Từ điển bệnh lý

Lichen đơn dạng mãn tính : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 23-05-2025

Tổng quan Lichen đơn dạng mãn tính

Lichen đơn dạng mãn tính là một tình trạng da mạn tính đặc trưng bởi sự dày lên của da do gãi và cọ xát kéo dài, thường kèm theo ngứa dai dẳng. Bệnh không phải là một rối loạn nguyên phát mà thường xuất hiện thứ phát sau các bệnh lý da liễu khác như viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc hoặc vảy nến.

Lichen đơn dạng mãn tính thường xuất hiện ở các vùng như cổ, gáy, khuỷu tay, mu bàn tay, mu bàn chân và vùng sinh dục. Tổn thương đặc trưng là các mảng da dày, thâm sạm, có bề mặt sần sùi, giới hạn rõ và có thể có vết xước do gãi. Tình trạng ngứa có xu hướng tăng lên vào ban đêm hoặc khi căng thẳng. Tình trạng này gây giảm chất lượng cuộc sống kéo dài, cần phát hiện và điều trị sớm.

Lichen đơn dạng mãn tính thường xuất hiện sau bệnh lý nền da liễu

Lichen đơn dạng mãn tính thường xuất hiện sau bệnh lý nền da liễu



Nguyên nhân Lichen đơn dạng mãn tính

Bệnh lý da liễu gây ngứa: Nhiều bệnh lý da mạn tính có thể gây ngứa kéo dài, kích thích người bệnh gãi liên tục, dẫn đến lichen hóa.

Viêm da cơ địa: Là một rối loạn viêm da mạn tính, thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng. Da của bệnh nhân bị khô, hàng rào bảo vệ da suy yếu, dễ bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài như xà phòng, chất tẩy rửa, bụi, phấn hoa, thực phẩm hoặc thay đổi thời tiết. Ngứa dữ dội và kéo dài khiến bệnh nhân có thói quen gãi liên tục, làm tăng nguy cơ lichen hóa.

Viêm da tiếp xúc: khi tiếp xúc với chất gây kích ứng (hóa chất, mỹ phẩm, kim loại, cao su...), da bị viêm đỏ, ngứa và có thể xuất hiện mụn nước. Nếu tình trạng viêm kéo dài, bệnh nhân có xu hướng gãi liên tục, dẫn đến dày da và lichen hóa.

Chàm (eczema): Là một nhóm bệnh lý viêm da mạn tính, đặc trưng bởi các đợt bùng phát ngứa, đỏ, khô da, có thể có mụn nước hoặc tróc vảy. Chàm mãn tính thường khiến bệnh nhân ngứa nhiều, đặc biệt về đêm, làm tăng nguy cơ hình thành lichen đơn dạng mãn tính.

Vảy nến: Là một bệnh tự miễn, gây tăng sinh tế bào sừng bất thường, hình thành các mảng da đỏ, có vảy trắng bạc. Một số thể vảy nến, đặc biệt là vảy nến đảo ngược (ở nếp gấp), có thể gây ngứa dữ dội, khiến bệnh nhân gãi nhiều, dẫn đến lichen hóa.

Nhiễm nấm da: Các nhiễm nấm da, đặc biệt ở vùng bẹn, đùi, bàn chân, thường gây ngứa nhiều. Khi bệnh nhân gãi hoặc chà xát liên tục, vùng da bị tổn thương, kích thích tăng sinh tế bào sừng và dẫn đến dày da, lichen hóa.

Bệnh lý nội khoa có ngứa: 

+ Suy thận mạn: Bệnh nhân suy thận có thể bị ngứa toàn thân do sự tích tụ các độc tố ure trong máu, kích thích đầu dây thần kinh cảm giác trên da. Ngứa thường dữ dội vào ban đêm, khiến bệnh nhân gãi nhiều.

+ Bệnh gan mạn tính: Xơ gan mật nguyên phát, viêm gan virus hoặc bệnh lý tắc mật có thể gây ngứa do sự tích tụ của muối mật trong da. Ngứa dai dẳng khiến bệnh nhân gãi, làm da dày và sậm màu.

+ Đái tháo đường: Bệnh nhân tiểu đường có thể bị khô da, rối loạn thần kinh ngoại biên và ngứa dai dẳng, đặc biệt ở chi dưới. Thói quen gãi liên tục để giảm ngứa có thể gây lichen hóa vùng da bị ảnh hưởng.

+ Bệnh tuyến giáp: Cả cường giáp và suy giáp đều có thể gây ngứa do ảnh hưởng đến sự chuyển hóa và chức năng của da. Da khô và nhạy cảm hơn, dễ bị kích ứng khi gãi.

+ Thiếu máu và thiếu sắt: Khi cơ thể thiếu sắt, da có thể trở nên khô và nhạy cảm hơn, làm tăng cảm giác ngứa. Bệnh nhân có xu hướng gãi thường xuyên, tạo điều kiện cho lichen hóa phát triển.

Yếu tố tâm lý và thần kinh: Tâm lý và hệ thần kinh đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của lichen đơn dạng mãn tính. Khi cơ thể căng thẳng, hệ thần kinh giao cảm kích thích giải phóng các chất trung gian hóa học gây ngứa như histamin, làm tăng cảm giác ngứa và khiến bệnh nhân có hành vi gãi liên tục. Một số bệnh nhân trầm cảm có thể có các hành vi tự gây tổn thương da, trong đó có gãi hoặc cọ xát quá mức, dẫn đến dày da và lichen hóa.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): Một số bệnh nhân có hành vi gãi hoặc chà xát da một cách không kiểm soát, tạo ra các tổn thương mạn tính đặc trưng của lichen đơn dạng mãn tính.

Bệnh lý thần kinh: Tổn thương dây thần kinh ngoại biên, đau thần kinh sau zona, tổn thương tủy sống hoặc đột quỵ có thể gây ngứa thần kinh, làm bệnh nhân gãi liên tục và dẫn đến lichen hóa.

Yếu tố môi trường và thói quen sinh hoạt: Một số yếu tố môi trường và lối sống có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh như Mặc quần áo chật, chất liệu thô ráp khiến da bị cọ xát liên tục bởi vải thô hoặc quần áo chật hoặc tiếp xúc với hóa chất kích ứng gây khô da, kích thích da và làm tăng ngứa.

Khí hậu hanh khô hoặc nóng ẩm: Trời lạnh làm da mất nước, trở nên khô và dễ ngứa. Ngược lại, thời tiết nóng ẩm có thể làm tăng tiết mồ hôi, gây kích ứng da và làm trầm trọng hơn tình trạng viêm da.

Gãi là yếu tố chính trong cơ chế bệnh sinh của lichen đơn dạng mạn tính

Gãi là yếu tố chính trong cơ chế bệnh sinh của lichen đơn dạng mạn tính



Triệu chứng Lichen đơn dạng mãn tính

Lichen đơn dạng mãn tính chủ yếu được chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng điển hình, bao gồm:

Triệu chứng cơ năng:

+ Ngứa dữ dội, đặc biệt là về đêm hoặc khi căng thẳng.

+ Cảm giác ngứa thôi thúc bệnh nhân phải gãi hoặc cọ xát liên tục, tạo thành vòng xoắn "ngứa – gãi – ngứa". Đôi khi bệnh nhân không nhận thức được thói quen gãi của mình, đặc biệt khi ngứa kéo dài.

+ Tổn thương da đặc trưng: Mảng da dày, thâm nhiễm. Vùng da bị lichen hóa, dày cộm, sẫm màu hơn so với vùng da xung quanh. Bề mặt sần sùi, tăng sắc tố hoặc mất sắc tố, có thể có vết nứt nhỏ hoặc tróc vảy nhẹ. Trên da có các đường gãi hoặc vết trợt do bệnh nhân gãi thường xuyên. Vị trí tổn thương thường khu trú ở, mắt cá chân, háng, vùng mu, cơ quan sinh dục ngoài, vùng quanh hậu môn.

Thông thường bệnh nhân chỉ có một hoặc vài mảng lichen hóa đơn độc, không lan rộng toàn thân như một số bệnh lý da khác.

Tiền sử bệnh và yếu tố nguy cơ:

+ Thường có tiền sử viêm da cơ địa, chàm, viêm da tiếp xúc hoặc bệnh lý nền gây ngứa mãn tính.

+ Có thể liên quan đến stress, lo âu, rối loạn giấc ngủ hoặc bệnh lý thần kinh.

+ Bệnh thường kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm, tái phát dai dẳng.


Phòng ngừa Lichen đơn dạng mãn tính

Lichen đơn dạng mãn tính có xu hướng tái phát dai dẳng nếu không kiểm soát tốt các yếu tố khởi phát và duy trì. Việc dự phòng bệnh tập trung vào giảm kích thích, kiểm soát ngứa, chăm sóc da hợp lý và điều chỉnh lối sống.

Tránh gãi và cọ xát da: Hạn chế gãi tối đa là yếu tố quan trọng nhất để ngăn bệnh tái phát. Cắt móng tay ngắn, có thể đeo găng tay vào ban đêm để tránh gãi vô thức. Nếu ngứa nhiều, có thể dùng chườm lạnh hoặc vỗ nhẹ lên da thay vì gãi. Băng gạc bảo vệ vùng da tổn thương nếu cần.

Dưỡng ẩm và chăm sóc da hàng ngày: đây vừa là biện pháp điều trị, vừa là thói quen giúp phòng ngừa lichen đơn dạng mãn tính. Dưỡng ẩm thường xuyên (ít nhất 2 lần/ngày) với kem dưỡng có ceramide, glycerin, urea 5-10%, petrolatum để giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da.

Tránh các tác nhân kích thích: Mặc quần áo rộng rãi, chất liệu cotton, lụa, tránh vải tổng hợp hoặc thô ráp. Hạn chế tiếp xúc với hóa chất mạnh, bao gồm chất tẩy rửa, nước hoa, thuốc nhuộm vải, khói bụi, ô nhiễm môi trường. Nếu phải tiếp xúc với chất tẩy rửa (xà phòng, nước rửa chén), nên đeo găng tay bảo vệ.

Kiểm soát ngứa hiệu quả: Nếu có dấu hiệu ngứa cần khám bác sĩ sớm để điều chỉnh điều trị kịp thời, tránh diễn biến bệnh kéo dài gây lichen hóa.

Kiểm soát bệnh lý nền liên quan: kiểm soát tốt các bệnh lý viêm da cơ địa, chàm, viêm da tiếp xúc, bệnh nội khoa gây ngứa mãn tính (đái tháo đường, bệnh gan, bệnh thận, rối loạn tuyến giáp...), rối loạn tâm lý (stress, lo âu, OCD, trầm cảm) vì đây là yếu tố kích thích ngứa và hành vi gãi.

Điều chỉnh lối sống và kiểm soát căng thẳng Tránh căng thẳng, lo âu quá mức bằng cách tập yoga, thiền, thể dục nhẹ nhàng giúp thư giãn tinh thần. Duy trì chế độ sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya, ngủ đủ giấc (7-8 tiếng/ngày). Hạn chế caffeine, rượu bia, thuốc lá vì có thể làm tăng cảm giác ngứa. 

Giữ tinh thần tích cực, tránh stress giúp dự phòng lichen đơn dạng mãn tính




Các biện pháp chẩn đoán Lichen đơn dạng mãn tính

Mặc dù chẩn đoán chủ yếu dựa trên lâm sàng, trong một số trường hợp không điển hình hoặc cần loại trừ các bệnh lý khác, cần chỉ định thêm các cận lâm sàng:

Sinh thiết da: Sinh thiết giúp phân biệt với các bệnh lý khác như vảy nến, lichen phẳng, u lympho tế bào T da. Hình ảnh mô bệnh học điển hình của lichen hóa mãn tính bao gồm tăng sừng và á sừng (hyperkeratosis và parakeratosis); tăng gai (acanthosis) và kéo dài nhú bì (papillomatosis); xâm nhập tế bào lympho ở lớp bì nông.

Xét nghiệm tìm nguyên nhân ngứa: Nếu nghi ngờ bệnh lý nền gây ngứa, bác sĩ có thể chỉ định công thức máu (tìm thiếu máu, tăng bạch cầu ái toan), định lượng đường huyết, HbA1c (tầm soát đái tháo đường), chức năng gan, thận, xét nghiệm tuyến giáp nếu, test tìm dị nguyên hoặc IgE nếu nghi ngờ viêm da cơ địa hoặc dị ứng.



Các biện pháp điều trị Lichen đơn dạng mãn tính

Điều trị lichen đơn dạng mãn tính cần tiếp cận toàn diện, bao gồm kiểm soát ngứa, phá vỡ vòng xoắn ngứa – gãi – viêm – dày da, điều trị bệnh nền (nếu có), và điều chỉnh thói quen sinh hoạt.

Kiểm soát ngứa và chống viêm

Thuốc bôi tại chỗ

+ Corticosteroid tại chỗ: là nhóm thuốc chính giúp giảm viêm, ngứa và làm mềm da. Lựa chọn thuốc tùy vào mức độ và vị trí tổn thương. Dùng liên tục trong 2-4 tuần, sau đó giảm dần tần suất để tránh tác dụng phụ (teo da, giãn mạch).

+ Thuốc ức chế calcineurin: dùng thay thế corticosteroid ở những vùng da nhạy cảm như mặt, cơ quan sinh dục. Thuốc giúp giảm viêm, chống ngứa nhưng không gây teo da.

+ Thuốc bạt sừng, làm mềm da: 

Acid salicylic 3-5%: Giúp làm bong lớp sừng, tăng hấp thu corticosteroid.

Kem dưỡng ẩm (urea 10%, glycerin, ceramide, petrolatum): Giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da, giảm ngứa.

Thuốc đường dùng toàn thân:

+ Kháng histamin H1 (giảm ngứa, an thần nhẹ, giúp bệnh nhân ngủ ngon hơn): Cetirizine, Loratadine, Fexofenadine (thế hệ 2, ít buồn ngủ) hoặc Chlorpheniramine, Hydroxyzine (thế hệ 1, gây buồn ngủ, dùng buổi tối).

+ Thuốc an thần, chống trầm cảm (dành cho trường hợp ngứa liên quan stress, rối loạn giấc ngủ): Có tác dụng kháng histamin và an thần, giảm ngứa hiệu quả.

+ Corticosteroid đường uống (chỉ dùng trong đợt cấp, thời gian ngắn, giảm liều dần) không dùng kéo dài để tránh tác dụng phụ (loãng xương, tăng đường huyết, suy tuyến thượng thận).

+ Thuốc ức chế miễn dịch (Methotrexate, Cyclosporine, Mycophenolate mofetil): Chỉ định trong trường hợp nặng, kháng trị, đặc biệt nếu có bệnh nền tự miễn.

Điều trị nguyên nhân và bệnh nền

Nếu bệnh nhân có bệnh lý nội khoa gây ngứa (suy thận, gan, tiểu đường, bệnh tuyến giáp, thiếu máu thiếu sắt...), cần kiểm soát tốt bệnh lý này.

Điều trị tốt các rối loạn tâm lý (stress, lo âu, OCD, trầm cảm) để dứt điểm nguyên nhân gây bệnh. 

Điều chỉnh thói quen sinh hoạt và chăm sóc da

Tránh gãi: cắt móng tay ngắn, có thể đeo găng tay vào ban đêm nếu bệnh nhân có thói quen gãi vô thức. Dùng băng gạc che vùng tổn thương để giảm tiếp xúc và hạn chế gãi.

Dưỡng ẩm da hàng ngày: Bôi kem dưỡng ẩm ít nhất 2 lần/ngày để phục hồi hàng rào bảo vệ da.Tránh sản phẩm chứa cồn, hương liệu, chất bảo quản gây kích ứng. Tắm nước ấm (không quá nóng), thời gian không quá 10-15 phút, thoa kem dưỡng ngay sau khi tắm để giữ ẩm tốt hơn.

Liệu pháp ánh sáng (Phototherapy): Dành cho bệnh nhân kháng trị với thuốc bôi và thuốc uống. UVB dải hẹp (NB-UVB) hoặc PUVA (Psoralen + UVA) giúp giảm viêm, giảm ngứa, hạn chế tăng sinh tế bào sừng. Cần điều trị theo phác đồ do bác sĩ chỉ định.

Thoa kem dưỡng ẩm giúp cải thiện trình trạng lichen đơn dạng mãn tính

Thoa kem dưỡng ẩm giúp cải thiện trình trạng lichen đơn dạng mãn tính

Trên đây là các thông tin cần thiết về lichen đơn dạng mãn tính. Để dự phòng tốt tình trạng này, bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.


Tài liệu tham khảo:

Patel T., Yosipovitch G. (2020). “Lichen Simplex Chronicus: A Review of Etiology, Pathogenesis, and Treatment.” American Journal of Clinical Dermatology, 21(3), 365–372.

Lee M.R., Shumack S. (2005). “Prurigo nodularis and lichen simplex chronicus: a review.” Australasian Journal of Dermatology, 46(4), 211-218.

Weisshaar E., Szepietowski J.C., Dalgard F.J., et al. (2019). “Itch and Chronic Skin Conditions – A Review of Mechanisms and Treatments.” Journal of Investigative Dermatology, 139(1), 31–37.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh da liễu, Bộ Y tế Việt Nam (2023).


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ