Từ điển bệnh lý

Loạn sản cổ tử cung : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07-02-2025

Tổng quan Loạn sản cổ tử cung

Loạn sản cổ tử cung, hay còn gọi là tân sinh trong biểu mô cổ tử cung (Cervical Intraepithelial Neoplasia - CIN), là tình trạng xuất hiện các tế bào bất thường trên lớp biểu mô cổ tử cung, chưa xâm nhập qua lớp bề mặt biểu mô.



Nguyên nhân Loạn sản cổ tử cung

Tình trạng này xảy ra khi các tế bào tại cổ tử cung bị biến đổi do các yếu tố như viêm nhiễm, thay đổi môi trường âm đạo, hoặc do nhiễm kéo dài virus Human Papillomavirus (HPV). Trong đó nhiễm HPV đặc biệt với hai type 16, 18 là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến loạn sản cổ tử cung.

Nguy cơ nhiễm HPV tăng lên khi có những yếu tố nguy cơ sau :

  • Quan hệ tình dục: Có nhiều bạn tình hoặc quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi).
  • Đa sản: sinh con từ 4 lần trở lên.
  • Thói quen cá nhân: Hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc, uống nhiều rượu bia.
  • Hệ miễn dịch: Mắc bệnh liên quan đến suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV/AIDS, ghép tạng, dùng thuốc ức chế miễn dịch…)
  • Bệnh lây qua đường tình dục: Tiền sử mắc các bệnh như Chlamydia, HIV, Herpes sinh dục…
  • Thuốc tránh thai: Sử dụng thuốc ngừa thai kết hợp trên 5 năm (theo nghiên cứu của Hội Nghiên cứu Ung thư Anh, việc sử dụng thuốc ngừa thai kết hợp kéo dài làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung so với không sử dụng).
  • Tiếp xúc hóa chất: Tiếp xúc với diethylstilbestrol (DES).
  • Tiền sử gia đình: Có người thân bị ung thư cổ tử cung.

Các tế bào bất thường tại cổ tử cung có thể tự trở lại trạng thái bình thường mà không cần can thiệp gì hoặc tiến triển thành ung thư nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.


Triệu chứng Loạn sản cổ tử cung

Ở giai đoạn sớm, loạn sản cổ tử cung không có triệu chứng. Khi bệnh tiến triển, có thể xuất hiện một số triệu chứng tuy nhiên thường không đặc hiệu và mơ hồ:

  • Xuất huyết âm đạo bất thường:
    • Ra máu giữa chu kỳ kinh.
    • Chảy máu sau quan hệ tình dục.
    • Xuất huyết sau mãn kinh.
  • Các triệu chứng khác:
    • Đau vùng chậu.
    • Đau khi quan hệ tình dục.
    • Ra nhiều dịch âm đạo, dịch có mùi hôi.



Phòng ngừa Loạn sản cổ tử cung

Việc kết hợp lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lý không chỉ hỗ trợ quá trình điều trị mà còn giúp tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng.

  • Tập thể dục đều đặn: Các hoạt động thể dục, yoga giúp nâng cao sức đề kháng và hỗ trợ quá trình hồi phục.
  • Tuân thủ kiểm tra định kỳ: Đảm bảo tái khám theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi diễn tiến của bệnh và kịp thời điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần thiết.
  • Dinh dưỡng cân bằng: Ăn nhiều rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu chất xơ. Lựa chọn protein từ các nguồn lành mạnh từ động vật và thực vật.
  • Tăng cường vitamin và khoáng chất: Vitamin C, E, beta-carotene có trong cam, cà rốt, dứa, cà chua, hạt chia. Axit folic có trong rau màu xanh lá đậm, các loại hạt ngũ cốc.
  • Hạn chế hút thuốc lá và rượu bia: Các nguyên nhân này làm tăng nguy cơ tổn thương cổ tử cung và cản trở quá trình hồi phục.

Ngoài ra, có thể phòng ngừa loạn sản cổ tử cung bằng các biện pháp sau:

  • Tiêm vaccine phòng HPV: Hiệu quả trong ngăn ngừa nguy cơ nhiễm HPV, áp dụng cho cả nam và nữ từ 9 đến 45 tuổi.
  • Quan hệ tình dục an toàn: Không quan hệ tình dục sớm ( đặc biệt khi dưới 18 tuổi ), quan hệ chung thủy, tránh có nhiều bạn tình và sử dụng bao cao su để giảm nguy cơ lây nhiễm HPV và các bệnh lây qua đường tình dục.

Tiêm ngừa HPV là một trong các biện pháp phòng ngừa loạn sản cổ tử cung

Tiêm ngừa HPV là một trong các biện pháp phòng ngừa loạn sản cổ tử cung



Các biện pháp chẩn đoán Loạn sản cổ tử cung

Loạn sản cổ tử cung thường được phát hiện thông qua các xét nghiệm tầm soát và chẩn đoán:

  • Xét nghiệm PAP smear: Tầm soát các bất thường tế bào cổ tử cung, thường được thực hiện trong các lần khám phụ khoa định kỳ.
  • Xét nghiệm HPV: Phát hiện sự hiện diện của virus HPV, đặc biệt là các type nguy cơ cao như 16 và 18, có khả năng thúc đẩy loạn sản tiến triển thành ung thư cổ tử cung.

Việc sàng lọc định kỳ giúp phát hiện sớm các thay đổi để can thiệp kịp thời và hiệu quả nên tất cả phụ nữ trên 21 tuổi đã có quan hệ tình dục đều cần sàng lọc theo khuyến cáo của Bộ Y tế để ngăn ngừa việc loạn sản cổ tử cung tiến triển thành ung thư cổ tử cung.

Xét nghiệm PAP (PAP smear)

  • Mục đích: Tầm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm thông qua việc phát hiện tế bào bất thường.
    • Là xét nghiệm dễ thực hiện, chi phí thấp, có thể áp dụng rộng rãi.
    • Được khuyến cáo cho phụ nữ từ 21 tuổi và đã từng quan hệ tình dục.
  • Quy trình: Khám phụ khoa và dùng que gỗ hoặc chổi sillicon để lấy tế bào từ cổ tử cung xét nghiệm. Nếu phát hiện bất thường, cần thực hiện thêm các xét nghiệm sâu hơn như soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung.

Dựa trên kết quả xét nghiệm phết tế bào, tổn thương tế bào cổ tử cung được phân loại thành:

  • Bất thường tế bào biểu mô vảy không xác định (apytical squamous cells of undetermined significance - ASCUS ): Khi xuất hiện các tế bào không điển hình nhưng chưa đủ điều kiện phân loại vào tổn thương tế bào biểu mô vảy.
  • Tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp (low – grade squamous intraepithelial lesion – LSIL)
  • Tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ cao (high – grade squamous intraepithelial lesion – HSIL)
  • Tế bào tuyến không điển hình (atypical glandular cells – AGC)

Nếu có kết quả phết tế bào bất thường, bác sĩ sẽ kết hợp thêm các kết quả như HPV, soi cổ tử cung để quyết định bấm sinh thiết vùng tổn thương nghi ngờ.

Soi cổ tử cung

  • Mục đích: Quan sát bề mặt cổ tử cung để phát hiện vùng nghi ngờ tổn thương.
  • Quy trình: Khám phụ khoa và sử dụng dụng cụ soi phóng đại, dung dịch acid acetic và Lugol để bôi lên cổ tử cung. Các vùng tổn thương nghi ngờ sẽ được chỉ định sinh thiết để xác định mức độ bất thường.

Nạo cổ tử cung

  • Mục đích: Kiểm tra tế bào bất thường bên trong kênh cổ tử cung.
  • Quy trình: Lấy mẫu từ kênh cổ tử cung bằng dụng cụ chuyên dụng để xét nghiệm.

Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP) hoặc dao lạnh

  • Mục đích: Loại bỏ mô tổn thương và kiểm tra ung thư xâm lấn.
  • Quy trình: Sử dụng vòng dây điện mỏng, điện áp thấp hoặc dao phẫu thuật chuyên dụng để cắt bỏ các mô bất thường, thông thường sẽ khoét mẫu mô hình nón để kiểm tra mức độ tổn thương. Thủ thuật này không chỉ để chẩn đoán mà còn điều trị tổn thương tiền ung thư.

Xét nghiệm HPV

  • Mục đích: Phát hiện các chủng virus HPV có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung (đặc biệt là type 16, 18) giúp đánh giá đầy đủ hơn về nguy cơ và hướng theo dõi bệnh lí loạn sản cổ tử cung.

Khám phụ khoa để sàng lọc, chẩn đoán loạn sản cổ tử cungKhám phụ khoa để sàng lọc, chẩn đoán loạn sản cổ tử cung



Các biện pháp điều trị Loạn sản cổ tử cung

Loạn sản cổ tử cung được chia thành ba giai đoạn (CIN I, CIN II, CIN III) với các phương pháp điều trị phù hợp tùy theo mức độ tổn thương trên kết kết quả sinh thiết cổ tử cung:

Giai đoạn CIN I - Loạn sản nhẹ (LSIL)

  • Đặc điểm tổn thương:
    • Các tế bào bất thường chiếm 1/3 lớp tế bào bề mặt cổ tử cung.
    • Nguyên nhân thường liên quan đến nhiễm HPV.
  • Phương pháp điều trị:
    • Điều trị viêm nhiễm tại chỗ.
    • Theo dõi định kỳ vì đa số các trường hợp, tế bào bất thường sẽ trở lại bình thường mà không cần can thiệp. Có thể dùng thuốc hỗ trợ đào thải HPV và tư vấn bệnh nhân thay đổi lối sống lành mạnh, tăng cường sức để kháng.

Giai đoạn CIN II - Loạn sản mức độ vừa (HSIL)

  • Đặc điểm tổn thương:
    • Tế bào bất thường chiếm khoảng 2/3 lớp tế bào bề mặt cổ tử cung.
  • Phương pháp điều trị:
    • Áp lạnh: Sử dụng khí nitơ lỏng để phá hủy tế bào bất thường.
    • Đốt điện: Sử dụng nhiệt để loại bỏ tổn thương.
    • Cắt LEEP: Dùng vòng điện để cắt bỏ mô tổn thương, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm xác định nguy cơ ung thư.

Giai đoạn CIN III - Loạn sản mức độ nặng

  • Đặc điểm tổn thương:
    • Toàn bộ lớp biểu mô cổ tử cung có tế bào bất thường, nhưng các tế bào này chưa xâm lấn qua lớp tế bào đáy.
    • Được coi là tổn thương ung thư tại chỗ.
  • Phương pháp điều trị:
    • Khoét chóp cổ tử cung: Loại bỏ phần cổ tử cung chứa tế bào bất thường, thường áp dụng cho phụ nữ còn nhu cầu sinh sản.
    • Cắt tử cung hoàn toàn:
      • Áp dụng cho phụ nữ lớn tuổi hoặc không còn nhu cầu sinh sản.
      • Có thể cắt cả hai phần phụ (buồng trứng và vòi trứng) nếu cần thiết.

Lưu ý sau điều trị

  • Sau phẫu thuật: Có thể xuất hiện tiết dịch âm đạo kèm máu kéo dài trong vài tuần.
  • Theo dõi định kỳ: Bệnh nhân cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để đảm bảo các tổn thương đã thoái triển hoàn toàn và không còn nguy cơ tái phát.

Loạn sản nặng kéo dài nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư cổ tử cung. Việc điều trị loạn sản cổ tử cung cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa và bệnh nhân cần tuân thủ tái khám định kỳ.

Phẫu thuật cắt tử cung áp dụng cho phụ nữ lớn tuổi, không còn nhu cầu sinh sản kèm loạn sản nặng

Phẫu thuật cắt tử cung áp dụng cho phụ nữ lớn tuổi, không còn nhu cầu sinh sản kèm loạn sản nặng

Loạn sản cổ tử cung là một tình trạng cần được phát hiện và điều trị kịp thời để ngăn chặn nguy cơ tiến triển thành ung thư cổ tử cung. Bằng việc kết hợp thói quen sinh hoạt lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý và tuân thủ các chỉ định điều trị từ bác sĩ, người bệnh có thể kiểm soát tốt tình trạng này. Đặc biệt, việc tầm soát định kỳ và tiêm vaccine phòng HPV đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa loạn sản cổ tử cung.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ