Bác sĩ: ThS. Nguyễn Thị Trang
Chuyên khoa:
Năm kinh nghiệm:
Liệt dây thần kinh mặt xảy ra khi dây thần kinh số VII điều khiển vận động và cảm giác các cơ trên khuôn mặt bị tổn thương. Khi mắc bệnh, một bên mặt sẽ trở nên yếu hoặc liệt hoàn toàn. Bệnh nhân xuất hiện méo miệng, khó cử động nửa mặt, mắt không nhắm kín được khiến việc ăn uống, nói chuyện hay biểu cảm gương mặt gặp nhiều khó khăn.
Bệnh thường đến rất đột ngột, chỉ sau một đêm ngủ dậy là người bệnh đã thấy cơ mặt bất thường. Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh mặt chưa rõ ràng trong nhiều trường hợp. Bệnh có thể do nhiễm virus, cảm lạnh, căng thẳng hoặc chấn thương vùng đầu gây ra. Tuy diễn biến nhanh nhưng nếu được điều trị đúng cách và kịp thời, phần lớn người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn sau vài tuần đến vài tháng. Vì vậy, khi thấy dấu hiệu méo mặt bất thường, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Liệt dây thần kinh mặt dẫn đến một bên mặt của người bệnh sẽ trở nên yếu hoặc liệt hoàn toàn
Liệt dây thần kinh mặt có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ những yếu tố lành tính như nhiễm lạnh, nhiễm virus cho đến những nguyên nhân nghiêm trọng hơn như u chèn ép hoặc tai biến mạch máu não. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp nhất:
Nhiễm virus
Virus Herpes simplex (loại gây mụn rộp môi) là "thủ phạm" được nhắc đến nhiều nhất. Khi virus này tái kích hoạt, nó có thể gây viêm và sưng dây thần kinh mặt, dẫn đến liệt một bên mặt. Ngoài ra, các loại virus khác như zona thần kinh (Herpes zoster), cúm, Epstein-Barr (EBV), cytomegalovirus (CMV) cũng có thể gây ra tình trạng này.
Nhiễm lạnh đột ngột hoặc thay đổi thời tiết
Việc tiếp xúc đột ngột với gió lạnh, tắm nước lạnh ban đêm, hoặc nằm ngủ trong phòng máy lạnh thổi trực tiếp vào mặt… có thể làm mạch máu vùng mặt co thắt, ảnh hưởng đến dây thần kinh. Đây là một nguyên nhân khá phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, đặc biệt trong dịp chuyển mùa lạnh.
Chấn thương vùng đầu - mặt
Tai nạn, va đập mạnh vào vùng đầu, gãy xương thái dương, hoặc chấn thương do phẫu thuật (đặc biệt là vùng tai, xương hàm, tuyến mang tai) có thể làm tổn thương dây thần kinh mặt. Tình trạng này thường gây liệt nặng và có thể kèm theo tổn thương các cơ quan khác.
U chèn ép dây thần kinh
Một số khối u lành tính hoặc ác tính nằm gần đường đi của dây thần kinh số VII – chẳng hạn như u tuyến mang tai, u màng não, u góc cầu tiểu não – có thể gây chèn ép dây thần kinh, làm ảnh hưởng đến khả năng dẫn truyền và gây liệt mặt từ từ, tiến triển nặng dần theo thời gian.
Đột quỵ não
Trong một số trường hợp, liệt mặt không phải do tổn thương dây thần kinh ngoại biên mà do tổn thương trung ương - cụ thể là vùng vỏ não điều khiển vận động mặt. Tai biến mạch máu não (nhồi máu hoặc xuất huyết não) có thể gây liệt nửa người kèm liệt mặt, thường có các dấu hiệu đi kèm như yếu tay chân, nói ngọng, mất thăng bằng.
Các bệnh lý khác
Một số bệnh lý như đái tháo đường, viêm tai giữa mạn tính, Lyme (nhiễm xoắn khuẩn do ve truyền), HIV, bệnh lý tự miễn cũng có thể gây tổn thương dây thần kinh mặt. Trong các trường hợp này, liệt mặt có thể chỉ là một phần trong biểu hiện toàn thân của bệnh.
Một số loại virus như Herpes có thể là nguyên nhân gây liệt dây thần kinh mặt
Liệt dây thần kinh mặt gây nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt, tâm lý và thẩm mỹ. Dù không phải lúc nào cũng phòng ngừa được hoàn toàn, nhưng một số biện pháp đơn giản và hiệu quả dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ mắc hoặc tái phát bệnh:
Giữ ấm vùng mặt và tai
Gió lạnh là một yếu tố có thể kích thích khởi phát liệt dây thần kinh mặt. Vì vậy cần giữ ấm vùng đầu, mặt, tai và cổ, nhất là khi ra ngoài vào sáng sớm hoặc buổi tối muộn. Khi đi xe máy, nên đeo khẩu trang, đội mũ kín tai. Đặc biệt, không nên ngủ ngay sau khi gội đầu, sấy khô tóc trước khi ra ngoài, tránh ngồi trước quạt mạnh hoặc máy lạnh lâu.
Nâng cao sức đề kháng
Hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là virus. Việc duy trì một chế độ ăn uống đủ chất, sinh hoạt điều độ, luyện tập thể dục nhẹ mỗi ngày, ngủ đủ giấc và giảm stress là những cách hiệu quả để tăng cường đề kháng mỗi ngày.
Phát hiện và điều trị sớm các bệnh tai – mũi – họng
Viêm tai giữa, viêm xoang hoặc viêm tai ngoài nếu để kéo dài có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh mặt do cấu trúc giải phẫu gần nhau. Vì vậy, khi có các triệu chứng như đau tai, chảy dịch tai, nghẹt mũi kéo dài hoặc đau đầu quanh vùng tai - thái dương, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị dứt điểm.
Phòng tránh nhiễm virus
Một số loại virus như Herpes simplex hoặc zona thần kinh có thể tấn công vào dây thần kinh số VII, gây liệt mặt. Khi có dấu hiệu như nổi mụn nước kèm đau rát nên đi khám sớm để được điều trị bằng thuốc kháng virus kịp thời, hạn chế tổn thương thần kinh.
Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính
Người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ có nguy cơ cao bị tổn thương thần kinh ngoại biên, trong đó có dây thần kinh mặt. Việc kiểm soát tốt các chỉ số này bằng thuốc đều đặn, chế độ ăn uống và vận động hợp lý có thể giúp phòng tránh biến chứng liệt mặt.
Luyện tập thể dục đúng cách giúp nâng cao sức đề kháng, dự phòng liệt dây thần kinh mặt
Chẩn đoán liệt dây thần kinh mặt bao gồm việc xác định tình trạng mất chức năng vận động các cơ mặt, phân biệt tính chất liệt và đánh giá nguyên nhân. Quá trình này thường bắt đầu bằng khám lâm sàng kỹ lưỡng, sau đó cân nhắc thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng nếu cần thiết.
Khám lâm sàng
- Hỏi bệnh:
+ Thời điểm khởi phát và diễn tiến bệnh: Khởi phát đột ngột trong vài giờ thường gặp trong liệt dây thần kinh mặt ngoại biên do virus. Diễn tiến chậm, tăng dần theo thời gian cần nghĩ đến khối u chèn ép.
+ Yếu tố khởi phát: Một số yếu tố thường gặp như tiếp xúc với gió lạnh, tắm khuya, ngủ máy lạnh thổi vào mặt; Mới nhiễm siêu vi (như cúm, đau họng, zona); Có nhiễm trùng tai giữa, đau tai, chảy dịch tai; Sau phẫu thuật vùng tai – mang tai – xương hàm.
+ Triệu chứng kèm theo: Đau sau tai, đau hàm; Tăng nhạy cảm với âm thanh, khô mắt, giảm vị giác; Yếu tay chân, nói khó, chóng mặt: gợi ý tổn thương trung ương; Sốt, phát ban, hoặc mụn nước vùng tai (nghi do Herpes zoster).
+ Tiền sử bệnh lý toàn thân: Tiền sử zona tai, lao, bệnh lý tự miễn hay sau chấn thương đầu mặt, can thiệp tai mũi họng, tai biến mạch máu não.
- Khám bệnh:
Khám lâm sàng là bước quan trọng và thường đủ để xác định bệnh lý liệt dây thần kinh mặt, cụ thể:
Quan sát biểu hiện khuôn mặt khi nghỉ và khi vận động:
+ Khuôn mặt mất cân xứng rõ rệt, bên liệt bị xệ xuống.
+ Mắt bên liệt có thể mở lớn hơn, khó hoặc không nhắm kín được.
+ Mép bên liệt xệ xuống, miệng lệch về bên lành khi bệnh nhân cố gắng cười. Rãnh mũi – má bên liệt mờ hoặc mất hẳn, có thể chảy nước dãi bên liệt khi ăn uống.
Kiểm tra vận động cơ mặt:
+ Nhăn trán: Nửa bên liệt không nhăn được trán, da trán phẳng.
+ Nhắm mắt: Bệnh nhân không nhắm kín được mắt bên liệt, khi cố gắng nhắm thì nhãn cầu lộ lên trên (dấu hiệu Charles Bell).
+ Cười – chúm môi – thổi má: Mép bên liệt không di chuyển được, không giữ được hơi khi thổi má.
+ Chép miệng, liếm môi: Những động tác bộc lộ sự yếu rõ ràng của các cơ quanh miệng.
Đánh giá cảm giác vị giác và tiết dịch:
+ Mất vị giác 2/3 trước lưỡi bên liệt (do tổn thương phần thừng nhĩ của dây VII).
+ Có thể kèm giảm tiết nước mắt hoặc nước bọt nếu tổn thương gần nguyên ủy dây thần kinh.
+ Một số bệnh nhân nhạy cảm quá mức với âm thanh do cơ bàn đạp (do dây VII chi phối) bị yếu.
Phân biệt liệt mặt ngoại biên và trung ương:
+ Liệt ngoại biên (thường gặp hơn): Liệt toàn bộ nửa mặt cùng bên, bao gồm cả cơ trán và cơ quanh mắt.
+ Liệt trung ương (do tổn thương trên nhân): Liệt nửa mặt dưới, trong khi trán và mắt vẫn hoạt động bình thường, thường đi kèm yếu nửa người cùng bên hoặc đối bên.
Cận lâm sàng
Các xét nghiệm cận lâm sàng được chỉ định trong các trường hợp nghi ngờ có tổn thương não và xác định các bất thường kèm theo:
- Điện cơ: Giúp đánh giá mức độ tổn thương dây thần kinh mặt, xác định mức độ tổn thương đồng thời theo dõi tiến trình tái tạo dây thần kinh.
- X-quang tai xương đá hoặc CT tai giữa: Nếu nghi viêm tai giữa, u xương đá ảnh hưởng đến dây VII.
- MRI sọ não hoặc CT scan: Chỉ định khi có nghi ngờ tổn thương trung ương, u não, tổn thương góc cầu – tiểu não, hay viêm não. MRI đặc biệt hữu ích khi cần khảo sát các cấu trúc dọc đường đi liên quan đến dây thần kinh số VII.
- Xét nghiệm máu:
+ Đường huyết, HbA1c giúp tầm soát đái tháo đường – yếu tố nguy cơ làm chậm quá trình phục hồi liệt dây thần kinh mặt.
+ Công thức máu, CRP, ESR: Tìm dấu hiệu viêm nhiễm toàn thân.
+ HIV, giang mai, Lyme test: Trong các trường hợp nghi ngờ bệnh lý toàn thân hoặc nhiễm trùng khác.
+ ANA, anti-dsDNA: Khi có nghi ngờ bệnh lý tự miễn như lupus.
- Chọc dò dịch não tủy: Chỉ định thực hiện khi nghi ngờ nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương (ví dụ: viêm màng não, viêm não do virus).
- Huyết thanh học virus: HSV, CMV, EBV nếu cần xác định căn nguyên chính xác gây bệnh liệt dây thần kinh mặt.
Điều trị liệt dây thần kinh mặt cần kết hợp giữa dùng thuốc đúng thời điểm, chăm sóc tại chỗ hợp lý và tập phục hồi chức năng cơ mặt. Mục tiêu điều trị là giúp dây thần kinh mặt phục hồi sớm, ngăn biến chứng và giảm nguy cơ tái phát.
Điều trị nội khoa
- Corticoid (thuốc kháng viêm nhóm steroid): Là thuốc điều trị phổ biến trong điều trị liệt dây thần kinh mặt nguyên phát. Corticoid giúp giảm phù nề, giảm chèn ép dây thần kinh trong ống xương chũm, giúp cải thiện tiên lượng đáng kể. Thuốc nên được chỉ định càng sớm càng tốt, tốt nhất sau khi khởi phát triệu chứng.
- Thuốc kháng virus: Được chỉ định khi nghi ngờ nhiễm Herpes simplex hoặc Herpes zoster gây liệt dây thần kinh mặt.
- Thuốc hỗ trợ thần kinh: Vitamin nhóm B (như B1, B6, B12) thường được bác sĩ kê bổ sung để hỗ trợ hồi phục thần kinh.
- Điều trị theo nguyên nhân:
+ Nếu liệt mặt do viêm tai giữa, viêm xương chũm cần điều trị tốt nhiễm trùng kèm theo.
+ Nếu do u chèn ép, tổn thương sọ não, cần kết hợp can thiệp ngoại khoa tuỳ trường hợp.
- Bảo vệ mắt: Do bệnh nhân không nhắm kín trong thời gian dài, mắt có thể bị tổn thương. Bác sĩ có thể kê nước mắt nhân tạo ban ngày và chỉ định một số biện pháp cần thiết khác để bảo vệ mắt, tránh khô mắt, loét giác mạc.
- Tập phục hồi chức năng: Đây là nội dụng rất quan trọng trong quá trình điều trị liệt dây thần kinh mặt. Các bài tập giúp cơ mặt lấy lại vận động, tránh co kéo bất thường hoặc co cứng về sau.
+ Tập cơ mặt sớm, nhẹ nhàng: Thực hiện các động tác cười, nhăn mặt, phồng má, thổi sáo, chớp mắt…
+ Massage vùng mặt bên liệt nhẹ nhàng 2 - 3 lần/ngày.
+ Có thể kết hợp điện xung kích thích cơ mặt hoặc châm cứu đúng kĩ thuật để nâng cao hiệu quả điều trị. Lưu ý tránh vận động mạnh làm tổn thương thêm dây thần kinh trong giai đoạn đầu.
Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa không phải là lựa chọn đầu tay trong liệt dây thần kinh mặt, nhưng vẫn có vai trò quan trọng trong một số trường hợp đặc biệt. Mục tiêu của phẫu thuật là giúp giải phóng chèn ép dây thần kinh, phục hồi chức năng cơ mặt, hoặc cải thiện thẩm mỹ và chất lượng sống cho bệnh nhân liệt lâu ngày. Các phương pháp phẫu thuật phổ biến, bao gồm:
- Giải áp dây thần kinh mặt: Mở xương chũm để giải phóng dây thần kinh VII khỏi vùng bị phù nề, chèn ép (thường trong ống Fallope). Phương pháp này thường chỉ định trong liệt do viêm nặng, chấn thương hoặc sau viêm tai giữa có tổn thương thần kinh.
- Nối ghép thần kinh: Sử dụng dây thần kinh khác (ví dụ dây thần kinh lưỡi – XII) để ghép hoặc chuyển nối với dây VII. Phương pháp được áp dụng trong liệt mặt hoàn toàn không hồi phục với mục đích phục hồi vận động cơ mặt cơ bản như cười, nhắm mắt.
- Thủ thuật cải thiện thẩm mỹ – chức năng: Một biện pháp giúp giảm triệu chứng của bệnh như:
+ Treo mép miệng: nâng mép bị xệ để cải thiện đối xứng mặt.
+ Botox: tiêm điều chỉnh co thắt cơ bên lành, giảm co kéo bất đối xứng.
Vật lý trị liệu và châm cứu giúp phục hồi vận động do liệt dây thần kinh mặt
Trên đây là các thông tin cần thiết về liệt dây thần kinh mặt. Để chẩn đoán và điều trị tốt, bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.
Tài liệu tham khảo:
Zhang, W., Xu, L., Luo, T., Wu, F., Zhao, B., & Li, X. (2020). The etiology of Bell's palsy: A review. Journal of Neurology, 267(6), 1896–1905.
National Institute of Neurological Disorders and Stroke (NINDS). (2022). Bell’s Palsy Fact Sheet.
Tiemstra, J. D., & Khatkhate, N. (2007). Bell’s palsy: Diagnosis and management. American Family Physician, 76(7), 997–1002.
Bộ Y tế. (2015). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh thần kinh ngoại biên. Ban hành kèm theo Quyết định số 4600/QĐ-BYT ngày 03/11/2015.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!