Từ điển bệnh lý

Hỗ trợ sinh bằng forceps : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 21-09-2021

Tổng quan Hỗ trợ sinh bằng forceps

 

Đối với những trường hợp sản phụ sinh con theo đường tự nhiên qua ngả âm đạo sẽ có 3 giai đoạn trong cuộc chuyển dạ. Trong đó quan quan trọng nhất là giai đoạn sổ thai (giai đoạn 2) là lúc sản phụ phải dùng sức để rặn kết hợp với các cơn co tử cung để em bé được tống xuất ra ngoài.

Giai đoạn này tốt nhất  chỉ nên kéo dài trong tầm 30 phút vì nếu giai đoạn sổ thai kéo dài hơn khoảng thời gian này sẽ khiến thai nhi gặp nhiều bất lợi như bị ngạt, hoặc nếu mẹ có sẵn các bệnh lý như hen suyễn, suy tim, có vết mổ cũ mà phải gắng sức quá nhiều khi rặn sinh sẽ làm tăng cao nguy cơ biến chứng cho các bệnh lý trên.

Chính vì thế, thường ở những ca sinh khó thì bác sĩ sẽ cân nhắc kết hợp với các biện pháp hỗ trợ sinh ví dụ như giác hút hoặc dùng kẹp forceps để giúp cho quá trình sinh nở của sản phụ diễn ra bớt khó khăn hơn.

Forceps là một dụng cụ gồm có 2 cành tách biệt với nhau, đặc điểm giống thìa rỗng và 2 cành này khi đặt lên đầu của thai nhi sẽ khớp vào với nhau bởi một cái khóa. Sau đó bác sĩ sẽ dùng tay tác động lên forceps nhằm kẹp, xoay đồng thời kéo thai nhi ra ngoài âm đạo và đảm bảo không gây sang chấn cho cả mẹ và bé. Sau khi đã thành công kéo được đầu em bé ra ngoài, bác sĩ sẽ tiếp tục tiến hành các bước đỡ sinh tiếp theo là vai, thân và 2 chi dưới của thai nhi.  

Lợi ích của việc áp dụng biện pháp hỗ trợ sinh cho mẹ bằng forceps:

Ở các trường hợp thông thường, khi ngôi thai đã di chuyển xuống thấp, hỗ trợ sinh bằng forceps không đòi hỏi phải bỏ ra quá nhiều thời gian để chuẩn bị và thời gian để thực hiện cũng nhanh chóng hơn so với phẫu thuật mổ lấy thai. Bằng việc nhờ tới sự trợ giúp của forceps khi sinh ngả âm đạo, sản phụ có thể tránh được ca sinh mổ. Bởi vì sinh mổ được coi là một cuộc đại phẫu và sản phụ sẽ gặp nhiều rủi ro hơn khi thực hiện như nguy cơ chảy nhiều máu, nhiễm trùng, các biến chứng do thủ thuật gây tê hoặc gây mê. Ngoài ra, sinh ngả âm đạo sẽ có thời gian hồi phục ngắn hơn so với sinh mổ.

Hình ảnh mô tả hỗ trợ sinh bằng forceps

Hình ảnh mô tả hỗ trợ sinh bằng forceps


Các biến chứng Hỗ trợ sinh bằng forceps

Những rủi ro có thể gặp khi hỗ trợ sinh bằng forceps

1. Thai phụ có thể gặp những biến chứng gì? 

  • Sau khi sinh sản phụ có thể sẽ có biểu hiện đau ở đáy chậu, vùng mô giữa âm đạo và hậu môn;

  • Chấn thương tầng sinh môn: đây là biến chứng hay gặp nhất sau khi sinh có hỗ trợ bằng kẹp forceps. Đối với forceps eo dưới thì có khoảng 13% các bà mẹ bị rách tầng sinh môn độ 3 - 4;

  • Chấn thương ở niệu đạo hoặc bàng quang;

  • Chấn thương các cơ đáy chậu và đám rối thần kinh dẫn tới tình trạng són tiểu không tự chủ sau sinh;

  • Các cơ và dây chằng ở cơ quan vùng chậu suy yếu;

  • Vỡ tử cung: nhau thai và em bé có khả năng bị đẩy vào khoang bụng của mẹ khi thành tử cung bị rách;

  • Nhiễm trùng hậu sản;

  • Sau khi can thiệp bằng forceps có thể gây mất máu: đây thường là hệ quả do chấn thương nặng nề tầng sinh môn. Tỷ lệ sản phụ phải truyền máu sau sinh sẽ cao hơn nhiều (chiếm 4,2%) so với đẻ thường (0,4%) và mổ thai không biến chứng (1,4%). Trong trường hợp mất máu nặng có thể dẫn tới sốc giảm thể tích.

Các nguy cơ trên đều là những biến chứng có thể xảy ra đối với các trường hợp sinh con qua ngả âm đạo nói chung nhưng những bà mẹ phải sử dụng biện pháp sinh giúp bằng forceps có tỷ lệ chịu rủi ro cao hơn.

Bên cạnh đó trước khi đặt kẹp forceps, bác sĩ có thể phải tiến hành rạch tầng sinh môn để thủ thuật được thực hiện dễ dàng hơn.

2. Các nguy cơ đối với thai nhi

Mặc dù sinh nhờ sự trợ giúp của kẹp forceps có thể dẫn tới một số tai biến nguy hiểm cho sản phụ nhưng lại ít gây ảnh hưởng xấu tới em bé. Một số rủi ro thai nhi có thể gặp bao gồm:

  • Áp lực từ kẹp gây nên các chấn thương nhỏ trên bề mặt: va đập, trầy xước trên mặt hoặc đầu và mất tới vài tuần mới có thể lành;

  • Sau khi sinh đầu bé bị sưng và biến dạng nhưng triệu chứng này có thể biến mất trong khoảng từ 1- 2 ngày;

  • Tụ máu dưới da đầu;

  • Chấn thương thần kinh do kẹp, tạm thời gây rạn da;

  • Kẹp forceps cũng có thể tạo nên các vết cắt  và chảy máu trên da bé;

  • Liệt đám rối thần kinh cánh tay;

  • Liệt dây thần kinh sọ VII;

  • Tổn thương bên trong (hiếm gặp).

Khi chuyển dạ mẹ trải qua nhiều cơn đau đớn

Khi chuyển dạ mẹ trải qua nhiều cơn đau đớn


Đối tượng nguy cơ Hỗ trợ sinh bằng forceps

Khi nào thì chỉ định hỗ trợ sinh bằng forceps

Về phía sản phụ:

  • Đã gắng sức rặn nhưng thai không sổ;

  • Mẹ phải tránh rặn vì mắc các bệnh lý như sản giật, tiền sản giật nặng, có sẹo mổ cũ trong tử cung, bệnh lý nội khoa (phổi, tim, thận, thần kinh,...);

  • Tầng sinh môn không giãn nở, rắn hoặc có sẹo cũ xơ chai.

Về phía thai nhi:

  • Thai suy;

  • Thai ngôi mông;

Điều kiện để tiến hành sinh giúp bằng forceps: 

  • Người tiến hành kỹ thuật này phải có kinh nghiệm sinh giúp bằng kẹp forceps;

  • Bệnh nhân đã hiểu rõ và đồng ý thực hiện thủ thuật;

  • Sản phụ đã quá mệt vì rặn đẻ và có nguy cơ buông xuôi nếu không sử dụng kẹp forceps;

  • Có phòng phẫu thuật và dụng cụ hỗ trợ;

  • Có biện pháp gây tê và giảm đau đầy đủ;

  • Màng ối đã vỡ;

  • Bàng quang rỗng;

  • Cổ tử cung đã mở trọn;

  • Đầu của thai nhi đã lọt;

  • Khung chậu của mẹ và khối lượng thai nhi phải tương xứng, tránh trường hợp bé bị kẹt vai;

  • Đã xác định rõ ngôi và kiểu thế của thai nhi.

Cần ngừng thủ thuật nếu:

  • Khó đặt kẹp forceps;

  • Khi kéo đầu của thai nhi không xuống dễ dàng;

  • Sau 3 lần kéo sản phụ không có dấu hiệu sổ thai.

Chống chỉ định với các trường hợp sau:

  • Thai nhi mắc các bệnh lý: bệnh lý về máu (alloimmune thrombocytopenia, hemophilia), bệnh lý mô liên kết (hội chứng Marfan và Ehlers-Danlos), bệnh tạo xương bất toàn hay bệnh lý về sọ não

  • Ngôi thai bất thường (ngôi trán, ngôi mặt);

  • Đầu không lọt hoặc bất đối xứng.

Hỗ trợ sinh bằng forceps

Hỗ trợ sinh bằng forceps


Phòng ngừa Hỗ trợ sinh bằng forceps

Sản phụ cần lưu ý những gì sau khi sinh bằng forceps

Trong quá trình sinh nở có sự hỗ trợ của forceps nếu sản phụ bị rách âm đạo hoặc phải rạch tầng sinh môn thì vết thương này có thể sẽ bị đau kéo dài đến vài tuần. Vết rách càng lớn sẽ càng mất nhiều thời gian hơn để chúng lành hẳn. Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như sốt, đau nhiều hơn, đại tiện không tự chủ, có biểu hiện nhiễm trùng thì các mẹ cần đi tái khám để được kiểm tra sức khỏe và xử lý sớm các tình trạng này.

Sau khi sinh, chị em phụ nữ có thể cải thiện triệu chứng sưng và đau bằng cách áp dụng những biện pháp sau:

  • Sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn như: Ibuprofen và Acetaminophen. Trong đó khuyến khích dùng Ibuprofen nếu mẹ đang cho con bú;

  • Sau khi đi vệ sinh nên ngâm rửa tầng sinh môn bằng nước ấm và lau khô;

  • Nếu vùng tầng sinh môn có dấu hiệu bị sưng đỏ thì mẹ có thể chườm lạnh;

  • Khi ngồi nên kê thêm một chiếc đêm hoặc gối mềm xuống dưới mông để giảm cảm giác khó chịu.


Các biện pháp điều trị Hỗ trợ sinh bằng forceps

Các bước tiến hành hỗ trợ sinh bằng forceps 

Ekip thực hiện thủ thuật:

  • Bác sĩ, y sĩ, chuyên khoa sản, nữ hộ sinh.

  • Trước khi thực hiện cần khám lại toàn thân và tư vấn cho sản phụ và gia đình;

  • Thực hiện quy trình đảm bảo diệt khuẩn như khi thực hiện phẫu thuật.

Sản phụ:

  • Sản phụ được nằm ở tư thế sản khoa, 2 đùi mở rộng;

  • Mẹ cần nằm yên, nhịp thở đều, không rặn;

  • Sát khuẩn tầng sinh môn và vùng âm hộ;

  • Thông tiểu cho sản phụ trước khi thực hiện đỡ đẻ.

Các bước thực hiện:

  • Đảm bảo sản phụ phải được thăm khám kỹ trước khi bắt đầu thực hiện hỗ trợ sinh, sản phụ đủ điều kiện làm forceps như: tình trạng tầng sinh môn, độ mở cổ tử cung và đo cơn co tử cung,...; ngoài ra cần đánh giá thai nhi: xác định ngôi thai, kiểu thế của thai nhi, đo tim thai, đánh giá tình trạng sức khỏe thai nhi,...

  • Đặt 2 cành forceps, sau đó khớp 2 cành với nhau và kéo. Sử dụng sức của cẳng tay để kéo từ từ theo cơ chế đẻ, tốt nhất là phải phối hợp với sức rặn của sản phụ trong cơn co trừ khi chống chỉ định rặn. Có thể rạch tầng sinh môn giữa 2 cành forceps;

  • Tháo cành forceps: khi lưỡng đỉnh của thai nhi đã lọt qua âm hộ thì ngưng kéo và tháo cành. Cành nào đặt sau thì rút ra trước, cành nào đặt trước thì lấy ra sau. Đỡ thai nhi tương tự như lúc đỡ đẻ thông thường; Chú ý, khi tháo hai cành của forceps cần tránh làm tổn thương thai nhi cũng như đường âm đạo và tầng sinh môn của sản phụ.

  • Kiểm tra mức độ tổn thương của tầng sinh môn và âm đạo;

  • Khâu các vết rách và tầng sinh môn.

Các lưu ý khi trợ sinh bằng forceps:

  • Đặt kẹp phải đặt đúng phần đầu thai nhi, hạn chế tối đa nguy cơ chấn thương. Nếu kỹ thuật đặt không đúng cách có thể khiến cho đầu đứa trẻ phải chịu áp lực lớn thậm chí dẫn tới chảy máu não, sưng não, tổn thương não, biến dạng xương mặt, động kinh,...

  • Trong trường hợp sản phụ được chỉ định hỗ trợ sinh bằng forceps do mắc các bệnh về tim, tiền sản giật, tăng huyết áp,... thì trước khi làm thủ thuật cần phải được điều trị nội khoa thích hợp;

  • Nên giúp sản phụ giảm đau bằng cách gây tê tại chỗ, gây tê tủy sống hoặc gây tê ngoài màng cứng. Chỉ nên rặn khi 2 bướu đỉnh của thai nhi đã lọt ra khỏi âm hộ;

  • Hiện nay, do sự phát triển của y học, việc hỗ trợ sinh bằng forceps ít được áp dụng hơn nhưng bác sĩ vẫn cần phải sử dụng trong một số trường hợp nhất định. Nhiều khi bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật lấy thai thay vì tiến hành hỗ trợ sinh bằng forceps do việc mổ có thể giảm thiểu tối đa các rủi ro trong khi sinh so với việc dùng forceps trong điều kiện hiện tại của sản phụ;

  • Theo dõi sát sản phụ sau sinh: nhiệt độ, nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, lượng máu.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.