Từ điển bệnh lý
Hội chứng Turner : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Hội chứng Turner
Hội chứng Turner (Turner Syndrome - TS), còn được gọi là hội chứng 45,X, là một rối loạn di truyền trong đó các tế bào chỉ có một nhiễm sắc thể X hoặc bị thiếu một phần nhiễm sắc thể X dẫn đến các triệu chứng đặc trưng trong hội chứng Turner: cổ ngắn và có màng, tai thấp, đường chân tóc thấp ở sau cổ, vóc dáng thấp lùn và người mắc bệnh thường không có kinh nguyệt hay ngực nếu không được điều trị bằng hormon cũng như khó có con nếu không có hỗ trợ sinh sản. Hầu hết những người mắc hội chứng Turner sẽ có trí tuệ tương đương người bình thường; tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp vấn đề về định hướng không gian và khó khăn trong học các môn học như toán học.
Bác sĩ về nội tiết người Mỹ Henry Turner, lần đầu tiên báo cáo về căn bệnh này vào năm 1938. Đây là một trong những bất thường nhiễm sắc thể phổ biến nhất ở người và nếu xét riêng ở nữ giới, đây cũng là rối loạn di truyền phổ biến nhất. Tần suất gặp Hội chứng Turner là khoảng 1/2.000-1/5.000 nữ sống. Ước tính có hơn 70.000 phụ nữ và trẻ em gái ở Hoa Kỳ mắc hội chứng Turner. Tất cả các khu vực và nền văn hóa trên thế giới đều có tần số mắc bệnh tương đương nhau. Nhìn chung, những người mắc hội chứng Turner có tuổi thọ ngắn hơn, chủ yếu là do nguy cơ gặp các bệnh lý liên quan đến tim mạch và bệnh tiểu đường.
Các đặc điểm chính của hội chứng Turner
Nguyên nhân Hội chứng Turner
Hội chứng Turner liên quan đến nhiễm sắc thể X, là một trong hai nhiễm sắc thể giới tính. Một người bình thường có hai nhiễm sắc thể giới tính trong mỗi tế bào: nữ có hai nhiễm sắc thể X, trong khi nam giới có một nhiễm sắc thể X và một nhiễm sắc thể Y. Hội chứng Turner xảy ra khi tế bào của cơ thể chỉ có một nhiễm sắc thể X bình thường còn nhiễm sắc thể X còn lại bị thiếu hoặc bị thay đổi cấu trúc.
Đa số (khoảng 50%) những người mắc hội chứng Turner là thể đơn nhiễm X (Monosomy X), có nghĩa là tất cả tế bào trong cơ thể của bệnh nhân chỉ có một bản sao của nhiễm sắc thể X (Karyotype hay kiểu nhân là 45,X) với kiểu hình bên ngoài là giới tính nữ.
Kiểu nhân (Karyotype) điển hình của hội chứng Turner là 45,X; nghĩa là trong bộ nhiễm sắc thể, ở cặp nhiễm sắc thể giới tính chỉ có một nhiễm sắc thể X
Hội chứng Turner cũng có thể tồn tại ở dạng khảm. Những người mắc thể khảm của hội chứng Turner chỉ có sự thay đổi số bản sao nhiễm sắc thể X chỉ trong một số tế bào của họ. Cơ thể của họ tồn tại cả hai dòng tế bào: dòng tế bào bình thường 46,XX hoặc 46,XY và dòng tế bào gây hội chứng Turner 45,X. Những cá nhân có khảm 45,X/46,XY có thể có kiểu hình là nữ hoặc giới tính mơ hồ, trong khi những người có kiểu nhân 45,X/46,XX sẽ có kiểu hình là nữ. Những bệnh nhân mắc hội chứng Turner thể khảm có thể có các đặc điểm thay đổi (thường là các triệu chứng nhẹ hơn) so với hội chứng Turner điển hình.
Ngoài ra, hội chứng cũng xảy ra nếu một nhiễm sắc thể X bị thay đổi cấu trúc, nghĩa là các vật liệu di truyền trên một nhiễm sắc thể X bị mất đi một phần hoặc bị thay đổi, thay vì mất hoàn toàn vật liệu di truyền. Một số trường hợp thay đổi cấu trúc nhiễm sắc thể X bao gồm:
- Mất đoạn nhánh ngắn nhiễm sắc thể X: 46,X,del(Xp)
- Mất đoạn nhánh dài nhiễm sắc thể X: 46,X,del(Xq)
- Nhiễm sắc thể X đều (Isochomosome X): 46,X,i(Xq)
- Nhiễm sắc thể X hình vòng: 46,X,r(X)
Các dạng bất thường nhiễm sắc thể X gặp trong hội chứng Turner
Ở mức độ phân tử, gen SHOX nằm trên nhánh ngắn của nhiễm sắc thể giới tính X (Xp22.33) đã được kết luận là có vai trò trong sự phát triển của hội chứng Turner. Gen SHOX mã hóa một loại protein có vai trò điều hoà hoạt động của các gen khác, trong đó có các gen liên quan đến sự tăng trưởng và trưởng thành của bộ xương. Vì gen SHOX nằm trên nhiễm sắc thể giới tính X, những phụ nữ mắc hội chứng Turner (với kiểu nhân chỉ có một nhiễm sắc thể X) sẽ chỉ có một bản sao của gen này trong mỗi tế bào thay vì hai bản sao như thông thường. Việc mất một bản sao của gen này làm giảm lượng protein SHOX được sản xuất và là nguyên nhân chính gây ra chiều cao thấp ở người mắc hội chứng Turner.
Triệu chứng Hội chứng Turner
Các biểu hiện lâm sàng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng gặp trong hội chứng Turner có thể khác biệt giữa các bệnh nhân khác nhau. Nhiều đặc điểm của bệnh là không đặc hiệu, có nghĩa là đặc điểm đó không chỉ gặp riêng trong hội chứng Turner mà có thể gặp ở một số bệnh lý khác. Một số triệu chứng có thể không xuất hiện ngay từ khi mới sinh ra mà chỉ biểu hiện vào những thời điểm muộn hơn của cuộc đời. Các đặc điểm, triệu chứng lâm sàng thường gặp của hội chứng Turner bao gồm:
- Chiều cao thấp hơn so với trung bình và chậm tăng trưởng: Hội chứng Turner có sự liên quan mạnh đến tình trạng tầm vóc thấp. Chiều cao trung bình của phụ nữ mắc hội chứng Turner khi không điều trị tích cực thường thấp hơn khoảng 20 cm so với chiều cao trung bình của phụ nữ trong cộng đồng nói chung. Sự chậm tăng trưởng trong hội chứng Turner không bắt đầu ngay từ khi sinh ra: hầu hết trẻ sơ sinh mắc bệnh vẫn tăng trưởng ở mức tương đối bình thường hoặc chỉ giảm nhẹ. Tốc độ tăng trưởng dần dần chậm lại, bắt đầu từ khoảng 18 tháng và trở nên rõ rệt khi trẻ bước vào tuổi dậy thì mà không trải qua giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt ở lứa tuổi này.
- Suy buồng trứng. Phụ nữ mắc hội chứng Turner có nguy cơ rất cao bị suy buồng trứng nguyên phát và vô sinh. Khoảng 70–80% các trường hợp mắc hội chứng Turner không phát triển dậy thì tự nhiên và 90% bị vô kinh nguyên phát, một số ít trường hợp có thể có một lượng nhỏ nang buồng trứng. Hầu hết phụ nữ mắc hội chứng Turner thường có ngực không phát triển và không có kinh nguyệt như phụ nữ bình thường.
- Phát triển trí tuệ bình thường. Tuy nhiên, người bệnh có thể khó khăn trong học tập, trí nhớ phi ngôn ngữ, đặc biệt là khó khăn trong liên hệ không gian thị giác (mất phương hướng). Trẻ bị bệnh cũng có thể gặp một số khó khăn trong giao tiếp xã hội. Tuy nhiên, nhìn chung các khó khăn này không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hằng ngày và đa số người mắc hội chứng Turner có khả năng lao động bình thường
- Nhiều đặc điểm thể chất đặc biệt: cổ ngắn, rộng và có nếp da thừa ở cổ hình cánh bướm, tóc mọc thấp xuống tận gáy, tai ở vị trí thấp và móng tay, móng chân hẹp hướng lên trên, phù bạch huyết ở mu bàn tay bàn chân.
- Ngoài các biểu hiện ở vóc dáng bên ngoài, bệnh nhân bị hội chứng Turner còn gặp một số bệnh lý, dị tật các cơ quan trong cơ thể. Khoảng một nửa các trường hợp hội chứng Turner có dị tật tim bẩm sinh, bao gồm van động mạch chủ hai lá (30%), hẹp eo động mạch chủ (15%), bất thường động mạch vùng đầu cổ. Một số khuyết tật tim hiếm gặp nhưng có thể làm tăng nguy cơ biến chứng nặng, đe dọa tính mạng như tăng áp động mạch phổi, bóc tách động mạch chủ. Bên cạnh đó, rối loạn chức năng gan thường gặp ở phụ nữ mắc hội chứng Turner, với 50–80% có men gan tăng cao. Hội chứng Turner cũng có thể gặp dị tật ở thận, bao gồm thận hình móng ngựa hoặc bất sản thận, và các dị tật này làm tăng nguy cơ suy thận, nhiễm trùng đường tiết niệu và tăng huyết áp.
Phụ nữ mắc hội chứng Turner có khả năng mắc các bệnh lý tự miễn cao gấp hai đến ba lần so với dân số nói chung. Các rối loạn tự miễn dịch cụ thể liên quan đến hội chứng Turner bao gồm viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh vẩy nến và viêm khớp vẩy nến, bệnh celiac. Trong đó, có tới 30% – 50% phụ nữ mắc hội chứng Turner cũng đồng thời bị viêm tuyến giáp Hashimoto. Đến tuổi 50, một nửa số phụ nữ mắc hội chứng Turner bị suy giáp lâm sàng hoặc suy giáp dưới lâm sàng.
. Giảm hoặc mất thính lực thường gặp trong hội chứng Turner. Mặc dù khi sinh ra, thính lực của bệnh nhân thường bình thường, nhưng các vấn đề về tai giữa mãn tính thường xuyên xảy ra trong suốt thời thơ ấu, có thể gây mất thính lực dẫn truyền.
Cổ ngắn và nếp da thừa ở cổ là đặc điểm đặc trưng của hội chứng Turner
Đường lây truyền Hội chứng Turner
Cơ chế di truyền
Hầu hết các bệnh nhân mắc hội chứng Turner đều vô sinh, không có khả năng di truyền cho con. Người mắc hội chứng Turner thuần thể đơn nhiễm phần lớn là kết quả từ một sự kiện ngẫu nhiên phát sinh trong quá trình phân chia tế bào sinh dục của bố mẹ (đột biến de novo). Hai giao tử, trong đó một giao tử bình thường, một giao tử bị mất nhiễm sắc thể giới tính, sẽ tạo ra hợp tử là thể đơn nhiễm X, gây nên hội chứng Turner.
Thể khảm của hội chứng Turner lại phát sinh ngẫu nhiên trong giai đoạn sớm của phát triển phôi thai. Trong quá trình phân chia tế bào, việc phân chia cặp nhiễm sắc thể giới tính diễn ra không bình thường, khiến một số tế bào vẫn có hai nhiễm sắc thể giới tính, trong khi một số khác chỉ có một nhiễm sắc thể X.
Hội chứng Turner gây ra bởi đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể X (mất đoạn, nhiễm sắc thể đều, nhiễm sắc thể vòng), hiếm gặp hơn nhưng lại có thể di truyền được sang các thế hệ sau.
Các biện pháp chẩn đoán Hội chứng Turner
Chẩn đoán hội chứng Turner cần dựa trên tiền sử bệnh nhân được khai thác chi tiết, đánh giá lâm sàng kỹ lưỡng kết hợp với nhiều xét nghiệm chuyên khoa. Hội chứng Turner nên được nghi ngờ ở những phụ nữ chậm tăng trưởng, tầm vóc ngắn không rõ nguyên nhân.
Chẩn đoán xác định hội chứng Turner bằng phân tích xác định kiểu nhân nhiễm sắc thể thông qua xét nghiệm nhiễm sắc thể từ tế bào máu ngoại vi (Karyotyping).
Hội chứng Turner là một trong các bất thường di truyền được quan tâm nhiều trong sàng lọc và chẩn đoán trước sinh. Sàng lọc các bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Turner có thể được thực hiện thông qua xét nghiệm không xâm lấn (NIPT) với bệnh phẩm là mẫu máu tĩnh mạch của mẹ.. Đây là một xét nghiệm đơn giản, không xâm lấn thai nhi, thời gian trả kết quả nhanh và có độ nhạy độ đặc hiệu cao trong sàng lọc các hội chứng bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Turner. Xét nghiệm NIPT có thể được thực hiện từ những tuần thai sớm của quý thứ nhất thai kì (tuần thứ 9 – tuần thứ 10).
Xét nghiệm NIPT là một biện pháp sàng lọc trước sinh hiệu quả giúp phát hiện sớm
các bất thường nhiễm sắc thể như Hội chứng Turner
Siêu âm thai kỳ cũng đóng vai trò quan trọng trong sàng lọc và chẩn đoán hội chứng Turner. Một số đặc điểm siêu âm quan trọng gặp trong hội chứng Turner bao gồm: nang bạch huyết vùng cổ sau, tăng khoảng sáng sau gáy, dị tật tim, thận như thận hình móng ngựa hoặc hẹp eo động mạch chủ, đa ối, phù thai lan tỏa, chậm phát triển trong tử cung.…. Tuy nhiên, cả kết quả xét nghiệm NIPT dương tính cũng như hình ảnh bất thường trên siêu âm đều chỉ là những dấu hiệu gợi ý thai kỳ nguy cơ cao với hội chứng Turner. Những thai phụ sàng lọc nguy cơ cao với hội chứng Turner cần được tư vấn và thực hiện chẩn đoán xác định bằng các biện pháp xâm lấn lấy mẫu bệnh phẩm của thai để xác định kiểu nhân của thai nhi (Karyotyping). Mẫu bệnh phẩm của thai nhi có thể được lấy thông qua thủ thuật sinh thiết gai rau được thực hiện ở tuần 11-13 của thai kỳ hoặc chọc ối lấy bệnh phẩm dịch ối được thực hiện ở tuổi thai 16-18 tuần.
Các biện pháp điều trị Hội chứng Turner
Do là một bệnh lý di truyền nên hội chứng Turner không có biện pháp điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Điều trị có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau như nhi khoa, ngoại khoa, nội khoa, tim mạch, tâm lý,…. và đối với mỗi bệnh nhân khác nhau sẽ có chiến lược điều trị khác nhau. Nếu được chăm sóc y tế một cách hợp lý, phụ nữ mắc hội chứng Turner sẽ có thể có cuộc sống đầy đủ, hiệu quả. Các liệu pháp chính được áp dụng trên bệnh nhân Turner là liệu pháp hormon tăng trưởng và liệu pháp estrogen.
- Liệu pháp hormon tăng trưởng GH giúp tăng chiều cao cho trẻ mắc hội chứng Turner. Trong điều kiện tối ưu, liệu pháp có thể cải thiện chiều cao từ 5-8 cm, khi hoàn thành liệu pháp chiều cao có thể đạt 152cm hoặc hơn. Liệu pháp GH được khuyến cáo bắt đầu sớm từ 4-5 tuổi hoặc ngay khi phát hiện sự chậm phát triển chiều cao so với lứa tuổi.
- Bên cạnh sử dụng liệu pháp hormon tăng trưởng, trẻ mắc hội chứng Turner cũng cần điều trị liệu pháp hormon để phát triển tuổi dậy thì. Việc điều trị các liệu pháp phát triển tuổi dậy thì càng muộn thì đáp ứng với hormon càng kém. Liệu pháp hormon sinh dục thường được bắt đầu từ 11-12 tuổi.
Hầu hết các bệnh nhân mắc hội chứng Turner dạng thuần không thể có con. Những bệnh nhân này có thể lựa chọn biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với trứng hiến của người có bộ nhiễm sắc thể bình thường (46,XX) với mong muốn có thể mang thai giống như những phụ nữ bình thường khác.
Những người mắc hội chứng Turner thể khảm có thể bị vô sinh nhưng trong một số trường hợp có khả năng sinh sản chỉ bị suy giảm. Thụ tinh trong ống nghiệm và hỗ trợ sinh sản có thể giúp những phụ nữ này có con sinh học. Tuy nhiên, những người mắc hội chứng Turner khảm mà vẫn mang thai có nguy cơ gặp các biến chứng liên quan đến huyết áp, tim mạch và có thể dẫn đến sinh non hoặc thai nhi chậm phát triển.
Nữ giới mắc hội chứng Turner thể khảm với sự tồn tại của nhiễm sắc thể Y (karyotype 45,X/46XY) có nguy cơ cao về sự có mặt của tinh hoàn trong ổ bụng, từ đó phát triển ung thư tuyến sinh dục. Những bệnh nhân này cần được thăm khám kỹ lưỡng, kết hợp các biện pháp thăm dò chẩn đoán hình ảnh như MRI, siêu âm để sớm phát hiện và điều trị loại bỏ các phần mô tuyến sinh dục không hoạt động.
Các điều trị bổ sung khác bao gồm thay thế hormon tuyến giáp, sửa chữa mất thính lực, khám tư vấn tâm lý và trị liệu ngôn ngữ được áp dụng tuỳ thuộc diễn biến lâm sàng của bệnh.
Hội chứng Turner là rối loạn nhiễm sắc thể giới tính thường gặp nhất ở phụ nữ và là một nguyên nhân quan trọng gây ra chiều cao thấp và vô sinh nữ. Hội chứng Turner có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm nhiễm sắc thể từ tế bào máu ngoại vi. Các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nói chung, và đặc biệt là phụ nữ chiều cao thấp nên được chỉ định làm xét nghiệm nhiễm sắc thể. Hội chứng Turner có thể được sàng lọc trước sinh bằng xét nghiệm trước sinh không xâm lấn (NIPT) với ưu điểm sàng lọc sớm, an toàn, độ chính xác cao. Điều trị liệu pháp hormon tăng trưởng và liệu pháp estrogen đối với trẻ hội chứng Turner có hiệu quả cao và nên được chỉ định điều trị sớm trước tuổi dậy thì.
Tài liệu tham khảo:
- Shankar Kikkeri N, Nagalli S. Turner Syndrome. [Updated 2023 Aug 8]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2024 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554621/
- Kesler, Shelli R. "Turner syndrome." Child and Adolescent Psychiatric Clinics of North America 16.3 (2007): 709-722.
- Sách Di truyền y học - Trường Đại học Y Hà Nội. Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (2021).
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!