine,...
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI - Proton Pump Inhibitors): Giúp ức chế sản xuất axit dạ dày, làm lành niêm mạc thực quản, như omeprazole, esomeprazole , lansoprazole, pantoprazole,...
  • Thuốc prokinetic: Giúp thúc đẩy nhu động ruột, giảm tình trạng chậm tiêu và làm giảm trào ngược như metoclopramide.

Phẫu thuật và thủ thuật

Trong trường hợp triệu chứng không cải thiện với thuốc hoặc có biến chứng nặng (như hẹp thực quản, viêm thực quản, hoặc Barrett's thực quản), phẫu thuật có thể là lựa chọn điều trị.

  • Phẫu thuật Nissen fundoplication: Là phẫu thuật phổ biến nhất để điều trị GERD, trong đó phần trên của dạ dày (gọi là fundus) được cuộn lại và quấn quanh thực quản dưới để ngăn ngừa axit trào ngược.
  • Phẫu thuật qua nội soi: Có thể sử dụng để làm tăng áp lực ở cơ vòng thực quản dưới và cải thiện khả năng đóng của cơ vòng này, giúp giảm trào ngược.
  • Liệu pháp Stretta: Đây là một thủ thuật sử dụng sóng radio tần số cao để làm săn chắc các cơ vòng thực quản dưới.

Điều trị bệnh lý đi kèm

Nếu GERD xuất hiện do các bệnh lý khác như thoát vị hoành, nhiễm trùng Helicobacter pylori, hoặc loét dạ dày, điều trị những bệnh lý này sẽ giúp giảm triệu chứng của GERD.

Nếu bạn có triệu chứng của GERD hoặc các biến chứng liên quan, hãy liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn và cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh chuyên nghiệp.



Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ