Từ điển bệnh lý

Lao màng bụng : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Lao màng bụng

Bệnh lao màng bụng cũng có cùng nguyên nhân gây bệnh với các thể lao khác, đó là do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Đây là bệnh thứ phát từ một ổ lao trước đó.

Bệnh lao màng bụng

Bệnh lao màng bụng

Ở giai đoạn đầu, lao màng bụng rất khó phát hiện vì có ít triệu chứng, sang giai đoạn sau bệnh lây lan và làm tổn thương đến các bộ phận khác của cơ thể nên có những biểu hiện rõ ràng hơn. 


Nguyên nhân Lao màng bụng

  • Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lao màng bụng chủ yếu vẫn là do vi khuẩn lao người Mycobacterium tuberculosis;
  • Bên cạnh đó, cũng có trường hợp người mắc lao màng bụng là do vi khuẩn lao từ động vật như lao bò.

Triệu chứng Lao màng bụng

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng, biểu hiện ở bệnh lao màng bụng được chia làm 3 thể như sau:

Lao màng bụng thể cổ trướng tự do

- Bệnh nhân sốt nhẹ (từ 37 - 38oC), hay bị vào chiều tối hoặc ban đêm, cơ thể mệt mỏi, gầy sút, ăn uống kém;

- Đau bụng âm ỉ, hoặc đau theo từng cơn, không rõ vị trí đau, bụng trướng kèm rối loạn tiêu hoá;

Lao màng bụng thể cổ trướng tự do

Lao màng bụng thể cổ trướng tự do

- Hội chứng cổ trướng tự do: 

  • Bụng có hình dạng bè ngang, khi nằm thấy rõ rốn lồi ra, da bụng nhẵn bóng, căng hơn bình thường;
  • Gan lách không có dấu hiệu to;
  • Không có tuần hoàn bàng hệ;
  • Gõ vùng đục thấp và vùng đục thay đổi khi bệnh nhân thay đổi tư thế.

- Khi xuất hiện triệu chứng cổ trướng như trên, cần đi khám để phát hiện liệu cơ quan khác có bị nhiễm lao hay không, ví dụ: Tràn dịch ngoài màng tim hoặc tràn dịch màng phổi.

Lao màng bụng thể loét bã đậu

Đây là giai đoạn sau của lao màng bụng thể cổ trướng tự do. Bước sang thời kỳ này, các triệu chứng được bộc lộ rõ ràng và rầm rộ hơn. Đó là:

  • Bệnh nhân sốt kéo dài liên tục, có đợt sốt cao lên đến 39 - 40oC;
  • Cơ thể mệt mỏi, suy sụp, mạch đập nhanh, nhỏ và hạ huyết áp;
  • Dấu hiệu đau bụng theo từng cơn, có lúc bị đau dữ dội;
  • Đại tiện ra phân có thể lẫn máu;
  • Bệnh nhân cảm thấy buồn nôn, nôn ói và bị rối loạn tiêu hoá kéo dài. Có khi bị táo bón xen lẫn với tiêu chảy;
  • Bụng tiếp tục bị trướng to, không đối xứng, hình dáng bầu dục và trục lớn của bụng nằm dọc theo chiều đứng cơ thể; không có tuần hoàn bàng hệ;
  • Ở nữ giới có tình trạng bị rối loạn kinh nguyệt: rong kinh, thống kinh hoặc vô kinh;
  • Khi khám bệnh và sờ nắn vùng bụng, sẽ thấy bụng có chỗ mềm chỗ cứng. Nếu nhấn tay vào chỗ cứng có thể nghe thấy tiếng óc ách, nguyên nhân là do không khí chuyển động trong các quai ruột. Vùng hố chậu cũng xuất hiện đám cứng, nếu ấn tay vào thành bụng rồi bỏ tay ra một cách đột ngột, bệnh nhân sẽ thấy đau; ngoài thành bụng có thể phát hiện lỗ rò mủ hoặc rò phân.

Lao màng bụng thể xơ dính

Đây là giai đoạn tiếp nối thời kỳ lao màng bụng cổ trướng tự do hoặc giai đoạn thế lao loét bã đậu. Các biểu hiện lâm sàng bao gồm:

  • Táo bón, đau bụng khu trú, có các thay đổi gây biến chứng cơ học ở các cơ quan hệ tiêu hoá như xoắn ruột, bán tắc hoặc bị tắc ruột toàn phần;
  • Toàn thân xuất hiện hội chứng nhiễm trùng, mệt mỏi, sốt, nhiễm độc mạn tính,... thuyên giảm so với 2 thể lao trên;
  • Bụng không bị trướng, có xu hướng nhỏ lại. Lý do là vì xơ phát triển khiến bụng nhỏ hơn so với bình thường, thậm chí bụng còn bị lõm do xơ dính, gây co kéo các cơ ở thành bụng;
  • Khám lâm sàng sẽ nhận ra bụng cứng và lõm, có dấu hiệu thừng phúc mạc - là khi xơ dính lại tạo nên những đám cứng hoặc dải nằm ngang, gây khó khăn trong việc xác định các cơ quan vùng bụng

Các biến chứng Lao màng bụng

Các biến chứng bệnh nhân có thể phải đối mặt khi mắc lao màng bụng bao gồm:

  • Tắc ruột;
  • Lao ruột;
  • Lao màng tim;
  • Viêm gan nhiễm độc do thuốc;
  • Lao tiến triển lây lan sang các cơ quan khác.

Những biến chứng điển hình kể trên là do bệnh nhân không được chẩn đoán và điều trị sớm. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào của cơ thể, cần tiến hành khám chữa ngay để không để lại di chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cũng như đe dọa tới tính mạng.


Đường lây truyền Lao màng bụng

Có 3 cách vi khuẩn lao lây lan đến màng bụng đó là: 

  • Đường máu: Đây là đường lan truyền chủ yếu của vi khuẩn do mạch máu có mặt tại khắp nơi trong cơ thể nên rất thuận tiện cho vi khuẩn lao lựa chọn làm con đường lây bệnh chính;
  • Đường bạch huyết: Từ các tổn thương tại ruột và hạch mạc treo, men theo hệ thống đường huyết, “sát thủ" lao tìm đến màng bụng. Không chỉ có vậy, kể cả từ ổ lao ở màng phổi chúng cũng có thể tấn công vào màng bụng do hệ thống bạch huyết của hai cơ quan ngày lưu thông với nhau qua cơ hoành;

Vi khuẩn lao lây lan đến màng bụng qua đường máu, bạch huyết hoặc đường sinh dục

Vi khuẩn lao lây lan đến màng bụng qua đường máu, bạch huyết hoặc đường sinh dục

  • Đường lây truyền trực tiếp: Vi khuẩn lao còn có thể xâm nhập vào màng bụng từ các tổn thương tiến triển ở những vị trí khác như ruột ở đường tiêu hoá; buồng trứng, vòi trứng, tử cung,... ở đường sinh dục.

Đối tượng nguy cơ Lao màng bụng

  • Lao màng bụng không chừa lứa tuổi nào, nhưng thường gặp nhất là những người ở độ tuổi dưới 40, phổ biến nhất là từ 20 - 30 tuổi;
  • Tỷ lệ phụ nữ mắc lao màng bụng thường cao hơn ở nam giới;
  • Những người bị hội chứng suy giảm miễn dịch;
  • Đối tượng nghiện rượu nặng và lạm dụng các chất kích thích;
  • Người lao động quá sức. Làm việc, sinh hoạt ở nơi thiếu vệ sinh;
  • Những người bị suy dinh dưỡng, ăn kiêng quá độ dẫn tới thiếu đạm và vitamin cần thiết.

Người bị suy dinh dưỡng, ăn kiêng quá độ dẫn tới thiếu đạm và vitamin cần thiết là đối tượng có nguy cơ cao bị lao màng bụng

Người bị suy dinh dưỡng, ăn kiêng quá độ dẫn tới thiếu đạm và vitamin cần thiết là đối tượng có nguy cơ cao bị lao màng bụng


Phòng ngừa Lao màng bụng

Cần phối hợp các phương pháp sau đây để ngăn ngừa bệnh lao màng bụng: 

  • Không uống đồ có cồn như rượu, bia; không sử dụng chất kích thích và từ bỏ thuốc lá;
  • Tránh làm việc quá sức;
  • Tạo dựng thói quen tập thể dục - thể thao thường xuyên kết hợp với thực đơn dinh dưỡng hàng ngày hợp lý để củng cố hàng rào hệ thống miễn dịch vững chắc hơn, có sức mạnh bảo vệ cơ thể khỏi virus, vi khuẩn xâm nhập;
  • Không làm việc ở những môi trường ô nhiễm, thiếu vệ sinh. Trong trường hợp bắt buộc phải làm thì cần có biện pháp bảo hộ lao động xong cần tắm rửa, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Các biện pháp chẩn đoán Lao màng bụng

Ngoài khám lâm sàng, một số các xét nghiệm khác bệnh nhân cần phải thực hiện để xác định chính xác thể lao và tình trạng bệnh của bệnh nhân:

- Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh

  • Siêu âm lao màng bụng: Nhận thấy dịch màng bụng và có các hạch mạc treo;
  • CT lao màng bụng: Chụp ổ bụng và chụp cắt lớp vi tính;

Siêu âm lao màng bụng nhận thấy dịch màng bụng và có các hạch mạc treo

Soi ổ bụng, sinh thiết màng bụng: Tìm thấy dấu hiệu màng bụng xung huyết, xuất hiện các nốt lao, hạt lao màu vàng đục hoặc trắng nhạt nằm tụ lại theo từng đám hay rải rác phân bố trên 2 lá màng bụng, có những đám dính vào màng bụng; quan sát trên tiêu bản sinh thiết có thể thấy tổn thương đặc hiệu là nang lao;

Xét nghiệm máu: Trong máu của người bệnh bị lao màng bụng có biểu hiện tăng tốc độ lắng máu, tỷ lệ bạch cầu lympho tăng, số lượng bạch cầu có thể bình thường hoặc tăng nhẹ;

Xét nghiệm dịch ổ bụng: 

  • Dịch màng bụng có màu vàng chanh (hoặc lần xét nghiệm đầu dịch có thể màu hồng đục, những lần sau chuyển thành màu vàng chanh); 
  • Lympho bào tăng; 
  • Nồng độ Protein > 30g/l, phản ứng Rivalta kết quả dương tính;
  • Khi nhuộm soi trực tiếp hoặc thuần nhất dịch màng bụng cho tỷ lệ AFB dương tính là 5%;
  • Nuôi cấy dịch màng bụng ra tỷ lệ AFB dương tính là từ 20 - 40%;
  • Trong trường hợp khó chẩn đoán, có thể sử dụng các kỹ thuật xét nghiệm mới như PCR, ELISA,...;

Xét nghiệm tìm tổn thương lao ở những nơi khác: Đối với bệnh nhân có biểu hiện ho và khạc đờm nghi mắc lao phổi cần chụp X-quang phổi kèm theo xét nghiệm đờm;

Phản ứng Mantoux: Thường cho kết quả dương tính mạnh.

* Lưu ý chẩn đoán phân biệt thể lao màng bụng:

Lao màng bụng cấp tính: Phân biệt với các hiện tượng xoắn ruột, viêm ruột thừa, tắc ruột, viêm màng bụng cấp tính;

Lao màng bụng mạn tính:

  • Lao màng bụng cổ trướng tự do: Cần được phân biệt với bệnh xơ gan cổ trướng, cổ trướng ở những bệnh ung thư (gan, đại tràng, dạ dày, buồng trứng,...), suy tim phải do viêm dính ngoài màng tim, hội chứng Demons Meigs;
  • Lao màng bụng thể loét bã đậu: Chẩn đoán cần phân biệt với ung thư nguyên phát hoặc di căn trong khu vực ổ bụng, các khối dính kèm hạch trong bệnh lymphosarcom;
  • Lao màng bụng thể xơ dính: Ít gặp và không bị nhầm lẫn trong chẩn đoán.

Chẩn đoán lao màng bụng tại BVĐK MEDLATEC bằng các phương pháp hiện đại nhất như chụp CT 128 dãy ổ bụng, phẫu thuật nội soi ổ bụng, sinh thiết màng bụng, làm xét nghiệm Quantiferon TB Gold Plus, Gene Xpert, nuôi cấy MGIT,...


Các biện pháp điều trị Lao màng bụng

Điều trị bằng thuốc chống lao

Cần phải phối hợp các loại thuốc chống lao trong liệu trình điều trị vì mỗi loại thuốc có tác dụng khác nhau đối với vi khuẩn lao. Nguyên tắc dùng thuốc phải bảo đảm 3 điều như sau:

- Dùng thuốc đúng liều: Mỗi một loại có nồng độ nhất định của riêng thuốc đó. Trường hợp dùng liều thấp quá thì không có tác dụng và dễ tạo nên các chủng vi khuẩn lao kháng thuốc, nếu dùng liều cao dễ khiến bệnh nhân gặp tai biến. Vì thế liều lượng của thuốc cần phải tuân thủ theo phác đồ điều trị cũng như hướng dẫn của bác sĩ;

Cần phải phối hợp các loại thuốc chống lao trong liệu trình điều trị

- Dùng thuốc đều đặn: Các loại thuốc cần được uống vào cùng một thời điểm nhất định trong ngày, xa bữa ăn để thuốc đạt hiệu quả tối ưu;

- Dùng thuốc theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì: 

  • Giai đoạn tấn công: Kéo dài từ 2 - 3 tháng, lúc này cần tranh thủ tiêu diệt số lượng lớn vi khuẩn lao gây tổn thương ở các cơ quan và ngăn chặn tình huống vi khuẩn lao đột biến kháng thuốc;
  • Giai đoạn duy trì: Từ 4 - 6 tháng, nhằm quét sạch tàn dư của vi khuẩn lao ở các vùng tổn thương và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Cách điều trị cụ thể từng loại lao màng bụng

Tuỳ vào từng thể bệnh lao màng bụng, sẽ có những phương pháp khác nhau, chủ yếu sẽ tuân thủ theo nguyên tắc điều trị căn nguyên, điều trị triệu chứng và chăm sóc người bệnh. Cụ thể đó là:

- Thể lao màng bụng cổ trướng tự do:

  • Sử dụng thuốc trị lao: Trường hợp bệnh nhẹ và trung bình có thể áp dụng công thức 2RHZS/6HE, trường hợp bệnh năng dùng công thức đa hoá trị liệu: 2RHZSE/1RHZE/5R3H3E3;
  • Bên cạnh kết hợp với các thuốc chống lao, dùng thêm corticoid và chọc tháo dịch cổ trướng khoảng 1000ml/lần;
  • Dùng các loại thuốc điều trị triệu chứng: Chống nôn, chống táo bón và tiêu chảy;
  • Thời gian dùng thuốc: Từ 8 - 12 tuần, giảm dần theo điều chỉnh của bác sĩ.

- Thể lao màng bụng loét bã đậu, xơ dính:

  • Dùng thuốc trị lao: Công thức giống với điều trị thể cổ trướng tự do nhưng thời gian dùng kéo dài hơn;
  • Điều trị hỗ trợ không dùng corticoid vì có thể dẫn đến biến chứng rò ruột, thủng ruột, rò thành bụng. Chọc tháo cổ trướng khoảng 1000ml/lần;
  • Nếu xảy ra các biến chứng như tắc ruột hoặc có ổ áp xe lạnh cần phải kết hợp với điều trị ngoại khoa;
  • Chú ý nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng hợp lý.

- Điều trị lao màng bụng phối hợp:

Trường hợp có những bệnh nhân bị lao màng bụng kèm theo bệnh lao ở các cơ quan khác như lao phổi, lao màng não, lao toàn thân,... cần phải kết hợp dùng 4 - 5 loại thuốc chống lao khác nhau, thời gian điều trị lâu hơn, sử dụng corticoid liều cao hơn, lâu hơn theo hướng dẫn của bác sĩ.


Tài liệu tham khảo:

  • Lao màng bụng | Vinmec
  • Chẩn đoán và điều trị lao màng bụng | Vinmec
  • Bệnh học lao màng bụng | Điều trị
  • Lao màng bụng | Phác đồ điều trị

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.