Từ điển bệnh lý

Listeria monocytogenes : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 19-06-2021

Tổng quan Listeria monocytogenes

Listeria monocytogenes gây bệnh truyền nhiễm với tên gọi bệnh Listeriosis. Vi khuẩn phân bố và được tìm thấy rộng rãi trong tự nhiên như trong đất, nước, thực vật, phân một số loài động vật và dễ lây nhiễm vào thực phẩm.

Vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng trên một số cơ địa đặc biệt như phụ nữ mang thai, người lạm dụng rượu, người lớn tuổi, bệnh nhân suy giảm miễn dịch,… Bệnh cảnh lâm sàng có thể từ nhiễm trùng nhẹ, tại chỗ đến bệnh cảnh xâm lấn như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết với tổn thương đa cơ quan, trường hợp nặng có thể gây suy đa tạng, tử vong.

Vi khuẩn Listeria monocytogenes gây nhiễm trùng, trường hợp nặng có thể gây suy đa tạng, tử vong.

Vi khuẩn Listeria monocytogenes gây nhiễm trùng, trường hợp nặng có thể gây suy đa tạng, tử vong.

Chẩn đoán bệnh dựa vào triệu chứng lâm sàng và bằng chứng vi khuẩn trong các bệnh phẩm, dịch cơ thể thư máu, dịch não tủy, phân,… Bệnh Listeriosis là nhiễm trùng có thể khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Vi khuẩn còn nhạy cảm kháng sinh. Các biện pháp không đặc hiệu phòng ngừa bệnh như thực hiện an toàn thực phẩm, nâng cao kiến thức và hiểu biết, tiếp cận chẩn đoán và điều trị kịp thời,… Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu.


Nguyên nhân Listeria monocytogenes

Vi khuẩn Listeria monocytogenes gây bệnh là vi khuẩn Gram dương, kháng acid, có khả năng di động và chuyển hóa hiếu kỵ khí tùy tiện. Vi khuẩn có nội độc tố gây hoại tử, không tiết ngoại độc tố. Trong tự nhiên, vi khuẩn tồn tại rộng rãi trong môi trường như đất, nước, phân, động vật, thực phẩm như rau hỏng, sữa, phô mai, thực phẩm đóng hộp không đảm bảo vệ sinh. Vi khuẩn dễ phát triển ở nhiệt độ từ 1-45oC, với môi trường pH khoảng từ 6-8. Vì vậy, trong tự nhiên, Listeria monocytogenes có thể tồn tại trong môi trường một thời gian dài, có trong thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, từ đó tạo điều kiện gây nhiễm trùng xâm lấn.

Vi khuẩn Listeria monocytogenes

Vi khuẩn Listeria monocytogenes


Triệu chứng Listeria monocytogenes

Trên lâm sàng, bệnh do Listeria monocytogenes thường được phân loại thành hai dạng chính:

- Bệnh Listeriosis không xâm lấn là nhiễm trùng nhẹ trên lâm sàng, tác động chính lên người khỏe mạnh. Các triệu chứng lâm sàng thường khởi phát sau khi ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn vài ngày, có khi vài tuần, thậm chí sau vài tháng. Những triệu chứng thường gặp là tiêu chảy, kèm theo sốt hoặc các cơn ớn lạnh, các triệu chứng khác như mệt mỏi, đau mỏi người, đau đầu và đau cơ, hội chứng cúm. Yếu tố thuận lợi bùng phát bệnh thường do tiêu thụ lượng thức ăn chứa số lượng vi khuẩn L. monocytogens cao.

- Nhiễm trùng xâm lấn do Listeria monocytogenes thường gặp trên một số cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, người già, đối tượng nghiện rượu, bệnh nhân suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân dùng hóa chất, thuốc ức chế miễn dịch,… Lâm sàng thường gặp viêm màng não, viêm não – màng não, nhiễm khuẩn huyết. Khới phát có thể biểu hiện nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân như sốt cao, sốt rét run, môi khô, lưỡi bẩn, mệt mỏi, đau mỏi người, đau mỏi cơ xương khớp. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể có sốc nhiễm khuẩn với hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, hạ thân nhiệt,… Bệnh cảnh nhiễm trùng xâm lấn ít gặp hơn như  viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm phúc mạc, viêm xương tủy, viêm màng phổi, viêm túi mật. Biểu hiện lâm sàng đa dạng tại cơ quan tổn thương. Phụ nữ mang thai bị nhiễm khuẩn do Listeria monocytogenes có thể gây thai chết lưu, sẩy thai, sinh non. Trẻ sơ sinh có thể nhẹ cân, nhiễm khuẩn sơ sinh, viêm màng não, tiên lượng thường nặng.

Phụ nữ mang thai bị nhiễm khuẩn do Listeria monocytogenes có thể gây nguy hiểm cho thai nhi

Viêm màng não là một trong những nhiễm trùng xâm lấn hay gặp của Listeria monocytogenes. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, bệnh nhân nghiện rượu. Triệu chứng thường là đau đầu, thay đổi tính tình, tinh thần, nôn, táo bón ở người lớn, trẻ nhỏ có thể gặp tiêu chảy. Trường hợp nặng ý thức bệnh nhân thay đổi như lơ mơ, hôn mê. Thăm khám thực thể phát hiện hội chứng màng não như gáy cứng, vạch màng não dương tính,… Chọc dò dịch não tủy để chẩn đoán bệnh: tế bào thường tăng, có sự biến loạn protein, muối trong dịch não tủy. Trong một số báo cáo, khoảng 20% trường hợp có thể tiến triển thành viêm não - màng não, áp xe não,… với các di chứng như động kinh, di chứng về vận động, cảm giác, tổn thương dây thần kinh sọ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tiên lượng tử vong cao.

Hiếm gặp hơn là nhiễm trùng Listeria monocytogenes ở mắt với biểu hiện viêm các tổ chức mắt, sưng hạch bạch huyết lân cận. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến bệnh cảnh nhiễm trùng nặng hơn như viêm màng não, viêm não - màng não, nhiễm khuẩn huyết.


Các biến chứng Listeria monocytogenes

  • Đối với phụ nữ mang thai, có thể gây biến chứng sẩy thai, thai lưu, đẻ non, nhiễm trùng sơ sinh
  • Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương
  • Nhiễm trùng cơ xương khớp

Đường lây truyền Listeria monocytogenes

Listeria monocytogenes có thể gây bệnh bằng các con đường sau:

  • Qua đường ăn uống: Vi khuẩn xâm nhập qua thức ăn, nước, thực phẩm ô nhiễm, nhiễm khuẩn. Thực phẩm như thịt nguội và các sản phẩm ăn liền từ thịt (các sản phẩm thịt nấu sẵn, và/ hoặc thịt lên men, xúc xích), phô mai và các sản phẩm cá xông khói là thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes. Vi khuẩn vào đường tiêu hóa có thể gây bệnh tại chỗ, từ đó xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng xâm lấn. Trên những người khỏe mạnh, khi ăn thức ăn, nước uống có chứa một lượng nhỏ vi khuẩn có thể không bị nhiễm khuẩn, tuy nhiên ở những cơ địa đặc biệt, hệ miễn dịch suy giảm, Listeria monocytogenes có thể dễ dàng gây bệnh với mật độ vi khuẩn thấp.

Listeria monocytogenes có thể gây bệnh qua đường ăn uống

  • Qua nhau thai: Mẹ truyền sang con trong thời kỳ chu sinh hoặc trong quá trình sinh đẻ.

Đối tượng nguy cơ Listeria monocytogenes

Vi khuẩn Listeria monocytogenes nhân lên trong môi trường nội bào, cơ thể chống lại vi khuẩn qua miễn dịch trung gian tế bào. Những cơ địa suy giảm miễn dịch thường mắc bệnh. Bệnh có thể gặp trên những người khỏe mạnh với biểu hiện lâm sàng nhẹ. Bệnh cảnh nhiễm trùng xâm lấn thường gặp ở các đối tượng sau:

+ Phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh

+ Người cao tuổi

+ Bệnh nhân lạm dụng, nghiện rượu

+ Bệnh nhân suy giảm miễn dịch HIV/AIDS, hoặc suy giảm miễn dịch do các nguyên nhân khác

+ Ung thư, dùng các thuốc ức chế miễn dịch, ….


Phòng ngừa Listeria monocytogenes

Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu. Các biện pháp không đặc hiệu phòng bệnh như:

+ Củng cố hệ thống an toàn thực phẩm, thực hành sản xuất thực phẩm sạch, tập huấn và nâng có chất lượng sản phẩm, xử lý chất thải tốt, tránh lây nhiễm

+ Ăn chín và uống sôi. Đặc biệt các sản phẩm dễ ô nhiễm cần bảo quản tốt và chế biến hợp vệ sinh.

+ Đối với các đối tượng nguy cơ mắc bệnh cao như phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người cao tuổi, người nghiện rượu cần ăn uống hợp vệ sinh: giữ sạch sẽ thức ăn, tách riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín, nấu chín thức ăn, bảo quản thực phẩm hợp vệ sinh, sử dụng nguồn nước sạch và an toàn. Đọc kỹ hạn sử dụng và nhiệt độ bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, không nên sử dụng nhiều các sản phẩm thịt dùng ngày, sản phẩm thịt nguội, pate, thịt xông khói, sản phẩm từ sữa chưa tiệt tùng,… Ngoài ra, cần sống lành mạnh, tăng cường sức khỏe,…


Các biện pháp chẩn đoán Listeria monocytogenes

Chẩn đoán bệnh dựa vào lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán và xét nghiệm vi sinh tìm căn nguyên gây bệnh.

xác định căn nguyên Listeria monocytogenes

Xét nghiệm xác định căn nguyên Listeria monocytogenes tại Trung tâm Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC

- Với nhiễm trùng không xâm lấn, xác định căn nguyên Listeria monocytogenes thường áp dụng ít trên lâm sàng vì bệnh có thể tự giới hạn, lâm sàng thường nhẹ. Trong một số trường hợp có thể lấy phân để nuôi cấy, tuy nhiên môi trường phân thường có độ nhạy rất thấp để tìm Listeria monocytogenes.

- Chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do Listeria monocytogenes tiêu chuẩn vàng là nuôi cấy và phân lập được vi khuẩn trong máu. Trên lâm sàng thường khó phân biệt được nhiễm khuẩn huyết do Listeria monocytogenes với các căn nguyên vi sinh khác. Nuôi cấy phân không được khuyến cáo trong những trường hợp nhiễm trùng xâm lấn do Listeria monocytogenes.

- Chọc dò dịch não tủy trong trường hợp có nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương. Một số trường hợp chỉ thấy sự biến loạn nhẹ của dịch não tủy. Khị phân tích dịch não tủy thấy: tăng nhẹ số lượng bạch cầu, trong đó bạch cầu đa nhân thường chiếm ưu thế, một số lượng không nhỏ có thể gặp bạch cầu đơn nhân chiếm ưu thế. Protein tăng nhẹ đến trung bình ở hầu hết các bệnh nhân, đường có thể giảm trong khoảng 1/3 số trường hợp. Xét nghiệm nhuộm soi dịch não tủy thường khó phát hiện được vi khuẩn Gram dương Listeria monocytogenes. Nuôi cấy dịch não tủy có thể gặp tỉ lệ dương tính với Listeria monocytogenes cao hơn. Trong nhiều báo cáo, cấy máu ít khi phát hiện được vi khuẩn trong khi nuôi cấy dich não tủy âm tính. Bệnh cạnh đó, chụp CT sọ não hoặc MRI sọ não cũng hỗ trợ chẩn đoán nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương. Trên phim chụp có thể thấy tổn thương ở tiểu não, thân não, vỏ não. CT khó đánh giá tổn thương vùng thân não hơn MRI.

Hiện nay, kỹ thuật PCR cũng được áp dụng tuy nhiên đây là kỹ thuật mới, yêu cầu thiết bị hiện đại, công nghệ cao, khó áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán nhiễm trùng do Listeria monocytogenes.


Các biện pháp điều trị Listeria monocytogenes

Điều trị kháng sinh Listeria monocytogenes

Các kháng sinh được khuyến cáo là ampicillin, penicillin G, gentamycin, meropenem. Việc lựa chọn kháng sinh, phối hợp kháng sinh, thời gian điều trị phụ thuộc vào nhiễm trùng xâm lấn, không xâm lấn, tình trạng có thai, có hay không sự suy giảm miễn dịch.

a. Ở bệnh nhân không mang thai

- Nhiễm trùng không xâm lấn: Một số trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự giới hạn. Trường hợp biểu hiện đường tiêu hóa: có thể dùng amoxicillin 500 mg/ lần, uống 3 lần/ ngày hoặc TMP-SMX 960 mg uống mỗi ngày. Trẻ em có thể dùng amoxicillin 50 mg/kg/ ngày chia 3 lần. Thời gian sử dụng kháng sinh thường trong 7 ngày.

Đối với nhiễm trùng khu trú khác: các kháng sinh trên vẫn được khuyến cáo trong đó lựa chọn khuyến cáo đầu tay vẫn là sử dụng amipicillin/ penicillin có/không kết hợp với gentamicin. Tuy nhiên việc điều trị nên được cá thể hóa người bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí ổ nhiễm trùng, mức độ nặng của bệnh, miễn dịch cơ thể, chức năng thận, chức năng gan và cơ địa dị ứng thuốc. 

- Nhiễm trùng xâm lấn:

+ Nhiễm khuẩn huyết: Kháng sinh được khuyến cáo sử dụng là ampicillin hoặc penicillin, có thể kết hợp với gentamicin. Liều ampicillin với người lớn là 2g  đường tĩnh mạch/ lần cách mỗi 4 giờ, với trẻ em là 300 mg/kg/ ngày chia 3-4 lần. Penicillin G có thể dùng liều từ 250.000 – 500.000 UI/kg/ngày chia 3-4 lần ở trẻ nhỏ, người lớn dùng liều 4.000.000 UI/ lần cách mỗi 4 giờ. Gentamicin từ 3-5 mg/kg/ ngày chia 3 lần. Việc sử dụng phối hợp gentamicin tăng tác dụng hiệp đồng kháng sinh trong điều trị, tuy nhiên tùy thuộc vào từng cá thể người bệnh, cần cân nhắc trên những bệnh nhân suy giảm chức năng thận, dùng các thuốc điều trị khác ảnh hưởng hoặc gây độc cho thận. Nếu người bệnh có chống chỉ định với gentamicin, một số khuyến cáo có thể sử dụng phối hợp giữa ampicillin và trimethoprim-sulfamethoxazole (TMP-SMX) với liều TMP-SMX từ 10-20 mg/kg đường tĩnh mạch/ ngày, chia 6-12 giờ mỗi lần. Trường hợp người bệnh dị ứng hoặc chống chỉ định với ampicillin hoặc penicillin, có thể cân nhắc lựa chọn việc kết hợp giữa gentamicin và TMP-SMX đường tĩnh mạch và chú ý đánh giá chức năng thận. Ngoài ra có thể lựa chọn kháng sinh meropenem với liều 2g/lần x 3 lần/ ngày ở người lớn, hoặc liều 120 mg/kg/ ngày chia 3 lần ở trẻ em. Tuy nhiên, không khuyến cáo lạm dụng meropenem. Meropenem là kháng sinh phổ rộng có hoạt tính chống lại Listeria monocytogenes, ít độc với thận hơn gentamicin, tuy nhiên đã thất bại lâm sàng trong một số báo cáo. Phối hợp kháng sinh meropenem và gentamicin trong một số trường hợp cũng được áp dụng. Kháng sinh linezolid là kháng sinh phổ mạnh trên vi khuẩn Gram dương, cũng có hoạt tính chống lại Listeria tuy nhiên hiệu quả trên lâm sàng còn đang được nghiên cứu thêm và còn tranh cãi.

Thời gian điều trị nhiễm khuẩn huyết thường ít nhất 14 ngày. Trường hợp nhiễm khuẩn huyết có viêm nội tâm mạc thời gian điều trị thường kéo dài hơn ít nhất từ 4 – 6 tuần.

+ Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương: Các kháng sinh trên vẫn được khuyến cáo. Thời gian điều trị thường kéo dài hơn, thường từ 3 – 4 tuần, có thể từ 4- 8 tuần ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Với những trường hợp có tổn thương viêm não hoặc áp xe não, thời gian điều trị dài hơn, khoảng  6 – 8 tuần. Cần theo dõi đánh giá trên lâm sàng, cận lâm sàng hiệu quả điều trị. Việc kết hợp ampicillin hoặc penicillin với gentamicin thời gian dài có thể ảnh hưởng đến chức năng thận, đặc biệt ở những bệnh nhân tuổi cao. Các nghiên cứu khuyến cáo có thể tiếp tục sử dụng gentamicin trong khoảng 7- 14 ngày, tối đa 3 tuần nếu người bệnh cải thiện và không có tác dụng phụ ảnh hướng đến thận và chức năng tai. Dexamethasone không được khuyến cáo trong những trường hợp nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương do Listeria monocytogenes trên mọi đối tượng.

b. Phụ nữ mang thai và cho con bú

Đối với trường hợp nhiễm trùng khu trú: điều trị theo kinh nghiệm và cá thể hóa người bệnh. Kháng sinh amoxicillin 500 mg/  lần, uống 3 lần/ ngày được chỉ định trong trường hợp phụ nữ có thai và cho con bú.

Đối với những trường hợp nhiễm trùng xâm lấn như nhiễm khuẩn huyết, viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, kháng sinh được lựa chọn thường là ampicillin, penicillin hoặc meropenem. Thời gian điều trị cũng tương tự như đối với bệnh nhân không mang thai. Việc sử dụng kháng sinh gentamicin không được khuyến cáo vì độc tính. TMP –SMX không nên dùng trong thai kỳ.

Điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng bệnh Listeriosis

Các biện pháp điều trị không đặc hiệu khác như hạ sốt, giảm đau, bảo đảm dinh dưỡng, bảo đàm tuần hoàn, hô hấp,…


Tài liệu tham khảo

1. Centers for Disease Control and Prevention. Listeria (listeriosis) - Prevention. https://www.cdc.gov/listeria/prevention.html (Accessed on March 18, 2018)

2. Listeria Monocytogenes, Denver Rogalla; Paul A. Bomar, StatPearls [Internet], 2020.

3. Charlier C, PerrodeauÉ, Leclercq A, Clinical features and prognostic factors of listeriosis: the MONALISA national prospective cohort study, Lancet Infect Dis. 2017;17(5):510. Epub 2017 Jan 28.

4. Lorber B. Listeria monocytogenes. In: Principles and Practice of Infectious Diseases, 7th ed, Mandell GL, Bennett JE, Dolin R (Eds), Churchill Livingstone, Philadelphia 2010. p.2707.

5. Craig AM, Dotters-Katz S, Kuller JA, Thompson JL,  Listeriosis in Pregnancy: A Review, Obstet Gynecol Surv. 2019;74(6):362.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ