Từ điển bệnh lý

Lỵ Amip : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 13-02-2025

Tổng quan Lỵ Amip

Lỵ amip là một bệnh do ký sinh trùng gây nên, mà nguyên nhân chính được xác định là do Entamoeba histolytica (E.histolytica). 

  1. histolytica chủ yếu sống trong đại tràng như một sinh vật vô hại, nhưng chúng có khả năng gây ra bệnh lý. Nguyên nhân gây ra sự chuyển đổi sang kiểu hình gây bệnh và khởi phát bệnh vẫn chưa được làm rõ. Bệnh có thể cấp tính nhưng thường có xu hướng kéo dài và tiến triển thành mạn tính nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể dẫn đến biến chứng như viêm loét đại tràng với các mô bị hoại tử, thủng ruột, thậm chí là viêm phúc mạc. 

Amip lỵ hay gây ra tổn thương ở đại tràng. Đa số trường hợp người bệnh sẽ không có triệu chứng nghiêm trọng nhưng một số trường hợp đặc trưng bởi hội chứng lỵ gồm: Đau quặn, mót rặn và đi ngoài giả (sau mỗi cơn đau quặn người bệnh thường có cảm giác mót rặn, khó đi ngoài, rặn nhiều kéo dài có nguy cơ trĩ, sa niêm mạc trực tràng), tiêu chảy, phân nhầy máu. Người bệnh không sốt (trừ trẻ em), đây là một đặc điểm giúp phân biệt với lỵ trực trùng.

Do ký sinh trùng thường ký sinh ở đại tràng nên nguồn lây nhiễm quan trọng nhất là phân người. Ruồi nhặng làm ô nhiễm thức ăn cũng góp phần vào lây truyền bệnh, ngoài ra ký sinh trùng có thể truyền bệnh thông qua tiếp xúc với bàn tay bẩn của những người bị bệnh.

Dịch tễ

Bệnh amip vẫn là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển nơi nghèo đói và thu nhập thấp phổ biến, và những thách thức phức tạp đang cản trở sự phát triển kinh tế của họ. 

Lỵ amip ít khi gây dịch hàng loạt, không có sự phân bố theo mùa rõ ràng, chủ yếu phân bố theo địa dư, hay gặp ở vùng khí hậu nhiệt đới.

Các khu vực có tỷ lệ nhiễm amip cao bao gồm một số vùng của Ấn Độ, Bangladesh, các nước châu Phi nhiệt đới, Brazil và Mexico, Trung Quốc và Đông Nam Á. Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm amip còn khá cao.



Nguyên nhân Lỵ Amip

Mầm bệnh hay gặp nhất là Entamoeba histolytica, thuộc họ Entamoebidae, bộ Amoebida, ngành Protozoa.

Có 3 thể phân loại dựa vào hình thể và sinh lý, tùy vào điều kiện dinh dưỡng của môi trường trong cơ thể vật chủ mà các thể có thể chuyển dạng lẫn nhau.

- Thể hoạt động ăn hồng cầu (Entamoeba histolytica forma magna): sống ở đại tràng hoặc các tổ chức bị tổn thương.

  • Kích thước khoảng 15-30 µm.
  • Nhân tròn, trung tâm có nhân thể, có 1 vòng hạt nhiễm sắc tỏa đều bao quanh nhân.
  • Di động nhanh nhờ có chân giả.
  •  Là thể gây bệnh chính, có khả năng xâm nhập vào niêm mạc ruột hoặc các cơ quan khác.
  • Hoạt động và ăn hồng cầu khi gây bệnh, ra khỏi cơ thể vật chủ thể amip này không tồn tại được lâu ngoài môi trường.

- Thể hoạt động không ăn hồng cầu (Entamoeba histolytica forma minuta)

Thể này không có khả năng gây bệnh, không ăn hồng cầu.

  • Kích thước khoảng 10-20 µm.
  • Sống trong lòng đại tràng, di chuyển chậm hơn thể Magna.

- Thể bào nang hay còn gọi là thể kén (Entamoeba histolytica forma cystica): là thể lây nhiễm, đào thải theo phân ra ngoài môi trường, có khả năng tồn tại lâu sau khi ra khỏi cơ thể vật chủ.

  • Kích thước nhỏ hơn, khoảng 10-14 µm.
  • Được bọc bởi 2 lớp vỏ dày, bền vững, trong bào nang chứa 1-4 nhân (khi trưởng thành bào nang có 4 nhân).
  • Sức đề kháng cao với hóa chất do đó diệt bào nang amip trong nước tương đối khó, nhiều trường hợp nếu dùng clo để diệt bào nang amip sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn nước trong sinh hoạt của người dân.

Triệu chứng Lỵ Amip

Amip lỵ gây tổn thương chính là ở đại tràng, đa số các trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhưng có một số bệnh nhân có biểu hiện của hội chứng lỵ

3 thể lâm sàng chính của lỵ amip là: là người lành mang trùng, lỵ amip cấp và lỵ amip mạn tính.

- Lỵ amip cấp: 

+ Thời kỳ ủ bệnh khoảng 1-2 tuần, có khi kéo dài tới 3 tháng.

+ Khởi phát từ từ hoặc đôi khi đột ngột, người bệnh thường không sốt hoặc sốt nhẹ, chủ yếu gặp sốt ở trẻ em.

+ Thời kỳ toàn phát một số bệnh nhân biểu hiện điển hình với các triệu chứng của hội chứng lỵ, bao gồm:

  • Đau quặn bụng từng cơn, hay gặp đau quặn theo dọc khung đại tràng.
  • Cảm giác mót rặn sau mỗi lần đi ngoài.
  • Người bệnh có cảm giác buốt ở vùng hậu môn.
  • Tiêu chảy: phân lỏng, nhầy máu riêng rẽ nhau (khác với lỵ trực trùng thường phân nhầy lẫn máu), 5-15 lần/ngày.

- Lỵ amip mạn tính: lỵ amip cấp nếu không được điều trị khỏi sau 4-6 tuần thường chuyển sang mạn tính, bệnh có thể kéo dài nhiều năm, triệu chứng giảm dần và không rầm rộ như trong lỵ amip cấp, thỉnh thoảng có thể có xuất hiện các đợt lỵ amip cấp tính.

+ Người bệnh đau bụng từng cơn, tiêu chảy kéo dài.

+ Chán ăn, khó tiêu.

+ Suy nhược.

Đau quặn, mót rặn là triệu chứng thường gặp trong lỵ amip

Đau quặn, mót rặn là triệu chứng thường gặp trong lỵ amip



Các biến chứng Lỵ Amip

 Viêm phúc mạc: thủng ruột gây viêm phúc mạc, có thể viêm phúc mạc khu trú hoặc toàn bộ, đe dọa tính mạng.

- Ameboma: hiếm gặp, thường gặp u ở manh tràng hoặc đoạn lên của đại tràng, có thể gặp ở góc gan, góc lách. U lớn có thể gây hẹp hoặc tắc ruột.

- Polyp đại tràng: là u tuyến do lỵ amip, kích thước to nhỏ khác nhau, phát triển ở phần niêm mạc đại tràng.

- Chảy máu đường ruột: ít gặp.

- Trĩ, sa niêm mạc trực tràng: là hậu quả khi bệnh nhân rặn nhiều, hay gặp ở bệnh nhân lỵ amip mạn tính có nhiều đợt tái phát xen kẽ.

- Viêm ruột thừa do amip: hiếm gặp, nhưng nếu không điều trị kịp thời nguy cơ viêm phúc mạc, tỷ lệ tử vong cao.

- Áp xe gan: amip di chuyển từ ruột đến gan qua tuần hoàn cửa-chủ, biến chứng này thường gặp, nhiều trường hợp áp xe gan vỡ vào phổi gây viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi.

- Viêm đại tràng hoại tử: tổn thương niêm mạc đại tràng kéo dài nhiều ngày, tái đi tái lại có thể dẫn tới loét và sau đó hoại tử.

- Hội chứng kém hấp thu: tổn thương niêm mạc ruột kéo dài dẫn đến người bệnh thiếu máu, gầy sút, suy nhược.



Đường lây truyền Lỵ Amip

- Người bệnh nhiễm lỵ amip cấp hoặc mạn tính kéo dài.

- Người lành mang trùng thải kén amip ra ngoài môi trường theo phân.

Quá trình lây nhiễm 

Khi người bệnh hoặc người lành mang trùng thải kén amip ra ngoài môi trường qua phân, làm nguồn nước hoặc đất bị ô nhiễm, con người sẽ nuốt phải bào nang amip qua thực phẩm hoặc nước uống đã nhiễm bẩn.

  • Kén amip vào dạ dày, dưới tác dụng của dịch vị, thể kén trưởng thành phá vỡ vỏ, giải phóng 4 nhân tạo thành 4 thể forma minuta. 
  • Kén amip vào ruột non và phát triển thành thể hoạt động ăn hồng cầu chính là thể chính gây ra lỵ amip.
  • Thể hoạt động này sau khi được tạo ra sẽ di chuyển xuống, xâm nhập niêm mạc ruột, gây viêm đại tràng do amip. Trong một số trường hợp, các thể amip phá vỡ hàng rào niêm mạc và di chuyển qua tuần hoàn cửa đến gan, tại đây chúng gây ra các ổ áp xe bao gồm một số thể tư dưỡng E histolytica bao quanh các tế bào gan đã chết và đang chết và các mảnh vụn tế bào hóa lỏng. Các ổ áp xe gan do amip phát triển không ngừng và trước đây hầu như luôn gây tử vong, nhưng hiện nay ngay cả các ổ áp xe lớn cũng có thể được chữa khỏi chỉ bằng một liều kháng sinh.
  • Bào nang tại đại tràng tiếp tục được thải ra ngoài qua phân người lại tiếp tục một chu kỳ lây nhiễm mới, đây chính là một vòng xoắn bệnh lý thường xảy ra ở bệnh nhân nhiễm amip lỵ.

Cấu trúc 3 thể amip

Cấu trúc 3 thể amip




Phòng ngừa Lỵ Amip

- Giữ vệ sinh ăn uống, vệ sinh tay nhằm tránh lây nhiễm kén amip từ người lành mang trùng hoặc từ người bệnh đang điều trị.

- Xét nghiệm phân của người chăm sóc, người thân trong gia đình của bệnh nhân lỵ amip.

- Không dùng phân tươi trong nông nghiệp.

- Điều trị người lành mang trùng để hạn chế lây lan.

- Những người có mang kén amip không được làm công việc liên quan đến chế biến, ăn uống, chỉ được làm trở lại khi đã hoàn tất điều trị.

Vệ sinh tay là một biện pháp quan trọng dự phòng lỵ amip

Vệ sinh tay là một biện pháp quan trọng dự phòng lỵ amip


Câu hỏi thường gặp về lỵ amip

- Lỵ amip có lây không: Lỵ amip là một bệnh ký sinh trùng có khả năng lây truyền, thường do phân của người bệnh đang điều trị lỵ amip hoặc người mang trùng không biểu hiện bệnh.

- Người bị lỵ amip có được làm công việc liên quan đến ngành ăn uống, chế biến thực phẩm không: những người lành mang trùng sẽ bị cấm có thời hạn khi thực hiện các công việc liên quan đến chế biến, ăn uống, khi điều trị khỏi có thể quay lại công việc bình thường.



Các biện pháp chẩn đoán Lỵ Amip

Dựa vào yếu tố dịch tễ, tiền sử bệnh, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng.

- Lâm sàng: dựa vào hội chứng lỵ (đau quặn, mót rặn, đi ngoài phân lỏng có nhầy, máu).

- Cận lâm sàng: tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán lỵ amip là tìm thấy thể Entamoeba histolytica forma magna là thể amip hoạt động ăn hồng cầu trong phân người bệnh thông qua soi tươi trên kính hiển vi quang học, ngoài ra một số trường hợp có thể tìm amip lỵ qua bệnh phẩm là mủ trong các ổ áp xe.

Để xác định các thể amip hoạt động ăn hồng cầu, cần kiểm tra các mẫu phân trong vòng 1 giờ sau khi lấy. Do đó, nếu không thể tiến hành kiểm tra ngay lập tức, mẫu phân nên được bảo quản trong polyvinyl alcohol (PVA), chất cố định Schaudinn hoặc natri axetat-axit axetic-formalin (SAF). Khả năng quan sát thấy thể tư dưỡng cao hơn ở phân lỏng, có chứa chất nhầy, mủ và một lượng nhỏ máu ẩn.

- Elisa phát hiện kháng nguyên

Những nhược điểm của các kỹ thuật phát hiện ký sinh trùng truyền thống đã dẫn đến việc sử dụng ELISA coproantigen hiện nay để chẩn đoán trong phòng thí nghiệm bệnh amip đường ruột. ELISA hữu ích cho các nghiên cứu lâm sàng và dịch tễ học, đặc biệt là khi các xét nghiệm phân tử không khả thi hoặc không có sẵn. Xét nghiệm miễn dịch tương đối đơn giản và nhanh chóng, và có thể được thực hiện ở hầu hết các phòng thí nghiệm.

- Các trường hợp biến chứng như áp xe hoặc u amip cần kết hợp siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính.

- Nội soi đại tràng phát hiện các tổn thương do lỵ amip gây ra.

  1. Chẩn đoán phân biệt

- Chẩn đoán phân biệt thường gặp nhất là với lỵ trực trùng do trực khuẩn lỵ Shigella gây ra.

Lỵ amip

Lỵ trực trùng

Ủ bệnh

kéo dài

ngắn hơn

Khởi phát

thường là từ từ

cấp tính, 48-72 giờ

Sốt

thường không sốt, trừ trường hợp ở trẻ em hoặc khi có biến chứng áp xe

sốt cao, hội chứng nhiễm trùng rõ

Tính chất phân

rặn nhiều nhưng ít phân, phân nhầy máu riêng rẽ

phân nhầy lẫn máu

Số lần đi ngoài

đi ngoài 5-15 lần/ngày

Số lần đi ngoài nhiều hơn

Nguy cơ mất nước

thấp hơn

cao

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Soi tươi phân tìm thể hoạt động ăn hồng cầu hoặc tìm kháng nguyên lỵ amip

Cấy phân tìm trực khuẩn lỵ Shigella

Dịch

thường tản phát, ít khi tạo thành dịch, không nằm trong danh mục kiểm dịch y tế

có thể tạo thành dịch

Phân biệt lỵ trực trùng và lỵ amip

- Viêm gan, áp xe gan hặc do amip cần phân biệt với các nguyên nhân do virus.

- Áp xe phổi, tràn dịch màng phổi do amip phân biệt với do vi khuẩn khác, do lao.



Các biện pháp điều trị Lỵ Amip

Điều trị lỵ amip tập trung vào loại bỏ ký sinh trùng, giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng. Tùy vào thể bệnh lỵ amip mà có các phác đồ điều trị khác nhau.

- Người lành mang trùng điều trị bằng paromomycin (20 ngày), iodoquinol (7 ngày) hoặc diloxanide furoate (10 ngày) nhằm hạn chế sự phát triển và lây lan sang cơ quan khác và sang người khác.

- Thuốc diệt amip trong tế bào niêm mạc ruột:

  • Emetin: tiêm bắp liều 1mg/kg/ngày trong 5-7 ngày (0,04-0,06g/ngày, liều cả đợt 0,01 g/kg). Có thể nhắc lại nhưng thường cách đợt đầu 45 ngày.
  • Dehydroemetin: tiêm bắp liều 1mg/kg/ngày trong 5-7 ngày, ít tác dụng phụ hơn và tác dụng mạnh hơn so với Emetin.

- Thuốc diệt amip thể hoạt động và thể kén trong mô:

  • Metronidazole: 500-750mg x 3 lần/ngày, uống trong 7-10 ngày.
  • Tinidazole: 2g/ngày, uống trong 3-5 ngày.

- Sau khi điều trị bằng kháng sinh nhóm kháng sinh 5-Nitroimidazole, tiếp tục diệt bào nang bằng các thuốc paromomycin, iodoquinol hoặc diloxanide furoate. 

- Điều trị triệu chứng:

  • Giảm đau, giãn cơ: Atropin, Nospa, Papaverin, Spasmaverine.
  • Se niêm mạc ruột: Bismuth, Smecta.

- Phối hợp kháng sinh trong các trường hợp có biến chứng áp xe gan, áp xe phổi.

- Ngoại khoa: chọc hút dẫn lưu dịch hoặc với áp xe gan do amip đường kính lớn cần phẫu thuật.

Lỵ amip là một bệnh lý gây ra do ký sinh trùng Entamoeba histolytica, nếu không không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

Bệnh nhân lỵ amip không có triệu chứng nếu không được phát hiện sớm, kén amip có thể tồn tại nhiều năm và làm lây lan nguồn bệnh cho người xung quanh.

Điều trị sớm giúp khỏi bệnh, hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra và giúp hạn chế lây lan bệnh trong cộng đồng. 

Hệ thống y tế MEDLATEC với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền nhiễm cùng thế mạnh về xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh sẽ hỗ trợ bạn chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời giúp tránh các biến chứng nguy hiểm đe dọa sức khỏe, tính mạng.

Hãy gọi điện đến tổng đài 1900.56.56.56 của MEDLATEC để được tư vấn bởi các chuyên gia truyền nhiễm ngay khi bạn có các biểu hiện đã đề cập như trong bài viết trên.



Tài liệu tham khảo:

  • https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/12660071/
  • https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31587966/
  • https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17914922/
  • https://iris.who.int/bitstream/handle/10665/230092/WER7214_97-99.PDF
  • https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0014489410000901
  • https://vncdc.gov.vn/benh-ly-a-mip-nd14506.html
  • Bệnh do amip - Bệnh học truyền nhiễm Đại học Y Hà Nội


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ