Bác sĩ: BSCKI Hồ Mạnh Linh
Chuyên khoa: Chuyên khoa Nội
Năm kinh nghiệm: 05 năm
Hội chứng bàng quang tăng hoạt (OAB) gây ra sự kích thích buồn đi tiểu một cách đột ngột. Nó cũng có thể gây tiểu són tiểu rỉ.. Hội chứng bàng quang tăng hoạt ảnh hưởng đến khoảng 33 triệu người Mỹ. Phụ nữ chịu ảnh hưởng của hội chứng này nhiều hơn so với nam giới
Có thể khó kiểm soát các triệu chứng vì cảm giác tiểu vội trong hội chứng bàng quang tăng hoạt xảy ra đột ngột và không báo trước. Điều này có thể khiến một số người gặp các khó khăn nhất định trong việc tham gia các hoạt động thường ngày của họ. Hội chứng bàng quang tăng hoạt gây ra các rối loạn đường tiểu ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng sống. Những lo lắng và căng thẳng kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ khác về tâm lý.
Nhưng có một số phương pháp điều trị đơn giản dễ tiếp cận có thể làm thuyên giảm các triệu chứng khó chịu và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Thận bài tiết nước tiểu xuống bàng quang. Sau đó, não gửi tín hiệu chỉ huy cơ thể đi tiểu. Cơ sàn chậu và cơ thắt giãn ra cho phép nước tiểu thải ra ngoài.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt làm cho cơ bàng quang hoạt động kích thích không theo ý muốn. Điều này mang lại cảm giác mót đi tiểu thường xuyên kể cả khi có rất ít nước tiểu trong bàng quang.
Các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng bàng quang tăng hoạt:
- Uống nhiều nước
- Dùng các chất lợi tiểu hoặc các thảo dược có tính chất tương tự như râu ngô, bông mã đề, rễ cỏ tranh
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Sử dụng caffeine, rượu hoặc các chất kích thích bàng quang khác
- Tồn dư nước tiểu bàng quang
- Các bất thường khác trong bàng quang, chẳng hạn như sỏi bàng quang
Nguyên nhân cụ thể của hội chứng bàng quang tăng hoạt vẫn chưa được biết rõ. Nguy cơ xuất hiện tình trạng này tăng theo tuổi tác. Một người khi già đi về mặt sinh lý làm tăng nguy cơ nhưng không có nghĩa tình trạng này bắt buộc phải gặp ở tuổi già, nó không được coi là diễn tiến sinh lý bình thường. Nếu có bất kỳ triệu chứng gợi ý nào bệnh nhân cũng nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và được hướng dẫn đến khám khi có các tình trạng nghiêm trọng cần điều trị.
Chức năng co bóp của cơ bàng quang chỉ hoạt động bình thường khi cả hệ cơ và thần kinh ở trong tình trạng tốt. Bất kỳ bất thường nào về thần kinh cơ đều có thể dẫn đến hội chứng bàng quang tăng hoạt.
Thỉnh thoảng không kiểm soát được việc đi tiểu không có nghĩa là bệnh nhân có Hội chứng bàng quang tăng hoạt. Tiểu són có thể xảy ra vì những lý do khác, như cười hoặc hắt hơi, ho quá mạnh.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt được chẩn đoán khi đáp ứng các tiêu chuẩn tần suất và tính cấp bách của việc đi tiểu. Các triệu chứng bao gồm:
- Mót tiểu đột ngột, tiểu vội
- Tiểu són tiểu rỉ không cầm
- Đi tiểu nhiều lần (trên 8 lần trong một ngày)
- Thức dậy nhiều hơn một lần trong một đêm để đi tiểu
Triệu chứng bàng quang tăng hoạt là khác nhau ở mỗi người. Biết được các triệu chứng của Hội chứng bàng quang tăng hoạt có thể giúp bệnh nhân tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhanh hơn.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt ở nam giới
Hội chứng bàng quang tăng hoạt thường gặp ở nữ giới hơn ở nam giới. Nhưng có đến 1 phần 3 nam giới Hoa Kỳ có các triệu chứng tương tự. Con số có thể cao hơn vì nam giới thường không để ý nhiều và than phiền về các triệu chứng của họ.
Nhiều triệu chứng bàng quang tăng hoạt ở nam giới là kết quả của phì đại tuyến tiền liệt. Khi tuyến tiền liệt to lên, nó có thể ngăn cản dòng nước tiểu và gây ra tiểu vội, tiểu khó, tiểu không tự chủ.
Khả năng phát hiện phì đại tiền liệt tuyến ở nam giới tăng dần theo tuổi, vì vậy hội chứng bàng quang tăng hoạt cũng phổ biến hơn ở nam giới lớn tuổi. Các triệu chứng do tiền liệt tuyến gây ra chỉ thuyên giảm nếu được điều trị.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt ở nữ giới
Hội chứng bàng quang tăng hoạt thường gặp ở nữ giới hơn ở nam giới. Tỷ lệ triệu chứng ước tính ở nữ giới Hoa Kỳ đến 40%.
Không rõ nguyên nhân cụ thể gây ra hội chứng bàng quang tăng hoạt, nhưng tình trạng này nổi trội hơn ở phụ nữ sau khi mãn kinh. Đó có thể là kết quả của sự suy giảm nồng độ hormone sinh dục nữ. Tuy nhiên, tình trạng này có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt ở phụ nữ có thể được giải quyết bằng phác đồ thuốc, một số bài tập phục hồi chức năng hoặc các thủ thuật phẫu thật.
Bàng quang tăng hoạt ở trẻ em
Trẻ em là đối tượng thường xuyên có các triệu chứng bàng quang tăng hoạt nhất. Trong quá trình phát triển hoàn thiện về thần kinh cơ của bàng quang trẻ em thường tự thuyên giảm các triệu chứng Hội chứng bàng quang tăng hoạt, nhưng những phương pháp điều trị tạm thời có thể giúp ngăn ngừa tiểu dắt hoặc các biến chứng.
Theo độ tuổi, trẻ học cách kiểm soát bàng quang đúng cách và nhận ra các tín hiệu mà chúng cần đi tiểu. Nếu các triệu chứng của Hội chứng bàng quang tăng hoạt dường như không được giải quyết hoặc đang trở nên tồi tệ hơn, hãy trao đổi với bác sĩ để nhận được các lời khuyên cụ thể.
Giống như người lớn, chiến lược điều trị Hội chứng bàng quang tăng hoạt ở trẻ em chủ yếu là điều trị bất kỳ nguyên nhân tiềm ẩn nào và các biện pháp giảm triệu chứng.
Chế độ ăn có thể tác động trực tiếp đến sức khỏe đường tiết niệu. Thực phẩm và các loại nước uống có thể làm kích thích bàng quang, làm tăng nguy cơ khởi phát các yếu tố căn nguyên rối loạn gây bàng quang tăng hoạt.
Các thực phẩm và cách ăn uống có thể có liên quan đến hội chứng bàng quang tăng hoạt bao gồm:
- Đồ uống có gas: nguy cơ gây khởi phát các triệu chứng của hội chứng bàng quang tăng hoạt và kích thích các cơ trong bàng.
- Lượng nước uống mỗi ngày: Uống quá nhiều nước so với nhu cầu có thể làm tăng tần suất đi tiểu.
- Uống trước khi đi ngủ: nếu uống nước trong vòng hai đến ba giờ trước khi đi ngủ, bệnh nhân sẽ cần phải thức dậy ban đêm để đi tiểu.
- Nhạy cảm với gluten: Bản chất gluten là protein thực vật, có vai trò như một kháng nguyên gây dị ứng ở những người có cơ địa mẫn cảm có thể gặp nhiều triệu chứng Hội chứng bàng quang tăng hoạt.
- Caffeine: Tác dụng của cafeine vừa có tính chất lợi tiểu vừa kích thích thần kinh.
- Thực phẩm gây kích ứng: Các chất kích ứng niêm mạc miệng như đồ chua, cay, cồn rượu, chất hoá học tạo ngọt, chất bảo quản cũng có thể gây kích ứng bàng quang.
Bác sĩ có thể chỉ định các thăm dò cận lâm sàng để làm rõ hơn tình trạng bệnh cũng như nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.
Các xét nghiệm và thăm dò chẩn đoán hình ảnh, chức năng thường được sử dụng để chẩn đoán Hội chứng bàng quang tăng hoạt bao gồm:
Phân tích nước tiểu
Tổng phân tích nước tiểu tối thiểu 10 chỉ số sinh hoá huyết học cơ bản của nước tiểu giúp phát hiện các bất thường về tế bào hồng cầu bạch cầu trong nước tiểu, protein, độ đậm đặc và các chỉ số khác.. Xét nghiệm nước tiểu giúp hỗ trợ chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc các bệnh lý thận – tiết niệu khác.
Khám lâm sàng
Bác sĩ khám và phát hiện bất kỳ điểm đau nàon ở vùng bụng và thận của bệnh nhân hoặc thăm khám tuyến tiền liệt phì đại qua đường trực tràng.
Siêu âm bàng quang
Lượng nước tiểu trước và sau khi đi tiểu được đo bằng siêu âm, giúp đánh giá chức năng bài xuất nước tiểu bàng quang và lượng nước tiểu tồn dư.
Đo động học bàng quang
Thăm dò những chỉ số động học về dòng chảy nước tiểu và áp lực trong đường tiểu theo thời gian và hoạt động đi tiểu, đánh giá chức năng bàng quang.
Nội soi bàng quang
Bác sĩ dùng ống nội soi đưa vào bàng quang qua niệu đạo để lấy hình ảnh bên trong bàng quang phát hiện các bất thường niêm mạc bàng quang như viêm, xung huyết, xuất huyết, túi thừa, dò, u cục hoặc sỏi, dị vật có thể ảnh hưởng đến chức năng bàng quang. Sinh thiết cũng có thể được thực hiện ngay trong quá trình nội soi.
Bác sĩ tiết niệu có thể chỉ định các cận lâm sàng phù hợp nhất để chẩn đoán xác định bệnh và phân loại được mức độ bệnh cũng như phương pháp điều trị phù hợp.
Các phương pháp điều trị hiện tại thường được áp dụng từ thay đổi lối sống đến dùng thuốc cuối cùng là các thủ thuật phẫu thuật xâm lấn.
Phục hồi chức năng sàn chậu
Các bác sĩ phục hồi chức năng niệu khoa sẽ đưa ra các hướng dẫn cụ thể dựa trên tình trạng bệnh Thông qua các bài tập nhằm mục tiêu tăng cường tính chủ động và sức bền cơ sàn chậu, có thể giúp cải thiện một loạt các triệu chứng, bao gồm giảm tiểu vội, giảm tần suất đi tiểu và các triệu chứng ban đêm.
Tên gọi phổ biến hơn của tập cơ sàn chậu là Kegel. Một bài tập Kegel cơ bản đòi hỏi bệnh phải ép các cơ ở sàn chậu và giữ nguyên tư thế trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu không chắc chắn những cơ bắp nào để cô lập, hãy tưởng tượng cố gắng ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu. Bài tập nên được thực hiện lặp lại nhiều lần trong ngày.
Thuốc
Chủ yếu gồm 2 nhóm thuốc, nhóm cải thiện triệu chứng và nhóm cải thiện chức năng. Thuốc thường dùng nhất hiện tại là Solifenacin (Vesicare).
Solifenacin là thuốc ức chế hệ thần kinh tự động chọn lọc bàng quang (thụ thể muscarinic M3) nhưng vẫn có thể gặp một số các triệu chứng không mong muốn như giảm tiết nước mắt, nước bọt, giảm nhu động ruột dẫn đến táo bón.
Botox
Liều lượng nhỏ Botox phong bế tạm thời một phần dẫn truyền thần kinh và ức chế hoạt động co cơ bàng quang. Khi giảm được co bóp cơ quang và giảm kích thích thần kinh bàng quang các triệu chứng kích thích tiểu vội tiểu nhiều lần sẽ thuyên giảm. Tiêm botox bàng quang thường được nhắc lại liệu trình sau 6 tháng do tác dụng phong bế của thuốc sẽ giảm dần và mất dần theo thời gian.
Kích thích thần kinh
Thường dùng phương pháp châm cứu hoặc điện châm nhưng không dựa nhiều theo hệ huyệt đông y mà kích thích điện sẽ được hướng nhiều hơn đến các thần kinh chi phối và thụ cảm bàng quang. Mặc dù chưa được khẳng định rõ ràng, một số nghiên cứu đã cho thấy kích thích dẫn truyền thần kinh có thể làm giảm số lần đi tiểu và giảm tiểu vội.
Phẫu thuật
Khi tăng hoạt bàng quang là do hội chứng bàng quang nhỏ (giải phẫu bẩm sinh hoặc hậu phẫu ghép thận ở bệnh nhân vô niệu có bàng quang teo nhỏ) phẫu thuật mở rộng kích thước bàng quang có thể được chỉ định.
Tiên lượng
Hội chứng bàng quang tăng hoạt có thể gây ra những trở ngại trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng các phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ và thay đổi lối sống có thể giúp bệnh nhân đỡ khó chịu và giảm tần suất đi tiểu.
Điều quan trọng nhất bệnh nhân có thể làm nếu bệnh nhân hội chứng bàng quang tăng hoạt hoặc khó kiểm soát nước tiểu là trao đổi với bác sĩ.
Tài liệu tham khảo
- MacDiarmid SA, John MS, Yoo PB. A pilot feasibility study of treating overactive bladder patients with percutaneous saphenous nerve stimulation. Neurourol Urodyn. 2018
- Burgio, K.L. Update on Behavioral and Physical Therapies for Incontinence and Overactive Bladder: The Role of Pelvic Floor Muscle Training. Curr Urol Rep. 2013
- Orasanu B, Mahajan ST. The use of botulinum toxin for the treatment of overactive bladder syndrome. Indian J Urol. 2013
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!