Từ điển bệnh lý

Mắt cá và chai chân : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 22-05-2025

Tổng quan Mắt cá và chai chân

Mắt cá và chai chân là hai tình trạng dày sừng thường gặp ở bàn chân, đặc biệt ở những người phải đi lại nhiều, mang giày dép chật hoặc hoạt động thể lực kéo dài. Đây là phản ứng của da khi phải chịu ma sát và áp lực lặp đi lặp lại, khiến lớp sừng tăng sinh để bảo vệ mô bên dưới. Tuy nhiên, hai bệnh này có bản chất khác nhau và cần được phân biệt rõ để điều trị hiệu quả. 

Mắt cá là dạng chai có nhân cứng ở trung tâm, thường nhỏ, khu trú tại một điểm, gây đau nhói khi ấn. Tổn thương có hình tròn, lõm ở giữa, bề mặt cứng, thường gặp ở gan bàn chân, rìa ngón chân hoặc gần mắt cá – do đó dân gian hay gọi là “bệnh mắt cá chân”. Trong khi đó, chai chân là vùng da dày, khô, cứng lan rộng, không có nhân, thường không đau hoặc chỉ gây khó chịu nhẹ khi đi lại. Chai chân hay xuất hiện ở gan chân, gót chân hoặc ngón chân – nơi tiếp xúc trực tiếp với giày dép. Việc chẩn đoán đúng giúp lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và phòng ngừa hiệu quả các biến chứng về lâu dài.

Mắt cá và chai chân là hai tình trạng dày sừng da thường gặp, đặc biệt ở những vùng chịu nhiều áp lực của bàn chân

Mắt cá và chai chân là hai tình trạng dày sừng da thường gặp, đặc biệt ở những vùng chịu nhiều áp lực của bàn chân 



Nguyên nhân Mắt cá và chai chân

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh mắt cá và chai chân, cụ thể như sau:

 Nguyên nhân cơ học:

- Giày dép không phù hợp: Mang giày quá chật, giày có gót cao, mũi nhọn hoặc giày không vừa vặn đều làm tăng ma sát lên các vùng chân nhất định, tạo điều kiện cho sự hình thành cả mụn mắt cá và chai chân.

- Dáng đi bất thường: Các vấn đề về dáng đi như bàn chân bẹt, ngón chân quặp hoặc các dị tật về bàn chân làm phân bố áp lực không đều trên bàn chân, khiến một số vùng phải chịu lực nhiều hơn và dễ gây tổn thương.

- Thói quen chăm sóc bàn chân: đi không mang tất hoặc mang tất quá mỏng, tạo điều kiện cho việc tiếp xúc trực tiếp giữa da chân và giày, làm tăng ma sát tại các vùng tiếp xúc này. Da khô, thiếu độ ẩm hoặc không được dưỡng ẩm đúng cách có thể làm cho da trở nên dễ bị tổn thương và sừng hóa nhanh chóng khi bị ma sát.

- Áp lực kéo dài lên bàn chân: Những công việc hoặc thói quen đòi hỏi đứng lâu, đi bộ nhiều hoặc chạy bộ cũng tạo ra áp lực liên tục lên các vùng chân, khiến da bị dày sừng tại những nơi chịu tải trọng lớn.

- Chấn thương lặp lại: Chai chân có thể hình thành do sự ma sát lặp đi lặp lại ở những vùng chịu áp lực mạnh còn mắt cá thường hình thành do có sự tiếp xúc tập trung vào một điểm. 

Các bệnh lý nền

- Bệnh đái tháo đường: Bệnh có thể gây ra tổn thương thần kinh ngoại biên, khiến người bệnh không cảm nhận được sự đau đớn hoặc cảm giác bất thường trên bàn chân. Điều này dẫn đến việc họ không nhận ra được các dấu hiệu của tổn thương da như chai chân hay mụn mắt cá, gây nguy cơ tổn thương sâu hơn nếu không được chăm sóc đúng cách.

- Bệnh về tuần hoàn (mạch máu ngoại vi): Những người bị bệnh về tuần hoàn máu, chẳng hạn như xơ vữa động mạch, có thể gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ máu cho các bộ phận của bàn chân. Điều này làm giảm khả năng phục hồi của da và khiến da dễ bị tổn thương hơn khi chịu áp lực hoặc ma sát.

- Bệnh lý về thần kinh: Các bệnh lý như bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson, hoặc tổn thương thần kinh do đái tháo đường có thể làm giảm cảm giác và khả năng phản ứng của bàn chân đối với sự đau đớn hoặc sự thay đổi nhiệt độ. Khi không cảm nhận được sự ma sát hay áp lực, người bệnh sẽ không có sự phản ứng kịp thời, dẫn đến tổn thương da kéo dài và hình thành các mụn mắt cá hoặc chai chân.

- Bệnh gout: Gout có thể gây ra viêm khớp, đặc biệt là ở các khớp của ngón chân. Sự viêm này có thể làm thay đổi cách đi lại và tạo ra các điểm tì đè không đều trên bàn chân, dễ dẫn đến chai chân hoặc mụn mắt cá tại các vùng chịu nhiều áp lực.

Đi giày dép có kích cỡ không phù hợp có thể dẫn đến mắt cá, chai chân

Đi giày dép có kích cỡ không phù hợp có thể dẫn đến mắt cá, chai chân



Phòng ngừa Mắt cá và chai chân

Để phòng ngừa hiệu quả mắt cá và chai chân, cần tập trung vào giảm yếu tố cơ học, chăm sóc da đúng cách và điều chỉnh tư thế đi lại, cụ thể: 

Lựa chọn giày dép phù hợp

Việc mang giày dép không phù hợp là nguyên nhân phổ biến gây mắt cá và chai chân. Cần chọn giày vừa vặn, không quá chật hoặc quá rộng, đặc biệt tránh giày mũi nhọn, gót cao hoặc đế cứng. Những đôi giày có lớp đệm mềm, phần lót hỗ trợ hấp thụ lực và phân tán áp lực ở bàn chân sẽ giúp giảm ma sát và tỳ đè – yếu tố cơ học chính hình thành các tổn thương dày sừng.

Chăm sóc da chân mỗi ngày

Chăm sóc da chân thường xuyên giúp duy trì độ ẩm và hạn chế tích tụ lớp sừng. Mỗi ngày, nên rửa sạch và lau khô chân, sau đó bôi kem dưỡng ẩm, ưu tiên loại chứa urea hoặc glycerin. Việc ngâm chân nước ấm và tẩy tế bào chết nhẹ bằng đá bọt 1–2 lần/tuần giúp giữ da mềm mại và phòng ngừa dày sừng phát triển.

 Điều chỉnh thói quen đi lại và đứng lâu

Thói quen đứng lâu, đi bộ trên bề mặt cứng hoặc mang vác nặng khiến áp lực dồn lên bàn chân nhiều hơn, dễ dẫn đến tổn thương da. Người có nghề nghiệp đặc thù như giáo viên, nhân viên bán hàng, vận động viên… nên có thời gian nghỉ phù hợp, thay đổi tư thế thường xuyên và sử dụng đệm giày y khoa nếu cần.

Phát hiện sớm và điều chỉnh các bất thường của bàn chân

Những biến dạng bàn chân như ngón chân cái vẹo ngoài, bàn chân bẹt, khớp lệch trục… khiến áp lực phân bố không đều và dẫn đến tổn thương da khu trú. Khi phát hiện dáng đi bất thường hoặc đau tại vị trí cố định khi đi lại, nên đến khám chuyên khoa cơ xương khớp hoặc chỉnh hình để được tư vấn sử dụng miếng lót chỉnh hình phù hợp.

Kiểm soát các bệnh lý nền liên quan

Một số bệnh mạn tính như đái tháo đường, béo phì, viêm khớp… có thể làm tăng nguy cơ hình thành mụn mắt cá và chai chân. Việc kiểm soát tốt các bệnh lý nền góp phần dự phòng tổn thương da và biến chứng sau này.

Phòng ngừa tái phát sau điều trị

Sau khi điều trị thành công mụn mắt cá hoặc chai chân, cần duy trì chăm sóc và phòng ngừa thường xuyên. Không nên đi chân trần trên bề mặt cứng, nên thay tất mỗi ngày và tránh mang lại những đôi giày từng gây tổn thương. Đặc biệt, nếu có tiền sử tái phát nhiều lần, nên theo dõi sát và tái khám định kỳ để phát hiện sớm.

Chăm sóc da bàn chân hằng ngày giúp dự phòng mắt cá và chai chân

Chăm sóc da bàn chân hằng ngày giúp dự phòng mắt cá và chai chân



Các biện pháp chẩn đoán Mắt cá và chai chân

Việc chẩn đoán chủ yếu dựa trên khai thác kỹ lâm sàng và thăm khám tỉ mỉ.

 Khám lâm sàng

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ quan sát kỹ hình dạng, vị trí và đặc điểm của tổn thương để định hướng chẩn đoán.

Thông thường, mụn mắt cá là một khối sừng hóa khu trú, có hình tròn rõ ràng, ở giữa có lõi cứng. Tổn thương có màu vàng nhạt, nhô cao nhẹ, bề mặt khô, và thường nằm ở những vùng da xương nhô, bị ma sát nhiều như mu các ngón chân hoặc kẽ giữa các ngón. Đặc điểm quan trọng là bệnh nhân thường than đau khi đi giày hoặc khi ấn vào trung tâm tổn thương, cảm giác đau sắc như kim châm.

Trái lại, chai chân là một tổn thương dày sừng lan tỏa hơn, không có lõi cứng bên trong. Tổn thương thường xuất hiện ở những vùng chịu lực tỳ đè liên tục, như gan bàn chân, gót chân hoặc rìa ngoài bàn chân. Bề mặt chai chân thường rộng hơn mụn mắt cá, bề mặt sần sùi, khô ráp, màu vàng hoặc xám, không đau hoặc chỉ hơi tức nhẹ khi đi lại nhiều. Tổn thương không có ranh giới rõ như mụn mắt cá và thường mang tính đối xứng hai bên nếu nguyên nhân là do cách đi đứng hoặc loại giày dép sử dụng.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể xuất hiện cả hai loại tổn thương trên cùng một bàn chân, ví dụ chai gan chân do đứng nhiều, đồng thời có mụn mắt cá ở mu ngón chân do đi giày cao gót hoặc giày chật. Việc đánh giá kết hợp cả hình thái, vị trí và cảm giác đau sẽ giúp phân biệt hai bệnh lý này một cách hiệu quả.

3.2 Cận lâm sàng

Thông thường, mụn mắt cá và chai chân đều có thể được chẩn đoán bằng thăm khám lâm sàng đơn thuần mà không cần xét nghiệm bổ sung. Tuy nhiên, trong một số trường hợp không điển hình, tổn thương không cải thiện sau điều trị thông thường, hoặc nghi ngờ nhầm lẫn với bệnh lý khác như mụn cóc do HPV, dày sừng tiết bã, hoặc u da, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm cận lâm sàng để hỗ trợ.

- Soi da kỹ thuật số: Có thể giúp quan sát cấu trúc lõi sừng, phân biệt với các mao mạch đặc trưng trong mụn cóc.

- Sinh thiết da: Chỉ thực hiện khi tổn thương không đáp ứng điều trị hoặc nghi ngờ tổn thương ác tính.

- X-quang bàn chân: Có thể được chỉ định nếu nghi ngờ có biến dạng xương, dị vật dưới da, hoặc áp lực bất thường gây chai chân, mắt cá tái đi tái lại.

- Xét nghiệm khác: Ở những người mắc đái tháo đường hoặc bệnh lý mạch máu ngoại vi, nếu tổn thương chai chân kèm theo nứt, loét, rỉ dịch, có thể cần làm thêm xét nghiệm máu, vi sinh (nuôi cấy vi khuẩn) hoặc siêu âm đánh giá mức độ tưới máu chân để phòng ngừa biến chứng.

Việc điều trị mụn mắt cá chân (clavus) và chai chân (callus) cần dựa vào mức độ tổn thương, nguyên nhân cơ học nền, cũng như khả năng tuân thủ điều trị của người bệnh. Cả hai đều là phản ứng dày sừng lành tính của da, nhưng nếu không được điều trị hoặc loại bỏ nguyên nhân, có thể gây đau, viêm, nhiễm trùng và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt.


Các biện pháp điều trị Mắt cá và chai chân

Nguyên tắc cơ bản trong điều trị mắt cá và chai chân là giảm hoặc loại bỏ áp lực, ma sát lên vùng da bị bệnh kết hợp điều trị tổn thương tại chỗ. Nếu nguyên nhân cơ học không được giải quyết, mọi biện pháp điều trị chỉ mang tính tạm thời và tổn thương rất dễ tái phát.

 Điều trị nội khoa 

Áp dụng với tổn thương nhẹ đến trung bình, chưa gây biến chứng:

- Làm mềm và bào mòn lớp sừng hóa:

+ Ngâm chân trong nước ấm 10 - 15 phút mỗi ngày, có thể pha thêm muối để làm mềm da.

+ Dùng đá bọt, giũa chân hoặc dụng cụ chuyên dụng để chà nhẹ lớp da dày sau khi ngâm (không nên chà mạnh quá mức vì có thể gây xước, viêm).

+ Bôi kem chứa acid salicylic 5 - 40% tại chỗ để làm bong lớp sừng, cần bôi đúng vị trí, tránh lan sang da lành.

+ Giữ ẩm và bảo vệ da: Bôi kem dưỡng ẩm có chứa ure hoặc acid lactic (ví dụ: UreA, Carmol). Dùng miếng dán giảm ma sát hoặc vòng đệm silicon bảo vệ vùng da dày sừng khi đi lại.

- Thay đổi yếu tố cơ học:

+ Đổi loại giày dép phù hợp (mềm, vừa kích cỡ, gót thấp).

+ Nếu có biến dạng bàn chân hoặc phân bố lực tỳ không đều: cần thăm khám chuyên khoa để được tư vấn làm đế chỉnh hình.

 Điều trị ngoại khoa

Áp dụng với tổn thương nặng, tái phát nhiều lần, gây đau nhức hoặc ảnh hưởng vận động:

- Cắt gọt lớp sừng hoặc lõi tổn thương: Cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa. Với mụn mắt cá, việc lấy lõi sừng trung tâm là yếu tố quan trọng giúp giảm đau hiệu quả. Lưu ý đảm bảo vô khuẩn để tránh nhiễm trùng. Với chai chân, cắt bớt lớp sừng dày giúp giảm áp lực, cải thiện thẩm mỹ và giảm nguy cơ nứt nẻ.

- Áp lạnh: Dùng nitơ lỏng để phá hủy mô sừng. Áp dụng trong một số trường hợp mụn mắt cá dai dẳng.

- Phẫu thuật chỉnh hình: Trong các trường hợp tổn thương tái phát do bất thường bàn chân hoặc cấu trúc xương (như ngón chân búa, bàn chân bẹt, biến dạng khớp…), có thể cần can thiệp phẫu thuật để chỉnh sửa cấu trúc chịu lực, từ đó điều trị tận gốc vấn đề.

Gọt cắt lớp sừng hoặc lõi tổn thương có thể được chỉ định để điều trị mắt cá và chai chân

Gọt cắt lớp sừng hoặc lõi tổn thương có thể được chỉ định để điều trị mắt cá và chai chân

Trên đây là các thông tin cần thiết về mắt cá và chai chân. Để chẩn đoán và điều trị hiệu quả, bệnh nhân cần đến thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.



Tài liệu tham khảo:

Bolognia, J. L., Schaffer, J. V., & Cerroni, L. (2022). Dermatology (5th ed.)

James, W. D., Elston, D. M., Treat, J. R., Rosenbach, M. A., & Neuhaus, I. M. (2020). Andrews' Diseases of the Skin: Clinical Dermatology (13th ed.).

Habif, T. P. (2016). Clinical Dermatology: A Color Guide to Diagnosis and Therapy (6th ed.). 

Bộ Y tế. (2012). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (Quyết định số 1454/QĐ-BYT).


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ