Bác sĩ: ThS. Nguyễn Thị Trang
Chuyên khoa:
Năm kinh nghiệm:
Sinh lý hàng tháng, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thường trải qua hiện tượng sụt giảm nội tiết vào cuối chu kỳ, dẫn đến bong tróc lớp nội mạc tử cung và hành kinh. Thông thường, nội mạc tử cung chỉ tồn tại trong buồng tử cung.
Lạc nội mạc tử cung (Endometriosis) xảy ra khi mô tương tự nội mạc tử cung phát triển sai vị trí, có thể ở trong cơ tử cung hoặc ngoài tử cung, chẳng hạn như buồng trứng, hố chậu, cổ tử cung, và thậm chí ở các cơ quan khác. Mô lạc chỗ này vẫn giữ chức năng giống nội mạc tử cung và chịu sự tác động của nội tiết tố, dẫn đến các phản ứng như viêm, hình thành u nang, mô sẹo, hoặc gây đau đớn, đặc biệt trong chu kỳ kinh nguyệt.
Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý mạn tính thường gặp. Ước tính khoảng 176 triệu người trên thế giới mắc tình trạng này, chiếm khoảng 10% trong tổng số phụ nữ ở giai đoạn có khả năng làm mẹ. Tỉ lệ này có thể cao hơn vì nhiều trường hợp trong cộng đồng chưa được chẩn đoán. Lạc nội mạc tử cung không chỉ tác động đến sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, giảm chất lượng cuộc sống và khả năng sinh sản của người phụ nữ. Bệnh cần được hiểu rõ, phát hiện và điều trị sớm.
Lạc nội mạc tử cung là hiện tượng mô tương tự nội mạc tử cung xuất hiện trong cơ tử cung hoặc tai cơ quan khác
Đến nay nguyên nhân của lạc nội mạc tử cung vẫn chưa được làm sáng tỏ. Trên thực tế bệnh lý được hình thành từ nhiều cơ chế khác nhau. Một số giả thuyết phổ biến được đưa ra:
Thuyết trào ngược kinh nguyệt: được Sampson JA đề xuất vào năm 1927, có một lượng nhỏ máu kinh nguyệt cùng với mô nội mạc tử cung bị trào ngược qua ống dẫn trứng vào khoang bụng, bám vào phúc mạc, buồng trứng và phát triển thành tổn thương lạc nội mạc tử cung.
Thuyết do di truyền: người phụ nữ có mẹ hoặc chị em gái bị lạc nội mạc tử cung thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Điều này cho thấy yếu tố di truyền, các gen quy định chức năng hệ thống miễn dịch và phản ứng viêm đóng vai trò trong việc hình thành bệnh.
Thuyết di căn tế bào: trong cơ thể, các tế bào có thể lan truyền đến các cơ quan khác nhau thông qua mạch máu hoặc bạch huyết. Giả thuyết cho rằng tế bào nội mạc tử cung cũng tạo nên tổn thương ở các vị trí xa như phổi hoặc não thông qua những con đường này.
Rối loạn miễn dịch: một hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả hoặc bị rối loạn không loại bỏ được các tế bào nội mạc tử cung nằm lạc chỗ, dẫn đến việc chúng tiếp tục phát triển và gây viêm mạn tính trong cơ thể.
Tác động của nội tiết tố: estrogen là hormone kích thích, thúc đẩy sự phát triển của nội mạc tử cung đồng thời cũng tác động lên mô lạc nội mạc. Sự mất cân bằng hormone có thể làm bệnh tiến triển nhanh hơn và tăng mức độ của triệu chứng .
Biến đổi tế bào gốc: Một số nghiên cứu mới cho thấy dưới sự kích thích của yếu tố viêm mạn tính hoặc môi trường bất lợi tế bào gốc có thể tự biến đổi thành mô lạc nội mạc tử cung.
Ảnh hưởng của môi trường: quá trình tiếp xúc lâu dài với các hóa chất độc hại như dioxin, PCBs hoặc các chất gây rối loạn nội tiết khác có thể dẫn đến sự mất cân bằng hormone và kích thích sự hình thành lạc nội mạc tử cung.
Do phẫu thuật: phẫu thuật, thủ thuật can thiệp vào buồng tử cung điển hình như mổ lấy thai có thể khiến các tế bào nội mạc tử cung di trú đến các vùng khác trong cơ thể, dẫn đến các bệnh cảnh như lạc nội mạc tử cung tại vết mổ, tại tầng sinh môn hay trong khoang bụng.
Có nhiều cơ chế phối hợp gây bệnh lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người phụ nữ, cụ thể:
Vô sinh - hiếm muộn: tỉ lệ vô sinh ở bệnh nhân lạc nội mạc tử cung rơi vào khoảng 30-50%. Tuy vậy, phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung mức độ nhẹ vẫn có thể có thai bình thường hoặc gặp một chút khó khăn trong vấn đề thụ thai. Ở những trường hợp nặng, khối lạc nội mạc tử cung kích thước lớn làm biến đổi giải phẫu, rối loạn nội tiết hoặc giảm dự trữ buồng trứng, gây viêm mạn tính và sẹo dính,...khả năng cao dẫn đến vô sinh.
Đau mạn tính: đây là biến chứng hay gặp nhất, đặc biệt ở những người phụ nữ có khối lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung. Cơn đau thường xảy ra cùng lúc với thời gian ra kinh. Cơn đau có thể xuất hiện lúc quan hệ tình dục hoặc đau mơ hồ ở vùng chậu. Tính chất, cường độ đau khác nhau phụ thuộc vào từng cá thể và mức độ bệnh. Đa phần cơn đau khiến người phụ nữ không thể hoạt động, sinh hoạt được bình thường, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Rối loạn kinh nguyệt: khi tổ chức nội mạc tử cung lớn lên có thể làm rối loạn phóng noãn, rối loạn nội tiết. Điều này dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều và gây khó khăn trong việc thụ thai.
Giảm hoặc mất chức năng buồng trứng: các khối lạc nội mạc tại buồng trứng phát triển chèn ép hoặc làm cản trở dòng máu đến nhu mô lành của buồng trứng. Môi trường thiếu oxy và chất dinh dưỡng có thể làm giảm khả năng trưởng thành của trứng, giảm dự trữ buồng trứng, tác động xấu đến khả năng sinh sản. Việc phẫu thuật bóc nang lạc nội mạc tại buồng trứng cũng có thể gây ảnh hưởng tương tự.
Thiếu máu: lạc nội mạc tử cung có thể khiến rong kinh hoặc số lượng máu mất nhiều. Rối loạn này kéo dài có thể khiến cơ thể suy nhược, thiếu máu mạn tính, gây ảnh hưởng đến sức khỏe toàn trạng.
Lạc nội mạc tử cung có thể gây vô sinh hiếm muộn
Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phức tạp, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn nên không có cách nào đảm bảo ngăn ngừa hoàn toàn bệnh lý này. Tuy nhiên, một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ hoặc làm chậm tiến triển của lạc nội mạc tử cung.
Vì chu kỳ kinh nguyệt dài và lượng kinh nhiều có thể làm tăng nguy cơ lạc nội mạc tử cung, việc điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt là một trong những phương pháp dự phòng quan trọng.
Tránh viêm nhiễm phần phụ: viêm vùng chậu có thể góp phần làm tăng nguy cơ phát triển lạc nội mạc tử cung. Vì vậy cần vệ sinh cá nhân tốt, quan hệ tình dục an toàn để tránh các bệnh lây qua đường tình dục, điều trị kịp thời các bệnh nhiễm trùng phụ khoa.
Chế độ ăn uống lành mạnh: ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, và thực phẩm chứa axit béo omega-3, giảm tiêu thụ đồ ăn nhanh, hạn chế thịt đỏ, thực phẩm nhiều dầu mỡ, caffeine, rượu,..
Duy trì cân nặng hợp lý: thừa cân hoặc béo phì làm tăng mức estrogen ngoại vi dẫn đến làm tăng nguy cơ phát triển, tăng nặng các triệu chứng bệnh.
Hoạt động thể chất thường xuyên: tập thể dục điều độ giúp điều hòa các hoạt động sống của thể, cân bằng nồng độ hormone và giảm mức độ viêm trong cơ thể.
Khám sức khỏe định kỳ: thăm khám giúp phát hiện sớm, điều trị kịp thời và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Đặc biệt khi có dấu hiệu đau bụng kinh nặng, đau vùng chậu kéo dài hoặc rối loạn kinh nguyệt, cần thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị.
Chẩn đoán dây rốn bám màng cần dựa trên các triệu chứng lâm sàng và một số hình ảnh, xét nghiệm, cụ thể:
Triệu chứng lâm sàng: lạc nội mạc tử cung có triệu chứng khá điển hình, đặc biệt trong các trường hợp khối lạc nội mạc phát triển lớn
Đau mạn tính: là dấu hiệu thường gặp nhất, bệnh nhân đau bụng vùng hạ vị hoặc tương xứng vị trí có khối lạc nội mạc (vết mổ cũ, vết khâu tầng sinh môn, hố chậu,..).đau rõ rệt nhất lúc hành kinh nguyệt. Cơn đau có thể xuất hiện sau quan hệ tình dục. Tính chất đau thường dữ dội, người phụ nữ không thể sinh hoạt, lao động. Đây thường là triệu chứng khiến người bệnh phải đi khám và phát hiện bệnh.
Rối loạn kinh nguyệt: vòng kinh trở lên lộn xộn, chu kỳ kinh nguyệt ngắn lại hoặc dài ra. Lượng máu kinh thường nhiều hơn bình thường, nhiều trường hợp xuất hiện băng kinh, rong huyết hay gặp ở các khối u lạc nội mạc tử cung dưới niêm mạc.
Tăng kích thước vòng bụng: khối lạc nội mạc tử cung trong hố chậu có thể khiến vòng bụng to ra theo kích thước chiếm chỗ của khối u. Nếu không điều trị sớm, nhiều khối u khiến tử cung lớn tương đương mang thai.
Vô sinh hiếm muộn: khi hai vợ chồng giao hợp thường xuyên trên 1 năm không có con cần đi thăm khám để loại trừ nguyên nhân do lạc nội mạc tử cung.
Cận lâm sàng: có nhiều xét nghiệm được chỉ định để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung, cụ thể:
Siêu âm đặc biệt là siêu âm qua ngả âm đạo, là phương pháp phổ biến và ưu tiên sử dụng đầu tiên để đánh giá các tổn thương nghi ngờ lạc nội mạc tử cung. Siêu âm giúp xác định:
Lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung: độ hồi âm giúp nhận diện được những vị trí có tính chất khác với cơ tử cung bình thường. Khối lạc nội mạc thường có hồi âm không đồng nhất, ranh giới không rõ ràng.
U nang nội mạc tử cung: khối u dạng nang thuộc nhu mô buồng trứng có chứa dịch đặc trưng, thường được miêu tả là có hình ảnh "nền mờ" hoặc "bóng kính".
Tổn thương sâu: các tổn thương lạc nội mạc sâu xâm lấn vào cơ quan vùng chậu khó phát hiện ở kích thước nhỏ, phụ thuộc vào kinh nghiệm của người thực hiện.
Các bất thường về cấu trúc: siêu âm có thể phát hiện những thay đổi giải phẫu hoặc khối bất thường liên quan đến tử cung và phần phụ do viêm dính, biến chứng của lạc nội mạc tử cung.
Cộng hưởng từ khung chậu (MRI): cho hình ảnh chi tiết hơn về các cơ quan trong khung chậu, giúp phát hiện các tổn thương sâu, dạng phẳng, kích thước nhỏ, khó phát hiện, phân biệt được qua siêu âm.
Nội soi ổ bụng: được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định lạc nội mạc tử cung. Nội soi ổ bụng cho phép bác sĩ quan sát trực tiếp và đánh giá các tổn thương lạc nội mạc tử cung trong khoang bụng và vùng chậu, có thể kết hợp điều trị trong quá trình nội soi.
Sinh thiết: trong quá trình nội soi ổ bụng, bác sĩ có thể lấy mẫu mô nghi ngờ để phân tích mô bệnh học. Đây một bước quan trọng trong chẩn đoán xác định lạc nội mạc tử cung trong các trường hợp tổn thương không điển hình hoặc cần phân biệt với các bệnh lý khác.
Xét nghiệm bổ sung: xét nghiệm máu được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ có biến chứng thiếu máu hoặc cần phân biệt với một số tình trạng bệnh lý khác.
Hình ảnh nang lạc nội mạc tử cung qua siêu âm
Mục tiêu của điều trị lạc nội mạc tử cung là làm giảm triệu chứng đau, kiểm soát sự tiến triển của khối lạc nội mạc tử cung và hỗ trợ cải thiện khả năng sinh sản cho người mẹ. Cá thể hoá vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Điều trị nội khoa:
Giảm đau: đây là một trong những mục tiêu điều trị quan trọng nhằm tăng chất lượng cuộc sống người bệnh, tránh can thiệp phẫu thuật. Các nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), thuốc giãn cơ thường được sử dụng để giảm đau bụng lúc hành kinh, vùng chậu hay các vị trí có khối lạc nội mạc tử cung.
Liệu pháp hormone là một phương pháp điều trị giúp kiểm soát sự phát triển của mô lạc nội mạc và giảm các triệu chứng như đau. Các nhóm thuốc thường dùng như:
Thuốc nội tiết kết hợp (Estrogen + Progestin): estrogen khi kết hợp với progestin giúp làm giảm kích thước của các tổn thương lạc nội mạc tử cung và giới sự phát triển của chúng, đồng thời làm giảm lượng máu kinh, giảm biến chứng của bệnh. Tuy nhiên trong trường hợp phức tạp, thuốc có thể không phát huy hiệu quả.
Progestin: là một hormone có tác dụng làm mỏng và ngừng sự phát triển của lớp nội mạc tử cung, ức chế sự kích thích của estrogen, từ đó giảm triệu chứng đau và ức chế sự phát triển của mô lạc nội mạc tử cung. Progestin hiệu quả với những trường hợp nhẹ hoặc trung bình, nhưng thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như tăng cân, rối loạn tiền kinh nguyệt.
Thuốc đồng vận GnRH (Gonadotropin-releasing hormone analogs): được sử dụng trong trường hợp đau do lạc nội mạc tử cung không đáp ứng với các thuốc khác. Những thuốc này giúp giảm mức estrogen trong cơ thể bằng cách ngừng hoạt động của buồng trứng. Tuy vậy, việc giảm estrogen cũng đồng nghĩa với xuất hiện các triệu chứng khác tương tự mãn kinh như bốc hỏa, loãng xương và giảm ham muốn tình dục. Để giảm các tác dụng phụ, các bác sĩ có thể kết hợp với liệu pháp bổ sung estrogen và sử dụng trong thời gian ngắn (thường dưới 6 tháng).
Điều trị ngoại khoa:
Điều trị ngoại khoa chỉ được đặt ra khi các triệu chứng không thể kiểm soát bằng nội khoa, hoặc cải thiện khả năng sinh sản, vì sau phẫu thuật có nguy cơ giảm dự trữ buồng trứng.
Phẫu thuật nội soi: phẫu thuật giúp loại bỏ hoặc phá hủy các tổn thương lạc nội mạc tử cung, thường được thực hiện để loại bỏ các khối u nang buồng trứng. Tuy nhiên cần cân nhắc vì phẫu thuật bóc nang lạc nội mạc có thể làm giảm dự trữ buồng trứng.
Phẫu thuật cắt tử cung: được xem xét ở phụ nữ không còn nhu cầu sinh con và không đáp ứng với các phương pháp điều trị giảm đau nội khoa khác.
Phẫu thuật loại bỏ mô lạc nội mạc tử cung tại các vị trí ngoài da: như vết mổ đẻ cũ, vết khâu tầng sinh môn,..bác sĩ có thể cân nhắc tiến hành phẫu thuật để lấy mô lạc tuỳ trường hợp cụ thể sau khi cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của bệnh.
Hỗ trợ sinh sản: các biện pháp hỗ trợ sinh sản được đặt ra để giúp người phụ nữ mắc bệnh tăng khả năng thụ thai.
Phẫu thuật lạc nội mạc tử cung chỉ cân nhắc khi các biện pháp khác không hiệu quả
Trên đây là các thông tin cần thiết về lạc nội mạc tử cung. Để chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh lý trên, bệnh nhân cần đến kiểm tra, thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân trong việc chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung hiệu quả, là điểm đến tin cậy của mọi bệnh nhân có nhu cầu. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.
Tài liệu tham khảo:
Tài liệu tham khảo Endometriosis: Pathogenesis, diagnosis, and management – 2023, The Lancet. Endometriosis and infertility: A systematic review – 2024, Human Reproduction Update. Endometriosis and ovarian cancer risk – 2024, Journal of Clinical Oncology.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!