Từ điển bệnh lý

Lao đồng nhiễm HIV : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Lao đồng nhiễm HIV

Ước tính trên toàn cầu, đối với những người bị nhiễm HIV thì bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các ca bệnh này. Hay nói cách khác, lao đồng nhiễm HIV là bệnh nhiễm trùng cơ hội, ý chỉ các bệnh nhiễm trùng với tần suất xảy ra thường xuyên và có tính chất nghiêm trọng hơn ở những người có hệ miễn dịch suy yếu so với người khoẻ mạnh bình thường. Cụ thể là trong trường hợp những người bị HIV thì hệ thống miễn dịch của họ vốn đã bị tổn thương bởi virus HIV, lúc này vi khuẩn lao sẽ dễ dàng tấn công và tàn phá cơ thể họ hơn. Những ca bị lao đồng nhiễm HIV thì biểu hiện của cả 2 chứng bệnh này trên cùng một cơ thể thường có xu hướng nghiêm trọng hơn rất nhiều so với bình thường. 

Lao đồng nhiễm HIV là căn bệnh quái ác


Nguyên nhân Lao đồng nhiễm HIV

Nguyên nhân dẫn tới bệnh lao là do vi khuẩn lao (tên tiếng Anh là Mycobacterium tuberculosis) gây ra. Đây là một loại bệnh truyền nhiễm và tất cả các bộ phận trong cơ thể người đều có khả năng bị vi khuẩn lao tấn công, trong đó phổ biến nhất là thể lao phổi (chiếm từ 80 - 85% trên tổng số ca bệnh), đồng thời lao phổi cũng là nguồn lây chủ yếu trong cộng đồng.


Triệu chứng Lao đồng nhiễm HIV

Hầu hết khi bệnh nhân bị mắc lao tiềm ẩn thường sẽ không bộc lộ các triệu chứng của bệnh ra ngoài. Tuy nhiên nếu lao tiềm ẩn bắt đầu phát triển thành thể lao thực sự, các dấu hiệu của bệnh lao cũng từ đó mà bắt đầu lộ diện. Dưới đây là những biểu hiện thường gặp ở người mắc bệnh lao cần hết lưu ý:

  • Ho: triệu chứng kéo dài, ho có thể khạc ra đờm và lẫn máu;
  • Cơ thể uể oải, mệt mỏi;
  • Đau tức ngực;
  • Mất cảm giác ăn ngon;
  •  Sút cân không rõ lý do;
  • Ban đêm đổ nhiều mồ hôi;
  • Sốt âm ỉ. 

Khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường nêu trên, người bệnh cần phải được tiến hành chụp X-quang phổi, lấy mẫu đờm để xét nghiệm tìm vi khuẩn lao, trường hợp khó lấy đờm thì dùng biện pháp cấy rửa dịch phế quản để chẩn đoán sớm, đặc biệt là với những bệnh nhân mắc HIV.

 


Phòng ngừa Lao đồng nhiễm HIV

  • Bệnh cần có thái độ sống tích cực, lành mạnh và giữ tinh thần ở trạng thái lạc quan, vui vẻ;
  • Cần lưu ý tới các dấu hiệu bất thường trên cơ thể, đặc biệt là các triệu chứng lâm sàng điển hình ở thể lao thực sự. Theo dõi và thăm khám, tầm soát định kỳ bệnh lao;
  • Trẻ em bị AIDS không được tiêm vắc xin phòng lao BCG bởi vì nhiễm HIV sẽ gây ra các phản ứng có hại tăng gấp 2 lần khi tiêm BCG như: các hạch sưng và chảy mủ nhiều hơn.

 


Các biện pháp chẩn đoán Lao đồng nhiễm HIV

Tất cả những bệnh nhân nhiễm HIV đều được khuyến cáo nên thực hiện xét nghiệm lao và tốt nhất là nên xét nghiệm đồng thời ngay khi vừa phát hiện bị HIV. Nguyên nhân là bởi bệnh lao ở những người nhiễm HIV thường không điển hình và diễn tiến rất  nhanh, nguy cơ tử vong cao. Do vậy mỗi lần bệnh nhân HIV tới khám vì bất kỳ lý do gì đều cần phải làm xét nghiệm sàng lọc bệnh lao.

Nếu xét nghiệm cho ra kết quả bệnh nhân bị mắc lao tiềm ẩn thì cần làm thêm các xét nghiệm cần thiết khác để loại trừ khả năng lao có thể đã chuyển sang dạng chính thức. Càng thực hiện thêm nhiều xét nghiệm chuyên sâu thì càng có cơ hội phát hiện ra các bệnh lý tiềm ẩn, từ đó tăng hiệu quả điều trị sau này.

Nếu các xét nghiệm đều có kết quả là âm tính, người bệnh vẫn cần được tiếp tục theo dõi đồng thời tái khám định kỳ, lặp lại các xét nghiệm cần thiết, đặc biệt là với những ca nghi ngờ mắc lao.

Cụ thể các phương pháp chẩn đoán:

- Chẩn đoán lâm sàng 

Lưu ý tới các yếu tố nguy cơ mắc bệnh lao ở bệnh nhân bị HIV như:

  • Tiền sử điều trị bệnh lao trước đó;
  • Đã từng chữa bệnh ở các trại giam hoặc trại cai nghiện;
  • Có tiền sử nghiện rượu và ma tuý;
  • Có tình trạng bị suy dinh dưỡng;
  • Nếu không có đủ 4 dấu hiệu như: sụt cân, ho, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm thì có thể loại trừ khả năng bệnh nhân đã mắc thể lao tiến triển. Trường hợp này cân nhắc sử dụng Isoniazid cho mục đích điều trị dự phòng lao. Ngược lại nếu bị ít nhất 1 trong 4 biểu hiện trên thì bệnh nhân cần ngay lập tức đi xét nghiệm để phát hiện lao do những triệu chứng này thường có xu hướng diễn tiến nhanh, ít đáp ứng với phương pháp điều trị thông thường. 
  • Các dấu hiệu bất thường về hô hấp: đánh giá nguy cơ lao phổi đồng nhiễm HIV dựa trên những biểu hiện nguy hiểm sau:
  • Sốt cao > 39 độ C;
  • Không tự di chuyển, đi lại được;
  • Nhịp thở > 30 lần/phút;
  • Mạch nhanh > 120/phút;
  • Cần sàng lọc cả 4 dấu hiệu: so, sốt, ra mồ hôi đêm, sụt cân trong bất kỳ thời điểm nào.

- Chẩn đoán cận lâm sàng

Phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng sẽ thường dựa trên kết quả xét nghiệm vi khuẩn, mô bệnh học - giải phẫu và chẩn đoán hình ảnh. 

  • Kỹ thuật xét nghiệm vi khuẩn trên mẫu đờm: Phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất sẵn có của cơ sở y tế, xét nghiệm nhuộm soi đờm trực tiếp có thể được áp dụng ở y tế tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố. Bệnh nhân cần tuân theo hướng dẫn để lấy được đờm đúng cách. 2 mẫu đờm được lấy tại chỗ những cần cách nhau ít nhất 2 giờ và kết quả xét nghiệm có thể được trả ra ngay trong ngày tới khám.

  • Xét nghiệm Xpert MTB/RIF: Đây là xét nghiệm được ưu tiên dùng trong chẩn đoán bệnh lao ở người nhiễm HIV. Kết quả xét nghiệm có nhanh trong khoảng 2 giờ.

  • Cấy đờm: Biện pháp này được áp dụng khi nhuộm soi đờm trực tiếp có kết quả AFB(-). Thường thì ở những bệnh viện tuyến tỉnh trở lên là có thể thực hiện được xét nghiệm này. Nếu nuôi cấy trong môi trường lỏng MGIT, sau 2 tuần có thể cho kết quả dương tính. Bên cạnh đó, những mẫu bệnh phẩm khác như dịch màng tim, dịch màng phổi, dịch màng não, hạch,... cũng có khả năng phát hiện vi khuẩn lao.

  • Chụp X-quang: Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh, trong trường hợp người bệnh đang ở giai đoạn chớm nhiễm HIV khi virus chưa gây tổn hại nhiều tới sức đề kháng của cơ thể nếu quan sát hình ảnh tổn thương trên phim chụp X-quang ngực thì có thể nhận ra không có sự khác biệt so với người không nhiễm HIV. Tuy nhiên ở giai đoạn muộn, có thể bắt gặp những tổn thương dạng nốt lan tỏa ở cả 2 phế trường, có hình ảnh hang, đôi khi thấy được hạch phế quản, hạch rốn phổi,...

  • Chụp CT: Có thể cho kết quả hình ảnh những thương tổn như hang lao, hoặc các tổn thương khác là bằng chứng cho thấy bệnh nhân đang mắc bệnh lao.

  • Xét nghiệm mô bệnh học - giải phẫu: Thực hiện phương pháp này bằng cách chọc hạch, sinh thiết hạch nhằm phát hiện các thành phần điển hình của bệnh trên mẫu mô bệnh tế bào như: hoại tử bã đậu, nang lao, tế bào bán liên, nhuộm Ziehl-Neelsen có thể thấy AFB.

 


Các biện pháp điều trị Lao đồng nhiễm HIV

Nói chung, phác đồ để điều trị bệnh lao đối với người bị lao đồng nhiễm HIV và người không bị HIV là tương tự nhau. Mục đích của việc sử dụng thuốc điều trị lao là nhằm ngăn chặn khả năng lao tiềm ẩn tiến triển thành thể lao thực sự, hoặc dùng để tiêu diệt vi khuẩn lao trong trường hợp chúng đã chuyển sang thể hoạt động và bắt đầu gây bệnh. Khi đó sẽ có sự khác biệt trong việc chọn lựa loại thuốc và thời gian điều trị bệnh lao, tuỳ vào việc bệnh nhân bị mắc lao tiềm ẩn hay lao thực sự.

Khi người bệnh mắc lao đồng nhiễm HIV, nên điều trị song song cả 2 bệnh lý này. Tuy nhiên cần xét trên hoàn cảnh, thể trạng của người bệnh để quyết định thời điểm bắt đầu cũng như lựa chọn loại thuốc để điều trị. Các loại thuốc trị HIV và lao khi kết hợp sử dụng cùng một lúc có khả năng làm gia tăng tình trạng tương tác thuốc và việc kiểm soát các tác dụng phụ của thuốc cũng khó khăn hơn.

Nhìn chung, bệnh lao thường cần được tầm soát chặt chẽ, tích cực do nguy cơ đồng nhiễm với HIV rất cao. Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh lao thể hoạt động, bệnh nhân HIV cần bắt tay vào điều trị chữa lao song song với điều trị HIV. Chỉ khi phát  hiện và điều trị sớm thì các cơ quan trong cơ thể mới có cơ hội tránh được các thương tổn ở mức thấp nhất. Nhờ vậy những bệnh nhân mắc HIV mới có hy vọng sống một cuộc đời khỏe mạnh gần giống với người bình thường.

Thuốc điều trị lao và thuốc kháng virus HIV:

Một chiến lược kèm theo có hướng dẫn để giải quyết các  nhu cầu của bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV đã được phát  triển bởi Tổ chức Y tế thế giới WHO. 

Nếu bệnh nhân chưa từng dùng thuốc kháng virus (ARV) trước đó thì sẽ được ưu tiên điều trị lao trước. Sau khoảng 2 tháng đầu hoàn thành giai đoạn điều trị lao tấn công, bệnh nhân sẽ bắt đầu dùng thuốc ARV để hạn chế tối đa sự tương tác thuốc qua lại giữa 2 loại thuốc kháng lao và thuốc trị virus HIV so với khi sử dụng đồng thời 2 loại cùng một lúc.

Trong trường hợp người bệnh đang dùng thuốc ARV rồi thì mới phát hiện mình mắc thêm bệnh lao, lúc này thì bệnh nhân có thể dùng song song thuốc kháng lao và thuốc ARV. Trên thực tế cả 2 loại thuốc này đều có ảnh hưởng không tốt lên gan, do đó bác sĩ sẽ cân nhắc cẩn thận tình trạng bệnh lý đồng thời theo dõi chặt chẽ người bệnh trong suốt quá trình điều trị. 

Do tác động qua lại của 2 loại thuốc, độc tính có trong thuốc và hiện tượng phản ứng của cơ thể bệnh nhân đối với thuốc sẽ khiến cho tình hình điều trị trở nên phức tạp hơn, do đó người bệnh dễ có suy nghĩ từ bỏ thuốc giữa chừng. Nếu ý chí vững vàng, quyết tâm vượt qua những trở ngại này thì bệnh nhân có cơ hội phục hồi dần và chữa khỏi bệnh lao.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ