Bác sĩ: ThS.BS Nguyễn Quỳnh Xuân
Chuyên khoa: Chuyên khoa Nội
Năm kinh nghiệm: 10 năm
Móng là cấu trúc sừng, nằm ở vị trí mặt trên của các đầu chi, có t dụng bảo vệ các ngón tay, ngón chân khỏi bị tổn thương. Ngoài ra, móng còn có tác dụng trong một số các hoạt động hàng ngày cũng như có ý nghĩa thẩm mỹ, đặc biệt ở nữ giới.
Cấu trúc của móng
Cấu trúc chung của móng bao gồm mầm móng, giường móng, các nếp móng gần, nếp móng bên và nếp dưới móng, trong đó quan trọng nhất là mầm móng.
Mầm móng bản chất là biểu mô mầm được biệt hóa thành các tế bào sừng. Mầm móng nằm phần lớn phía dưới của nếp móng gần, có tác dụng tạo ra các phiến móng, giúp cho móng dài ra. Các bất thường của móng chủ yếu liên quan đến tổn thương của mầm móng hoặc nếp móng gần.
Các móng có tốc độ phát triển khá chậm, móng chân có xu hướng mọc chậm hơn móng tay. Tốc độ dài trung bình của móng tay là 3.47mm/tháng, móng chân là 1.62mm/tháng. Với các trường hợp bị mất móng, móng tay cần khoảng 6 tháng để có thể mọc lại như cũ, trong khi móng chân cần khoảng 12 tháng, thậm chí là 18 tháng đối với móng chân cái. Tốc độ phát triển của móng phụ thuộc vào độ tuổi, các vấn đề tuần hoàn máu khu vực móng, các vấn đề chấn thương, các bệnh lý toàn thân và tại chỗ.
Chuẩn bị: người bệnh cần được hướng dẫn cụ thể về việc mang theo tất cả các mỹ phẩm chăm sóc móng, dụng cụ làm móng khi đi khám. Cần làm sạch sơn móng tay, các móng giả,...trước khi đi khám.
Cung cấp thông tin diễn biến bệnh và các yếu tố liên quan: thời điểm khởi phát triệu chứng đầu tiên, diễn biến của các triệu chứng, nghề nghiệp của bệnh nhân, thói quen chăm sóc móng, các bệnh lý mạn tính và cấp tính, các thuốc đang sử dụng…Bệnh nhân có thể trả lời các câu hỏi theo bảng:
Những câu hỏi chính dành cho bệnh nhân có móng tay bất thường
Bạn nghĩ nguyên nhân gây ra vấn đề về móng tay của bạn là gì? |
Bạn có sinh ra đã gặp vấn đề này không? Nếu không, vấn đề này bắt đầu từ khi nào? |
Móng nào bị ảnh hưởng đầu tiên? |
Những móng tay nào bị ảnh hưởng hiện nay? |
Tình trạng móng tay của bạn tiến triển thế nào? |
Sử dụng các thuật ngữ chung để mô tả móng tay của bạn (cứng, mềm, giòn, v.v.). |
Bạn có bao giờ bị chấn thương ở bất kỳ móng tay nào không? |
Bạn có làm gì ảnh hưởng đến móng tay hoặc đầu ngón tay, ngón chân của mình không? |
Có sở thích nào của bạn ảnh hưởng hoặc gây tổn thương cho móng tay của bạn không (ví dụ: chơi quần vợt, chạy bộ, bóng rổ, bóng vợt, vẽ tranh, chơi piano, v.v.)? |
Nghề nghiệp của bạn là gì? |
Bạn đã thực hiện bất kỳ hành động nào sau đây chưa: cạy móng tay, cắn hoặc mút móng tay, xé móng tay, đi giày chật hoặc mũi nhọn, hoặc đẩy lớp biểu bì vào trong? Nếu có, khi nào và bao lâu một lần? |
Bạn đã bao giờ bị móng mọc ngược chưa? |
Tay bạn có thường xuyên tiếp xúc với nước không? |
Móng tay của bạn có bao giờ tiếp xúc với bất kỳ hóa chất hoặc chất gây kích ứng nào như xà phòng mạnh, chất tẩy rửa, thuốc nhuộm tóc/duỗi tóc hoặc thuốc nhuộm không? |
Bạn sử dụng mỹ phẩm hoặc dầu dưỡng móng nào (ví dụ: sơn lót, sơn phủ, sơn bóng, sơn làm chắc móng, sơn làm cứng móng, sơn dưỡng biểu bì, sơn bóng, dầu dưỡng móng, v.v.)? |
Bạn có đến tiệm làm móng tay/chân không? Thường xuyên như thế nào? Bạn thường làm gì cho móng tay của mình? |
Bạn đã từng làm bất kỳ điều nào sau đây chưa: móng tay điêu khắc, móng tay giả/nhân tạo, móng gel, móng đầu, móng bọc, móng acrylic, v.v.? Nếu có, bao lâu một lần và lần cuối cùng là khi nào? |
Bạn sử dụng dụng cụ gì khi chăm sóc móng tay? |
Bạn sử dụng dụng cụ chăm sóc móng như thế nào? |
Bạn sử dụng dụng cụ chăm sóc móng thường xuyên như thế nào? |
Gần đây bạn có bị sưng quanh lớp biểu bì không? |
Bạn đã thử những phương pháp điều trị nào cho vấn đề móng của mình? Vui lòng liệt kê tất cả các loại thuốc, phương pháp điều trị tại chỗ và phương pháp điều trị phẫu thuật cùng ngày tháng. |
Hiện tại, bạn có mắc hoặc đã từng mắc bất kỳ vấn đề nào về da hoặc tóc không (ví dụ như liken phẳng, bệnh vẩy nến, rụng tóc từng mảng, hắc lào, hắc lào ở bẹn, bệnh nấm da chân, nhiễm nấm âm đạo hoặc các bệnh nhiễm nấm khác, v.v.)? |
Hiện tại, bạn có mắc hoặc đã từng mắc bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác không (ví dụ: bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh phổi hoặc khó thở, bệnh thận, bệnh tuyến giáp, rối loạn tiêu hóa, sưng chân, v.v.)? |
Có khả năng nào là bạn có thể mang thai không? |
Bạn đã dùng những loại thuốc theo toa và không theo toa nào trong năm qua? Vui lòng bao gồm vitamin và thực phẩm bổ sung thảo dược. |
Bạn có bị dị ứng thuốc nào không? |
Trong gia đình bạn có ai mắc phải một trong những vấn đề sau đây không: vấn đề về |
Khám móng: bác sĩ chuyên khoa sẽ khám móng. Đầu tiên là khám dưới ánh sáng tự nhiên, có thể dùng đèn soi móng hoặc máy soi da. Bệnh nhân cần thả lỏng các ngón trong quá trình khám bệnh. Bác sĩ sẽ đánh giá từng thành phần cấu thành móng như phiến móng, nền móng, nếp móng cũng như cả vùng da xung quanh.
MỘT SỐ BẤT THƯỜNG VỀ MÓNG
Bất thường về bề mặt móng
Móng giòn: biểu hiện bằng bề mặt của các phiến móng thô ráp, có thể có tình trạng bong hoặc nứt của các phiến móng ở rìa xa. Bệnh lý thường gặp ở nữ giới trên 50 tuổi với tỷ lệ khoảng 20% dân số. Nguyên nhân gây nên tình trạng móng giòn có thể gặp như do lão hóa, có thai, một số bệnh lý về da như chàm, lichen phẳng, một số bệnh lý toàn thân như thiếu máu thiếu sắt, bệnh động mạch ngoại biên, một số yếu tố nghề nghiệp có tiếp xúc với hóa chất hoặc sử dụng hóa chất làm móng thường xuyên. Điều trị chủ yếu là ngừng các yếu tố nguy cơ, dưỡng ẩm. Việc sử dụng biotin để điều trị vẫn còn nhiều tranh cãi.
Hình ảnh bong phiến móng ở rìa xa
Loạn dưỡng phiến móng: hay còn được gọi là Onychoschizia, biểu hiện là tình trạng các phiến móng chủ yếu ở rìa xa bị tách thành nhiều lớp, chủ yếu do suy yếu các yếu tố kết dính các tế bào của phiến móng. Nguyên nhân thường gặp của tổn thương này thường do hóa chất, chấn thương hoặc móng tay ở tình trạng ẩm ướt thường xuyên và kéo dài.
Rãnh ngang (đường Beau): biểu hiện bằng một đường rãnh chạy ngang móng, thường do mầm móng ngừng tăng sinh tạm thời. Nguyên nhân thường gặp do chấn thương, bệnh da (viêm da, viêm quanh móng), bệnh Pemphigus, do nhiễm một số virus…
Rãnh dọc: biểu hiện bằng một rãnh sâu chạy dọc theo móng, thường do chèn ép của khối u hoặc nang giả myxoid nằm ở nền móng hoặc nếp móng.
Rỗ móng: là những vùng sừng hóa bất thường của mầm móng
Bất thường về màu sắc móng tay
Bạch móng: là tình trạng móng có những mảng hoặc đường vân trắng đục, không thay đổi khi ấn vào. Leukonychia punctata — là tình trạng bạch móng thường gặp nhất, đa số gặp ở trẻ em, biểu hiện bằng những đốm trắng kích thước 1-3mm, di chuyển vị trí theo độ dài ra của móng. Nguyên nhân chủ yếu do chấn thương. Ngoài ra còn có thể gặp bạch móng ngang, các đường Muehrcke , đường trắng dọc hay móng tay Lindsay…
Longitudinal melanonychia là những dải sắc tố màu nâu hoặc đen xuất hiện ở móng, bản chất của dải màu sắc này chính là sắc tố melanin.
Bạch móng và Longitudinal melanonychia
Một số rối loạn khác về màu sắc móng như viêm móng đỏ dọc, xuất huyết dằm hay Lunula đỏ
Rối loạn của phiến móng
Bong móng: là tình trạng phiến móng bong và tách rời khỏi nền móng và hoặc các cấu trúc khác như nếp móng, hạ móng…Nguyên nhân dẫn đến bong móng có thể gặp do chấn thương, bệnh lý toàn thân như vảy nến, bệnh lý viêm nhiễm tại móng như viêm móng vi khuẩn, nấm móng…Việc điều trị bong móng chủ yếu là vệ sinh móng, cắt móng tay móng chân định kỳ, tránh chấn thương, giữ móng khô ráo, không dùng mỹ phẩm làm móng (sơn móng, vẽ móng, đính đá…), điều trị theo nguyên nhân (kháng sinh nếu có viêm móng do vi khuẩn, thuốc chống nấm nếu do nấm móng).
Một số tổn thương ít gặp hơn như viêm móng do thuốc , hoặc Retronychia (rụng móng không hoàn toàn)...
Rối loạn độ dày của móng
Tăng sừng dưới móng: do bất thường ở nền nóng và hạ móng. Nguyên nhân chủ yếu do vảy nến, nấm móng, chấn thương…
Bệnh móng cứng: còn được gọi là móng sừng cừu. Biểu hiện ở móng chân cái, móng có màu vàng nâu, dày hơn so bình thường, biến dạng, nguyên nhân của tình trạng này chưa rõ ràng. Tổn thương thường gặp ở người cao tuổi.
Nhiễm trùng móng và nhiễm trùng mô quanh móng
Nấm móng: biểu hiện bằng việc móng dày lên, sần sùi, thay đổi màu sắc. Bệnh lý được chẩn đoán chủ yếu dựa vào xét nghiệm nhuộm soi tìm nấm trên mẫu móng. Việc điều trị bao gồm vệ sinh móng tay đúng cách, giữ móng khô ráo, không sử dụng mỹ phẩm làm móng và dùng thuốc chống nấm theo chỉ định bác sĩ.
Nấm móng
Hội chứng móng tay xanh: thường do trực khuẩn mủ xanh, biểu hiện phiến móng có màu xanh lục. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng và xét nghiệm vi sinh (nhuộm soi, nuôi cấy). Bệnh lý đáp ứng khá tốt với liệu pháp kháng sinh tại chỗ, một số trường hợp đáp ứng kém có thể xem xét kháng sinh đường toàn thân.
Viêm quanh móng cấp tính: tác nhân thường gặp là tụ cầu vàng, ngoài ra có thể gặp cả trực khuẩn mủ xanh hay phế cầu. Biểu hiện của bệnh là vị trí nếp móng gần và nếp móng bên sưng, đỏ, đau nhiều. Việc điều trị bao gồm chăm sóc móng, kháng sinh tại chỗ và hoặc toàn thân kết hợp với trích rạch trong trường hợp cần thiết.
Mụn cóc: do nhiễm Papilloma virus, đây là virus thường gặp nhất ở móng. Vị trí thường gặp ở nếp móng, một số trường hợp có thể gặp ở nền móng. Nhiễm Papilloma virus sẽ biểu hiện bằng rãnh dọc và loạn dưỡng phiến móng hoặc bong móng (đã nói ở trên).
Một số viêm móng và quanh móng ít gặp hơn như viêm ngón xa phồng rộp, nhiễm trùng khoang tủy, viêm quanh móng do virus herpes simplex…
Tài liệu tham khảo:
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!