Từ điển bệnh lý

Liệt mặt ngoại biên : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 27-02-2025

Tổng quan Liệt mặt ngoại biên

Liệt mặt ngoại biên, là tình trạng mất khả năng vận động một bên mặt do tổn thương dây thần kinh số VII. Bệnh thường khởi phát đột ngột trong vòng 48-72 giờ, khiến một bên mặt bị yếu hoặc liệt hoàn toàn, làm người bệnh không thể nhăn trán, khó nhắm mắt, cười méo miệng. Một số trường hợp có thể kèm theo đau tai, rối loạn vị giác hoặc chảy nước mắt sống.

Mặc dù nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định, nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm virus, viêm nhiễm hoặc rối loạn miễn dịch có thể là yếu tố kích hoạt bệnh. Trong đó, virus herpes simplex (HSV-1) - tác nhân gây mụn rộp, được xem là nguyên nhân phổ biến nhất. Ngoài ra, các virus khác như herpes zoster, Epstein-Barr, quai bị, cúm, ngay cả SARS-CoV-2 cũng có liên quan đến bệnh. 

Bên cạnh nhiễm trùng, các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

- Bệnh lý nền: Tiểu đường, cao huyết áp.

- Tình trạng sinh lý: Phụ nữ mang thai (đặc biệt ở 3 tháng cuối), tiền sản giật.

- Hệ miễn dịch: Stress, phản ứng miễn dịch sau tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, nguy cơ liệt mặt sau tiêm vắc xin rất thấp so với lợi ích của việc tiêm phòng.

Nhiều người lo lắng liệt mặt là dấu hiệu của đột quỵ, nhưng thực tế đây là một tình trạng hoàn toàn khác và thường có tiên lượng tốt hơn. Khoảng 80-90% bệnh nhân hồi phục hoàn toàn trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên một số trường hợp có thể gặp di chứng kéo dài như co giật cơ mặt, chảy nước mắt sống hoặc yếu cơ mặt vĩnh viễn.

Hình ảnh bệnh nhân bị liệt mặt ngoại biên bên phải và khi bình thường

Hình ảnh bệnh nhân bị liệt mặt ngoại biên bên phải và khi bình thường

Dịch tễ học liệt mặt ngoại biên

Liệt mặt ngoại biên là nguyên nhân phổ biến nhất gây liệt mặt cấp tính một bên, chiếm 60-75% các trường hợp:

- Tỷ lệ mắc bệnh hàng năm từ 15–40 ca trên 100.000 người.

- Khoảng 1/60 người sẽ mắc bệnh ít nhất một lần trong đời.

- Tỷ lệ tái phát: 8–12% bệnh nhân có thể bị liệt mặt nhiều lần trong đời.

- Mức độ nghiêm trọng: Khoảng 20.1% bệnh nhân bị liệt hoàn toàn, trong khi phần lớn chỉ ở mức trung bình hoặc nhẹ.

- Phân bố theo độ tuổi: Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất trong hai nhóm tuổi: 20 - 30 tuổi và 60 -70 tuổi.

- Giới tính và thai kỳ: Phụ nữ mang thai (đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ và tuần đầu sau sinh) có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần so với người bình thường.

Thai phụ 3 tháng cuối thai kỳ dễ bị liệt mặt gấp 3 lần người bình thường.

Thai phụ 3 tháng cuối thai kỳ dễ bị liệt mặt gấp 3 lần người bình thường.



Triệu chứng Liệt mặt ngoại biên

  • Liệt mặt: Xuất hiện đột ngột trong vài giờ và tiến triển nhanh trong 3 ngày đầu. Triệu chứng thường là liệt hoặc yếu cơ một bên mặt, khiến bệnh nhân lo lắng, nghĩ rằng mình bị đột quỵ. Phần lớn, bệnh nhân phát hiện tình trạng này vào buổi sáng, có thể do liệt mặt bắt đầu trong khi ngủ.
  • Mất biểu cảm khuôn mặt: Khi cố gắng cười, miệng bị méo về bên lành. Lông mày và mí mắt bị sụp, rãnh mũi má mờ hoặc biến mất, làm mất cân đối khuôn mặt.
  • Triệu chứng mắt: Do không thể nhắm mắt hoàn toàn, mắt dễ bị khô và kích ứng.
  • Rối loạn vị giác: Khoảng 80% bệnh nhân bị giảm vị giác ở ⅔ trước lưỡi và tăng tiết nước bọt một bên khi ăn uống.
  • Tăng nhạy cảm âm thanh: Bệnh nhân bị tăng nhạy cảm với âm thanh, cảm giác âm thanh bình thường trở nên to và chói tai hơn, do liệt cơ bàn đạp ở tai giữa.
  • Đau vùng sau tai: Khoảng 60% bệnh nhân bị đau tai trước khi xuất hiện liệt mặt.

 Liệt mặt ngoại biên có phải là đột quỵ?

  • Liệt mặt do đột quỵ: Thường chỉ ảnh hưởng đến nửa dưới khuôn mặt, trong khi bệnh nhân vẫn có thể nhíu mày hoặc nhắm mắt bình thường. Ngoài ra, đột quỵ thường đi kèm các dấu hiệu như nói khó, yếu liệt tay chân, mất thăng bằng hoặc lú lẫn.
  • Liệt mặt ngoại biên: Ảnh hưởng toàn bộ một bên mặt, khiến bệnh nhân mất khả năng cử động cả vùng trán, mắt và miệng. Bệnh nhân có thể khó nhắm mắt, rơi nước mắt hoặc thay đổi vị giác, nhưng không có triệu chứng yếu tay chân hay rối loạn nhận thức.

Đột quỵ thường đi kèm dấu hiệu: yếu liệt tay chân, mất thăng bằng, lú lẫn.

Đột quỵ thường đi kèm dấu hiệu: yếu liệt tay chân, mất thăng bằng, lú lẫn.



Các biện pháp chẩn đoán Liệt mặt ngoại biên

  • Lâm sàng: Liệt mặt ngoại biên chủ yếu được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng. Bác sĩ thường sẽ đánh giá:
  • Khả năng cử động khuôn mặt: Bệnh nhân không thể nhăn trán, nhắm mắt hoặc cười bình thường.
  • Thời gian khởi phát: tăng dần trong vòng 1- 3 ngày, đạt đỉnh trong 72 giờ.
  • Các triệu chứng kèm theo: Thay đổi vị giác, giảm tiết nước mắt, tăng nhạy cảm với âm thanh hoặc đau tai trước khi liệt mặt.
  • Chẩn đoán phân biệt:
  • Đột quỵ: Thường chỉ ảnh hưởng nửa dưới khuôn mặt, trong khi bệnh nhân vẫn có thể nhăn trán và nhắm mắt. Ngoài ra, đột quỵ có thể đi kèm yếu liệt tay chân hoặc rối loạn ngôn ngữ.
  • Hội chứng Ramsay Hunt: Do nhiễm virus varicella-zoster, gây đau tai, phát ban hoặc mụn nước quanh tai, đi kèm chóng mặt và giảm thính lực.
  • Hội chứng Guillain-Barré: Liệt mặt có thể là biểu hiện sớm của hội chứng này, thường xảy ra đối xứng hai bên và đi kèm yếu cơ chi, giảm phản xạ gân xương.
  • Bệnh Lyme: Thường gặp ở những vùng có ve mang mầm bệnh, có thể gây liệt mặt hai bên, kèm theo phát ban dạng bia bắn, mệt mỏi, sốt hoặc viêm khớp.
  • Nhiễm trùng tai giữa và xương chũm: Viêm tai giữa, viêm xương chũm hoặc cholesteatoma có thể gây tổn thương dây thần kinh mặt, đặc biệt khi có viêm tai mạn tính.
  • U dây thần kinh số 7 hoặc u góc cầu tiểu não: Bệnh nhân có thể bị yếu cơ mặt tiến triển chậm kèm mất thính lực một bên, ù tai hoặc chóng mặt.
  • Cận lâm sàng:
  • Chẩn đoán hình ảnh:
  • MRI não tiêm thuốc cản từ: Để đánh giá dây thần kinh mặt và tuyến mang tai, giúp xác định viêm nhiễm hoặc loại trừ nguyên nhân như u não hoặc đột quỵ.
  • CT scan xương thái dương: Nếu nghi ngờ tổn thương xương đá hoặc bệnh lý liên quan đến tai giữa.
  • Xét nghiệm máu:
  • Xét nghiệm kháng thể phát hiện bệnh Lyme: nếu bệnh nhân sống ở vùng dịch tễ.
  • Đo nồng độ ACE và chụp X-quang/CT phổi để kiểm tra bệnh u hạt (sarcoidosis).
  • Đường huyết và HbA1c để phát hiện đái tháo đường - một yếu tố nguy cơ của liệt mặt.
  • Xét nghiệm dịch não tủy:
  • Thực hiện khi nghi ngờ viêm màng não, hội chứng Guillain-Barré hoặc nhiễm trùng thần kinh trung ương.
  • Đo điện cơ (EMG) và tốc độ dẫn truyền thần kinh (NCS):
  • Được sử dụng trong một số trường hợp để đánh giá mức độ tổn thương dây thần kinh mặt và tiên lượng hồi phục.

MRI não tiêm thuốc cản từ đánh giá và phát hiện khối u não.

MRI não tiêm thuốc cản từ đánh giá và phát hiện khối u não.



Các biện pháp điều trị Liệt mặt ngoại biên

Việc điều trị liệt mặt ngoại biên phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh có thể tự hồi phục sau vài tuần đến vài tháng, nhưng một số phương pháp điều trị có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi và giảm nguy cơ biến chứng.

  • Corticosteroid: Là lựa chọn điều trị chính cho liệt mặt ngoại biên, đặc biệt khi không xác định được nguyên nhân cụ thể. 
  • Thời gian sử dụng: trong vòng 72 giờ từ khi khởi phát triệu chứng. Liệu trình thường kéo dài 10 ngày.
  • Hiệu quả: Thuốc giúp giảm viêm và hạn chế tổn thương dây thần kinh, tăng khả năng hồi phục.
  • Lưu ý: Không phù hợp cho tất cả bệnh nhân, đặc biệt là những người có bệnh lý nền như tiểu đường hoặc loét dạ dày.
  • Thuốc kháng virus: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus (ví dụ: acyclovir) kết hợp với corticosteroid, đặc biệt nếu nghi ngờ nhiễm virus herpes simplex hoặc varicella-zoster. 
  • Hiệu quả: Một số nghiên cứu cho thấy việc kết hợp corticosteroid và thuốc kháng virus có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng, nhưng bằng chứng chưa đủ rõ ràng.
  • Chăm sóc mắt: Bệnh nhân liệt mặt có thể gặp khó khăn khi nhắm mắt hoàn toàn, dẫn đến khô mắt và tăng nguy cơ tổn thương giác mạc. Các biện pháp bảo vệ mắt bao gồm:
  • Sử dụng nước mắt nhân tạo hoặc thuốc mỡ tra mắt để giữ ẩm.
  • Dùng băng dán hoặc che mắt ban đêm để tránh mắt bị khô khi ngủ.
  • Đeo kính bảo hộ khi ra ngoài để tránh bụi và gió gây kích ứng mắt.
  • Vật lý trị liệu: Massage cơ mặt có thể giúp cải thiện sự phục hồi của cơ bị ảnh hưởng. Một số bài tập đơn giản bao gồm:
  • Nhẹ nhàng xoa bóp vùng mặt bị liệt theo hướng từ dưới lên.
  • Tập nâng lông mày, nhắm mắt và mím môi (dùng tay hỗ trợ nếu cần).
  • Tập cười và phồng má để kích thích các cơ mặt.
  • Lặp lại bài tập 4 -5 lần mỗi ngày, mỗi lần từ 2- 3 phút.
  • Một số liệu pháp khác: 
  • Trong một số trường hợp, tiêm botulinum toxin (Botox) có thể giúp giảm co cứng cơ hoặc cải thiện tình trạng bất đối xứng trên khuôn mặt sau khi hồi phục. Phương pháp này cần được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm để tránh làm nặng thêm tình trạng liệt.
  • Kích thích thần kinh bằng dòng điện (electrical stimulation) cũng có thể được sử dụng để thúc đẩy quá trình phục hồi của dây thần kinh mặt.
  • Phẫu thuật: Hầu hết các trường hợp liệt mặt ngoại biên không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không có dấu hiệu hồi phục sau 6 tháng hoặc có tổn thương dây thần kinh nghiêm trọng, bác sĩ có thể cân nhắc can thiệp phẫu thuật.

Corticosteroids là lựa chọn đầu tay điều trị cho bệnh nhân liệt mặt.

Corticosteroids là lựa chọn đầu tay điều trị cho bệnh nhân liệt mặt.

Tiên lượng phục hồi

Khoảng 80 - 90% bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn trong vòng 6 tuần đến 3 tháng. Tuy nhiên, một số người có thể bị di chứng như:

  • Mí mắt co rút hoặc co thắt cơ mặt: Một số bệnh nhân có thể gặp tình trạng co thắt cơ mặt tự phát sau khi phục hồi.
  • Hiện tượng “nước mắt cá sấu” (crocodile tears): Nước mắt chảy ra khi ăn uống do tái tạo thần kinh bất thường.
  • Liệt mặt kéo dài hoặc vĩnh viễn: Một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có thể bị yếu cơ mặt kéo dài, ảnh hưởng đến ngoại hình và chức năng.

Nếu không có dấu hiệu hồi phục sau 4 tháng, bệnh nhân nên đi khám lại để đánh giá thêm và điều chỉnh kế hoạch điều trị.

Liệt mặt ngoại biên là tình trạng thường gặp nhưng đa số có thể hồi phục hoàn toàn. Điều quan trọng là điều trị sớm trong 72 giờ đầu để đạt kết quả tốt nhất. Nếu bạn hoặc người thân gặp triệu chứng yếu cơ mặt đột ngột, hãy đi khám ngay để loại trừ đột quỵ và các nguyên nhân nguy hiểm khác.


Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Y tế Việt Nam. (2014). Chăm sóc mắt ở người bệnh liệt VII ngoại biên. Quyết định số 3154/QĐ-BYT ngày 21 tháng 8 năm 2014.
  2. Cẩm nang MSD. (2023). Liệt thần kinh mặt. Truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2025, từ https://www.msdmanuals.com/vi/professional/rối-loạn-thần-kinh/bệnh-lý-thần-kinh-thị-giác-và-dây-thần-kinh-sọ-não/liệt-thần-kinh-mặt
  3. Hohman MH, Warner MJ, Varacallo MA. (2024). Liệt dây thần kinh số VII. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing. Retrieved February 20, 2024, from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482290/
  4. Medical News Today. (2023). What to know about Bell's palsy. Retrieved February 20, 2024, from https://www.medicalnewstoday.com/articles/158863
  5. Taylor, D.C., Benbadis, S.R. (2021). Bell Palsy. Retrieved February 20, 2024, from https://emedicine.medscape.com/article/1146903-overview#a1


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ