Từ điển bệnh lý

Khớp cắn lệch : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 19-03-2025

Tổng quan Khớp cắn lệch

Một khớp cắn chuẩn đóng vai trò quan trọng trong ăn nhai, thực hiện chức năng nói và duy trì tốt sức khỏe răng miệng. Khi khớp cắn bị lệch, các chức năng nhai, nói, nuốt đều bị ảnh hưởng và nếu tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến hệ thống sọ mặt do rối loạn khớp thái dương hàm. Vậy làm thế nào để nhận biết sớm và điều trị khớp cắn lệch?

Phân loại khớp cắn lệch

Một khớp cắn chuẩn là sự sắp xếp đều đặn của các răng trên mỗi cung hàm và có mối quan hệ lý tưởng giữa răng hàm trên và hàm dưới khi hai hàm cắn lại. Lệch lạc khớp cắn là thuật ngữ để diễn đạt sự không ăn khớp giữa răng trên và răng dưới ở tư thế hai hàm cắn khít. Lệch khớp cắn có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng và có khả năng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, lời nói, khả năng nhai cũng như dẫn đến các vấn đề lâu dài như rối loạn khớp thái dương hàm, mòn răng quá mức hoặc các vấn đề về nha chu - mất răng. Có thể phân loại khớp cắn lệch như sau: 

  • Cắn chéo: là một loại sai lệch khớp cắn trong đó một hoặc nhiều răng nằm ở vị trí bất thường, cụ thể khi cắn chặt hai hàm, răng hàm trên cắn bên trong răng hàm dưới chứ không phải bên ngoài. Cắn chéo có thể xảy ra ở nhóm răng trước hoặc nhóm răng sau và có thể ảnh hưởng đến một bên hoặc cả hai bên. 
  • Cắn hở: là một loại sai lệch khớp cắn trong đó răng trước và răng sau không tiếp xúc được khi hai hàm đóng hoàn toàn, để lại một khoảng trống theo chiều dọc giữa hàm trên và hàm dưới. Cắn hở có thể xảy ra ở nhóm răng trước (các răng phía sau của hai hàm có sự tiếp xúc với nhau, các răng phía trước không chạm nhau), hoặc nhóm răng sau (các răng phía trước của hai hàm có sự tiếp xúc với nhau, các răng phía sau không chạm nhau).
  • Cắn sâu: là một loại sai lệch khớp cắn trong đó các răng trước hàm trên phủ lên quá mức các răng trước hàm dưới khi hai hàm đóng lại. Các răng cửa hàm trên chiếm hơn 1/3 chiều cao của các răng cửa hàm dưới, trường hợp nặng có thể chạm tới hoặc che phủ toàn bộ thân răng hàm dưới trong khi bình thường các răng cửa hàm trên phủ bên ngoài các răng cửa hàm dưới khoảng 2-3mm.
  • Sai lệch khớp cắn hạng I theo Angle: đây là tình trạng răng mọc chen chúc hoặc mọc sai vị trí do cung hàm bị hẹp. Sai khớp cắn hạng I thì sự ăn khớp giữa răng số 6 hàm trên và số 6 hàm dưới là đúng chuẩn, nhưng có sai lệch về sự sắp xếp của răng trên mỗi cung hàm. 
  • Sai lệch khớp cắn hạng II theo Angle: là tình trạng răng hô, vẩu, là dạng sai khớp cắn gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Trong sai lệch khớp cắn hạng II, đỉnh múi gần ngoài của răng số 6 hàm trên nằm về phía gần so với răng số 6 hàm dưới. Kết quả là các răng cửa hàm trên chìa ra phía trước nhiều so với các răng cửa hàm dưới.
  • Sai khớp cắn hạng III theo Angle: là tình trạng răng móm hay còn gọi là khớp cắn ngược, đây là dạng sai khớp cắn thường gặp. Sai khớp cắn hạng III là tình trạng múi gần ngoài của răng 6 hàm trên nằm về phía xa so với rãnh ngoài của răng 6 hàm dưới. Thường thấy các răng cửa hàm dưới phủ bên ngoài các răng cửa hàm trên. 

Nguyên nhân Khớp cắn lệch

  • Khớp cắn lệch do cấu trúc xương hàm từ khi trẻ được sinh ra:
    • Do di truyền: Theo nghiên cứu, tỷ lệ trẻ bị sai lệch khớp cắn do di truyền chiếm tỉ lệ khá cao. Đặc biệt đa số người bị móm đều do rối loạn sự phát triển của xương hàm.
    • Dị tật bẩm sinh khe hở môi - vòm miệng làm xương hàm trên kém phát triển hơn so với xương hàm dưới dẫn đến sai lệch khớp cắn hạng III do xương. 
  • Yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm:
    • Mọc thiếu răng do đó làm giảm chiều dài cung răng, làm cho răng mọc lệch lạc, mọc sai vị trí do cung hàm thiếu chỗ.
    • Một số thói quen xấu ảnh khi còn nhỏ kéo dài làm ảnh hưởng đến sự phát triển xương hàm trên: Mút ngón tay cái, sử dụng núm vú giả hoặc tật đẩy lưỡi trong thời gian dài, thở bằng miệng làm cho hàm trên bị hẹp dẫn đến cắn chéo, cắn hở răng trước.
  • Nguyên nhân tâm lí: Thói quen bắt chước đưa hàm dưới ra trước, thường gặp ở bệnh nhân bị bệnh tâm thần. 
  • Nguyên nhân do khớp: Bất thường cấu trúc liên quan đến khớp như dây chằng khớp thái dương, bao khớp,... làm hàm dưới dễ trượt ra trước và dẫn đến sai khớp cắn hạng III. 
  • Tắc nghẽn hô hấp: Trẻ bị tắc nghẽn hô hấp không thở được bằng mũi mà hô hấp bằng đường miệng dễ dẫn đến lệch khớp cắn như cắn hở, cắn chéo,…

 Mút ngón tay là một trong những thói quen xấu gây cắn hở răng trước

Mút ngón tay là một trong những thói quen xấu gây cắn hở răng trước 



Triệu chứng Khớp cắn lệch

Khi có các triệu chứng của khớp cắn lệch dưới đây, bạn cần đi khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt để được thăm khám và điều trị:

  • Răng mọc lệch, cắn chéo,... do đó khi ăn uống hoặc nói chuyện, bạn thường xuyên cắn má hoặc lưỡi, gây đau rát niêm mạc má, tổn thương loét lưỡi,...
  • Người bị lệch khớp cắn thường thấy rất mỏi khi nhai, đặc biệt là ăn đồ dai, đồ cứng. 
  • Phát âm không chính xác, nói không rõ chữ, nói không lưu loát. 
  • Hai hàm khó khít kín, khi ngậm miệng hai môi không chạm nhau. 
  • Thở miệng có thể là nguyên nhân gây lệch khớp cắn và cũng có thể là hậu quả do lệch khớp cắn gây ra.
  • Các vấn đề về nha chu: Áp lực gia tăng lên các răng trước có thể dẫn đến tụt nướu và tiêu xương, lâu ngày làm răng bị lung lay, mất răng.
  • Mòn răng: Cắn hở răng sau có thể dẫn đến lực nhai không đồng đều, gây mòn cục bộ nhóm răng trước hoặc sau.

Cắn hở răng sau là một dạng khớp cắn lệch thường gặp

Cắn hở răng sau là một dạng khớp cắn lệch thường gặp



Các biến chứng Khớp cắn lệch

  • Khớp cắn lệch gây ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai: Răng bị cắn chéo, cắn hở, không có chạm khớp tối đa của tất cả các răng làm giảm chất lượng cắn xé, nghiền nhỏ thức ăn. Về lâu dài gây rối loạn hệ tiêu hóa. 
  • Khớp cắn lệch ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm: Khi cắn lệch có thể dẫn tới rối loạn vận động của xương hàm dưới và hoạt động của khớp thái dương hàm do phân bố lực tác động không đều dẫn đến bệnh lý về khớp thái dương hàm nếu không được điều trị sớm.
  • Khớp cắn lệch gây mất thẩm mỹ: Càng trưởng thành thì khớp cắn lệch càng thấy rõ, khuôn mặt sẽ bị mất cân xứng, mặt lệch hẳn sang một bên. Khuôn mặt nhìn nghiêng sẽ bị lõm hoặc lồi. 
  • Khớp cắn lệch ảnh hưởng tới phát âm: Người bị khớp cắn lệch nặng nề có thể nói không rõ hoặc dễ mắc các tật như nói ngọng, ảnh hưởng đến sự tự tin trong giao tiếp.



Các biện pháp chẩn đoán Khớp cắn lệch

Chẩn đoán khớp cắn lệch cần dựa vào thăm khám lâm sàng kết hợp với phân tích phim X-quang chuyên dụng trong chỉnh nha: 

Dựa vào khám lâm sàng:

  • Biểu hiện ngoài mặt:
  • Khuôn mặt mất cân xứng, khuôn mặt nhìn nghiêng có thể thẳng, bị lõm hoặc bị gãy, bị lồi.
  • Môi: Trề hoặc lùi.
  • Độ bộc lộ răng cửa: Quá mức hoặc thiếu.
  • Biểu hiện trong miệng:
  • Răng mọc sai vị trí hoặc mọc chen chúc trên cùng hàm;
  • Răng mọc lệch đường giữa, có thể lệch sang phải hay sang trái làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ khi cười;
  • Răng mọc thưa, có nhiều khoảng trống trên cung hàm;
  • Răng hàm dưới mọc ra phía trước so với răng hàm trên gặp trong sai lệch khớp cắn hạng III;
  • Răng hô do hàm trên phát triển quá mức so với xương hàm dưới; 
  • Khớp cắn bị hở. Nếu bị khớp cắn hở răng trước thì khi cắn chặt hai hàm có thể nhìn thấy được lưỡi bên trong. 

Dựa vào kết quả phân tích trên phim X-quang:

Phân tích phim X-quang là một phần không thể thiếu trong việc chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị chỉnh nha của bác sĩ. Bằng cách phân tích phim, bác sĩ có thể xác định rõ đây là trường hợp lệch lạc khớp cắn do răng hay do xương, cùng như đánh giá được mức độ tăng trưởng và phát triển của xương hàm, mối quan hệ của xương hàm với xương sọ. Phim X-quang còn giúp tiên lượng kế hoạch điều trị tiếp theo. Nếu bù trừ răng không đủ, cần phải can thiệp phẫu thuật chỉnh hình để đưa khớp cắn về đúng chuẩn. 


Các biện pháp điều trị Khớp cắn lệch

Để đưa ra kế hoạch điều trị khớp cắn lệch, bác sĩ cần đánh giá các yếu tố:

  • Giai đoạn tăng trưởng và phát triển của xương hàm
  • Mức độ trầm trọng của sai lệch khớp cắn

Điều trị khớp cắn lệch ở trẻ em

  • Nong hàm để mở rộng cung hàm bằng các khí cụ Quad Helix hoặc W-arch: Giúp giải quyết tình trạng cắn chéo răng sau.
  • Khí cụ tháo lắp: Được sử dụng cho các trường hợp cắn chéo răng trước ít hoặc cắn chéo một răng.
  • Khí cụ chức năng giúp loại bỏ các thói quen xấu ở trẻ.
  • Niềng răng bằng mắc cài: Sắp xếp răng về đúng vị trí trên cung hàm bằng khí cụ cố định như mắc cài kim loại khi trẻ mọc hết răng vĩnh viễn để đưa hai hàm về đúng khớp cắn chuẩn.

 Nong hàm trên bằng khí cụ Quad Helix trong điều trị cắn chéo

 Nong hàm trên bằng khí cụ Quad Helix trong điều trị cắn chéo

Điều trị khớp cắn lệch ở thanh thiếu niên và người lớn:

  • Niềng răng mắc cài: Giải quyết được hầu hết các trường hợp khớp cắn lệch, đưa hai hàm về khớp cắn chuẩn.
  • Niềng răng trong suốt (Invisalign): Thích hợp điều trị khớp cắn lệch ở mức độ nhẹ đến trung bình.
  • Can thiệp phẫu thuật (Phẫu thuật chỉnh hình): Trong trường hợp khớp cắn bị sai lệch trầm trọng không thể bù trừ bằng cách phương pháp niềng răng mắc cài cần phải can thiệp phẫu thuật chỉnh hình. Phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định cho các trường hợp xương hàm trên kém phát triển hoặc hàm dưới phát triển quá mức (sai khớp cắn hạng III do xương). 
  • Giải pháp phục hồi: Trong trường hợp cắn chéo gây mòn răng quá mức, có thể cần phải phục hình bằng mão răng hoặc dán sứ sau khi điều trị chỉnh nha để khôi phục cấu trúc răng.

Các câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh

Đối tượng nguy cơ mắc bệnh khớp cắn lệch

Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh khớp cắn lệch nếu ăn nhai sai tư thế, có những thói quen không đúng. Đặc biệt, khi trẻ có các thói quen dưới đây có nguy cơ mắc bệnh khớp cắn lệch khi lớn:

  • Tật thở miệng
  • Mút ngón tay kéo dài đến tuổi đi học
  • Ngậm núm vú giả
  • Tật đẩy lưỡi kéo dài
  • Tất cắn móng tay

Có nên niềng răng cho trẻ em không?

Can thiệp tiền chỉnh nha là một trong những điều trị khớp cắn lệch đang được đánh giá cao và được nhiều bậc phụ huynh tìm hiểu cho bé. Đây là biện pháp đem lại hiệu quả điều trị cao và giảm được chi phí cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh khi đến tuổi trưởng thành.

Khớp cắn lệch gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến chức năng ăn nhai, nói, nuốt và lên khớp thái dương hàm do đó cần phải được điều trị càng sớm càng tốt. Hệ thống nha khoa MEDDENTAL thuộc hệ thống Y tế MEDLATEC là một trong 5 địa chỉ điều trị khớp cắn lệch uy tín tại Hà Nội. Khi phát hiện mình có tình trạng lệch khớp cắn, bạn nên đi khám ngay để được khám – tư vấn và điều trị kịp thời. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hoặc muốn tư vấn thêm về tình trạng lệch khớp cắn, hãy liên hệ ngay với MEDLATEC qua số 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.


Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.healthline.com/health/malocclusion-of-teeth
  2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK592395/
  3. Giáo trình cắn khớp, trường Đại học Y Dược Huế, nhà xuất bản Đại học Huế. 


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ