Từ điển bệnh lý

Loét giác mạc : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 23-05-2025

Tổng quan Loét giác mạc

Loét giác mạc là gì?

Loét giác mạc là một tổn thương tại lớp biểu mô giác mạc, đồng thời có thể lan xuống lớp nhu mô bên dưới, gây ra tình trạng viêm, hoại tử và mất cấu trúc tại chỗ. Đây là một cấp cứu nhãn khoa, có thể đe dọa thị lực nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Loét thường khởi phát sau khi lớp biểu mô giác mạc bị tổn thương - do trầy xước, nhiễm trùng hoặc các bệnh lý nền - tạo điều kiện cho vi sinh vật xâm nhập và phát triển.

Về lâm sàng, người bệnh thường đến khám với triệu chứng đỏ mắt, đau nhức, sợ ánh sáng, chảy nước mắt liên tục, cảm giác cộm xốn như có dị vật, và đặc biệt là giảm thị lực. Nếu không can thiệp, tổn thương có thể dẫn đến thủng giác mạc, sẹo lớn giác mạc hoặc nhiễm trùng lan rộng.

Tỷ lệ mắc bệnh loét giác mạc

Theo thống kê, tại Hoa Kỳ, mỗi năm có từ 30.000–75.000 ca loét giác mạc được ghi nhận. Bệnh lý này chiếm khoảng 12% trong số các chỉ định ghép giác mạc trên toàn quốc. Đáng chú ý, những người đeo kính áp tròng kéo dài – đặc biệt là đeo ngủ qua đêm – có nguy cơ cao gấp 10–100 lần so với người không đeo.

Tỷ lệ mắc cũng tăng lên ở các nước đang phát triển, nơi điều kiện vệ sinh mắt và chăm sóc y tế còn hạn chế. Một số nghiên cứu tại vùng khí hậu nhiệt đới ghi nhận nhiễm nấm chiếm tới 50% tổng số ca loét giác mạc.

Các dạng của loét giác mạc

Loét giác mạc được phân loại dựa trên nguyên nhân gây bệnh và vị trí tổn thương, bao gồm:

  • Loét giác mạc nhiễm trùng: Chiếm đa số, gồm loét do vi khuẩn (Pseudomonas, Staphylococcus), virus (HSV, VZV), nấm (Candida, Fusarium), ký sinh trùng (Acanthamoeba).
  • Loét giác mạc không nhiễm trùng: Thường gặp ở người có bệnh lý miễn dịch (viêm khớp dạng thấp, lupus...), khô mắt nặng, viêm kết mạc mạn tính hoặc thiếu vitamin A.
  • Loét giác mạc ngoại vi (PUK - Peripheral Ulcerative Keratitis): Là biến chứng nặng của các bệnh tự miễn, có xu hướng lan rộng, ăn mòn giác mạc và có thể gây thủng mắt.
  • Loét giác mạc Mooren: Một dạng loét tự miễn vô căn, thường gặp ở người trẻ, tiến triển nhanh và kháng điều trị.

Tùy theo mức độ xâm lấn, loét có thể được chia thành: loét nông (giới hạn ở biểu mô), loét sâu (lan vào lớp nhu mô), hoặc loét đe dọa thủng giác mạc (xuất hiện phồng màng Descemet hoặc dấu hiệu Seidel dương tính).


Nguyên nhân Loét giác mạc

oét giác mạc là hậu quả của nhiều yếu tố tác động đến bề mặt mắt - từ vi sinh vật đến các rối loạn miễn dịch trong cơ thể. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu rõ cơ chế bệnh sinh và phân nhóm nguyên nhân chính, giúp người đọc hiểu được vì sao loét giác mạc lại dễ khởi phát và tiến triển nhanh chóng.

Nhiễm trùng - Nguyên nhân phổ biến nhất

Khoảng 90% các trường hợp loét giác mạc là do nhiễm trùng. Khi lớp biểu mô giác mạc bị tổn thương – do chấn thương, đeo kính áp tròng, khô mắt,... vi khuẩn hoặc các tác nhân gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào lớp nhu mô bên dưới và gây loét.

Vi khuẩn

  • Pseudomonas aeruginosa: thường gặp nhất ở người đeo kính áp tròng, đặc biệt nếu đeo qua đêm hoặc vệ sinh không đúng cách. Vi khuẩn này phát triển nhanh, gây tổn thương sâu, nguy cơ thủng giác mạc chỉ sau 24 - 48 giờ.
  • Staphylococcus aureus và Streptococcus pneumoniae: hay gặp ở người có bệnh lý mi mắt, viêm bờ mi, hoặc từng bị viêm kết mạc tái đi tái lại.
  • Các vi khuẩn khác như Moraxella, Nocardia, Neisseria cũng có thể gây loét ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc tổn thương giác mạc trước đó.

Pseudomonas aeruginosa là vi khuẩn thường gặp gây loét giác mạc ở người đeo kính áp tròng.

Pseudomonas aeruginosa là vi khuẩn thường gặp gây loét giác mạc ở người đeo kính áp tròng.

Virus

  • Herpes simplex virus (HSV-1) là nguyên nhân thường gặp của loét giác mạc tái phát. Loét do HSV có hình ảnh đặc trưng là tổn thương loét dạng nhánh (dendritic ulcer), thường bùng phát sau khi mệt mỏi, sốt, stress hoặc dùng corticoid tại chỗ.
  • Varicella zoster virus (VZV): có thể gây loét giác mạc trong viêm đa dây thần kinh Herpes zoster, thường gặp ở người lớn tuổi hoặc suy giảm miễn dịch.

Nấm

  • Loét giác mạc do nấm thường xảy ra sau chấn thương mắt có liên quan đến thực vật (gai cây, lúa, cành khô...) hoặc sau khi dùng corticoid kéo dài. Các chủng nấm thường gặp bao gồm Fusarium, Aspergillus, Candida.
  • Tổn thương thường có hình ảnh mờ trắng, bờ loét hình lông vũ, tiến triển âm thầm nhưng khó điều trị, dễ để lại sẹo.

Ký sinh trùng

  • Acanthamoeba: một loại amíp sống trong nước (ao hồ, vòi nước, hồ bơi). Nguy cơ cao nhất ở người đeo kính áp tròng mà rửa kính bằng nước máy hoặc bơi khi chưa tháo kính. Loét do Acanthamoeba thường rất đau, tổn thương dạng hình nhẫn, dễ chẩn đoán nhầm với viêm loét do virus

Pythium insidiosum

  • Một loại vi sinh vật giống nấm nhưng thuộc nhóm oomycetes. Loét giác mạc do Pythium thường có tổn thương đặc trưng như nhánh rễ cây (tentacular projections) và lan nhanh quanh vùng rìa giác mạc, rất khó điều trị bằng thuốc chống nấm thông thường.

Nguyên nhân không nhiễm trùng

Dù không phổ biến bằng nhiễm trùng, nhưng loét giác mạc không nhiễm trùng lại thường khó điều trị và hay tái phát, nhất là khi liên quan đến các bệnh lý toàn thân.

Tổn thương cơ học – vật lý

  • Chấn thương mắt do dị vật, trầy xước, hóa chất, bỏng nhiệt... làm mất lớp biểu mô, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Mắt nhắm không kín hoàn toàn (do liệt mặt, sẹo co rút mi): làm giác mạc bị khô, mất lớp bảo vệ tự nhiên.
  • Khô mắt mạn tính: ở người lớn tuổi, sau phẫu thuật mắt, hoặc hội chứng Sjögren. Giác mạc thiếu ẩm sẽ dễ bị viêm, tróc biểu mô và dẫn đến loét.

Sử dụng kính áp tròng không đúng cách

  • Là yếu tố nguy cơ hàng đầu của loét giác mạc trong cộng đồng. Các sai lầm thường gặp gồm:
    • Đeo kính áp tròng qua đêm.
    • Không vệ sinh đúng cách (rửa bằng nước máy, không thay dung dịch bảo quản).
    • Sử dụng kính áp tròng quá hạn.

Thuốc gây độc cho giác mạc

  • Nhóm corticoid dạng nhỏ mắt: Dùng không kiểm soát làm suy giảm miễn dịch tại chỗ, dễ gây bùng phát nhiễm HSV hoặc nấm.
  • Một số thuốc NSAID tại chỗ (như diclofenac, ketorolac) cũng được ghi nhận gây tan giác mạc (corneal melting) nếu dùng dài ngày.

Nguyên nhân miễn dịch – tự miễn

Loét giác mạc có thể là biểu hiện đầu tiên của bệnh lý tự miễn toàn thân, đặc biệt là dạng viêm loét giác mạc ngoại biên (PUK – Peripheral Ulcerative Keratitis). Tổn thương ở rìa giác mạc, tiến triển thành dạng hình liềm ăn mòn sâu, đôi khi thủng giác mạc.

Các bệnh thường liên quan:

  • Viêm khớp dạng thấp (RA): chiếm 50% các ca PUK.
  • Lupus ban đỏ hệ thống (SLE).
  • Bệnh u hạt Wegener (GPA).
  • Hội chứng Sjögren.
  • Viêm đa rễ thần kinh tái phát (Relapsing polychondritis).
  • Bệnh Behçet, Sarcoidosis, viêm mạch Churg–Strauss…

Cơ chế

  • Phản ứng miễn dịch làm phá vỡ màng đáy, kích hoạt enzyme tiêu hủy mô (metalloproteinase) và tế bào viêm xâm nhập, dẫn đến hoại tử nhu mô giác mạc.

Nguyên nhân do thiếu dinh dưỡng và toàn thân

  • Thiếu vitamin A: Thường gặp ở trẻ em suy dinh dưỡng hoặc người lớn mắc hội chứng kém hấp thu. Thiếu vitamin A làm khô mắt, sừng hóa biểu mô và tạo điều kiện cho viêm loét giác mạc.
  • Tiểu đường type 2: Ảnh hưởng đến thần kinh giác mạc, làm giảm cảm giác đau – dẫn đến loét dinh dưỡng thần kinh (neurotrophic ulcer) khó lành.
  • Người dùng thuốc ức chế miễn dịch, hóa trị, nhiễm HIV: Dễ bị loét kéo dài và bội nhiễm cơ hội.

Triệu chứng Loét giác mạc

Loét giác mạc thường khởi phát nhanh, có biểu hiện nổi bật ở cả triệu chứng cơ năng lẫn thực thể. Các biểu hiện này tiến triển nhanh và có thể gây tổn thương vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Các triệu chứng phổ biến gồm:

  • Đau mắt dữ dội hoặc cảm giác cộm xốn: Người bệnh thường mô tả như có dị vật trong mắt, không thể mở mắt bình thường.
  • Chảy nước mắt nhiều (epiphora).
  • Sợ ánh sáng (photophobia): Mức độ từ nhẹ đến rất nhạy cảm, khiến bệnh nhân không thể nhìn ra sáng.
  • Nhìn mờ: Mức độ giảm thị lực tùy thuộc vị trí và độ sâu của ổ loét.
  • Mắt đỏ (sung huyết kết mạc rìa).
  • Sưng mí mắt, sưng kết mạc (chemosis).
  • Chảy mủ hoặc dịch nhầy: Nhất là trong loét do vi khuẩn.
  • Cảm giác có màng mờ trắng trên mắt: Khi tổn thương nằm vùng trung tâm giác mạc, có thể thấy vùng trắng đục.
  • Giảm cảm giác giác mạc (hypoesthesia): Thường gặp trong loét do Herpes virus hoặc loét thần kinh.

Đặc biệt: Một số trường hợp loét do Acanthamoeba sẽ có đau mắt dữ dội không tương ứng với mức độ tổn thương thực thể, là dấu hiệu gợi ý giúp phân biệt với các dạng loét khác.

Sợ ánh sáng là một trong những triệu chứng phổ biến của loét giác mạc.

Sợ ánh sáng là một trong những triệu chứng phổ biến của loét giác mạc.



Các biện pháp chẩn đoán Loét giác mạc

Chẩn đoán loét giác mạc chủ yếu dựa vào khai thác triệu chứng kết hợp với thăm khám nhãn khoa, bao gồm các bước cơ bản sau:

Khai thác bệnh sử

  • Khởi phát triệu chứng: Đột ngột hay từ từ
  • Tiền sử dùng kính áp tròng (cách vệ sinh, có đeo khi ngủ không…).
  • Từng có chấn thương mắt, dị vật, sử dụng corticoid tại chỗ
  • Tiền sử viêm mắt, nhiễm Herpes, hoặc bệnh lý toàn thân (RA, SLE, Sjögren…)

Khám lâm sàng mắt

  • Kiểm tra thị lực (thường giảm nhẹ đến nặng tùy vị trí và độ sâu loét).
  • Quan sát bằng đèn khe (slit lamp) để đánh giá:
    • Vị trí ổ loét (trung tâm hay ngoại biên).
    • Độ sâu tổn thương (bề mặt hay lan sâu vào lớp nhu mô).
    • Có bờ loét mờ, bông xốp, dấu hiệu hoại tử? Có dịch mủ ở tiền phòng?
    • Phồng màng Descemet: dấu hiệu cho thấy loét đã ăn đến màng Descemet, nguy cơ thủng giác mạc.
  • Dấu hiệu Seidel (+): kiểm tra bằng fluorescein cho thấy rò rỉ thủy dịch, xác định giác mạc đã bị thủng.

Các dấu hiệu gợi ý nguyên nhân đặc hiệu:

  • HSV: Loét dạng nhánh (dendritic ulcer), mất cảm giác giác mạc.
  • Fusarium/Candida: Tổn thương màu xám trắng, bờ loét hình răng cưa hoặc "lông vũ".
  • Acanthamoeba: Loét hình nhẫn (ring infiltrate), đau nhiều, kèm viêm màng bồ đào nhẹ.
  • PUK (tự miễn): Loét ngoại biên hình liềm, kết hợp viêm củng mạc, đau dai dẳng.

Các xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết

Để xác định tác nhân gây bệnh và hỗ trợ chẩn đoán phân biệt, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm sau:

Cạo giác mạc (corneal scraping) - để soi và nuôi cấy

  • Nhuộm gram và nuôi cấy trên thạch máu, thạch chocolate agar, thạch Sabouraud agar (tùy nghi ngờ vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng).
  • Có thể dùng KOH 10%, Giemsa, Calcofluor white để phát hiện nấm hoặc Acanthamoeba.
  • PCR hoặc miễn dịch huỳnh quang: áp dụng khi nghi ngờ virus, đặc biệt là HSV, CMV.


Cạo giác mạc để soi và nuôi cấy nhằm phát hiện các tác nhân gây bệnh.

Các xét nghiệm máu khi nghi bệnh lý toàn thân:

  • CRP, ESR, ANA, RF, ANCA: nếu nghi loét do tự miễn (PUK).
  • HIV test, HbA1c: khi nghi nguyên nhân suy giảm miễn dịch hoặc đái tháo đường.

Chẩn đoán hình ảnh:

  • Chụp cắt lớp cố kết quang học phần trước nhãn cầu (AS-OCT): Đánh giá độ sâu loét, phồng màng Descemet.
  • Siêu âm B-scan: Nếu tầm soát viêm nội nhãn, viêm củng mạc kèm theo.
  • Kính hiển vi đồng tiêu (confocal microscopy): Hỗ trợ chẩn đoán Acanthamoeba.

Lưu ý đặc biệt

  • Loét giác mạc là cấp cứu nhãn khoa, chẩn đoán sớm giúp ngăn biến chứng như thủng, viêm nội nhãn, sẹo giác mạc gây mù vĩnh viễn.
  • Những trường hợp có giảm thị lực nhiều, mắt đỏ kèm đau dữ dội, mủ tiền phòng, hoặc nghi loét do Pseudomonas, Acanthamoeba hoặc nấm, phải được khám chuyên khoa ngay trong ngày.

Các biện pháp điều trị Loét giác mạc

Việc điều trị loét giác mạc cần được thực hiện càng sớm càng tốt nhằm ngăn chặn tiến triển sâu vào giác mạc, tránh biến chứng như thủng giác mạc, sẹo vĩnh viễn hay mù lòa. Điều trị bao gồm kết hợp giữa thuốc nhỏ mắt đặc hiệu, chăm sóc hỗ trợ và can thiệp phẫu thuật nếu cần.

Tùy theo nguyên nhân, mức độ loét và tình trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp.

Biện pháp không dùng thuốc

Đây là phần nền tảng giúp hỗ trợ điều trị và ngăn biến chứng:

  • Ngưng ngay việc đeo kính áp tròng, nếu đang sử dụng.
  • Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi nhỏ thuốc hoặc chạm vào vùng mắt.
  • Không dụi mắt, tránh làm rách thêm giác mạc hoặc khiến vi sinh vật lan rộng.
  • Không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt có corticoid, trừ khi được bác sĩ chỉ định.
  • Đeo kính râm khi ra ngoài để giảm kích ứng với ánh sáng.
  • Có thể sử dụng miếng gạc lạnh hoặc nước muối sinh lý để làm dịu cảm giác nóng rát.
  • Không nên băng kín mắt bằng gạc vì dễ làm tăng nhiệt độ tại chỗ, tạo điều kiện vi khuẩn phát triển (đặc biệt trong loét do Pseudomonas).

Điều trị nội khoa

Tùy vào nghi ngờ nguyên nhân gây loét, bác sĩ nhãn khoa sẽ kê đơn thuốc nhỏ mắt tương ứng:

Loét do vi khuẩn

  • Kháng sinh phổ rộng dạng nhỏ mắt là lựa chọn đầu tay như Ciprofloxacin 0,3%, Ofloxacin 0,3%, hoặc Moxifloxacin 0,5%.
  • Điều trị kháng sinh phối hợp (như tobramycin + ceftazidime nhỏ luân phiên) khi nghi ngờ Pseudomonas.
  • Nếu nặng hoặc lan rộng → bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh đường tĩnh mạch hoặc nhập viện theo dõi.

Loét do virus (thường là HSV-1)

  • Kháng virus tại chỗ như Acyclovir 3% hoặc Trifluridine 1% hoặc Ganciclovir 0,15% dạng gel.
  • Thuốc toàn thân (nếu tổn thương lan rộng, tái phát): Acyclovir 400 mg hoặc Valacyclovir 500 mg uống.
  • Tuyệt đối tránh corticoid trong giai đoạn loét hoạt động trừ khi có chỉ định của chuyên gia.

 Loét do nấm

  • Thuốc kháng nấm tra mắt: Natamycin 5% được xem là lựa chọn đầu tay với loét nấm sợi, Amphotericin B 0,15–0,5% hoặc Voriconazole 1%: dùng trong các trường hợp đặc biệt (Candida, Fusarium).
  • Trường hợp nặng có thể cần điều trị kết hợp đường toàn thân hoặc tiêm dưới giác mạc.
  • Thời gian điều trị kéo dài từ 2–6 tuần, thường khó khăn và dễ để lại sẹo giác mạc.

 Loét do Acanthamoeba

  • Thuốc kháng amíp tại chỗ: Chlorhexidine 0,02% + Polyhexamethylene biguanide (PHMB) 0,02%, kết hợp với thuốc nhóm diamidine (propamidine, hexamidine).
  • Thời gian điều trị kéo dài 3–4 tháng, cần theo dõi sát do loét thường kháng trị.

Loét do cơ chế miễn dịch (PUK, Mooren, v.v.)

  • Kháng sinh dự phòng để ngăn bội nhiễm.
  • Corticoid tại chỗ hoặc toàn thân (prednisolone nhỏ mắt, hoặc prednisone đường uống).
  • Thuốc ức chế miễn dịch toàn thân: Methotrexate, Mycophenolate mofetil, Cyclophosphamide, Rituximab…
  • Luôn cần phối hợp điều trị giữa bác sĩ nhãn khoa và bác sĩ miễn dịch.

Các phương pháp điều trị khác (khi nội khoa không đáp ứng)

Dán mô sinh học hoặc keo sinh học

  • Sử dụng keo cyanoacrylate để ghép vào ổ loét mỏng, ngăn thủng giác mạc tạm thời.
  • Có thể ghép bằng màng ối sinh học (amniotic membrane graft) để hỗ trợ liền tổn thương.

Ghép giác mạc (keratoplasty)

  • Áp dụng khi:
    • Loét sâu có nguy cơ thủng.
    • Loét không đáp ứng điều trị.
    • Mắt có sẹo giác mạc trung tâm ảnh hưởng đến thị lực.
  • Gồm hai hình thức:
    • Ghép xuyên toàn bộ (PK).
    • Ghép từng lớp (lamellar keratoplasty).
  • Sau ghép, bệnh nhân cần theo dõi chặt chẽ nguy cơ thải ghép, tăng nhãn áp và tái phát bệnh nền.

Ghép giác mạc được sử dụng khi không đáp ứng điều trị nội khoa.

Ghép giác mạc được sử dụng khi không đáp ứng điều trị nội khoa.

Khâu khép mi tạm thời (Tarsorrhaphy)

  • Giúp mắt nhắm kín hoàn toàn để tạo môi trường lý tưởng cho vết loét hồi phục, đặc biệt trong loét do thần kinh hoặc khô mắt nặng.

Theo dõi và chăm sóc sau điều trị

  • Tái khám thường xuyên (hàng ngày hoặc cách ngày) để đánh giá đáp ứng điều trị.
  • Kiểm tra lại thị lực, độ sâu loét, tình trạng viêm tiền phòng, nguy cơ thủng giác mạc.
  • Sau khi lành, có thể cần phục hồi thị lực bằng kính chỉnh tật khúc xạ, hoặc ghép giác mạc quang học nếu có sẹo trung tâm.

Tiên lượng bệnh loét giác mạc

Loét giác mạc là một tình trạng nghiêm trọng, nhưng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, phần lớn bệnh nhân có thể hồi phục tốt, giữ lại được thị lực và hạn chế biến chứng. Tuy nhiên, tiên lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ nguyên nhân gây bệnh đến thời gian điều trị và khả năng đáp ứng của từng người.

Bệnh có phục hồi hoàn toàn được không?

  • Có thể phục hồi hoàn toàn nếu loét nông, khu trú, không nằm ngay trục thị giác, được điều trị sớm bằng kháng sinh/kháng nấm phù hợp và không có biến chứng.
  • Tuy nhiên, nhiều trường hợp để lại sẹo giác mạc, đặc biệt là khi ổ loét ở vùng trung tâm. Sẹo này có thể làm giảm thị lực vĩnh viễn.

Biến chứng tiềm ẩn và hậu quả lâu dài

Nếu không điều trị đúng hoặc chậm trễ, loét giác mạc có thể dẫn đến:

  • Thủng giác mạc (corneal perforation) → mất tính toàn vẹn nhãn cầu, có thể gây mù nhanh chóng.
  • Viêm nội nhãn (endophthalmitis) → nhiễm trùng sâu trong mắt, nguy cơ mất mắt cao.
  • Tăng nhãn áp thứ phát, đặc biệt sau điều trị corticoid kéo dài.
  • Sẹo giác mạc dày, trắng đục → làm mờ vĩnh viễn vùng nhìn trung tâm.
  • Loét tái phát hoặc viêm mãn tính, nhất là trong các thể loét do virus Herpes, Acanthamoeba hoặc bệnh lý tự miễn.

Tỷ lệ tái phát

Tùy theo nguyên nhân, tỷ lệ tái phát thay đổi:

  • Loét do Herpes simplex virus có xu hướng tái phát cao, đặc biệt khi bệnh nhân căng thẳng, mệt mỏi, nhiễm trùng toàn thân hoặc dùng corticoid.
  • Loét tự miễn (PUK, Mooren) có thể tái phát nhiều đợt trong năm, cần điều trị duy trì bằng thuốc ức chế miễn dịch.
  • Loét do Acanthamoeba hoặc nấm có thể tái phát âm ỉ sau vài tuần – vài tháng nếu không điều trị triệt để.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng

  • Loét nằm ở trung tâm giác mạc: Gây sẹo làm mờ trục thị giác.
  • Loét ăn sâu vào nhu mô: Nguy cơ thủng, biến chứng cao.
  • Chậm điều trị hoặc điều trị sai phác đồ: Vi khuẩn/nấm kháng thuốc phát triển mạnh.
  • Dùng corticoid sai chỉ định: Làm nặng thêm loét do HSV, nấm hoặc Acanthamoeba.
  • Bệnh nền: đái tháo đường, suy giảm miễn dịch: Làm chậm liền vết thương, dễ nhiễm trùng.
  • Tự miễn chưa kiểm soát: RA, lupus, GPA…: Loét thường tái phát, hoại tử lan rộng.

Loét giác mạc nếu được điều trị càng sớm thì khả năng bảo tồn thị lực càng cao. Những trường hợp loét nhẹ, nguyên nhân rõ ràng và được điều trị đúng hướng thường có thể lành sau 1–2 tuần mà không để lại sẹo đáng kể. Ngược lại, các trường hợp loét ăn sâu, lan rộng, nhiễm trùng nặng hoặc liên quan đến bệnh lý tự miễn cần được theo dõi sát sao và có thể phải phối hợp điều trị với chuyên khoa thấp khớp, miễn dịch hoặc can thiệp phẫu thuật mắt để kiểm soát biến chứng.


Tài liệu tham khảo:

  1. Bunya, V. Y. (2024). Corneal ulcer. MSD Manual Consumer Version. https://www.msdmanuals.com/home/eye-disorders/corneal-disorders/corneal-ulcer
  2. Byrd, L. B., Gurnani, B., & Martin, N. (2024, February 12). Corneal ulcer. In StatPearls. StatPearls Publishing. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK539689/
  3. Deschênes, J., & Roy, H. Sr. (2023, April 5). Corneal ulcer: Treatment & management. Medscape. https://emedicine.medscape.com/article/1195680-treatment#showall
  4. Jacobs, D. S. Corneal abrasions and corneal foreign bodies: Clinical manifestations and diagnosis. In: UpToDate, Connor RF (Ed), Wolters Kluwer. (Accessed on March 21, 2025.)
  5. Jacobs, D. S. Corneal abrasions and corneal foreign bodies: Management. In: UpToDate, Connor RF (Ed), Wolters Kluwer. (Accessed on March 21, 2025.)
  6. Kahn, A., & Luo, X. (2018, September 17). Corneal ulcer. Healthline. https://www.healthline.com/health/corneal-ulcers-and-infections
  7. Iavarone, K., & Zhang, G. (2022, November 25). What to know about corneal ulcers. Medical News Today. https://www.medicalnewstoday.com/articles/corneal-ulcer


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ