Từ điển bệnh lý

Hội chứng viêm cầu thận cấp : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 09-05-2025

Tổng quan Hội chứng viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận cấp tính là một loạt các rối loạn viêm thận đặc trưng bởi tình trạng tiểu máu và protein niệu.

Viêm cầu thận cấp tính phổ biến nhất ở trẻ em xảy ra từ 1 đến 3 tuần sau khi bị nhiễm trùng họng hoặc da do liên cầu khuẩn tan máu nhóm A (Streptococcus pyogenes). Phản ứng miễn dịch đối với nhiễm trùng dẫn đến lắng đọng kháng thể, kích hoạt bổ thể và cuối cùng là phản ứng viêm trong cầu thận. Thời gian tiềm ẩn đối với cả dạng nhiễm khuẩn ở họng và da có thể kéo dài tới 6 tuần. 

Để chẩn đoán viêm cầu thận thì bác sĩ bắt buộc phải tiến hành lấy mẫu nước tiểu để làm xét nghiệm và protein niệu hầu như luôn lớn hơn 2+ trên que thử, điều này cho thấy protein đo được không chỉ đơn thuần là thứ phát do tiểu máu. Có thể thấy trụ hồng cầu vi thể. Trụ hạt trong suốt và mủ trong nước tiểu là phổ biến. Luôn phải thực hiện nuôi cấy nước tiểu.

Trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân do liên cầu khuẩn, thì xét nghiệm huyết thanh để xác nhận nhiễm liên cầu là rất cần thiết. Nồng độ antistreptolysin O tăng cao ở phần lớn các trường hợp, đạt đỉnh sau 10 đến 14 ngày và trở lại bình thường sau 3 đến 4 tuần, nồng độ antihyaluronidase đạt đỉnh sau 3 đến 4 tuần. Với căn nguyên xuất phát từ nhiễm trùng da, có thể đo kháng thể anti–DNAse-B.

Điều trị bệnh nhân viêm cầu thận cấp chủ yếu là hỗ trợ, hạn chế lượng chất lỏng và natri đưa vào. Thuốc kháng sinh là cần thiết cho điều trị các nhiễm trùng đang có.



Nguyên nhân Hội chứng viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận cấp có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân gây ra. Đôi khi bệnh di truyền trong gia đình và đôi khi nguyên nhân không rõ. Một số nguyên nhân dưới đây có thể gây ra viêm cầu thận cấp, bao gồm:

Nhiễm trùng: 

  • Viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu khuẩn: Viêm cầu thận có thể phát triển một hoặc hai tuần sau khi hồi phục sau nhiễm trùng họng do liên cầu khuẩn hoặc, hiếm khi là nhiễm trùng da do vi khuẩn liên cầu khuẩn gây ra. Viêm xảy ra khi kháng thể chống lại vi khuẩn tích tụ trong cầu thận. Thưởng viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu hay gặp ở trẻ em hơn là người lớn.

  • Viêm nội tâm mạc do vi khuẩn: Tình trạng này cũng có thể liên quan đến nhiễm trùng gây viêm cầu thận.
  • Viêm cầu thận do virus: Viêm gan B và viêm gan C có thể là nguyên nhân gây viêm cầu thận.
  • HIV: Virus HIV có thể làm bệnh nhân tiến triển thành viêm cầu thận.

Bệnh tự miễn dịch

Bệnh tự miễn là bệnh do hệ thống miễn dịch của cơ thể hiểu nhầm và tấn công các mô khỏe mạnh của chính cơ thể chúng ta. Dưới đây là một số bệnh lý tự miễn có thể gây viêm cầu thận:

  • Bệnh lupus ban đỏ hệ thống: Bệnh lupus ban đỏ hệ thống không chỉ gây tổn thương mỗi cầu thận mà còn có thể gây tổn thương đa cơ quan như da, khớp, tế bào máu, viêm màng tim và các tổn thương khác nhau ở phổi như viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi,....
  • Hội chứng Goodpasture: Trong rối loạn hiếm gặp này, còn được gọi là bệnh anti-GBM, hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể đối với các mô ở phổi và thận. Nó có thể gây tổn thương tiến triển và vĩnh viễn cho thận.
  • Bệnh thận IgA: Immunoglobulin A (IgA) là một kháng thể đóng vai trò bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây nhiễm trùng. Sự lắng đọng của IgA tại cầu thận có thể gây tổn thương các tế bào này và tiến triển âm thầm một thời gian và không được phát hiện.

Viêm mạch

 Các loại viêm mạch có thể gây viêm cầu thận bao gồm:

  • Viêm đa động mạch.
  • U hạt Wegener.

Một số bệnh lý khác

Một số bệnh lý khác có thể làm xuất hiện tổn thương sẹo ở cầu thận như:

  • Tăng huyết áp: Huyết áp cao kéo dài không được chẩn đoán hoặc kiểm soát tốt có thể gây sẹo và viêm cầu thận. 
  • Bệnh thận do đái tháo đường: Đường huyết tăng cao ở những bệnh nhân đái tháo đường góp phần gây sẹo ở cầu thận, làm dày màng đáy, tăng sinh lớp trung mô, hậu quả là gây ra albumin niệu.
  • Xơ hóa cầu thận cục bộ: Đây có thể là kết quả của một bệnh khác hoặc có thể xảy ra mà không rõ lý do gây ra tổn thương sẹo ở cầu thận.

Liên cầu khuẩn là tác nhân hay gặp trong viêm cầu thận cấpLiên cầu khuẩn là tác nhân hay gặp trong viêm cầu thận cấp


Triệu chứng Hội chứng viêm cầu thận cấp

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm cầu thận có thể bao gồm:

  • Giữ nước (phù nề) với biểu hiện sưng rõ ở mặt, tay, chân và bụng, có thể phù toàn thân. 
  • Tiểu ít: Số lượng nước tiểu ít hơn so với bình thường.
  • Tiểu máu: Xuất hiện tế bào hồng cầu trong nước tiểu, nước tiểu của bệnh nhân thường có màu hồng.
  • Protein niệu: Quá nhiều đạm thoát ra khỏi màng lọc cầu thận làm xuất hiện tình trạng tiểu bọt ở bệnh nhân.
  • Tăng huyết áp.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Chuột rút cơ.
  • Chán ăn
  • Mệt mỏi.
  • Đau bụng.

Bệnh nhân viêm cầu thận cấp có tiểu máuBệnh nhân viêm cầu thận cấp có tiểu máu


Các biến chứng Hội chứng viêm cầu thận cấp

  • Suy thận cấp: Đây là tình trạng giảm chức năng thận đột ngột, nhanh chóng, dưới 3 tháng, nguyên nhân có thể là do nhiễm trùng gây viêm cầu thận. Suy thận dẫn tới giảm mức lọc cầu thận, ứ dịch, các chất thải không được đào thải, có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời như lọc máu. Tổn thương kéo dài dưới 3 tháng thì chức năng thận có thể phục hồi hoàn toàn.
  • Viêm cầu thận mạn: Bệnh có thể tiến triển thành viêm cầu thận mạn tính nếu không kịp thời phục hồi sau 3 tháng.
  • Bệnh thận mạn tính: Viêm dai dẳng dẫn đến tổn thương lâu dài và suy giảm chức năng thận, ảnh hưởng đến khả năng lọc máu hiệu quả của nephron. Nếu tiểu albumin và/hoặc giảm mức lọc cầu thận dưới 60ml/ph kéo dài trên 3 tháng sẽ được chẩn đoán là bệnh thận mạn tính. Bệnh có thể tiến triển thành bệnh thận giai đoạn cuối, buộc bệnh nhân phải lọc máu chu kỳ hoặc thay thế thận.
  • Tăng huyết áp: Tổn thương cầu thận có thể dẫn đến tăng huyết áp. Tăng huyết áp nếu không được kiểm soát tốt có thể gây nên các tổn thương lên các cơ quan như suy tim, suy thận, đột quỵ não, tổn thương võng mạc.
  • Hội chứng thận hư: Tích tụ quá nhiều protein máu trong nước tiểu và quá ít protein trong máu có thể xuất hiện hội chứng thận hư. Giảm protein máu dẫn đến cholesterol cao, huyết áp cao và giảm áp lực keo trong máu dẫn đến không thể giữ nước ở lòng mạch, nước thoát ra ngoài các khoảng kẽ gây giữ nước, phù ở mặt, tay, chân và bụng. 

Đối tượng nguy cơ Hội chứng viêm cầu thận cấp

Không phải tất cả mọi người có yếu tố nguy cơ đều sẽ phát triển viêm cầu thận cũng như không phải tất cả bệnh nhân viêm cầu thận cấp đều có các nguy cơ. 

Một số yếu tố dưới đây có thể góp phần tăng khả năng mắc viêm cầu thận cấp, bao gồm:

  • Gia đình có người thân mắc bệnh thận hoặc bản thân bệnh nhân có mắc các bệnh lý về thận trước đó.
  • Mắc bệnh cần điều trị trong đó có thuốc có thể tăng nguy cơ tổn thương thận.
  • Môi trường làm việc hoặc sinh hoạt có thể tiếp xúc với các chất độc với thận như các kim loại nặng hoặc hóa chất độc hại.
  • Nhiễm khuẩn do liên cầu hoặc viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn sẽ làm tăng nguy cơ viêm cầu thận cấp.
  • Bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống.

Trẻ em sau nhiễm liên cầu họng cần đề phòng biến chứng viêm cầu thận cấpTrẻ em sau nhiễm liên cầu họng cần đề phòng biến chứng viêm cầu thận cấp


Phòng ngừa Hội chứng viêm cầu thận cấp

  • Cần điều trị kịp thời tình trạng nhiễm trùng liên cầu khuẩn kèm theo đau họng hoặc tổn thương liên cầu da.
  • Dự phòng yếu tố nguy cơ hoặc các nguyên nhân gây bệnh như HIV và viêm gan sẽ giúp giảm nguy cơ mắc viêm cầu thận, các biện pháp này có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh đó như chú ý quan hệ tình dục an toàn, không sử dụng ma túy, nếu có nhiễm các virus như HIV, viêm gan B, viêm gan C cần tuân thủ điều trị của bác sĩ.
  • Nếu là bệnh nhân tăng huyết áp, cần điều trị kiểm soát tốt huyết áp để hạn chế tổn thương thận, ví dụ các thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể.
  • Điều trị tốt đái tháo đường để giảm thiểu tổn thương mạch máu nhỏ cầu thận.
  • Giảm lượng muối nạp vào cơ thể để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tình trạng giữ nước, phù và tăng huyết áp.
  • Tiêu thụ ít protein để hạn chế các sản phẩm chuyển hóa như ure tích tụ trong máu.
  • Không hút thuốc lá.
  • Giảm cân nếu bạn đang thừa cân, béo phì.

Các biện pháp chẩn đoán Hội chứng viêm cầu thận cấp

Bác sĩ đánh giá triệu chứng lâm sàng, tiền sử của bệnh nhân để hướng tới chẩn đoán bệnh. Các triệu chứng hay gặp nhất của viêm cầu thận cấp thường là gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn, có thể xuất hiện sau một đợt nhiễm khuẩn thường là sau nhiễm liên cầu họng hoặc da, bệnh nhân có các biểu hiện như phù, tiểu ít, tiểu bọt, tiểu máu và tăng huyết áp. 

Dưới đây là các xét nghiệm lâm sàng thường được bác sĩ sử dụng để chẩn đoán viêm cầu thận cấp:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Protein niệu, hồng cầu niệu là điển hình nhất, nếu kèm theo nhiễm khuẩn có thể có bạch cầu hoặc NIT dương tính.
  • Xét nghiệm máu: Đánh giá chức năng thận bằng chỉ số ure và creatinin. Ngoài ra protein và albumin máu có thể giảm. Đường máu, mỡ máu có thể tăng.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Nếu lâm sàng và các xét nghiệm máu, nước tiểu trước đó định hướng chẩn đoán bệnh thận, bác sĩ có thể đề nghị làm một số chẩn đoán hình ảnh để đánh giá các bất thường về thận trên hình ảnh học. Có thể là chụp X-quang, siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính.
  • Sinh thiết thận: Không phải trường hợp nào cũng cần sinh thiết thận và đây không phải là một xét nghiệm thường quy. Trong lúc sinh thiết, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim đặc biệt để lấy ra các mảnh mô thận nhỏ để quan sát dưới kính hiển vi. Sinh thiết sẽ giúp bác sĩ xác nhận chẩn đoán và đánh giá mức độ và bản chất của tổn thương mô.

Các biện pháp điều trị Hội chứng viêm cầu thận cấp

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm cầu thận cấp và tổn thương thận kèm theo nếu có mà bác sĩ sẽ lựa chọn liệu pháp điều trị khác nhau cho từng cá thể người bệnh. Mục tiêu của việc điều trị là giảm thiểu mọi tổn thương hiện có và tránh các biến chứng có thể xảy ra về sau.

Sau đây là một số phương pháp điều trị viêm cầu thận cấp:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống để ăn ít protein và muối hơn để giảm gánh nặng cho thận.
  • Nếu viêm cầu thận cấp là do nguyên nhân tự miễn, bác sĩ sẽ lựa chọn các thuốc ức chế miễn dịch để giảm quá trình phá hủy các tế bào cầu thận khỏe mạnh.
  • Kiểm soát huyết áp bằng các thuốc nhóm ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể angiotensin II nếu không có chống chỉ định với 2 nhóm này. Lưu ý hai nhóm này không nên phối hợp với nhau để tránh tăng thêm độc tính cho thận.
  • Thuốc lợi tiểu để loại bỏ lượng dịch dư thừa ra khỏi cơ thể, giảm triệu chứng phù do giữ muối nước.
  • Corticosteroid có tác dụng giảm viêm.
  • Lọc máu cấp cứu nếu có suy thận cấp hoặc tăng kali nặng hoặc toan chuyển hóa nặng và không đáp ứng với phác đồ điều trị hiện tại.

Viêm cầu thận cấp hiện nay không còn là một căn bệnh xa lạ, tuy nhiên không phải lúc nào bệnh cũng có triệu chứng để người bệnh có thể nhận biết và đến viện, vì vậy trong một số trường hợp thầy thuốc cần hỗ trợ rất lớn từ các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời. Khám sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ viêm cầu thận cấp sẽ giúp bạn phát hiện sớm bệnh và tiên lượng điều trị tốt, tránh được nguy cơ tiến triển thành viêm cầu thận mạn bệnh thận mạn và sau cùng phải điều trị lọc máu hoặc thay thế thận.

Hãy đặt lịch với bác sĩ của MEDLATEC ngay từ hôm nay qua tổng đài 1900565656 hoặc đặt lịch mọi lúc mọi nơi trên ứng dụng My Medlatec để được bác sĩ hỗ trợ tư vấn kịp thời.


Tài liệu tham khảo:

  1. https://emedicine.medscape.com/article/239278-overview 
  2. https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/acute-glomerulonephritis
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/glomerulonephritis/symptoms-causes/syc-20355705
  4. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/glomerulonephritis/diagnosis-treatment/drc-20355710
  5. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16167-glomerulonephritis-gn
  6. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560644/

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ