Từ điển bệnh lý

Hội chứng kẹp hạt dẻ : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20-03-2025

Tổng quan Hội chứng kẹp hạt dẻ

Hiện tượng kẹp hạt dẻ (nutcracker phenomenon) là tình trạng chèn ép tĩnh mạch thận trái, được đặc trưng bởi sự cản trở dòng chảy ra từ tĩnh mạch thận trái (LRV) vào tĩnh mạch chủ dưới (IVC) do chèn ép LRV bên ngoài, thường gặp nhất là góc giữa động mạch chủ và động mạch mạc treo tràng trên, với tình trạng suy giảm lưu lượng máu ra ngoài thường kèm theo giãn phần xa của tĩnh mạch, ít gặp hơn là sự chèn ép tĩnh mạch thận trái giữa cột sống và động mạch chủ bụng.

Một số người có hiện tượng này nhưng không có triệu chứng và thậm chí không biết mình mắc hiện tượng kẹp hạt dẻ cho đến khi bác sĩ phát hiện bất thường về giải phẫu trên phim chụp. 

Hội chứng kẹp hạt dẻ (nutcracker syndrome) là khi có hiện tượng kẹp hạt dẻ đồng thời biểu hiện một loạt các triệu chứng trên lâm sàng, thường gặp là tình trạng đái máu, protein niệu, tăng huyết áp thận, đau vùng chậu, đau khi giao hợp, đau bụng kinh và giãn tĩnh mạch chậu. Các biểu hiện khác hiếm gặp hơn bao gồm ngất xỉu, hạ huyết áp và nhịp tim nhanh (triệu chứng của rối loạn hệ thần kinh tự chủ), ban xuất huyết Schönlein Henoch, bệnh Berger, bệnh thận màng, tăng canxi niệu và sỏi thận.

Giải phẫu tĩnh mạch thận trái

Tĩnh mạch thận trái dài hơn tĩnh mạch thận phải hơn ba lần (khoảng 7cm), chạy về phía sau tĩnh mạch lách và tụy. Sau đó, tĩnh mạch này bắt chéo động mạch chủ ở phía trước, ngay bên dưới gốc động mạch mạc treo tràng trên. Đây là mối quan hệ có ý nghĩa lâm sàng vì đây là điểm chèn ép tĩnh mạch thận phổ biến trong hội chứng kẹp hạt dẻ. Nếu góc tạo bởi động mạch chủ bụng và động mạch mạc treo tràng trên hẹp thì sẽ giống như hai gọng kìm chèn ép tĩnh mạch thận trái theo chiều trước-sau, dẫn tới tình trạng ứ trệ máu hồi lưu ở thận trái.

Sự chèn ép diễn ra lâu ngày sẽ gây hậu quả làm giãn các tĩnh mạch quanh thận, tĩnh mạch quanh niệu quản, tĩnh mạch sinh dục và các đám rối tĩnh mạch vùng chậu. Tĩnh mạch thận trái bị chèn ép làm tăng áp lực tĩnh mạch, vỡ đưa đến tiểu máu.


Nguyên nhân Hội chứng kẹp hạt dẻ

Nguyên nhân cụ thể của hội chứng Nutcracker khác nhau ở mỗi người. Trong khi một số người sinh ra đã mắc phải tình trạng này, những người khác lại mắc phải do những thay đổi ở bụng. Một số tình trạng có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng kẹp hạt dẻ, chẳng hạn như:

  • Tăng trưởng nhanh trong tuổi dậy thì.
  • Chỉ số khối cơ thể thấp (BMI).
  • Thay đổi nhanh chóng về chiều cao hoặc cân nặng.

  • Khối u tuyến tụy.
  • Mất nghiêm trọng đường cong sinh lý cột sống ở phía dưới.

  • Hội chứng thận hư.

  • Phình động mạch chủ bụng.

  • Hạch bạch huyết ở bụng sưng to.

  • Mang thai.



Hội chứng kẹp hạt dẻ trên bệnh nhân gầy có BMI thấp


Triệu chứng Hội chứng kẹp hạt dẻ

Các triệu chứng lâm sàng của hội chứng kẹp hạt dẻ bao gồm:

  • Đái máu là triệu chứng phổ biến nhất.
  • Hạ huyết áp tư thế đứng làm người bệnh chóng mặt khi đứng dậy.
  • Đau vùng lưng bên trái.
  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh ở nam.
  • Phụ nữ có thể gặp các triệu chứng của hội chứng tắc nghẽn vùng chậu như: đau khi giao hợp, đái khó, đau vùng chậu. 

Bệnh nhân hội chứng kẹp hạt dẻ biểu hiện đau lưng bên trái

Bệnh nhân hội chứng kẹp hạt dẻ biểu hiện đau lưng bên trái

Xét nghiệm: 

  • Thiếu máu: hemoglobin thấp.
  • Hồng cầu trong nước tiểu.
  • Protein niệu.

Protein niệu trong nước tiểu bệnh nhân hội chứng kẹp hạt dẻ

Protein niệu trong nước tiểu bệnh nhân hội chứng kẹp hạt dẻ



Các biến chứng Hội chứng kẹp hạt dẻ

Hội chứng kẹp hạt dẻ có thể gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, và có thể tự khỏi (đặc biệt là ở trẻ em). Tuy nhiên, đôi khi nó có thể gây nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng có thể xảy ra của hội chứng kẹp hạt dẻ không được kiểm soát bao gồm:

  • Huyết khối trong tĩnh mạch thận.
  • Thuyên tắc phổi.
  • Tổn thương thận do áp lực trong tĩnh mạch thận tăng theo thời gian.
  • Vô sinh.
  • Đau dữ dội ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
  • Hội chứng Nutcracker có thể gây tổn thương thận trái nếu không được điều trị, dẫn đến suy giảm chức năng thận và thậm chí là suy thận.



Đối tượng nguy cơ Hội chứng kẹp hạt dẻ

Hội chứng kẹp hạt dẻ có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi, có thể xuất hiện ngay từ nhỏ đến khoảng 70 tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở phụ nữ trưởng thành từ 20 đến 30 tuổi (được giải thích là do dậy thì làm thay đổi nhanh chóng chiều cao và các thân đốt sống có thể dẫn tới thu hẹp góc giữa động mạch chủ bụng và động mạch mạc treo tràng trên dẫn từ đó có thể kẹp vào tĩnh mạch thận). 

Trẻ em được chẩn đoán mắc tình trạng này thường có ít triệu chứng hơn người lớn.

Mặc dù có nhiều trường hợp sinh ra đã có hiện tượng kẹp hạt dẻ hoặc xuất hiện hiện ở anh chị em ruột nhưng hiện tượng này không phải là di truyền, do đó không thể di truyền hiện tượng kẹp hạt dẻ cho con cái nếu như bố mẹ có mắc.



Các biện pháp chẩn đoán Hội chứng kẹp hạt dẻ

Hội chứng kẹp hạt dẻ được chẩn đoán khi bệnh nhân đã có triệu chứng lâm sàng của tình trạng chèn ép tĩnh mạch thận trái kết hợp với xét nghiệm máu và nước tiểu cùng với chẩn đoán hình ảnh giải phẫu hệ mạch thận, còn đa phần hiện tượng kẹp hạt dẻ chỉ được phát hiện tình cờ qua các cuộc kiểm tra sức khỏe phát hiện các bất thường về giải phẫu tĩnh mạch thận bị chèn ép.

Các xét nghiệm bạn có thể cần bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: đái máu kéo dài có thể làm người bệnh thiếu máu, xét nghiệm hồng cầu và hemoglobin thấp.
  • Xét nghiệm nước tiểu: có hồng cầu và protein trong nước tiểu.
  • Siêu âm Doppler mạch máu thận.
  • Siêu âm trong lòng mạch (IVUS).
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) mạch máu thận.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) mạch máu thận.
  • Chụp tĩnh mạch thận.

Bất thường chèn ép tĩnh mạch thận trái gây ra hội chứng kẹp hạt dẻ

Bất thường chèn ép tĩnh mạch thận trái gây ra hội chứng kẹp hạt dẻ

 Chẩn đoán phân biệt

  • Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu.
  • Sỏi thận.
  • Sỏi niệu quản.
  • Hội chứng May-Thurner.
  • Bệnh ác tính hệ tiết niệu sinh dục.
  • Hội chứng Loin Pain Hematuria Syndrome (người bệnh có đái máu và đau thắt lưng).

Các biện pháp điều trị Hội chứng kẹp hạt dẻ

Hiện nay chưa có nhiều đồng thuận về phương pháp điều trị hội chứng kẹp hạt dẻ.

Đối với nhiều người, đặc biệt là trẻ em dưới 18 tuổi, nếu triệu chứng đái máu nhẹ, phương pháp bảo tồn là phù hợp nhất. Trong trường hợp cho phép có thể bảo tồn trong sáu tháng với người lớn và hai năm với trẻ em. Một số loại thuốc có thể dùng trong quá trình điều trị như:

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE) .
  • Aspirin hoặc clopidogrel để dự phòng huyết khối tắc mạch.

Nếu bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng và phương pháp bảo tồn không có tác dụng, có thể cần tiến hành thủ thuật xâm lấn tối thiểu hoặc phẫu thuật. Mục tiêu của can thiệp phẫu thuật là tạo ra một con đường thông thoáng hơn để máu có thể lưu thông tốt từ thận đến tim.

  • Chuyển vị tĩnh mạch thận qua nội soi: Di chuyển tĩnh mạch thận trái gắn vào tĩnh mạch chủ dưới ở một vị trí khác. Điều này cho phép tĩnh mạch thận trái tránh di chuyển giữa động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ.
  • Chuyển vị động mạch màng treo tràng trên (SMA): thủ thuật này bao gồm chuyển vị SMA từ vị trí ban đầu của nó ở động mạch chủ và cấy ghép lại tại một điểm bên dưới tĩnh mạch thận trái (LRV), đây là một thủ thuật phức tạp hơn khi so sánh với chuyển vị tĩnh mạch, nhưng là một lựa chọn phẫu thuật đòi hỏi ít tiếp xúc với phúc mạc và giảm nguy cơ huyết khối LRV. Tuy nhiên, thủ thuật này hiếm khi được sử dụng vì nguy cơ huyết khối động mạch đáng kể và với tỷ lệ biến chứng sau phẫu thuật cao.
  • Chuyển vị tĩnh mạch hiển lớn: đây là phẫu thuật phổ biến và hiệu quả nhất để điều trị hội chứng kẹp hạt dẻ phía trước và được Stewart và cộng sự sử dụng lần đầu tiên cho mục đích này vào năm 1982. 
  • Phẫu thuật nội mạch là một hình thức can thiệp ngày càng phổ biến để điều trị các tổn thương mạch máu trong đó có hội chứng kẹp hạt dẻ, can thiệp nội mạch đặt stent tĩnh mạch thận trái có ít nguy cơ hơn so với các phương pháp phẫu thuật mở truyền thống. Bệnh nhân cần dùng thuốc chống đông máu và thuốc kháng kết tập tiểu cầu trong 2 đến 3 tháng, đây là thời gian cần thiết để nội mạc hóa hoàn toàn stent. Phác đồ thường được khuyến cáo là 3 ngày đầu sau can thiệp dùng heparin trọng lượng phân tử thấp, 30 ngày dùng clopidogrel và 3 tháng dùng aspirin. 
  • Phẫu thuật ghép thận tự thân: đây là phẫu thuật triệt để nhất và được khuyến cáo trong những trường hợp tiểu máu vẫn tiếp diễn sau nhiều phương pháp điều trị khác nhau, đặc biệt là sau khi chuyển vị LRV. Thận được cắt và cấy ghép lại vào hố chậu.

Một số câu hỏi

- Triệu chứng của hội chứng kẹp hạt dẻ là gì?

  • Triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng kẹp hạt dẻ mà người bệnh thấy được trên lâm sàng là đái máu đại thể, ngoài ra có thể xuất hiện triệu chứng đau khi giao hợp, đau hông trái hoặc vùng chậu, đái khó, chóng mặt khi đứng dậy,...

- Hội chứng kẹp hạt dẻ có di truyền không?

  • Đây là một bệnh lý không có yếu tố di truyền, tuy nhiên có thể gặp ở cả các đối tượng trong gia đình như anh, chị, em ruột.

- Có phải tất cả bệnh nhân có tình trạng chèn ép tĩnh mạch thận trái đều cần can thiệp không?

  • Không phải tất cả bệnh nhân có hiện tượng kẹp hạt dẻ hay còn gọi là kẹt tĩnh mạch thận trái đều phải can thiệp, chỉ khi có các triệu chứng lâm sàng rõ như tiểu máu, tắc nghẽn vùng chậu mới cần điều trị can thiệp, nhưng các trường hợp có bất thường giải phẫu này cần được bác sĩ tư vấn theo dõi các triệu chứng lâm sàng và khám sức khỏe định kỳ để đánh giá tiến triển, đặc biệt là giải phẫu mạch thận trên phim chụp.

Mặc dù hiếm gặp, hội chứng kẹp hạt dẻ vẫn có thể thấy trên lâm sàng, với triệu chứng điển hình là đái máu đại thể. Bài viết trên của MEDLATEC giúp bạn tìm hiểu về hội chứng này để có thể phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh và thăm khám kịp thời. Hãy chủ động khám sức khỏe định kỳ hoặc đến ngay cơ sở y tế khi bạn có triệu chứng nghi ngờ hội chứng kẹp hạt dẻ. Hệ thống Y tế MEDLATEC với đội ngũ bác sĩ đông đảo cùng xét nghiệm, máy móc tiên tiến hàng đầu sẽ giúp bạn tầm soát sớm căn bệnh này để có kế hoạch theo dõi và điều trị phù hợp nhất. 

Liên hệ đặt lịch qua tổng đài 24/7: 1900 56 56 56 .


Tài liệu tham khảo:

  • https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC6326141/
  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23494-nutcracker-syndrome
  • https://cvhealthclinic.com/conditions-treated/nutcracker-syndrome/
  • http://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC2878259/
  • https://www.mayoclinicproceedings.org/article/S0025-6196(11)60346-7/fulltext
  1. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC2878259/#:~:text=Nutcracker%20phenomenon%20refers%20to%20compression,distal%20portion%20of%20the%20vein.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ