Từ điển bệnh lý

Hội chứng ống cổ tay : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 27-12-2024

Tổng quan Hội chứng ống cổ tay

Theo số liệu khám chữa bệnh chuyên khoa thần kinh và chuyên khoa cơ xương khớp năm 2024 tại hệ thống y tế MEDLATEC, ghi nhận có 420 ca bệnh được chẩn đoán mắc hội chứng ống cổ tay, trong đó 122 ca bị hội chứng ống cổ tay hai bên (chiếm 29%); 345 người mắc là nữ giới (chiếm 82%).

Hội chứng ống cổ tay có tên khác là Hội chứng đường hầm cổ tay, đây là bệnh lý thần kinh liên quan đến tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép, tổn thương khi đi qua ống cổ tay, gây cảm giác đau, tê bì, giảm hoặc mất cảm giác, bị yếu lực ở cổ tay, bàn tay. Triệu chứng này có thể bị ở một bên tay (tay thuận) hoặc cả hai tay. Bệnh tiến triển qua giai đoạn nặng có thể gây yếu cơ, teo cơ và hạn chế khả năng vận động của tay, gây nên phiền toái cho người bệnh và gánh nặng cho người già.

Hiện nay, số người mắc bệnh hội chứng ống cổ tay tăng do có nhiều công việc với tính chất sử dụng hoạt động của cổ tay liên tục, linh hoạt và lặp đi lặp lại nhiều giờ trong ngày và kéo dài (gõ bàn phím máy tính, bê vác đồ vật, chơi thể thao, lái xe, chơi nhạc cụ,…). Các số liệu nghiên cứu cũng chứng minh, tỉ lệ nữ giới mắc nhiều hơn nam giới và chủ yếu trong độ tuổi lao động.

Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay


Nguyên nhân Hội chứng ống cổ tay

  • Bẩm sinh: đường hầm cổ tay hẹp bẩm sinh do di truyền từ thế hệ trước khiến dây thần kinh giữa dễ dàng bị chèn ép, thường gặp ở cả hai tay.
  • Giới tính:phụ nữ tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới.

Trên 80% bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc hội chứng ống cổ tay tại MEDLATEC là nữ giới. Nguyên nhân: cấu trúc đường hầm cổ tay nữ giới nhỏ hơn nam giới. Ngoài ra, từ giai đoạn giữa thai kì, sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ mang thai có thể gây viêm các thành phần trong ống cổ tay, tăng áp lực lên dây thần kinh giữa.

  • Tính chất nghề nghiệp:những công việc cần chuyển động của bàn tay, cổ tay liên tục nhiều giờ trong ngày và liên tục thời gian dài có khả năng làm tổn thương các gân ở cánh tay (sưng, viêm), gián tiếp gây chèn ép lên các dây thần kinh ở cánh tay. Ví dụ: người gõ máy tính nhiều, người chơi các nhạc cụ bằng tay, người lao động bê vác, làm việc nặng, vận động viên chuyên nghiệp,…
  • Tiền sử chấn thương:chấn thương vùng cổ tay (gãy xương, viêm khớp, trật khớp cổ tay, đứt dây chằng,…) khiến xương bị di lệch hoặc không gian trong ống cổ tay bị hẹp, chèn ép vào dây thần kinh giữa.
  • Các bệnh lí khác như viêm khớp, suy thận, rối loạn chức năng tuyến giáp, gút, tiểu đường, béo phì… cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc Hội chứng ống cổ tay.



Triệu chứng Hội chứng ống cổ tay

  • Rối loạn về cảm giác: các triệu chứng thường khởi phát chậm và khó nhận biết. Khi mức độ chèn ép nặng ảnh hưởng đến dây thần kinh khiến cho người bệnh xuất hiện cảm giác tê bì ở bàn tay, ngón tay.
    Các triệu chứng thường xuất hiện ở tư thế cong cổ tay. Một số biểu hiện thường gặp:
  • Tê bì, ngứa ran, đau ở vùng gan bàn tay hoặc có thể gặp ở toàn bộ bàn tay, lan lên cánh tay, cẳng tay.
  • Giảm hoặc mất cảm giác ở đầu ngón tay, bàn tay
  • Các triệu chứng có thể tăng lên khi về đêm (gây khó ngủ) hoặc khi làm các công việc sử dụng nhiều đến vùng ống cổ tay.
  • Rối loạn về vận động: các triệu chứng xuất hiện muộn hơn, cảm giác đau, tê tay liên tục hơn và mức độ tê bì nặng hơn do dây thần kinh giữa bị chèn ép nặng nề. Triệu chứng thường gặp:
  • Bàn tay đau, tê bì với tần suất liên tục.
  • Đau cơ, chuột rút.
  • Lực bàn tay yếu, khó cầm nắm, khó thực hiện các thao tác sinh hoạt hàng ngày.
  • Bàn tay phản ứng chậm, mất phản xạ gấp các ngón tay, đặc biệt là ngón tay cái.



Phòng ngừa Hội chứng ống cổ tay

Để dự phòng mắc bệnh Hội chứng ống cổ tay, cần lưu ý:

  • Làm việc và nghỉ ngơi điều độ
  • Điều chỉnh tư thế, công cụ dụng cụ tại nơi làm việc.
  • Thay đổi tư thế làm việc, nghỉ ngơi, thư giãn, vận động nhẹ sau khi làm việc liên tục với các động tác như xoay cổ tay, giãn cơ cổ tay để hạn chế áp lực lên dây thần kinh giữa.
    • Bảo vệ cổ tay
  • Giữ cổ tay thẳng: Đối với công việc cần dùng nhiều đến cổ tay cần giữ cổ tay thẳng trong quá trình làm việc, hạn chế gập cổ tay, căng cơ cổ tay quá nhiều.

Tư thể cổ tay khi gõ bàn phím máy tính

Tư thể cổ tay khi gõ bàn phím máy tính

  • Có thể sử dụng nẹp cổ tay dự phòng với những đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng ống cổ tay hoặc đã có tiền sử mắc bệnh.
  • Giữ ấm cổ tay, bàn tay khi trời lạnh hoặc làm việc thường xuyên trong môi trường nhiệt độ thấp, sử dụng các loại găng tay phù hợp với tính chất công việc.
    • Thực hiện lối sống lành mạnh
  • Kiểm soát các bệnh lí nền, duy trì cân nặng hợp lí
  • Tập thể dục, vận động thường xuyên. Thực hiện các bài tập tay nhẹ nhàng, giúp kéo giãn hệ cơ xương khớp ở cổ tay, bàn tay, tăng cường lực cho cổ tay.

Hội chứng ống cổ tay có thể thường gặp trong lâm sàng, song vì triệu chứng nhẹ và ngại đi khám nên ít được phát hiện. Một số trường hợp có thể tự khỏi, song cũng có nhiều trường hợp triệu chứng ngày càng nặng, gây ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống thường ngày. Khi có một trong các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và kiểm tra.


Các biện pháp chẩn đoán Hội chứng ống cổ tay

Hầu hết người bị hội chứng ống cổ tay nhẹ không có dấu hiệu lâm sàng rõ ràng. Một số triệu chứng lâm sàng giúp bác sĩ có thể chẩn đoán như:

  • Tê bì cổ tay, bàn tay.
  • Đau nhức ở ngón tay, bàn tay kèm cảm giác rát, kim châm ở gan bàn tay.
  • Giảm hoặc mất cảm giác ở đầu ngón tay, bàn tay.
  • Yếu cổ tay và bàn tay, ít lực, khó cầm nắm hoặc khó thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày

Ngoài ra, trong quá trình thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ quan sát, kiểm tra cơ lực ở bàn tay và thực hiện các nghiệm pháp như:

Test

Cách thực hiện

Dấu hiệu dương tính

Nghiệm pháp Phalen

Gập cổ tay vuông góc 90 độ trong thời gian tối thiểu 60 giây.

Có xuất hiện triệu chứng tê, ngứa ran ở ngón tay, mức độ tăng dần.

Nghiệm pháp

Tinel

Bác sĩ dùng búa phản xạ chuyên dụng gõ vào vùng ống cổ tay của người bệnh

Có xuất hiện cảm giác tê, ngứa ran hoặc đau ở các ngón tay.

Nghiệm pháp Durkan

Bác sĩ dùng ngón cái ấn giữ liên tục 30 giây vào vị trí giữa cổ tay người bệnh nhằm làm tăng áp lực lên khu vực ống cổ tay

Có cảm giác tê bì tại khu vực cổ tay tay và đau lan ra các ngón tay khi ấn giữ trên 30 giây

Các chỉ định cận lâm sàng cần làm:

  • Siêu âm cổ tay: dựa trên tình trạng viêm hoặc chèn ép dây thần kinh giữa để chẩn đoán mức độ, giai đoạn của hội chứng ống cổ tay.
  • Chụp X-quang cổ tay:kiểm tra các chấn thương tại cổ tay nếu có.
  • Đo tốc độ dẫn truyền thần kinh chi trên: kiểm tra mức độ dẫn truyền và chuyển động bất thường của của dây thần kinh vận động, cảm giác.
  • Xét nghiệm máu để loại trừ các nguyên nhân gây bệnh khác (bệnh lí di truyền, rối loạn chuyển hóa).

Sau khi tổng hợp các kết quả lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ cần chẩn đoán phân biệt với Hội chứng đám rối thần kinh cánh tay, viêm gân gấp ngón tay, bệnh lí thần kinh ngoại biên do đái tháo đường,… trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng và phân loại bệnh theo 03 mức độ nhẹ, trung bình và nặng.

Tại hệ thống Y tế MEDLATEC có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp và thần kinh, và sự hỗ trợ của các phương tiện xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng giúp phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh hội chứng ống cổ tay gây ra.



Các biện pháp điều trị Hội chứng ống cổ tay

Nẹp ống cổ tay

Nẹp ống cổ tay

Tùy thuộc vào tình trạng, mức độ đau và phân loại mức độ bệnh để bác sĩ tư vấn phương án điều trị, phục hồi chức năng phù hợp. Nguyên tắc điều trị là làm giảm áp lực lên dây thần kinh giữa, kiểm soát các triệu chứng đau, phục hồi chức năng bàn tay và phòng ngừa tái phát.

Mức độ nhẹ - Điều trị bảo tồn

Đối với người bệnh mắc Hội chứng ống cổ tay mức độ nhẹ, ưu tiên điều trị bảo tồn với các phương pháp như:

Nẹp cố định cổ tay: Dùng nẹp cổ tay để cố định cổ tay, mục đích nhằm giữ cho cổ tay ở tư thế thẳng, làm hạn chế các hoạt động của cổ tay, giảm áp lực lên dây thần kinh giữa. Khuyến cáo nên đeo nẹp khi làm việc đối với các công việc cần sử dụng lực cổ tay liên tục và đeo khi đi ngủ. Thời gian đeo nẹp tối thiểu trong 4-6 tuần, thậm chí có thể kéo dài 3 tháng.

Ngoài ra, nẹp cố định cũng được sử dụng sau khi phẫu thuật để cố định, hỗ trợ và bảo vệ cổ tay.


HÌNH 3. NẸP CỐ ĐỊNH CỔ TAY

Thuốc uống: bác sĩ sẽ kê các thuốc chống viêm, thuốc giảm đau đường uống phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.

Thuốc giúp giảm đau, chống viêm, nhanh hồi phục, song có thể gây ra những tác dụng phụ. Do đó, khi sử dụng thuốc cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Nghỉ giải lao, vận động nhẹ nhàng và thay đổi tư thế làm việc. Đối với những nghề nghiệp bắt buộc phải cử động cổ tay nhiều cần lưu ý:

  • Hạn chế các động tác lặp đi lặp lại của cổ tay, điều chỉnh các công cụ, dụng cụ làm việc phù hợp giúp giảm tư thế căng quá mức hoặc gập cổ quá mức của cổ tay.
  • Nghỉ ngơi sau 45-60 phút làm việc liên tục, thực hiện các bài tập vận động tay nhẹ nhàng.Mức độ trung bình - Điều trị tích cực

Vật lý trị liệu: Người bệnh có thể phối hợp sử dụng thuốc và tập vật lý trị liệu nhằm tăng tuần hoàn của bàn tay và cổ tay, làm giảm phù, nhờ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh.

Tuy nhiên, các bài tập trị liệu phải phù hợp và được hướng dẫn bởi người có kinh nghiệm (bác sĩ, chuyên viên vật lí trị liệu).

Thuốc tiêm: Trường hợp đã sử dụng thuốc uống theo chỉ định nhưng các triệu chứng không tiến triển, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định tiêm thuốc vào đường hầm cổ tay. Việc tiêm thuốc được thực hiện tại cơ sở y tế và bác sĩ đã qua đào tạo.

Thay đổi hoạt động, công việc có sử dụng nhiều đến cổ tay. Cần thay đổi lối sống hoặc tư thế làm việc, giảm các hoạt động lặp đi lặp lại của cổ tay, hoạt động liên tục cần gập cổ tay hoặc căng cổ tay trong thời gian dài nhằm giảm bớt áp lực lên phần cổ tay. Một số người bệnh cần phải tạm dừng công việc liên quan đến cổ tay hoàn toàn trong thời gian điều trị này.

 Mức độ nặng - Điều trị can thiệp

Khi bệnh ở giai đoạn nặng, ngoài các triệu chứng trên còn có kèm theo dấu hiệu rối loạn cảm giác, teo cơ, triệu chứng bệnh không cải thiện với điều trị nội khoa hay các phương pháp khác trong thời gian dài (trên 6 tháng) cần phải thực hiện can thiệp:

  • Phẫu thuật giải phóng ống cổ tay: có thể mổ mở hoặc mổ nội soi để cắt bỏ dây chằng ngang ống cổ tay nhằm làm tăng không gian, giải phóng áp lực chèn ép dây thần kinh giữa.
  • Can thiệp bằng sóng cao tần: sử dụng sóng để làm giãn dây chằng ngang cổ tay. Đây là kỹ thuật công nghệ cao, chi phí lớn, cần cân nhắc thực hiện đảm bảo các yêu cầu phù hợp với chỉ định, chống chỉ định và nguy cơ biến chứng.

Tài liệu tham khảo:

Phác đồ chẩn đoán và điều trị hội chứng ống cổ tay - THƯ VIỆN MEDIPHARM


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ