Từ điển bệnh lý

Hở eo tử cung : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Hở eo tử cung

Tử cung là một bộ phận vô cùng quan trọng trọng hệ thống cơ quan sinh dục nữ. Eo tử cung là phần tiếp nối giữa CTC và thân tử cung. Bình thường cổ tử cung chỉ dài 0,5 cm và đóng kín. Trong thai kỳ, đoạn eo tử cung vẫn đóng kín. Eo tử cung giãn dài ra và đến khi chuyển dạ, eo tử cung sẽ trở thành đoạn dưới tử cung có chiều dài khoảng 10 cm.

Khi các cơ đoạn của eo tử cung bị yếu gây mở cổ tử cung trước khi chuyển dạ được gọi là hở eo tử cung. Hở eo tử cung là nguyên nhân phổ biến gây sẩy thai liên tiếp trong ba tháng giữa của thai kỳ. Sẩy thai do hở eo tử cung có một số đặc điểm sau:

- Khoảng từ tuần thai thứ 16 trở đi, khi áp lực trong buồng tử cung tăng dần đè lên đoạn eo tử cung, dẫn tới eo tử cung yếu đi và có thể làm cổ tử cung mở ra và thai bị sẩy ra ngoài. Đó là lí do vì sao sẩy thai do hở eo tử cung lại hay xảy ra ở quý 2 của thai kỳ.

 Khoảng từ tuần thai thứ 16 trở đi, khi áp lực trong buồng tử cung tăng dần đè lên đoạn eo tử cung

Khoảng từ tuần thai thứ 16 trở đi, khi áp lực trong buồng tử cung tăng dần đè lên đoạn eo tử cung

- Thường là sẩy thai liên tiếp và tuổi thai lần sau nhỏ, sẩy sớm hơn lần trước.

- Quá trình sẩy thai thường diễn ra nhanh, tự nhiên, đột ngột, hầu như không triệu chứng báo trước, , thậm chí tụt cả bọc thai -nhau - ối ra cùng lúc.

Dịch tễ học

Một số thống kê cho thấy tỷ lệ hở eo tử cung chiếm khoảng 0,5% số phụ nữ đang mang thai và ở nhóm phụ nữ có tiền sử sẩy thai 3 tháng giữa là khoảng 8%.


Nguyên nhân Hở eo tử cung

Hở eo tử cung thường xảy ra vào 3 tháng giữa thai kỳ. Hiện nay nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh của hở eo tử cung vẫn chưa được làm rõ.Một vài giả thuyết được ủng hộ nhiều như do bẩm sinh hoặc liên quan tới một số yếu tố nguy cơ gây hở eo tử cung, bao gồm:

- Bất thường bẩm sinh cấu trúc giải phẫu eo tử cung, cổ tử cung

- Cổ tử cung bị rách, hở do nạo hút thai, nong gắp thai ở những lần phá thai trước

- Cổ tử cung bị rách trong những lần sinh trước

- Phẫu thuật có liên quan đến cổ tử cung như: khoét chóp cổ tử cung, LEEP cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung …

- Viêm cổ tử cung trong khi mang thai.

- Thiếu elastin và collagen, phơi nhiễm diethylstilbestrol…


Triệu chứng Hở eo tử cung

Thường sẩy thai do hở eo tử cung thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng và thai phụ không để ý. Các triệu chứng nếu có cũng thường đến tuần thứ 14-16 thai kỳ mới xuất hiện vì khi đó áp lực tử cung mới đủ lớn để đè lên eo tử cung và gây tác động. Triệu chứng có thể gặp như: đau lưng, đau vùng chậu, co thắt bụng nhẹ, tiết dịch âm đạo nhiều, thay đổi tính chất dịch âm đạo, dịch có thể lẫn máu màu hồng, đỏ,…

Triệu chứng có thể gặp như: đau lưng, đau vùng chậu, co thắt bụng nhẹ, tiết dịch âm đạo nhiều, thay đổi tính chất dịch âm đạo, dịch có thể lẫn máu màu hồng, đỏ,…

Triệu chứng có thể gặp như: đau lưng, đau vùng chậu, co thắt bụng nhẹ, tiết dịch âm đạo nhiều, thay đổi tính chất dịch âm đạo, dịch có thể lẫn máu màu hồng, đỏ,…

Khi sẩy thai do hở eo tử cung đa số không có dấu hiệu báo trước: không có triệu chứng đau bụng hoặc đau không rõ ràng và thai phụ gần như không để ý cơn đau đó, sẩy thai tự nhiên, đột ngột, có thể sẩy cả bọc thai ra ngoài một cách nhanh chóng. Do đa phần thai nhi rất non tháng nên khó sống được sau sinh. Và với những thai phụ đã có tiền sử thì lần sẩy sau sẽ sớm hơn so với lần thai trước đó.


Đối tượng nguy cơ Hở eo tử cung

- Tiền sử sinh non

- Tiền sử sẩy thai/ sinh non liên tiếp (≥ 2 lần) với đặc điểm sẩy tự nhiên, nhanh, không đau trước đó.

- Sẩy thai ở 3 tháng giữa thai kì không rõ nguyên nhân

- Tiền sử có can thiệp thủ thuật như: nong cổ tử cung để nạo phá thai, rách cổ tử cung, khoét chóp cổ tử cung, LEEP cổ tử cung…

- Tử cung bất thường dị dạng như tử cung hai sừng, nhi tính…


Phòng ngừa Hở eo tử cung

  • Tránh mang thai ngoài ý muốn, hạn chế can thiệp thủ thuật như nạo phá thai, nong cổ tử cung đặc biệt thai to.
  • Hạn chế can thiệp thủ thuật, phẫu thuật vào cổ tử cung
  • Với phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ đặc biệt không bỏ qua các mốc quan trọng, phát hiện sớm hở eo tử cung qua khám thai và siêu âm thai

Với phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ đặc biệt không bỏ qua các mốc quan trọng

Với phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ đặc biệt không bỏ qua các mốc quan trọng

  • Những thai phụ có tiền sử sinh non, hở eo tử cung ở thai kỳ trước cần trao đổi cụ thể với bác sĩ ở lần khám thai này để được bác sĩ tư vấn, thăm khám kỹ, làm các xét nghiệm thăm dò để đánh giá, can thiệp khâu eo tử cung nếu có chỉ định để dự phòng sẩy thai, đẻ non.
  • Tuy hở eo tử cung không thể ngăn ngừa được nhưng thai phụ có thể thực hiện một số vấn đề để hạn chế nguy cơ và giúp có một thai kỳ vui khỏe:

- Bổ sung đầy đủ vitamin, tăng cường dinh dưỡng đủ các chất, sử dụng các thực phẩm tươi, sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Cần kiểm soát cân nặng người mẹ trong quá trình mang thai. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong cả thai kỳ tăng cân lý tưởng là 10-12 kg. Trung bình 3 tháng đầu tăng 1kg, 3 tháng giữa tăng 4-5 kg, 3 tháng cuối tăng 5-6 kg.

- Vai trò của siêu âm ngày càng quan trọng trong phát hiện bất thường hình thái học thai nhi và đo chiều dài cổ tử cung, đánh giá hình thái cổ tử cung để dự phòng sẩy thai/ sinh non. Chính vì thế, phụ nữ mang thai cần đi khám và siêu âm thai định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

- Trong thai kỳ nếu bạn thấy có dấu hiệu bất thường như đau bụng dưới, tức cài xuống hạ vị, ra máu, ra nước âm đạo bạn cần phải đến viện ngay để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, xử trí kịp thời.


Các biện pháp chẩn đoán Hở eo tử cung

Chẩn đoán hở eo tử cung cần dựa vào hỏi bệnh, tiền sử, khám thực thể và xét nghiệm cận lâm sàng:

(1) Tiền sử sản khoa:

+ Tiền sử sẩy thai hoặc đẻ non liên tiếp (14- 36 tuần) với đặc điểm chuyển dạ nhanh và không đau.

+ Có yếu tố nguy cơ hở eo tử cung: nong cổ tử cung, nạo hút thai, khoét chóp cổ tử cung, rách cổ tử cung, LEEP cổ tử cung, Tử cung/ cổ tử cung dị dạng bất thường.

(2) Lâm sàng:

Bác sĩ lâm sàng chẩn đoán sơ bộ hở eo tử cung nếu khám thực thể thấy cổ tử cung mở ở tuần thai 16 – 24 hoặc phát hiện qua siêu âm, đồng thời không thấy bệnh nhân có xuất hiện cơn co tử cung.Trường hợp nếu có cơn co thắt tử cung thì hướng tới chẩn đoán dọa sẩy thai/ sẩy thai/ sinh non.

(3) Trên siêu âm, chẩn đoán hở eo cổ tử cung khi:

- Đo chiều dài cổ tử cung < 25 mm.

- Và/hoặc có sự thay đổi dần của cổ tử cung qua thăm khám và siêu âm ở tuổi thai trước 24 tuần, kèm yếu tố nguy cơ của hở eo tử cung.

- Lỗ trong cổ tử cung hình phễu (khảo sát ở 2 thời điểm có và không có áp lực lên buồng tử cung): có thể hình chữ T, Y, V, U.

- Đầu ối thành lập.

- Thấy sự hiện diện của phần thai nhi ở cổ tử cung hoặc ở âm đạo.


Các biện pháp điều trị Hở eo tử cung

Khi thai phụ được chẩn đoán hở eo tử cung thì phương pháp điều trị chính là khâu eo tử cung. Phương pháp này được hai bác sĩ Shirodkar và Mc – Donald lần đầu tiên giới thiệu vào năm 1950. Khâu eo tử cung giúp giảm tỷ lệ sảy thai/ đẻ non và có thể thực hiện qua đường âm đạo hoặc qua đường bụng:

  • Khâu eo tử cung qua đường âm đạo: Phương pháp này thực hiện qua đường âm đạo, giúp cổ tử cung đóng kín bằng 1 sợi chỉ, là thủ thuật sản khoa phổ biến, đa số các bác sĩ chuyên khoa sản sau khi được đào tạo đều thực hiện được.
  • Khâu eo tử cung qua thành bụng: Kỹ thuật này được thực hiện trong 3 tháng đầu thai kì, không cần thực hiện lại ở lần mang thai sau. Tuy nhiên kỹ thuật này khó thực hiện hơn và bệnh nhân phải mổ lấy thai cũng như để lại vết sẹo trên thành bụng.

Thời điểm khâu eo tử cung:

Thời điểm thực hiện tốt nhất là lúc thai 16- 20 tuần (tốt nhất là từ 16 -18 tuần). Thời điểm thích hợp nhất để khâu eo tử cung phụ thuộc vào tiền sử sản khoa của bệnh nhân, tuổi thai sẩy lần gần đây nhất của bạn.

Khâu eo tử cung được bác sĩ chỉ định khi:

- Được chẩn đoán hở eo tử cung

- Thai phụ có tiền sử khâu eo tử cung

- Tiền sử sẩy thai liên tiếp trên 2 lần không rõ nguyên nhân

- Song thai, đa thai mà chiều dài cổ tử cung < 25 mm

- Thai có khả năng sống và không có dị tật bất thường.

- Khi chưa có chuyển dạ: không có cơn co tử cung, cổ tử cung mở < 2cm và xóa < 80%, đầu ối chưa thành lập.

Khâu eo tử cung

Khâu eo tử cung

Chống chỉ định của khâu eo tử cung:

- Tuổi thai nhi >24 tuần

- Xuất hiện cơn co tử cung

- Thai lưu, thai bất thường

- Vỡ ối - Viêm, nhiễm trùng ối

- Viêm sinh dục cấp.

Có 5 kỹ thuật khác nhau:

+ Mc Donald.

+ Shirodkar.

+ Wurm.

+ Khâu qua thành bụng.

+ Lash.

- Phương pháp hay được các bác sĩ thực hiện là kỹ thuật Mc Donald:

+ Kỹ thuật này cần dùng chỉ không tiêu, bản rộng 5mm (Mercilene).

+ Các mũi khâu nằm sâu trong mô của cổ tử cung, vị trí khâu ngang lỗ trong lỗ trong

+ Mũi khâu cần tránh gây thủng màng ối và bàng quang.

+ Bốn mũi khâu ở cổ tử cung cổ tử cung làm thành một vòng chỉ thắt quanh và giúp cổ tử cung được đóng lại.

+ Để tránh siết chỉ quá mạnh, bác sĩ cần để ngón tay vào khi buộc nút chỉ.

Chú ý chăm sóc sau thủ thuật khâu vòng cổ tử cung:

  • Nằm nghỉ tại giường ít nhất 12 tiếng
  • Theo dõi sát những dấu hiệu như: cơn co tử cung, đau bụng, sự ra máu-ra nước âm đạo.
  • Sử dụng kháng sinh dự phòng và thuốc giảm co cơ tử cung
  • Bệnh nhân được xuất viện khi không xuất hiện cơn co tử cung, không ra máu- ra nước âm đạo sau khi khâu 48 giờ.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh táo bón
  • Hạn chế vận động, đi lại trong tuần đầu tiên sau khâu eo tử cung
  • Kiêng giao hợp, đứng quá lâu, lao động nặng
  • Cắt chỉ khi thai trên 38 tuần hoặc khi có dấu hiệu chuyển dạ
  • Khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa
  • Khi có dấu hiệu bất thường như đau bụng, âm đạo ra máu ra nước, thai phụ cần đi khám ngay.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.