Từ điển bệnh lý

Huyết khối tĩnh mạch cửa : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 19-12-2024

Tổng quan Huyết khối tĩnh mạch cửa

Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể, là một phần của hệ tiêu hoá. Gan có nhiều chức năng quan trọng như phân huỷ các chất trong quá trình tiêu hoá, vận chuyển các chất, lưu giữ và giải phóng glucose, đào thải độc tố… Hai nhóm mạch máu cung cấp máu cho gan, giúp gan duy trì hoạt động gồm động mạch gan và tĩnh mạch cửa. 

 Tĩnh mạch cửa (màu tím) là một trong những mạch máu quan trọng của gan

 Tĩnh mạch cửa (màu tím) là một trong những mạch máu quan trọng của gan



Triệu chứng Huyết khối tĩnh mạch cửa

Trong trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch cửa giai đoạn cấp tĩnh, người bệnh thường có các triệu chứng không điển hình như đau bụng, đi ngoài, ăn uống kém, buồn nôn, nôn… Ngoài ra, người bệnh còn có thể có các triệu chứng khác của bệnh lý đi kèm (viêm gan, xơ gan, ung thư gan…) như:

  • Vàng da, vàng mắt…
  • Bụng chướng
  • Nổi các sao mạch dưới da
  • Xuất huyết đường tiêu hoá như nôn ra máu hay đi ngoài phân đen
  • Gan to, lách to
  • Trong một số trường hợp ung thư gan có thể sờ thấy khối vùng hạ sườn phải hoặc đau tức vùng hạ sườn phải

Đau bụng là một triệu chứng không điển hình của huyết khối tĩnh mạch cửa

Đau bụng là một triệu chứng không điển hình của huyết khối tĩnh mạch cửa


Các biến chứng Huyết khối tĩnh mạch cửa

Động mạch gan có vai trò cung cấp máu giàu oxy từ tim đến gan, cung cấp năng lượng cho quá trình chuyển hoá ở gan. Tĩnh mạch cửa có vai trò vận chuyển máu từ các cơ quan trong ổ bụng như lách, tuỵ, dạ dày, ruột non và đại tràng đến gan. Đây là các yếu tố quan trọng giúp gan hoạt động tốt, đảm bảo quá trình trao đổi chất và đào thải độc tố trong cơ thể. Khi một trong hai nhóm mạch máu này gặp tổn thương - cụ thể là tĩnh mạch cửa, chức năng của gan sẽ suy giảm. Huyết khối tĩnh mạch cửa là tình trạng các cục máu đông chèn ép gây bít tắc một hoặc nhiều nhánh, sẽ dẫn đến chức năng cung cấp máu cho gan của tĩnh mạch cửa bị giảm sút, gây giảm chức năng gan, dần dần ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người bệnh.

Không những thế, việc hình thành huyết khối tĩnh mạch cửa là dấu hiệu của nhiều loại bệnh lý, trong đó có ung thư gan, xơ gan là các nguyên nhân hay gặp nhất. Các nguyên nhân khác có thể dẫn đến huyết khối tĩnh mạch cửa như viêm tuỵ, ung thư tuỵ, rối loạn động máu, viêm ruột hoại tử… Ngoài ra, một số trường hợp bị chấn thương vùng bụng cũng có thể gây huyết khối tĩnh mạch cửa.



Đối tượng nguy cơ Huyết khối tĩnh mạch cửa

Từ những nguyên nhân kể trên, những đối tượng có yếu tố nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch cửa gồm có:

  • Những người mắc bệnh lý về gan như: viêm gan cấp hay mạn tính, viêm gan virus, viêm gan rượu, ung thư gan…
  • Những người có bệnh lý về tuỵ như viêm tuỵ, u tuỵ…
  • Những người sử dụng nhiều bia rượu
  • Những người thừa cân, béo phì, gan nhiễm mỡ…
  • Những người có bệnh lý về máu gây rối loạn đông máu hoặc bệnh lý tim mạch có nguy cơ hình thành cục máu đông
  • Những người có tiền sử mắc bệnh lý huyết khối như huyết khối tĩnh mạch sâu, huyết khối tĩnh mạch chi dưới

Những người càng có nhiều yếu tố nguy cơ, khả năng mắc huyết khối tĩnh mạch cửa càng cao. Do đó, những đối tượng này cần lưu ý khi xuất hiện các triệu chứng bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám.


Phòng ngừa Huyết khối tĩnh mạch cửa

Do triệu chứng và diễn biến của bệnh thường thầm lặng, nên mọi người cần chủ động đi kiểm tra sức khoẻ định kì, để sớm phát hiện ra các bất thường trong cơ thể, chẩn đoán và điều trị sớm sẽ tránh các biến chứng nguy hiểm.

Đặc biệt ở nhóm người bệnh có yếu tố nguy cơ, cần nghiêm túc tuân thủ điều trị bệnh lý nền như viêm gan, xơ gan… để tránh bệnh tiến triển nặng hơn. Đồng thời có chế độ ăn uống - sinh hoạt lành mạnh: ăn thực phẩm sạch, nhiều rau xanh, hạn chế tối đa sử dụng các chất kích thích không tốt cho cơ thể, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch cửa

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch cửa



Các biện pháp chẩn đoán Huyết khối tĩnh mạch cửa

Người bệnh nếu có triệu chứng nghi ngờ huyết khối tĩnh mạch cửa cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, sau đó dựa theo kết quả thăm khám lâm sàng và hỏi bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung thêm các xét nghiệm máu và thăm dò chẩn đoán hình ảnh khác:

  • Xét nghiệm máu: các xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm đông máu cơ bản là những xét nghiệm rất cần thiết để đánh giá tình trạng đông máu và nguy cơ hình thành cục máu đông. Ngoài ra còn cần bổ sung các xét nghiệm về chức năng gan - thận, các xét nghiệm về viêm gan, xơ gan hay các marker ung thư khác để tìm nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch cửa như xét nghiệm viêm gan B,C; xét nghiệm AFP, CEA…
  • Chẩn đoán hình ảnh:

Siêu âm ổ bụng: Là chỉ định đầu tay được các bác sĩ lựa chọn khi thăm khám cho người bệnh vì đây là kĩ thuật đơn giản, dễ thực hiện, an toàn mà chi phí lại hợp lý. Trên siêu âm, có thể xác định được tình trạng của tĩnh mạch cửa, có hay không sự xuất hiện của huyết khối trong lòng tĩnh mạch cửa, kích thước tĩnh mạch cửa. Không những thế, siêu âm còn giúp đánh giá tình trạng của gan, thận, tuỵ, lách… Từ đó giúp định hướng nguyên nhân gây ra huyết khối tĩnh mạch cửa, đồng thời chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý khác. Mặc dù có rất nhiều ưu điểm, nhưng siêu âm bị hạn chế bởi chủ quan của bác sĩ, hạn chế khi máy siêu âm đã cũ - độ phân giải kém. Đặc biệt càng hạn chế khi người bệnh béo bụng hoặc bụng chướng hơi, gây hạn chế quan sát. Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung bằng chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ để quan sát và chẩn đoán tốt hơn.

Chụp cắt lớp vi tính: Đây là kĩ thuật công nghệ cao, sử dụng tia X chiếu qua vùng bụng của người bệnh, từ đó dựng lại hình ảnh bên trong cơ thể, giúp đánh giá chính xác vị trí, số lượng, tính chất cũng như mức độ của huyết khối tĩnh mạch cửa. Ngoài ra cũng đánh giá chính xác hơn tình trạng của gan, thận, tuỵ, lách.. và các mạch máu khác trong ổ bụng; phát hiện các khối u gan, u tuỵ nếu có, xác định giai đoạn bệnh, mức độ xâm lấn của khối u, từ đó có kế hoạch điều trị phù hợp nhất với từng người bệnh. Dù kĩ thuật có độ chính xác cao, nhưng do sử dụng tia X nên người bệnh có nguy cơ nhiễm bức xạ, do đó chỉ thực hiện khi có yêu cầu từ bác sĩ. Đặc biệt, kĩ thuật có sử dụng thuốc cản quang tiêm vào mạch máu người bệnh, nên những người có dị ứng với thuốc không thể sử dụng được kĩ thuật này. Ở những đối tượng này, kĩ thuật chụp cộng hưởng từ sẽ được thay thế.

Chụp cộng hưởng từ: Kĩ thuật sử dụng từ trường chiếu qua vùng cơ thể và dựng lại hình ảnh trên máy tính cho bác sĩ xem và chẩn đoán. Kĩ thuật này không sử dụng tia X như chụp cắt lớp vi tính, do đó người bệnh không bị bức xạ. Tuy nhiên do sử dụng từ trường, nên sẽ hạn chế chỉ định cho những người bệnh có vật liệu kim loại trong người như máy tạo nhịp, răng giả, nẹp - vít chỉnh hình… Mặc dù vậy, kĩ thuật này cũng cung cấp đầy đủ các thông tin về vị trí, số lượng, tính chất và mức độ của các huyết khối trong tĩnh mạch cửa. Đồng thời cũng có thể chẩn đoán nguyên nhân, chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác. Do đó, khi người bệnh không thể chụp được cắt lớp vi tính nhưng lại đủ điều kiện chụp cộng hưởng từ, bác sĩ sẽ chỉ định thay thế để bổ sung chẩn đoán.

Siêu âm là kĩ thuật đầu tay chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch cửa

Siêu âm là kĩ thuật đầu tay chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch cửa

Sau đó, bác sĩ sẽ tổng hợp hết các kết quả xét nghiệm và các thăm dò chẩn đoán hình ảnh, từ đó chẩn đoán và tiên lượng bệnh, lên kế hoạch điều trị. Tuỳ từng người bệnh, tuỳ từng hoàn cảnh người bệnh khác nhau mà bác sĩ sẽ cho các thăm dò phù hợp cũng như có kế hoạch điều trị hiệu quả. Quan trọng nhất là phải trao đổi, thống nhất cao giữa bác sĩ và người bệnh, để cùng đồng hành trong suốt quãng đường chẩn đoán và điều trị bệnh.



Các biện pháp điều trị Huyết khối tĩnh mạch cửa

Kế hoạch điều trị huyết khối tĩnh mạch cửa phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Phần lớn các trường hợp huyết khối cấp tính và khu trú cần can thiệp để lấy huyết khối, lập lại lưu thông trong tĩnh mạch cửa, tránh biến chứng thành xơ hoá tĩnh mạch cửa. Tuy nhiên các kĩ thuật này không nên thực hiện trên những người bệnh huyết khối tĩnh mạch cửa mạn tính, huyết khối lan toả toàn bộ các nhánh tĩnh mạch, hoặc trên người bệnh ung thư gan đã di căn, người có các tình trạng nặng về tim mạch, hô hấp hay rối loạn đông máu. Đồng thời, song song với lấy huyết khối, người bệnh còn được sử dụng thuốc chống đông để ngăn ngừa huyết khối tiến triển, trong đó một số thuốc khá phổ biến hiện nay như heparin, thuốc kháng vitamin K… Việc sử dụng thuốc chống đông này cần được bác sĩ chỉ định thận trọng, vì có thể làm nặng hơn tình trạng xuất huyết do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, nên người bệnh cần nghiêm túc thực hiện theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng của thuốc.

Tuy nhiên, để thực hiện được phương pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch cửa này, cần đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao cùng các trang thiết bị hiện đại, chi phí điều trị cũng không hề rẻ nên không phải cơ sở y tế nào cũng thực hiện được cũng như không phải người bệnh nào cũng đủ khả năng chi trả.

Để đặt lịch khám và tư vấn về chế độ ăn uống - sinh hoạt, dự phòng huyết khối tĩnh mạch cửa, quý khách vui lòng gọi theo số hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn đầy đủ và chi tiết. Hệ thống y tế MEDLATEC với gần 30 năm hoạt động, cùng đội ngũ y - bác sĩ giàu kinh nghiệm và hệ thống máy móc- trang thiết bị hiện đại, sẽ giúp chẩn đoán sớm - điều trị tối đa, mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ